Người Cơ Tu ở lưng chừng trời

Người Cơ Tu ở lưng chừng trời
TP -  Aur - nơi người dân hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, nơi không ai biết đến tiền. Nơi ngày ngày đàn ông đi rẫy, săn thú trên non, bắt cá dưới suối, đàn bà ở nhà nấu cơm và… đẻ.

Một khám phá mới về cuộc sống hoang sơ của 14 hộ dân trên non cao Trường Sơn thoáng đãng và thi vị giữa Xuân này...

Người Cơ Tu ở lưng chừng trời ảnh 1
Nụ cười hồn nhiên, trong trẻo và đầy sinh lực của những đứa trẻ Ảu. Ảnh: NC

Singapore giữa rừng già

Mỹ từ Singapore là do Bhriu Liếc - Chủ tịch huyện Tây Giang khoe với tôi khi nói về bản Aur (xã A Vương). Sạch sẽ, ấm no và trù phú – đó là tất cả những gì mà Aur giới thiệu với khách lạ.

Chiếc xe máy cũ kỹ của Bhling Đhơn – giao liên xã A Vương hồng hộc xả khói đen vượt qua mấy con dốc dựng đứng, đến đầu thôn Zaréch thì đứng hẳn. Đhơn vứt xe ở bìa rừng, gọn lỏn: đi bộ.

Đi từ sáng tới quá trưa, vượt qua những con dốc thăm thẳm, dựng đứng, băng qua những con đường nhỏ như sợi chỉ trên triền núi, vắt ngang miệng vực, trời mưa như trút, đường trơn nhẫy, phía dưới là tiếng suối Mơ rooy ầm ào hun hút. Tôi nhắm mắt, cầu khẩn trời đất và run run nhích từng bước. Chỉ cần tích tắc phân tâm, có lẽ ba ngày sau tôi mới rơi tới đáy vực Mơ rooy.

Đhơn thú thật: Em làm giao liên xã được 5 năm nhưng đây mới là lần thứ 3 vào Aur. Từ lưng đồi, muốn lên tới đỉnh ở bản Aur phải leo hơn 100 bậc tam cấp bằng cây gỗ. Chưa có bản dân tộc Cơ tu nào có sáng kiến hay như vậy. Nhìn tứ phía, chỉ thấy bạt ngàn mây trắng, Aur theo cảm nhận đầu tiên của tôi – Sống ở trên trời. Chỉ một cái với tay, dường như tôi đã chạm tới trời xanh. Trường Sơn đại ngàn giờ như ở đâu đó dưới kia, xa lắm…

Già làng Ating Avi năm nay 95 tuổi, là một trong hai người sống lâu nhất ở Aur, bộ râu trắng như cước, tai đã nghễnh ngãng, nghe câu được câu mất. Ating Avi móm mém cười khi lần đầu tiên được nhìn thấy khách lạ tới làng: Năm nay già đi (chết) được rồi, giao lại việc làng cho thằng Alăng Zèng.

Alăng Zèng năm nay 68 tuổi, từng là cựu chiến binh cầm súng đánh Mỹ ở miền núi A Lưới. Mặc đồ bộ đội, hút thuốc bằng tẩu. Alăng Zèng dẫn tôi đi khắp bản khoe sự trù phú, giàu có và sạch sẽ của bản Aur. Quả thật, chỉ 14 hộ dân với 86 khẩu, Aur nằm trên một bãi đất rộng giữa đỉnh núi, thoáng đãng và sạch sẽ vô cùng.

Buổi trưa trời hửng nắng, mây tan, Aur lấp ló hiện ra, đẹp như tranh vẽ. Đàn ông đi rẫy hết, chỉ còn người già và phụ nữ. Bể tắm giặt của bản nước trong veo, chảy ào ạt cả ngày đêm, mát rượi. Trẻ con ùa ra đón khách lạ, háo hức trước ống kính.

Không như những đứa trẻ ở các bản Cơ tu khác, trẻ nơi đây trắng trẻo, thơm tho như ở thành phố. Hai chị em Alăng Ngọc và Alăng Mai mới tan học, cười tan giòn trong nắng. Ngọc mười tuổi và Mai mới 7 tuổi, lễ phép: Bố mẹ cháu đi rẫy cả rồi. Chúng cháu học lớp thầy Uyên, buổi nào cũng được thầy khen.

