Người chiến binh cuối cùng của Thế chiến thứ nhất

Người chiến binh cuối cùng của Thế chiến thứ nhất
TP - Claude Stanley Choules, cựu binh có tham gia chiến đấu cuối cùng của Đại chiến Thế giới lần thứ nhất đã qua đời ngày 5-5-2011 tại Australia, thọ 110 tuổi.
Người chiến binh cuối cùng của Thế chiến thứ nhất ảnh 1

Claude Choules qua đời trong một nhà dưỡng lão ở thành phố Perth. Những năm cuối đời, người cựu chiến binh này bị mất hẳn thị lực và thính lực, nhưng ông vẫn minh mẫn và từ chối không dùng thuốc.

Chứng nhân cuối cùng của một bi kịch lớn

Hai năm trước khi chết, do con cái nài nỉ, ông đã dự một khóa viết văn sau đó ghi lại các hồi ức của mình rồi xuất bản thành cuốn sách có tên Người cuối cùng trong những người cuối. Vậy nên, ở tuổi 108 khi đó, ông có thể là tác giả xuất bản sách nhiều tuổi nhất thế giới. Ông cũng là người cao tuổi nhất Australia, cao tuổi thứ 7 trên thế giới, là người cao tuổi thứ 3 trong các cựu binh được xác định còn sống, lính thủy cuối cùng của Đại chiến Thế giới I và là chiến binh cuối cùng tham gia cả hai Thế chiến. Ông cũng trở thành người già nhất còn sống sinh ra ở Vương quốc Anh sau khi người giữ kỷ lục này là Stanley Lucas qua đời vào ngày 21-6-2010.

Trong cuốn Người cuối cùng trong những người cuối, ông kể rằng ông gia nhập lực lượng hải quân Anh khi mới 14 tuổi 1 tháng. Để lọt vào quân đội, ông đã phải khai thêm đôi tuổi. Yêu mến tính tình hài hước vui nhộn của Choules, các đồng đội đặt cho cậu biệt danh "Chuckles" – Thằng cười.

Đại chiến thế giới lần thứ nhất, ông tham gia trên một chiến hạm.

Bản chất của cuộc chiến tranh này được nữ nhà văn Mỹ Barbara Tachman mô tả đầy màu sắc trong tác phẩm nổi tiếng Những khẩu đại bác tháng Tám: "Các cuộc tiến công giống như một cuộc loạn đả khi mà hàng trăm, hàng nghìn người chết chỉ để chiếm chục mét lãnh thổ của địch quân, chuyển từ con hào này sang con hào khác cũng đầy bùn lầy nhão nhoét, xúc phạm đến lương tri và phẩm giá con người". Chiến tranh cuối cùng cũng kết thúc, hậu quả để lại của nó là sự thất vọng. "Thế hệ chúng ta không còn lại những ngôn từ vĩ đại" - Nhà văn Anh David Lawrence nói với những người cùng thời. Còn nhà thơ Bỉ Emile Verhaeren thì nói với nỗi đau về "con người mà tôi đã từng...".

Claude Choules may mắn không phải dầm mình trong các lô cốt ngập nước ở Ypern (Bỉ), không phải trải qua địa ngục của cối xay thịt Verdun (Pháp), không phải lao lên trong những đợt tấn công vô vọng ở Passchendaele (Bỉ). Con đường chiến tranh của ông khiêm tốn hơn. Thoạt tiên, năm 1915, ở tuổi 15, ông phục vụ trên con tàu huấn luyện HMS Circe tại căn cứ ở Plymouth. Năm 1917, khi mới 16 tuổi, ông chuyển qua tàu chiến đấu HMS Revenge. Đây là tàu mang cờ hiệu của Hải đoàn tác chiến thứ nhất hạm đội Anh đóng ở Scapa Flow, khu vực quần đảo Orkney Islands, ngoài khơi Scotland.

