Người chi chút với cổ thành

Người chi chút với cổ thành
TP - Tại Viện Khảo cổ học có lưu giữ chiếc chuông voi nặng cả chục ký. Quân Đại Việt khi xung trận thường cột chuông vào cổ voi để âm thanh của chuông kích thích cổ súy voi lẫn quân sĩ. Chuông được lập hồ sơ cẩn thận. Tỷ như xuất xứ nguồn gốc, nơi tìm thấy chuông... Trong đó có mục ghi người từng sở hữu chuông đã đem hiến tặng Viện Khảo cổ học...

> Lời giải cho một bí ẩn

Ông Phạm Văn Chấy bên phiến đá oan khiên. Ảnh: Xuân Ba
Ông Phạm Văn Chấy bên phiến đá oan khiên. Ảnh: Xuân Ba.

Cũng đã lâu, tôi mới gặp lại ông, người hiến tặng chuông. Gọi gặp lại bởi những năm tám, chín mươi của thế kỷ trước, ông là Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Lộc đến 3 khóa liền. Làng ông ngay sát Thành Hồ, làng Mỹ Xuyên, xã Vĩnh Yên, cách cái công trường khai thác đá xây Thành Hồ vừa phát lộ mỗi cánh đồng hẹp.

Vị quan huyện độc đáo

Hoàn cảnh hay cú hích để ông quyết định hiến bộ chuông quý mà thời điểm đầu 90 cánh buôn đồ cổ nài ông với cái giá 50 triệu đồng? Dịp ấy, các GS Trần Quốc Vượng và Phan Huy Lê dẫn một số nhà khoa học nhà nghiên cứu trẻ về điền dã ở Thành Hồ.

Khi đó ông đương là Phó Chủ tịch huyện phụ trách văn xã. GS Vượng, GS Lê và học trò cùng các cộng sự lấy làm lạ bởi suốt thời gian tháp tùng đoàn công tác, cái anh quan huyện người manh mảnh này ngoài chuyện thông thạo gần như làu làu địa hình địa vật khu vực Thành Hồ, còn có những phát biểu kiến giải táo bạo, độc đáo.

Có nhiều sự kiện và hiện vật khi ấy sót lại ở Thành Hồ, ông Phó chủ tịch này nhận xét như một thứ định đề vỡ vạc cho một hướng nghiên cứu. Tỷ như con đường vận chuyển đá vào xây Thành Hồ.

Bây giờ người ta chỉ mang máng rằng có một cái tên địa danh Chuyền đá nào đó... Ông nói vùng này thổ nhưỡng từ xa xưa đã là đất lầy thụt.

Thời nhà Hồ chắc lầy nữa. Để vận chuyển các khối đá phiến đá về công trình, dứt khoát phải có một hoặc mấy con đường. Mặt đường tối thiểu phải là 5m, lát bằng các phiến đá phẳng dài từ 1m đến 1,5m, dày 2 đến 3 phân.

Trước khi lát đá, nền đường phải được dầm nện kỹ. Khi vận chuyển, người xưa xếp trên mặt đường một băng chuyền các con lăn làm bằng gỗ tốt ( lim, trắc, gụ) xen các hòn bi đá cứng.

Chiều dài các con lăn phải từ mét rưỡi đến 2 mét. Đường kính con lăn phải từ 2 đến 3 phân. Bằng cớ là bây giờ dân làng Tây Giai bên Thành Hồ thi thoảng vẫn đào được các con lăn chìm sâu trong lòng đất...

Người ta tò mò gạn tiếp ông rằng quy trình lăn đá của người xưa sẽ như thế nào?

Ông rành rẽ rằng cứ khoảng một con lăn ngắn lại xếp một con lăn dài. Hai đầu các con lăn được đóng cọ ghìm chắc, giữa các con lăn xếp chèn các viên bi đá.

Đường kính viên bi tương đương các con lăn để khi đẩy đá các con lăn không bị chẹt nhau mà chỉ xoay tròn tại chỗ khiến các phiến đá được kéo và đẩy trên bề mặt các con lăn và bi đá hệt như một hệ thống băng chuyền!

Hình như đến bây giờ cũng chưa có ý kiến khác về hệ thống cung cách chuyền đá ở Thành Hồ?

 Ông nói vui cả đời mình làm phó, nay là phó thường dân. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn dành những khoảng thời gian bận bịu với Thành Hồ!.

