Người đàn bà Nguyễn Tuân vét cạn túi tặng hoa và cuốn hồi ký truân chuyên

Người đàn bà Nguyễn Tuân vét cạn túi tặng hoa và cuốn hồi ký truân chuyên
TP - Bây chừ gấp lại cuốn hồi ký mà tôi cho là lạ lẫn truân chuyên này,  chợt bừng ra một cái à! Hóa ra giai thoại lâu nay về nhà văn Nguyễn Tuân là có thật!

Đấy là có lần ông đã từng vét sạch tiền trong túi mua (và lại còn mua chịu nữa) tất tật số hoa của những quầy hoa ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm đêm ấy để tặng cho một người đẹp,

Người đàn bà Nguyễn Tuân vét cạn túi tặng hoa và cuốn hồi ký truân chuyên ảnh 1
Minh Phụng lúc 40 tuổi

Người được tặng nhiều hoa nhất không hề khuyết danh và có niên biểu hẳn hòi. Đó là một đêm mùa xuân năm 1938, người nhận hoa là Minh Phụng, diễn viễn chính thể hiện vở Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm.

Minh Phụng là ai? Là một nữ sĩ. Một nữ sĩ không thường của những năm ba bốn mươi thế kỷ trước. Nói như Tam Lang, Đời của Minh Phụng là một cuộc đời giang hồ nhưng là đời giang hồ số một của nước Việt Nam!

Còn thi sĩ Hồ Dzếnh viết: Đời của Minh Phụng mở đầu bằng một thiên tình sử để khép lại bằng một thiên tình hận - Báo Thần Chung số 19). Phụng là người trí thức, trí thức giang hồ. Sống như Phụng mới là người biết sống (Lê Văn Trương, năm 1937) vv...

Một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội đang chuẩn bị cho ra mắt cuốn hồi ký độc đáo của nữ sĩ họ Trịnh có tên là Minh Phụng này. Cuốn hồi ký có tên là Vàng son huyết lệ.

Từ gái quê thành sao sân khấu

Cô gái quê mười lăm tuổi ấy có tên là Nụ, Trịnh Thị Nụ sau đổi tên là Hoàng Minh Phụng là út trong gia đình có 7 anh chị em quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Bố là một nhà nho làm nghề dạy học. Mẹ buôn bán lặt vặt, gia sản cũng chỉ đủ cho việc chi tiêu tùng tiệm.

Nhưng được yêu chiều từ nhỏ, Phụng được đi học chữ nghĩa không biết được mấy hột nhưng thuộc làu những cuốn sách của Tự Lực Văn Đoàn những Hồn Bướm mơ tiên những Nửa chừng xuân. Tố Tâm. Đời mưa gió...

Tâm hồn đa cảm trong một nhan sắc sớm trội nổi, cô gái quê mười lăm tuổi ấy thấy những lũy tre làng như những hàng rào giam hãm. Những ao chuôm như những huyệt mộ chôn vùi tuổi xuân.

Lại nghe phong thanh mình sắp bị gả cho một đám tầm thường, một sáng tinh sương, cô bé Nụ cắp nách hai bộ áo sống, cắp luôn tám trăm đồng bạc mà mẹ cô vừa bán mấy mẫu ruộng để chi dùng vào một việc quan trọng của gia đình, đáp tàu trốn lên Hà Nội, một nơi mà cô chưa từng đặt chân, chưa từng biết! Mới đầu cô bé Nụ tá túc ở nhà một bà bán bánh cuốn.

Làn gió độc xứ cát bụi kinh thành đã cuốn cô đi. Mới đầu là việc đi học nhảy... Rồi các mối quan hệ quen biết chồng chéo khi đã thạo các điệu nhảy (Nụ rất có khiếu trong môn này).

Những vũ trường nổi tiếng ở Hà thành khi đó mỗi đêm đều ngong ngóng cô Nụ, lúc này đã có tên mới là Hoàng Minh Phụng, xinh đẹp nhảy giỏi. Các con quan, các cậu ấm, lại cả những ông Phủ, ông Huyện... thay nhau bao Phụng.

Rồi Phụng thất thân với một công tử bộn bạc xứ Hà thành vào một đêm mưa ở Đồ Sơn. Phụng có khiếu như cô Kiều, hễ đụng vào tay đàn ông nào thì y như rằng đời người đàn ông đó cũng tan nát!

Biết bao đám lăn lóc với Phụng. Từ ăn uống đến mọi khoản chi tiêu xa hoa, họ đều lăn xả vào mà trả (trích hồi ký). Trong số đó dám lăn xả hay có ông nào chết vì Phụng hay chưa thì không rõ, nhưng do lãng mạn, do liên tài, Phụng chơi thân với hầu hết đám văn nghệ sĩ nổi danh của Hà thành lúc đó, ngoài ba ông mà tôi vừa dẫn trên đây và thêm nhà viết kịch Thế Lữ, thi sĩ Hoàng Cầm đa tình còn có nhà văn Nguyễn Tuân khinh bạc của chúng ta.

Nguyễn Tuân buột ra đi mua hoa sau khi thốt lên với đám bạn trong đó có Thế Lữ về cái tài nghệ dù chỉ là diễn góp vui của Phụng trong vai Kiều Loan như thế này: Trời ơi, Phụng tài quá! Nó giỏi, nó thông minh. Nó không phải là hoàng hậu mà sao nó giống hệt một bà hoàng?

Nó cau mày, nó cười nhạt, nó nghiến răng, nó ôm hoàng tử trong tay. Nó ghen, nó đau khổ... (trích hồi ký). Ba đêm liền Phụng thủ vai hoàng hậu Kiều Loan ở Nhà hát Lớn như thế. Rồi những đêm nổi danh thủ các vai chính của Lệ Chi Viên, những Đêm Phong ba của Vi Huyền Đắc...

Nhưng Phụng chỉ chơi chơi vậy thôi, không có nhập một đoàn hát nào cả... Năm 1941, Khái Hưng tặng thơ cho Phụng trên một tờ báo: Yêu khách giang hồ yêu tha thiết/ Biết người khuê các biết vu vơ... 

Tưởng  kiếp giang hồ ấy neo đậu bền bền với đám cưới một cậu ấm thuộc loại danh gia vọng tộc, nhưng trời đã bắt tố chất giang hồ nồng nàn, dào dạt trong huyết quản rồi, Phụng đâu có yên!

Thời gian sẽ cho tôi không sầu khổ và chỉ còn lại những quên. Cái nhớ nhung khác lạ mới là đời! Có gian nan mới biết mùi nhân thế... (trích hồi ký) .

Xuân Ba

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.