Trên con tàu HMS Revenge, Claude Choules được chứng kiến Hải quân Đức đầu hàng ở Firth of Forth, bên bờ đông Scotland, vào ngày 21-11-1918. Việc đầu hàng diễn ra 10 ngày sau khi các bên đình chiến. “Không còn dấu hiệu chiến đấu nào từ phía người Đức khi họ đi ra từ sương mù vào lúc khoảng 10 giờ sáng” – Ông viết như vậy về sự kiện này trong cuốn hồi ký. Ông cũng nhớ lại rằng lá cờ Đức đã bị kéo mạnh xuống đúng vào lúc hoàng hôn. “Cái ngày trọng yếu nhất của biên niên sử hải chiến đã kết thúc như thế - ông viết - Cả một hạm đội đã đầu hàng mà không bắn một phát súng”.

Sinh nhật lần thứ 108 của Claude Choules
Sinh nhật lần thứ 108 của Claude Choules.

Và ông cũng có mặt tại Scapa Flow gần Orkney Islands ngày 21-6-1919, khi người Đức đánh đắm tất cả các chiến hạm của họ thuộc Hạm đội biển lớn, hạm đội tác chiến chủ yếu trong Thế chiến I của họ, để chúng không lọt vào tay người Anh.

Ông không phải là anh hùng của cuộc Đại chiến gần 100 năm trước, nhưng ông là người cuối cùng đã chiến đấu trong nó sống cho đến thời đại chúng ta và điều đó ở một mức độ nhất định sẽ lưu danh ông vào sử sách. Ông không phải là người đầu tiên và người giỏi nhất, nhưng ông là người cuối cùng. Với sự ra đi của ông, một dấu chấm nhất định được đặt vào lịch sử của Thế chiến thứ nhất. Trong việc này có một nỗi buồn nào đó không tránh khỏi. Giờ không còn ai có thể kể trực tiếp cho chúng ta bi kịch lớn lao đó của loài người nữa. Và chúng ta, hậu duệ của họ chỉ có thể mang đi tiếp những gì họ đã kể...

Người ghét chiến tranh

Năm 1926, Claude Choules cùng 11 lính thủy kỳ cựu khác của Hải quân Anh sang làm công tác hướng dẫn ở Xưởng tàu chiến Flinders, gần Melbourne, Australia.

Choules và thế hệ của ông đã hy sinh cho nền tự do của chúng ta và chúng ta sẽ không bao giờ quên", Thủ tướng Australia Julia Gillard

Sau khi trải nghiệm và thích lối sống của Australia , ông chuyển hẳn sang phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Australia. Ông giải ngũ năm 1931 nhưng vẫn có tên trong lực lượng dự bị như một hướng dẫn viên về thủy lôi và chống ngầm. Ông chưa bao giờ trở lại Anh.

Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông là sĩ quan chuyên về thủy lôi ở cảng Fremantle (bang Western Australia), sau đó phụ trách việc tiêu thổ ở bờ Tây đảo Australia.

Nhiệm vụ của ông là phá hủy các cảng và kho xăng dầu ở Fremantle trong trường hợp quân Nhật đánh chiếm. Choules cũng chịu trách nhiệm xử lý các loại thủy lôi của Đức dạt vào bờ trong thời gian chiến tranh tại vùng Esperance, West Australia.

Sau chiến tranh, Choules tiếp tục ở lại Hải quân Hoàng gia Australia một thời gian rồi chuyển qua lực lượng cảnh sát biển. Đến năm 1956 thì ông về hưu ở tuổi 55, sau 41 năm phục vụ. Sau đó ông làm nghề đánh bắt tôm. Ông mua một con tàu và trong vòng 10 năm tiếp theo đánh bắt hải sản dọc bờ biển Western Australia.

Nói về việc trở thành người Australia, Choules khẳng định khi ông trả lời phỏng vấn đài phát thanh Australia năm 2009: “Tôi từng chẳng là gì, nhưng tôi đã trở thành một ai đó ở nơi đây”. Ông cũng nói: “Tôi đã có một khởi đầu nghèo khó nhưng kết thúc mỹ mãn”.

