Người bán cá dưới… đáy biển

Người bán cá dưới… đáy biển
TP - “Nghề phát hiện và bán cá dưới đáy biển”. Thoạt nghe, chả khác chi chuyện ra giá rao bán đất trên... Mặt trăng. Thế mà lại là một câu chuyện dài có thật trăm phần trăm.
Người bán cá dưới… đáy biển ảnh 1
Ông lão Gạt trên con thuyền thân yêu của mình

Câu chuyện diễn ra ở làng chài gối đầu bên bãi tắm thơ mộng đẹp tuyệt trần Cửa Tùng mà ông vua ham chơi Bảo Đại đã từng thốt lên: “Đúng là Nữ hoàng của các bãi tắm!”. Nhân vật ấy tên Gạt, họ Lê, Tết Đoan Ngọ Đinh Hợi vừa rồi chẵn 80 tuổi.     

Tầm 9 giờ sáng, trước lúc phóng xe máy ngót 100 cây số về làng biển An Đức 3, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Linh, Quảng Trị), chúng tôi phôn cho Chủ tịch xã Nguyễn Đình Tế gặng hỏi những mấy lần nữa cho “chắc ăn”, khiến ông Chủ tịch vốn nhẹ nhàng vui tính bữa nay phải nổi quạu quát bằng cái giọng đặc trưng nhanh như chim hót trong ống nghe: “Mấy ông nhà báo đa nghi như Tào Tháo. Tuỳ, tin thì tin mà không tin thì thôi!”.

Hóa ra nhà ông lão Gạt áp cây cầu Cửa Tùng 61 tỷ đồng mới rầm rộ băng cờ khẩu hiệu khánh thành cách đây mấy hôm, nối tuyến đường du lịch chạy vòng cung ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Địa đạo Vĩnh Mốc - Lũy thép Vĩnh Linh.

Ngư dân An Đức 3, làng chài ông lão Gạt đang sinh sống quả quyết, bán cá dưới... đáy biển - đó là cái nghề trời phú cho bởi chỉ có ông lão mới có được con mắt nhìn thấu đáy biển để biết được trữ lượng cá của từng vùng biển nơi thuyền đi qua. Nhưng tuyệt nhiên không ai biết được rằng chuyến đi biển hằng ngày của ông lão bắt đầu từ lúc mấy giờ vì đó là chuyện rất bí mật.

Đi biển giỏi cưới được vợ đẹp

Đã sang tuổi  bát tuần, vậy mà ông lão vẫn còn vạm vỡ lắm, cái vâm váp của một ngư dân từng trải sóng gió biển cả. Làng An Đức 3, nơi ông lão sinh sống ghếch mặt ra biển Đông.Từ làng bước ra biển chỉ mấy bước chân, năm 16 tuổi, đã rành rẽ điệu nghệ nghề biển giã.

Non hai năm sau được phong làm thuyền trưởng của một chiếc thuyền đánh cá. Năm sau nữa cưới được cô vợ xinh xẻo nết na nhất vùng. Vợ là người cùng làng, bằng tuổi. Ông lão Gạt cười hề hề: “Hồi nớ thấy tui đi biển tài quá nên gặp là bà ưng liền, chứ tui có tán tỉnh chi mô”. Ông lão lại cười, một nụ cười thật sảng khoái, đôn hậu.

Qua bao năm tháng nhọc nhằn giữa biển cả mênh mông, giờ đây hầu hết các con đường trên biển ông lão đều thuộc như lòng bàn tay, thậm chí biết rất rõ vùng biển cả quanh đảo Cồn Cỏ có bao nhiêu rạn đá ngầm, hay giữa biển khơi, ông lão thừa sức xác định được mình đang đứng ở vị trí nào.

Để nhớ các vị trí trên biển, ông lão đã làm một phép tính theo hệ quy chiếu. Từ ngoài biển, phóng mắt nhìn về dãy Trường Sơn để xác định các quả núi mang hình dáng, đại loại như Mẹ bồng con, Thiếu nữ đợi chồng, Mục đồng chăn trâu, Tiều phu gánh củi, vân vân và vân vân.

Bằng cách nhìn chiếu vào các hình hài ước lệ ấy mà định vị con thuyền của mình đang đứng ở điểm nào trên biển. Ông lão bảo: “Đi biển có nghề đại loại là như rứa đó, nhưng không phải ai làm nghề biển cũng đều có khả năng rứa mô, phải kinh qua vô vàn gian lao cực khổ thậm chí suýt mất mạng với những mưa nguồn chớp biển mới có được từng nớ kinh nghiệm”.

Nhìn thấu đáy biển

Hôm ấy, chuyến đi biển của gia đình ông lão Gạt xuất phát vào lúc chiều tối. Gần khuya thì chiếc thuyền 30 mã lực ra đến ngư trường phía bắc đảo Cồn Cỏ. Giữa trùng khơi mênh mông, nhưng nhìn biển là ông lão đoán được nơi nào có trữ lượng cá nhiều hay ít. Cái tài của ông lão Gạt hiếm ai làm được.

Ông bảo, mỗi tháng biển có hai đến ba “con nước sinh”. Khi ấy lũ cá thường bơi lên gần mặt nước quần tụ thành từng đàn với trữ lượng hàng chục tấn, làm mặt nước biển sủi tăm. Ông thường chọn thời điểm này để ra khơi đánh cá. Do vậy, mẻ lưới nào cũng trúng lớn.

Một cách khám phá khác nữa là buông câu xuống biển là biết ngay trữ lượng cá. Ông lão bảo, sự va chạm của cá và dây cước càng nhiều thì trữ lượng cá ở vùng đó càng lớn. Bởi vậy mỗi khi phát hiện được bãi cá lớn, ông liền ới những bạn thuyền khác đến cùng vây đánh.

Chưa hết, cái chiêu nhử cá của ông lão mới tài. Không cần chờ đàn cá xuất hiện, ông lão dùng cây tra để gọi cá về. Cách làm cây tra đơn giản là dùng tre kết thành lồng hình tam giác có chiều cao gần 2 mét, bên trong chất đầy đá, phía trên lồng phủ kín bằng lá tre.

Khi có đủ ba chiếc lồng rồi thì kết lại với nhau thành một cây tra thả xuống biển nhử cá. Mỗi năm như vậy chỉ cần làm một cây tra là đánh suốt cả mùa vẫn không hết cá với đủ các loại cá ngon như chim, hồng, nục, mú, thu…

Nhiều lúc thuyền ra biển chỉ mới một ngày nhưng trúng quá, ông lão Gạt phải quay thuyền sớm vào bờ để bán cá rồi mới trở lại đánh bắt tiếp. Gia đình ông lão chỉ dùng thuyền nhỏ, những lúc gặp cá nhiều như vậy ông dùng máy bộ đàm gọi các tàu lớn đến bán lại lượng cá đang được nhử ở… đáy biển.

Phương thức ăn chia của dân đi biển rất rạch ròi sòng phẳng. Thông thường mỗi lần chia cá dưới… đáy biển thì người có công phát hiện như ông lão Gạt được ăn chia theo tỷ lệ 40/60 còn lại là của chủ phương tiện đánh bắt.

Nhiều lúc ông lão không cần chia mà bán đứt luôn lượng cá dưới biển. Chủ thuyền đến mua cá dùng máy tầm ngư để xác định trữ lượng cá, rồi thỏa thuận giá cả. Cách bán đứt như thế rất rẻ, chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng “tiền tươi”, nhưng đó là cái lộc của ông lão, và chỉ ông lão mới có.

Đang mải miết chuyện nghề chài lưới biển cả, bất chợt ông Gạt chùng giọng: “Bữa ni con người đối xử với biển quá dữ dằn, thô bạo. Ngày trước đâu có chuyện cướp giật trên biển, nay đó là chuyện thường ngày. Biển đau do con người gây nên!”.

Nhiều lần khi bán xong cá dưới đáy biển, ỷ lại thuyền lớn, không ít kẻ giở trò du côn lưu manh khư khư không chịu trả tiền công phát hiện cá mà còn đuổi luôn cả thuyền ông lão đi nơi khác thật xa để chiếm luôn ngư trường màu mỡ ấy.

Mới đây, trong một lần đánh cá ở vùng hải giới hai tỉnh Quảng Trị với Quảng Bình, chiếc thuyền của cha con ông lão đã bị kẻ xấu cướp sạch sành sanh từ cá đến lưới. Đó là chưa kể việc dùng hoá chất, mìn, bộc phá đánh bắt cá một cách tận diệt vô tội vạ. 

Ông lão Gạt bảo, bây chừ đã 80, sẽ không đi biển nữa mà truyền lại cái nghề độc đáo này cho thằng Thái, đứa con trai thứ luôn sát cánh trong những tháng ngày miệt mài làm ăn trên biển.

“Tui tự hào có biệt tài là chộ được cá dưới đáy biển nhưng không phải không học được nên quyết dạy cho con. Chỉ vài chiêu thôi, nếu chịu khó học hỏi, con trai mình cũng có được bí quyết lận lưng để sống thoải mái với biển cả” - Người ngư phủ già tâm sự. 

Anh Thái bảo: “Mấy ngày qua không đi biển được, không được ngó được ngắm nghía con sóng bạc đầu lao xao trước biển, cha tui buồn buồn”. Ông lão Gạt buồn vì nhớ biển. Ông lão vẫn yêu biển một cách dạt dào dữ dội như thời thanh niên thủa trai trẻ. Càng yêu biển bao nhiêu ông lão càng luyến tiếc bấy nhiêu, bởi đối với ông, biển là nhà, là cuộc sống, là tình yêu của ông…

Cửa Tùng-Đông Hà

MỚI - NÓNG