Alăng Zèng dẫn tôi vào nhà ông. Căn nhà cất bằng gỗ, nhỏ nhắn và sạch sẽ. Tịnh không một hạt bụi bám quanh bộ bàn ghế bằng gỗ pơmu bóng loáng. Tỷ mẩn và say sưa, Alăng Zèng chỉ cặp ché cổ có hình đôi Rồng uốn lượn, hãnh diện: “Đây là cặp ché Rồng, có từ mấy trăm năm trước. Từ đời cụ kỵ nhà mình để lại, mình chẳng còn nhớ. Bao lần bản làng ly tán đổi thay, bao lần di cư từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, vứt bao nhiêu thứ, nhưng với cặp ché cổ này, nó đeo mình như hình với bóng”.

Trên cặp ché cổ, hình đôi rồng được khắc họa tinh xảo, từng đường vân xanh biếc nổi lên trên nền sứ trắng như ngọc. Tôi tò mò hỏi giá, Alăng Zèng lắc đầu: “Vô giá.

Mười năm trước, khi dân bản còn sống du mục trên những đỉnh núi, có mấy tay săn mật ong rừng người Kinh gạ mình đổi một chiếc ché lấy 3 cái xe máy xịn. Mình không đổi đâu, đây là vật gia truyền của ông bà tổ tiên để lại mà”.

Trên tủ thờ nhà Alăng Zèng, ngoài cặp ché Rồng còn có mấy cặp khác, cũng tinh xảo không kém. “Đây là cặp ché có tên Hoa Giấy, theo ông cụ nhà mình thì nó đắt gấp 3 lần cặp ché Rồng.

Còn chiếc ở giữa có tên là ché Thượng Thùy. Mình cũng chẳng hiểu nghĩa là gì. Nhưng nó đích thị là vật gia bảo bởi khi ông cụ mình mất, đã nắm tay dặn đi dặn lại, rằng dù bất cứ giá nào, dù mất cái gì thì cũng phải cố giữ cho được ché Thượng Thùy”.

Rời nhà Alăng Zèng, sang nhà cụ Alăng Tinh là mẹ của Alăng Zèng, năm nay đã quá trăm tuổi, đẹp lão, mắt sáng tinh anh. Nhà cụ Alăng Tinh là nhà sàn, sạch sẽ ngăn nắp. Gia sản của cụ cũng không gì ngoài ché và chiêng cổ.

Người Cơ Tu ở lưng chừng trời ảnh 2
Alăng Thảo thường kể chuyện đánh cọp với những đứa trẻ Aur. Ảnh: N.C

Anh hùng vô danh

Phải đến khi chiếu rượu trong nhà Gươl gần tàn, trong ánh lửa bập bùng, cụ bà Alăng Thảo mới ghé vào, thủng thẳng kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời bà – nữ chiến sĩ du kích từng bắn rơi máy bay Mỹ trên sông Hương (Thừa Thiên Huế) và bắn rơi con cọp dữ trên vùng rừng núi A Lưới. Cụ Alăng Thảo dù đã 74 tuổi nhưng mắt tinh anh, giọng nói rền vang. Ở Aur, cụ như một huyền thoại sống.

Alăng Thảo hồi nhỏ tên là Alăng Pró, sống ở bản xa nhất của xã Hưng Nguyên (huyện A Lưới – Thừa Thiên Huế). 16 tuổi, cô bé Pró gan dạ được sung vào đội du kích xã.

“Đó là một buổi trưa tháng 5-1966, khi già đang lên rừng hái rau kiếm củi, bên người vẫn cặp kè khẩu K44, còn gọi là súng trường, trời nắng chang chang, đang hái rau bên sườn núi, chợt nghe tiếng rền vang từ đằng xa. Ngước đầu lên đã thấy chiếc trực thăng trên đỉnh đầu.