Ông từng cự cãi rất hăng với một vị trong đoàn điền dã rằng bề cao thành nhà Hồ không nhất loạt đồng đều với độ cao của 4 cổng thành mà chỉ được đắp xen lẫn với đá dăm cát sỏi bám theo độ cao 5 lớp đá của thành Hồ theo lối trực sinh (sinh - lão - bệnh tử - sinh).

Mãi sau này khi khắc phục một đoạn tường thành sụt, cứ tưởng chỉ đơn thuần xếp lại những phiến đá cho ngay ngắn hóa ra bên thi công phải mất đến nửa năm trời moi ra hơn 600m3 đá dăm cùng cát sỏi độn giữa những phiến đá. Hóa ra ông có lý!

Khi đó ông cũng không ngần ngại dứt khoát rằng đá xây thành phải lấy ở khu vực quanh thành thì mới kịp tiến độ như chính sử đã ghi và phù hợp với cung cách vận chuyển đá như ông vừa nêu! Nhưng tiếc thay khi ấy và sau này người ta đã bỏ qua không chú mục vào rặng núi đá An Tôn, nơi bây giờ phát lộ ra công trường khai thác đá cổ.

Ông cũng ráo riết quan điểm rằng Thành Hồ không thể xây ba tháng như chính sử mà phải là 3 năm.

Ngoài 3 năm ra có thể phải 6 năm cho Thành Hồ vừa xây vừa ở! Ông đưa ra những dẫn chứng mới nghe qua không phải là không có lý? Nhưng lý gì thì lý, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào hay thư tịch cổ nào bác được cái câu đóng đinh trong chính sử Đại Việt là Thành Hồ việc ba tháng thì xong! Liệu chính sử có lầm lẫn?

... Bữa cơm chia tay Đoàn điền dã, GS Trần Quốc Vượng vui vẻ mời ông ngồi giữa mình và GS Phan Huy Lê. GS Vượng nói vui rằng trước nay “chưa có ai dám ngồi giữa tôi với GS Lê đâu nhé”! Giữa những tiếng cười vui, GS Vượng nghiêm trang phát biểu rằng giá như quan chức xứ mình có nhiều người như ông thì ngành cổ sử nước nhà sẽ nhẹ gánh đi nhiều lắm! Trong bữa cơm ấy ông cũng bộc bạch câu chuyện cái chuông voi.

Số là cậu bé chăn trâu xã ông không biết đào xới chi đó ở khu vực Đồng Ải của xã đã vớ được rồi đem bán cho ông. Việc loang xa. Đám buôn đồ cổ cứ bám riết.

Nhưng ông dứt khoát không nhượng lại. GS Vượng chăm chú nghe và gợi ý ông nên bán cho Viện Khảo cổ. Nhưng ông không bán mà quyết định hiến tặng.

Vấn vít với Thành Hồ

... Nhân nhắc lại chuyện chuông voi, bữa gặp lại mới đây, ông kể cho nghe một chuyện mà nghĩ lại cứ sơn sởn. Cái chuông voi ấy dứt khoát phải rơi rụng trên cánh đồng làng ông từ thời Hồ.

Địa danh Hang Tượng trong dẫy núi đá An Tôn chắc thuở ấy lèn chặt những voi chiến của Hồ Quý Ly. Voi được sử dụng để xây dựng thành. Kéo những khối đá phiến đá hàng chục tấn trên băng chuyền phải là voi.

Cũng tại khu Hang Tượng này dân đinh già trẻ lớn bé một xóm nhỏ gần Hang Tượng đã bị tàn sát gần hết. Duyên do là một thớt voi trong hang bỗng dưng biến mất! Người ta tìm thấy xương và da voi.

Thớt voi ấy đã bị trộm giết thịt. Kỷ luật việc binh nghiêm nhặt cộng với tiến độ xây dựng gấp gáp Thành Hồ đã khiến dân lành mắc oan.

Tôi chưa kịp ngó qua cuốn sách Thành Nhà Hồ và những câu chuyện xây thành đắp lũy của ông do NXB Thanh Hóa ấn hành, tái bản đến lần thứ 3 mà ông mới tặng vì còn đương mải nghe chuyện ông.

Chuyện cái năm ông Nguyễn Dy Niên, khi ấy là thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch ủy ban UNESCO Việt Nam về Thành Hồ quan sát kỹ 4 bức trường thành.

