Người 'cứu rỗi' những linh hồn trôi dạt

Người 'cứu rỗi' những linh hồn trôi dạt
TP - “Người ta nói tôi bị rồ chú ạ. Vì chỉ có người rồ mới làm không công, mới vớt những người không thân thích"- Người đàn ông 72 tuổi, sống 20 năm bên bãi Phúc Xá, Long Biên (Hà Nội) từng vớt trên 40 xác người trôi dạt về đây bảo thế.

Ông Nguyễn Văn Thành, năm nay 72 tuổi nhưng đã có hơn nửa đời người sống trên sóng nước. Trong quãng thời gian 20 năm định cư trên bãi Phúc Xá, Long Biên này, ông đã gắn mình với một nghề, mà ai muốn gọi khác đi là nghiệp thì cũng được: cái nghiệp cứu vớt những linh hồn trôi.

Trong khoang thuyền chật hẹp và tồi tàn, ông bắt đầu câu chuyện của mình bằng một giọng nói xa xăm: “Dân sông nước chúng tôi, ai mà không sợ Hà Bá chứ. Đất có Thổ công, sông có Hà Bá mà. Nhiều người cũng bảo tôi, ông mà cứ vớt những xác người mãi, sẽ đến một lúc, chính ông hay con cháu ông bị Hà Bá bắt…”.

Ông nói vậy nhưng lại cười hở lợi. Lão không sợ lời nguyền ấy hay sao? “Nhiều khi nhìn lại, tôi mới thấy mình không có thời gian để nghĩ xem có Hà Bá thật không để mà sợ. Chú bảo, sống ở bãi này, không phải dân giang hồ, thì cũng là cùng đinh, quanh năm chỉ biết có cái đói. Lấy đâu thời gian mà nghĩ linh tinh nữa”.

Nói đoạn, ông trỏ ra bãi rác to tướng trước cửa thuyền, có một sọt đầy nilon giặt sạch: “Đấy, suốt ngày nhặt nhạnh, phơi phóng những đồ thiên hạ vứt đi thì làm sao mà lại phải sợ. Mình cũng chỉ sống ngày sống tháng thôi chú à”.

Tính đến nay, trong 20 năm sống ở bãi Phúc Xá, ông lão cũng chỉ nhớ mang máng đã vớt được khoảng hơn 40 xác người trôi dạt. Trung bình, cứ mỗi năm lại có 2 linh hồn được ông an ủi.

Nhìn thoáng qua, không mấy người nghĩ, con người nhỏ thó, đầu đã gần bạc hết trước mặt mình lại làm được công việc ấy. Hàng năm, khi lũ trên thượng nguồn đổ về cũng là lúc những nạn nhân xấu số bị nước cuốn phăng vào bãi. Sông Hồng chảy đến đoạn này thì tự chia thành 2 dòng. Bãi ông Thành ở là bãi nhỏ, nhưng số người không may bị Hà Bá bắt cũng khá nhiều.

Ông tâm sự: “Nói thì không ai tin, nhưng tôi sợ nhất mùa nước nổi. Khi ấy, xác người trôi qua, chỉ sợ mình không đủ sức bơi ra kéo họ vào thì phải tội”.

Bơi và kéo, đó cũng là 2 từ chính xác nhất để nói về cái nghiệp của ông lão người Lào. Vì đặc thù công việc phải vớt những xác người đã chết từ lâu, nên ông không phải dùng lưỡi câu móc để rà đáy sông. Ông chỉ việc vận sức mình, bơi ra giữa dòng, đánh vật dòng nước để đưa nạn nhân xấu số vào bờ.

Năm 1987, lúc mới chuyển về bãi được vài tháng, cơn lũ lớn trên thượng nguồn đổ về kéo theo một xác người chấp chới giữa sông. Khi ấy, cả bãi chỉ lác đác vài nhà sống bằng nghề chài lưới, nhưng không ai dám nhảy xuống cướp “lễ vật” của thủy thần.

Cái xác thì cứ như người sống, tay chân dang rộng, xoay xoay, chấp chới mãi giữa dòng nước đục ngầu. Nguyễn Văn Thành, khi ấy còn là một người đàn ông khỏe mạnh, không suy nghĩ gì, nhảy tùm xuống lòng sông cuồn cuộn.

“Thấy người ta thương quá, không đành lòng để họ bị cuốn vào vũng xoáy phía chân cầu nên tôi đánh liều. Nhưng không hiểu làm sao, từ đấy đến giờ, cứ thấy người trôi là tôi phải vớt. Nó đã thành cái nghiệp rồi chú ạ!”.

Câu chuyện của lần đầu vớt linh hồn trôi nổi của ông không làm tôi sợ, chỉ thấy thương cho những người xấu số. Ông Thành kể: “Cái xác đầu tiên ấy là một người phụ nữ, chắc đã bị cuốn từ lâu, nên không nhận rõ mặt. Mình cứ bơi ra gần đến nơi, thì nước lại đánh mình lui lại. Loay hoay mãi mới ôm được xác. Lúc ấy, tôi thấy người rã ra, mùi xác xộc lên tận óc. Chỉ muốn buông tay mà bơi một hơi vào bờ.”

