Người đàn bà dưới chân núi Sa Mù

Người đàn bà dưới chân núi Sa Mù
TP - Bà Hồ Thị Oi ở bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tiên phong bước qua hủ tục lạc hậu của người Vân Kiều luôn coi việc trồng lúa nước là xúc phạm đến Giàng.
Người đàn bà dưới chân núi Sa Mù ảnh 1
Bà Hồ Thị Oi và các cháu  Ảnh: Vân Hà

Bà tìm những khoảnh đất bằng phẳng gần khe suối tự tay đắp đập be bờ, cày đất, bón phân, gieo mạ trồng lúa nước. Bà vinh dự được gặp Bác Hồ.

Khai sinh việc trồng lúa nước

Năm 1960, được sự tín nhiệm của dân bản, của xã Hướng Lập, bà Oi đảm nhận chức Chủ nhiệm HTX Xà Là. Nhậm chức rồi thì phải có trách nhiệm lo cho đời sống xã viên, mà lúc ấy, chuyện thiếu ăn đứt bữa của bà con dân tộc Vân Kiều ở Xà Là này xảy ra như cơm bữa.

Thường đến mùa, đồng bào lên rừng phát cây, đốt cây, trỉa hạt không cần chăm sóc, bón phân. Cứ chờ đến ngày gặt hái nên sản lượng lúa rẫy thu được cuối vụ chỉ tính bằng “vài a choi” (đủ ăn vài ba tháng).

Năm 1961, được sự giúp đỡ của công an vũ trang đồn Cù Bai (đóng trên địa bàn xã Hướng Lập), bà đi vận động bà con dân bản trồng lúa nước. Khó mà nói hết nỗi khó khăn gian khổ của những ngày đi vận động bà con trồng lúa nước.

Bà chỉ nhớ, hồi đó nhiều người bản Xà Là nghe đến chuyện trồng lúa nước cứ như nghe chuyện trên trời. Nhiều người già trong bản giận dữ bảo bà là miệng còn hôi sữa đã lên mặt dạy già làng.

Muốn trồng lúa nước thì bà phải mổ hai con trâu cúng bản, cúng Giàng mới được trồng, vì từ xưa đến nay có ai trồng lúa mà bón phân làm ô uế hạt cơm của Giàng bao giờ. Không chịu bó tay, bà ra Cù Bai nhờ các anh công an vũ trang vận động bà con cho bà được trồng thử.

Công việc đầu tiên của bà là chọn chỗ đất bằng phẳng rộng hơn một mẫu gần suối Xà Là luôn có nguồn nước tưới sau đó nhờ cán bộ nông nghiệp huyện Vĩnh Linh, các anh công an vũ trang đồn Cù Bai hướng dẫn cách đắp đập, cày đất, gieo mạ, giống lúa, cách chăm sóc, bón phân cho cây lúa.

Vài tháng sau, dân bản Xà Là thấy ruộng lúa của bà lúc lỉu bông lúa vàng ươm, trĩu hạt hứa hẹn mang lại hàng trăm a choi lúa. Nhiều người bảo nhau sao không thấy bà bị Giàng quở phạt, mà còn được ăn cơm mới giữa tháng Tư (hằng năm đồng bào Vân Kiều thường trồng lúa rẫy vào tháng Tám, chín nên lễ hội mừng lúa mới diễn ra vào cuối tháng 11, 12).

Sau vụ trồng lúa nước thành công ấy, bà con dân bản tin tưởng bà lắm. Chả ai bảo ai, họ kéo đến nhà bà nhờ bà bày cách trồng lúa nước.

Tính từ cái mốc năm 1961 chỉ vài héc-ta đến nay tính riêng xã Hướng Việt (được tách ra từ xã Hướng Lập) đã có 40 ha lúa nước cho năng suất 3 tấn/ha/vụ. Đời sống của bà con Vân Kiều bây giờ hết cảnh thiếu đói quanh năm rồi, tất cả là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. 

Được gặp Bác Hồ

Bà Oi bảo, chính việc bà vận động bà con trồng lúa nước mà bà có được vinh dự ra Hà Nội gặp Bác Hồ trong dịp Quốc khánh 2/9 năm 1962. Bà nhớ như in lần được gặp Bác Hồ. Ngồi cạnh Bác, nghe Bác hỏi chuyện rồi mà bà vẫn cứ tưởng mình đang nằm mơ.

Bà báo cáo với Bác chuyện bà trồng lúa nước và đời sống của người Vân Kiều. Sau khi nghe bà báo cáo, Bác bảo muốn không còn cảnh thiếu đói quanh năm  thì đồng bảo Vân Kiều phải biết tận dụng những khoảnh đất gần khe suối để trồng lúa, trên rẫy thì trồng thật nhiều ngô, sắn và nuôi trâu, bò, heo, gà để có lương thực ăn quanh năm.

Sau lần gặp Bác Hồ trở về, bà càng tích cực vận động bà con trồng lúa nước, trồng ngô, sắn trên rẫy, nuôi trâu, bò, heo, gà để không còn thiếu ăn.

Trở ra thị trấn Khe Sanh trong cơn mưa trắng trời trên đường đèo Sa Mù, chúng tôi biết cơn mưa ấy đang đem lại nguồn nước quý giá cho những cánh ruộng lúa nước của đồng bào Vân Kiều dưới chân núi Sa Mù bởi mấy tháng nay trời đang khô khắt.  

MỚI - NÓNG