Thấy đoạn sát Đông Cung Tây Cung bên hồ Dục Thúy bị sạt lở nặng, Thứ trưởng đã trình UNESCO xin 20 ngàn USD để khắc phục. Khi ấy ông là Phó ban trực tiếp chỉ đạo công trình chống sạt lở.

Không biết cơn cớ gì, bữa ấy trong bộn bề ngổn ngang của công trường, thốt nhiên ông chăm chắm đến phiến đá xây thành bị vùi không biết từ khi nào dưới mặt ruộng cách đoạn tường thành mấy chục mét! Cơn cớ gì khiến phiến đá kia lại lẻ loi làm vậy? Ông hối thúc mấy công nhân cẩu phiến đã ấy lên. Khối đá từ từ rời vị trí.

Cậu công nhân cẩu suýt buông tay điều khiển bởi bỗng hiện ra một bộ hài cốt xương hẵng còn trắng ngà (người ta nói cốt tốt) ngay bên dưới phiến đá.

Bộ cốt này nằm đây đã bao đời rồi? Rất có thể một buổi chiều muộn xây thành hơn 600 năm trước, phiến đá khổng lồ này sắp được kích lên mặt thành bỗng tuột đòn, đứt dây vuột vù xuống đám ruộng này làm bẹp dí tức khắc một người phu, một anh lính? Ông cho mua tiểu sành, vàng hương cho mai táng cẩn thận.

Xử lý thế nào với phiến đá này? Anh em thợ bàn nhau hay là để nguyên, lấp đất lại tại vị trí cũ nhưng ông quyết định cẩu lên đặt vào một vị trí của tường thành. Bữa nọ tôi có bấm kiểu hình ông bên phiến đá oan khiên ấy.

Tôi ngạc nhiên khi ông đưa ra con số dân Đại Việt thời điểm xây Thành Hồ khoảng gần 4 triệu người! Gần như một phần ba cả tráng đinh (dân) lẫn quân đội được huy động để hoàn thành những khối lượng công việc nội chỉ trong mấy năm mà thời hiện đại này nghe còn phải sởn da gà.

Không phải chỉ có đại công trường xây Thành Hồ đâu nhé! Thời điểm ấy còn đồng thời xây Đàn tế Nam Giao ở Đốn Sơn cách thành hơn cây số.

Công trường xây đàn cũng đã ngốn bao nhân lực vật lực. Vẫn chưa hết. Bây giờ ít ai nói đến Ly Cung Nhà Hồ cách Thành Hồ đây mười lăm cây số xuôi mạn Nam. Công trình ấy nên gọi là một vệ tinh của Thành Hồ được lắm.

Hồ Quý Ly xây Ly Cung có lẽ chỉ trước Thành Hồ 1 - 2 năm chi đó. Ly Cung chính là Tháp Bảo Thanh đồ sộ hoành tráng (những chân cột tảng tương ứng với những cột lim tày ôm còn sót lại) với ý đồ dời đô.

Nhưng có lẽ nhận ra cái thế hãm địa của Ly Cung nên Hồ Quý Ly dời lên Thành Hồ?

Tôi nhìn ông đương thở dài mà ngó ra nắng, chao ôi, thời điểm ấy biết bao nhân tài vật lực của Đại Việt đã được huy động? Bao kíp thợ ngõa, thợ mộc tài khéo nhất nước Nam đã được điều đến các công trình của Hồ Quý Ly?

Bao nhiêu chuyện lạ mà chưa thấy ông đưa vô sách? Có lẽ phải những lần tái bản hoặc cuốn mới? Chẳng phải ngẫu nhiên sau 3 khóa làm Phó chủ tịch huyện, ông được điều về Phó trưởng Ban Quản lý các khu di tích Lịch sử Lam Kinh.

Niềm hiếu cổ thành kính và sự sốt mến với công tích của tiền nhân, sự say mê ham học ham đọc là những thứ thường trực âm ỉ và cũng dễ phát lộ ở ông.

Ông nói vui cả đời mình làm phó, nay là phó thường dân. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn dành những khoảng thời gian bận bịu với Thành Hồ!

Tên ông nhiều người dễ nhớ. Chỉ gặp mỗi lần là thuộc bởi cái tên dung dị như hoa quả quê nhà. Quả, người Xứ Thanh gọi là chấy. Ông là Phạm Văn Chấy!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG