Người con trai cả của nhà văn Lê Văn Trương đã về với bố

Người con trai cả của nhà văn Lê Văn Trương đã về với bố
TP - Nhà văn Bùi Ngọc Tấn điện từ Hải Phòng. Này, vào với Mạc Lân một tị, nguy rồi... Tớ bị lên cái bắp chuối to tướng, chửa biết có kịp lên mà nhìn mặt được không?
Người con trai cả của nhà văn Lê Văn Trương đã về với bố ảnh 1

Mạc Lân (tên thật là Lê Văn Lân), nguyên PV báo Tiền Phong, sinh năm 1928 mất ngày 14/4/2006. Ảnh: Hồng Vĩnh

Dịch giả Dương Tường, khác hẳn cung cách năm ngoái điện cho tôi báo tin Mạc Lân đang nguy kịch, giọng khật khừ xác nhận ờ chả biết có còn được mấy hột thời giờ...

Nhà văn nhà báo Mạc Lân về báo Tiền Phong sau trật những Mai Nam,Tôn Đức Lượng... Cùng lứa sĩ quan chuyển ngành với những Tất Vinh (Hồng Dương), Mai Cát, Bùi Ngọc Tấn... Khi đó Mạc Lân đã nổi danh với cuốn viết chung cùng Hồ Phương về Điện Biên Phủ xuất bản năm 1955.

Lê Văn Lân, người con trai cả của nhà văn chuyên viết chuyện người hùng Lê Văn Trương, mà bây giờ người ta tính về số đầu sách được xuất bản đâu như  hơn hai trăm cuốn?

Lê Văn Lân trở thành Mạc Lân là  trận quyết tử ở Ô Cầu Dền bảo vệ Thủ đô năm 1946, người con trai của Lê Văn Trương quyết noi gương chiến đấu hy sinh của hai đồng đội cũng là hai anh em ruột là Mặc ( mực- sau gọi trại đi là mạc) và Bút.

Những lần vào thăm ông là những lần ngồi dưới chân giường một con bệnh trọng. Đã từng nhồi máu cơ tim. Tiểu đường. Cao huyết áp. Sỏi thận. Hai lần gãy chân. Ba lần mổ... Trước Tết Bính Tuất lại phát hiện là đang K dạ dày giai đoạn cuối...

Lần gặp mới đây, lúc ông còn tỉnh táo, ông oang oang trong điện thoại với Hòa Vang là dứt khoát tao với mày không có mổ xẻ gì ráo nhá! Thân thể cha mẹ sinh ra dứt khoát là cứ để nguyên vậy!

Cái giường ông đeo lấy dễ chục năm nay bên cạnh một cái tủ chẳng thể cũ nát xộc xệch hơn, ban ngày ban mặt mà mọt nghiến trèo trẹo. Bên giường là hai cái nạng chầu vào thân hình có cặp giò bệch bạc... Nhưng cặp mắt dưới cặp mày bạc kia chẳng phải là nhỡn lực của người đang sốt mà luôn quắc lên cái khí chất ngang tàng!

Con bệnh ấy trừ những lúc bằn bặt thiếp đi vì tật bệnh đau đớn vẫn giành dăm bảy tiếng mỗi tuần ghếch chân lên tường chậm chạp đọc cho bà vợ ghi những chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết tự truyện có tên là Số phận.

... Nếu số phận đứng về phía tàn bạo thì tôi sẽ chống lại số phận khôn nguôi! Lời đề từ cho cuốn sách đang viết dở ấy không biết của ông hay của ai nhưng ông cũng hào phóng hé cho tôi hay, cuốn Số phận sẽ phải phảng phất những năm tháng ông được ở bên người cha trong thành...

Cũng kha khá những giấy mực về bố tôi- ông hừ hừ- dưng mà sai toét hết... Ông lắc đầu chẹp miệng hồi lâu về những chuệch choạc khi người ta viết về bố mình!  Chao ôi những người bạn của bố tôi, những Đinh Hùng, Nguyễn Triệu Luật những Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương hững Vũ Đình Long... Tôi chưa thấy ai viết về họ như tôi thấy cả...

Rồi thời gian hai bố con cùng một mặt trận ở Liên Khu II. Rồi cả cái chết bi thương của người mẹ nơi tản cư...Sau cái chết của bà vợ cả và trước đó người vợ kế bỏ vào thành cộng với gian khổ ác liệt của cuộc kháng chiến đã khiến Lê Văn Trương buồn nản suy sụp.

Em ơi giờ em nằm đâu
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu
Em ơi anh muốn gọi hồn ma dậy
Để được vào thêm nấm mộ sâu.

Mấy câu thơ ấy của Đinh Hùng được Lê Văn Trương ngâm nga nhiều nhất vào dạo ấy. Mạc Lân cố trì níu bố không được đã phải đưa bố vào thành. Thế là bố con bặt tin nhau cho đến một chiều lạnh năm 1963, Dương Tường phóng viên TTXVN sau này là dịch giả kiêm thi sĩ nổi tiếng gặp Mạc Lân khi đó đang là PV Báo Tiền Phong, thầm thì ông cụ mày mất rồi.

Đài báo phương Tây đều nói... Đó là ngày 13 tháng Giêng Âm lịch năm 1963. Mạc Lân cứ quyết định phát tang bố, mặc cho bao người gàn mặc cho sự  kiện dinh tê của bố rồi việc bỏ đi Nam của Lê Văn Trương sau này trĩu một sức nặng đen ngòm trong lý lịch của Mạc Lân!

Giang sơn dị cải bản tính nan di, sông núi còn dời đi dễ bản tính của con người ta khó mà đổi thay! Lý lịch thì rứa, tính cách thì hao hao cái ngang thẳng bạo liệt của ông bố lại chịu cái nếp nhà bao năm được độc lập dân chủ trong suy nghĩ trong ứng xử nên Mạc Lân gặp vô khối những phiền toái thua thiệt trong mặt bằng những là ấu trĩ cứng nhắc lẫn giáo điều một thời...

Tôi lũy thừa yêu
Lũy thừa nhớ
Ly thừa đau
Xin nhập hộ không cần đăng ký vào ánh mắt em
Sao em bối ũ rối
Thu rồi
Lá bứt
Máu hoen cây...

Có dạo đã trốn vào những vần thơ cũng chả xong! Bao phen lăn lộn sống chết ở tuyến lửa khu Tư ở các điểm nóng của cuộc chiến tranh phá hoại với tư cách của phóng viên chiến trường, hết bươn chải ở địa hạt nông công thương...

Nhưng chỉ cần oang oang để làm cái việc chứng minh tính hơn hẳn tập thơ Việt Bắc của Trần Dần so với tập thơ cùng tên của một tác giả nổi tiếng (trong dịp kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, tiểu thuyết người người lớp lớp và trường ca Việt Bắc của Trần Dần đã được trân trọng tái bản) rồi lại dám phê cái anh ủy ban thành phố trong một cuộc họp trọng là tại sao lấy tên quốc hiệu Đại Cồ Việt để đặt cho một đường phố con con vv... thì là đi đứt thì là đổ sông đổ biển cả!?

Cái tính ngang thẳng mà ối người riệt cho là gàn khiến Mạc Lân nói như kiểu của một nhà thơ là chửa tiêu gì ra món đã hết veo cuộc đời! Những là cách chức trưởng ban. Những là hạ bậc lương... Cuộc sống riêng có nhiều biến động lớn Mạc Lân phải đến các bệnh viện bán máu mấy năm trời.

Phải hơn mười lăm năm làm cái việc viết văn chui! Văn chui là viết nhưng không được ký tên mình! Từ cái thời Mạc Lân đã sinh ra lắm cái quái, tỷ như những anh viết hám danh và trục lợi như thế! Họ biết Mạc Lân đang túng và phải làm thuê cho họ thôi bởi hai bên cùng có lợi mà?

Hàng trăm bài báo hàng chục cái truyện ngắn, hai cuốn tiểu thuyết trong đó có 5 giải thưởng cuộc thi viết của một số ngành và đoàn thể đã được sản xuất từ Made in  MacLân như thế!

Rồi những cơn bạo bệnh ác nghiệt đã xếp cuộc sống của Mạc Lân, một người tham gia hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám (và không hiểu sao đến bây giờ ông vẫn chưa được hưởng tiêu chuẩn này?!) loanh quanh trên chiếc giường con con ở cái xó nhà cấp bốn ở khu Dịch Vọng.

Có một bận, tôi phải đứng ở ngoài một lúc lâu để đợi bà tắm cho ông. Cái âm thanh khè khè khà khà ấy là tiếng bệnh nhân thoả mãn vì được tắm bằng nước ấm bà nấu bằng nhiều loại lá thơm. Cái tiếng kêu ro ro kia là bà đang sử dụng chiếc máy sấy tóc để hong khô cho ông vv...

Tôi như nghe được trích đoạn những âm thanh đầm ấm nhẫn nhịn của mười mấy năm bà luôn bên cạnh một con bệnh trọng luôn dầm dề giường cứt chiếu đái! Ngó ông vẻ thơ thới hẳn sau cơn tắm và bà âu yếm cài lại cho ông chiếc cúc áo, tôi gai người để mà quay đi bởi một cảm giác chợt ập đến rằng có lẽ tình yêu là thứ có thật trong cái mông lung hỗn mang mà nhiều giá trị đang bị đảo lộn này?

... Hình như tôi đã đến muộn? Âm thanh của một người đang thở hắt ra nghe mới thê thiết trong cái thời khí oái oăm hôm qua rằm tháng ba ta ba mươi tám độ mà bữa nay đột ngột tụt xuống từ ba tám còn hai mươi độ!

Thê thiết lẫn bàng hoàng hơn bởi chợt nhận ra bao nhiêu người thân của mình lúc sắp đi cũng có cái kiểu hắt ra một cách tự nhiên như thế? Bao năm chống lại số phận nhưng hình như trước thời điểm sắp trở về với bố, người con trai cả của nhà văn Lê Văn Trương đang chấp thuận cái việc chiều theo số phận, như người ta hằng nói là được chết lành?

Thanh Minh năm Tuất
X.B

MỚI - NÓNG