Phía xa là 3 chiếc nữa. Mẹ lựa thế giương súng nhằm thẳng con ác là đen ngòm. Một phát, hai phát rồi đến phát đạn thứ 3, chiếc trực thăng bốc cháy. Khói đen bốc mù mịt, chiếc trực thăng quay liệng vài vòng rồi rơi xuống khe suối gần đó. Lửa cháy phừng phừng. Lúc này, 3 chiếc còn lại cũng nhanh chóng hạ cánh. Toán lính Mỹ to cao nhảy xuống cứu trợ.

Chừng tiếng đồng hồ sau, mẹ quay lại, chiếc máy bay chỉ còn thấy đống sắt vụn. Sau lần đó, huyện và tỉnh đội có trao bằng khen và tặng mẹ tấm ảnh Bác Hồ. Mẹ nâng niu bức ảnh đến bây giờ”.

Bắn rơi máy bay Mỹ không phải là chiến tích duy nhất của cụ Alăng Thảo, mà câu chuyện bắt cọp mới ly kỳ hấp dẫn…

Đó là năm 1967, chuyện xảy ra bên triền sông Bồ (A Lưới – Thừa Thiên Huế) – già làng Alăng Avi khơi gợi. Câu chuyện ly kỳ của mẹ Thảo – nữ Võ Tòng đả hổ khiến chúng tôi không ai bảo ai cùng xích lại gần nhau.

“Mẹ còn nhớ đó là đêm tháng 7 năm 1967, mẹ cắt rừng đưa thư liên lạc trong ấp ra ngoài cho bộ đội, về đến ngang dốc Suối thì trời tối mịt. Mưa rừng ập xuống, mẹ phải mắc võng, che bạt nằm ngủ, đợi sáng mai về chứ đang đêm, trời mưa loạng quạng lũ ập xuống cuốn phăng như chơi”.

Rồi mẹ Alăng Thảo thầm thì kể về ác mộng gặp cọp: “Đang đêm ngủ say, mẹ chợt mơ thấy một người đàn ông cầm dao đâm chí mạng vào người. Mẹ cướp dao đâm lại. Người đàn ông máu me đầm đìa, gào lên trước khi bỏ chạy: “Đáng kiếp, nhà ngươi gặp cọp dữ”.

“Tờ mờ sáng, mẹ vừa thức dậy, thì cảm thấy một mùi hôi nồng nặc xông lên, rất gần. Xuống suối rửa mặt, vừa ngước lên thì thấy bên kia bờ suối, con cọp dữ vằn vện chiếu đôi mắt hung dữ, lom lom nhìn mẹ. Khoảng cách chỉ chưa đầy mười thước. Con cọp to như trâu mộng. Lúc đó, mẹ chỉ còn biết hành động theo bản năng. Giơ khẩu K44, lên đạn và nhắm thẳng đôi mắt lạnh hơn thần chết của nó bóp cò. Chỉ một phát thôi, nếu trật, coi như rồi đời”.

Tuy nhiên, sau phát súng, con cọp không chết hẳn mà bay qua suối, lao thẳng vào người Alăng Thảo. “Thật may, lúc sáng mẹ có bật lưỡi lê từ nòng súng để lau chùi quên chưa gập xuống.

Người Cơ Tu ở lưng chừng trời ảnh 3
Lớp học Aur

Trong tích tắc đó, mẹ chỉ còn biết giơ lưỡi lên, nhắm thẳng cuống họng ác thú đâm tới. Thật kinh khủng, sức nặng hàng tạ của nó đổ ập vào người. Lưỡi lên sắc bén xuyên từ cổ ra sau gáy con cọp.

Cũng nhờ phát súng ghim vào sọ trước đó nên con cọp mới chịu chết. Mẹ chỉ bị gãy tay vì bị nó đè. Đến giờ, sau hơn 40 năm, mẹ không thể quên buổi sáng kinh hoàng bên suối đó”. Sau chiến tích giết cọp, cả bản Ktom thời đó ăn mừng suốt hai ngày. Ai cũng nói giết được con cọp dữ như giải phóng được đồn địch.