Choules tránh xa các cuộc kỷ niệm ngày chiến tranh kết thúc, từ chối mọi lời mời đi diễu hành trong đoàn danh dự, vì ông phản đối mọi sự ca ngợi chiến tranh, mặc dù nó đã làm ông nổi tiếng toàn thế giới với tư cách là một trong những người cuối cùng còn sống. Trong cuốn sách của mình ông viết rằng ông luôn ghét chiến tranh, nhưng coi việc tham gia vào nó như một phương thức kiếm sống.

Người chiến binh cuối cùng của Thế chiến thứ nhất ảnh 3

Người đàn ông tốt của gia đình

Claude Choules sinh ra ở Pershore, Worcestershire, Anh, ngày 3-3-1901, sáu tuần sau khi Nữ hoàng Victoria qua đời, và là một trong 7 người con của gia đình vợ chồng Harry và Madeline. Cuộc đời ông không suôn sẻ. Mới 5 tuổi, người ta nói với ông rằng mẹ ông đã chết, nhưng sự thật đau lòng hơn: bà bỏ nhà ra đi theo nghiệp diễn viên. Các con ông nói rằng điều này đã gây tổn thương cho ông suốt đời. Có phải vì thế không mà ông rất yêu thương gia đình của mình? Ông Adrian, con trai của Choules nói: “Bố tôi chăm lo rất tốt cho gia đình và những người trong gia đình đáp lại bằng việc chăm sóc ông rất chu đáo. Ông biết là chỉ có thể nhận khi đã cho và ông là một hình mẫu đẹp về chuyện đó. Ông ấy là một người đàn ông tuyệt vời của gia đình”.

"Gia đình là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời bố tôi” –con gái của ông, bà Anne Pow, cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2010. Bà Daphne Choules-Edinger, 84 tuổi, một con gái khác của ông, thì nói: "Tất cả chúng tôi đều yêu thương ông. Thật buồn khi nghĩ rằng không còn ông ở đây nữa. Nhưng mọi chuyện đã được sắp đặt như vậy".

Claude Choules và vợ ông là bà Ethel gặp nhau trong ngày đầu tiên trong hải trình 6 tuần đưa họ từ Anh sang Australia trên một con tàu khách. “Tôi nghĩ đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, ít nhất là từ phía tôi.” – ông viết trong cuốn hồi ký. Mười tháng sau, ngày 3-12-1926, họ cưới và sau đó đến sống ở bang Western Australia. Họ sống với nhau 76 năm, cho đến khi bà mất năm 2003 ở tuổi 98. Họ có với nhau 3 con, 11 cháu, 22 chắt và 3 chút. Bà Anne Pow kể rằng cho đến những ngày cuối bên nhau, bố và mẹ người hơn, người kém trăm tuổi của bà vẫn thích ngồi cạnh nhau, tay nắm tay.

Ngay cả khi đã hơn 100 tuổi, ông vẫn khoẻ mạnh và có cuộc sống tích cực. Ông vẫn khiêu vũ cho đến vài năm trước đây. Ông bơi thường xuyên ở các bãi biển nước ấm và chỉ dừng khi tuổi đã quá 100. Ông thích bắt đầu một ngày bằng một bát cháo yến mạch đặc và thỉnh thoảng tự thưởng cho mình những thức mà ông ưa thích như nước xoài và sô cô la. Ông tiết lộ bí quyết sống lâu của mình là “tiếp tục thở”. Đôi khi ông ghi công sự sống lâu của mình cho dầu gan cá. Nhưng các con của ông nói rằng trong thâm tâm, ông tin tình yêu của gia đình dành cho ông đã giúp ông sống lâu đến vậy.

Ông đã từng xuất hiện trong các loạt phim, tài liệu của Hãng BBC như The Last Tommy (2005) và Harry Patch – The Last Tommy (2009).

Sau cái chết của Claude Choules, ở tuổi 110, bà Florence Green, người Anh, trở thành cựu binh cuối cùng của Thế chiến I còn sống. Tuy nhiên khác với Claude Choules, bà không trực tiếp chiến đấu mà làm cô nuôi trong một đơn vị nữ của Không quân Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.