Nhưng ông chưa bao giờ làm thế; và người phụ nữ đầu tiên cũng như những linh hồn sau này chắc đều cảm ơn ông vì lẽ đó. Đánh vật với con nước mùa lũ chán chê, ông kéo được xác vào bờ. Nhưng lúc này, công việc chưa kết thúc.

Ông lấy túi nilon bọc tay lại, thay quần áo mới cho nạn nhân và báo cho công an giải quyết. Ông tâm niệm, mỗi xác chết trước đó đều là một con người sống. Nên lúc này, họ cũng cần quần áo, hương đèn để sống tiếp.

Nhờ những xác trôi mà ông vớt được, họ sẽ tìm ra quê quán, người thân và đôi khi còn lấy lại sự công bằng cho người đã chết. Tôi biết những chuyện ấy ông không hề hay, nhưng ông chính là người đã an ủi và neo lại những linh hồn trôi nổi…

Đất có Thổ công, sông có Hà Bá…

Nguyễn Văn Thành có tên khai sinh là Quách Văn Mậu, sinh ở Sầm Nưa - Trung Lào. Từ hơn 40 năm trước, khi cha mẹ mất, ông đã sang đất Việt rồi đi tứ phương tìm nguồn sống. Năm 1968, Quách Văn Mậu đổi tên thành Nguyễn Văn Thành.

Khi còn trẻ, Thành từng làm nhiều nghề nặng nhọc: lúc thì bốc vác ở chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên; khi thì đi rửa bát thuê, nắm than... Khoảng 20 năm trở lại đây, ông không còn theo nổi những chuyến hàng đêm và chuyển sang nghề nhặt rác ở chợ Long Biên kiếm sống.

Mỗi lần vớt được người trôi (xin được kính cẩn gọi những nạn nhân xấu số như thế), ông Thành lại thắp trên bàn thờ một nén hương và thả một thìa cơm xuống sông Hồng cuộn nước.

Ông bảo, họ nổi trôi mãi, nên xác thịt cũng đã để lại dọc lòng nước nên rải cơm cho phần linh hồn vương lại không đói khát. Ông ngậm ngùi nhớ, một lần trong khi kéo xác từ vụng xoáy về, để thất lạc một phần thi thể. Kéo vào mới nhận ra, ông lại bơi ra để tìm nhưng không thấy.

Người dân xóm xôn xao: “Hà Bá nhận lấy cánh tay ấy rồi, tìm làm gì nữa”. Ông chỉ im lặng, nhưng câu chuyện ấy còn ám ảnh mãi. Giọng ông như đứt quãng: “Điều cấm kỵ nhất là làm cho thể xác tứ tán khiến hồn không quay về trọn vẹn”.

Công việc ông Thành làm thực ra không thể được gọi là nghề được. Bởi như ông vẫn bảo: “Mình chỉ làm phúc giúp người ta thôi. Đời mình đã cực rồi, thấy người ta còn xấu số hơn mình, không làm sao đành”.

Với mỗi người trôi vớt được, chính quyền phường cấp cho ông vài trăm ngàn bồi dưỡng. Nhưng số tiền ấy, ông không tiêu riêng mà mua đồ lễ cúng cho vong hồn người đã mất.

Bóng nước loang loáng của sông Hồng cuối chiều hắt vào khuôn mặt nhăn nheo càng làm ông bé nhỏ lại. Câu chuyện dần đi vào mạch khác.

Cách đây 3 năm, khi chương trình lập lớp học cho trẻ em xóm bãi đang thành hình, các tình nguyện viên xuống bãi rất đông và thường tụ họp trên thuyền của ông.

Trong số đó có người tên Sơn (ông không biết họ), quê ở Quảng Ninh. Một lần, sau giờ dạy, Sơn cùng các bạn xuống sông tắm. Mùa cạn, nước chỗ sâu nhất cũng chỉ chừng ngang cổ. Sơn lại là người miền biển, nên ông cũng không lo gì. Nhưng bất ngờ, Sơn bị cuốn vào vụng xoáy.

“Nó như con cháu trong nhà mình, nên khi biết tin, tôi không sao nhảy xuống nước mà vớt được” - Ông kể.

Thế là đành thuê người đến giăng câu rà khắp đáy. Mãi một ngày sau, thi thể của người thanh niên xấu số mới được tìm thấy. Thì ra, cái nghề của chính mình lại không thể cứu, không thể an ủi cho linh hồn người gần mình nhất. Ông lão lặng thinh, đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ.

Nhưng sau cái ngày khủng khiếp ấy, ông vẫn không ngừng cứu những linh hồn trôi dạt. Cái chết của Sơn chỉ càng làm ông quyết tâm hơn để chống lại thủy thần.

Giờ đây, khi đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy, ông không còn sức vóc như ngày xưa nữa. Lưng đã trĩu xuống, tay chân gầy như củi và nhất là đôi tai điếc nặng; chỉ nghe ù ù vì lặn nhiều và bơi nhiều quá. Mà người ở xóm thì không ai chịu làm như ông cả.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.