Thầy giáo của Aur

Khi chúng tôi tới bậc thang cuối cùng lên bản Aur thì cũng là lúc hàng chục đứa trẻ tan trường. Thầy giáo của chúng là một anh chàng cao ráo đẹp trai, người Kinh tình nguyện lên dạy chữ cho trẻ bản Aur mấy năm rồi. Đó là thầy giáo Lê Nam Uyên – người xã Bình An (huyện Thăng Bình – Quảng Nam).

Thầy Lê Nam Uyên năm nay 30 tuổi, từng gắn mình với học trò Cơ tu đến 7 năm ở xã biên giới Ch’ơm (Tây Giang). Khi nghe tin bản Aur gặp khó khăn, thầy Uyên đã tình nguyện lên sống ở bản dạy chữ cho trẻ.

“Bây giờ còn có đường đi bộ vào. Chứ cách đây 3 năm, hồi tôi mới lên đây, phải cắt rừng lội suối, đi từ xã A Vương vào đây mất hai ngày. Được cái sống ở đây thoáng đãng, sạch sẽ và trẻ em thì ham học và sáng dạ lắm”.

Thầy Uyên xòe tay, nhẩm tính: Lúc đầu tôi dạy cả năm lớp 1 – 5 trong một phòng, năm ngoái có thêm thầy Đông cùng lên giúp sức. Lớp 1 có 2 em, lớp 2 bảy em, lớp 3 hai em, lớp 4 ba em, lớp 5 có bốn em. Cứ thế chia nhau dạy từ sáng đến tối. Thầy trò quây quần bên nhau học. Nhà ở dân bản làm cho, cơm dân bản nấu cho. Mình gắn bó với Aur quá rồi, giờ không muốn về xuôi nữa”.

Tôi và Đhơn mất cả buổi mới bò vào được Aur, nhưng thầy Uyên mỗi tuần phải ra A Vương một lần, để họp và báo cáo tình hình học tập cho hiệu trưởng, nhân tiện mua muối và đồ ăn tươi. Thầy Uyên dạy ở chốn thâm sơn cùng cốc miền biên giới này được gần chục năm, nay lương chưa đầy 2 triệu. Thầy vui vẻ chấp nhận.

“Biết kêu ai, lên vùng cao dạy là chấp nhận thiệt thòi, lấy con chữ và tiếng cười học sinh làm niềm vui thôi” – Thầy Uyên lạc quan.

...Bữa rượu cá niêng, thịt ếch nướng, ngồi thâu đêm, trưởng bản Alăng Phốt trầm ngâm bên cốc rượu sắn đục mờ: “Mấy năm rồi Aur mới có khách lạ, đây là niềm vui cho bản”.

Đêm ở chốn chót vót trùng mây đầy thi vị, nơi có thầy giáo Lê Nam Uyên, có Alăng Thảo, cụ bà mê mẩn súng ống, từng giết cọp, bắn rơi máy bay Mỹ. Bao con người và câu chuyện ấy trong men   rượu lâng lâng, tôi cứ ngỡ mình là Từ Thức, lạc chốn Bồng Lai.

Người Cơ Tu ở lưng chừng trời ảnh 4
“Già làng Alăng Avi nhớ lại, từ xa xưa, bản Aur nguyên thủy của một tộc người Cơtu ở xa lắm. Chiến tranh, nhiều gia đình sơ tán từ trên đỉnh Trường Sơn về làng Thượng Long (huyện Nam Đông – Thừa Thiên Huế). Chỉ còn lại vài người quyết bám trụ đỉnh núi Aur.

Sống quây quần, sinh con đẻ cái, tạo thành bản Aur bây giờ, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Năm 1990, một nhóm người đi ăn ong rừng phát hiện bản Aur và báo cáo với chính quyền xã Thượng Long.

Dù vậy, đường về nơi gần nhất của xã Thượng Long vẫn mất đến 4 ngày đêm cắt rừng, nên rốt cuộc vẫn không thể đưa Aur vào “biên chế” xã.

Đến năm 2003, ông Bhriu Liếc - Chủ tịch huyện Tây Giang đã nhận Aur về cho A Vương, cho mở con đường độc đạo đến Aur, đưa gạo muối, thực phẩm và giáo dục đến bản. Aur bây giờ là một trong những bản trù phú nhất huyện Tây Giang”

MỚI - NÓNG