Người đàn bà Nguyễn Tuân vét cạn túi tặng hoa và cuốn hồi ký truân chuyên: Long đong như tác giả

Người đàn bà Nguyễn Tuân vét cạn túi tặng hoa và cuốn hồi ký truân chuyên: Long đong như tác giả
TP - Hoàn tất việc đánh máy và lưu lại vậy thôi. Nhà phổ trạng này cũng chưa biết sử dụng như thế nào thì có một đoàn cán bộ văn hóa ngoài Bắc vào nam công tác đến gặp ông...
Người đàn bà Nguyễn Tuân vét cạn túi tặng hoa và cuốn hồi ký truân chuyên: Long đong như tác giả ảnh 1
Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (người ngồi) và TS Hoàng Lê

Trong đoàn có TS sử học Hoàng Lê, người có hàng chục công trình nghiên cứu cổ sử trong đó có công trình nổi tiếng về Thơ văn Ninh Tốn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS Cao Xuân Huy.

TS Hoàng Lê cũng dành nhiều thời gian quan tâm đến các công trình nghiên cứu của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ về gia phả học ngành mà ở ngoài Bắc lâu nay bị sao nhãng.

Việc hợp tác nghiên cứu giữa các bên được tiến hành. Trong đoàn có một cán bộ là chị Hạ Chí Nhân, con gái đồng chí Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang).

Chị đã nhờ học giả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ nghiên cứu về gia phả họ Hạ của nhà mình. Học giả vui vẻ sốt sắng hứa sẽ giúp đỡ khi nhận được các tài liệu cần thiết...

Trong thời gian làm việc với học giả Dã Lan, TS Hoàng Lê cũng như chị Hạ Chí Nhân  đều được biết học giả đang trân tàng cuốn hồi ký của bà Minh Phụng và mong muốn lọt vào mắt xanh của NXB nào càng sớm càng tốt! Ông càng vui hơn khi được biết chị Hạ Chí Nhân vốn quen thân nhiều nhà xuất bản ngoài Bắc và chính chị cũng cho biết việc này không khó và hứa sẽ hết sức giúp đỡ.

Chị còn cho biết sẽ nhờ GS Văn Tạo viết lời giới thiệu cho cuốn hồi ký! Chị Nhân có công việc ra trước. TS Hoàng Lê có nhiệm vụ trực tiếp mang cuốn Hồi ký là độc bản mà học giả Dã Lan hiện có để chuyển cho chị.

Linh tính của nhà khoa học mách bảo đối với loại văn bản kiểu này phải nên cẩn trọng, hay sự trân trọng, với người đã khuất đã khiến dù thời điểm đó không phải dễ dàng chi cho việc sao chụp, nhưng TS Hoàng Lê cũng đã kịp sao cho mình một bản trước khi chuyển bản hồi ký cho chị Hạ Chí Nhân.

Năm tháng dần qua, ai cũng bận bịu với công việc của mình và khó ai học đến chữ ngờ... TS Hoàng Lê chưa nguôi nỗi buồn nhớ nhà nghiên cứu gia phả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đột ngột qua đời vì bạo bệnh đành lỡ dở bao công trình mà hai ông đã và đang sẽ hợp tác, lại tiếp thêm nỗi đau khi hỏi đến cuốn hồi ký thì ôi thôi, chẳng phải chưa ra được mà vì mất bản thảo!

Tới lúc này TS Hoàng Lê mới tá hỏa nhớ đến bản sao của mình thì rủi thay, người bạn của TS nằn nì xin mượn về đọc cũng đã để mất! Kể lại chuyện này, TS thú thực với tôi, nhiều lúc ông không dám nhìn đến tấm hình kỷ niệm lần gặp đầu tiên cũng như những công trình nghiên cứu của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ mà TS cho in ở ngoài Bắc, rồi những lá thư học giả Dã Lan gửi cho ông!

Thấy mình như có tội với hai người đã khuất là Dã Lan cùng bà Minh Phụng! Nhưng sự thể run rủi thể nào... Hình như vẫn có chuyện, vẫn có việc Châu về Hợp Phố... Gần đây, TS Hoàng Lê đã bất ngờ nhận lại được bản sao cuốn hồi ký mà người bạn để thất lạc. Ông liền vui mừng báo tin cho ông bạn già GS Văn Tạo...

Tôi đã có dịp theo chân GS Văn Tạo về cái làng quê mà nữ sĩ Minh Phụng cất tiếng chào đời. Nhân nói đến việc vui cuốn hồi ký của bà mà một chi họ Trịnh dưới Hải Phòng nhiệt tình giúp đỡ trong việc xuất bản, có lời giới thiệu của ông Văn Tạo sắp ra mắt nay mai, GS tâm sự: Cuộc đời giang hồ lưu lạc của bà Nụ thì ông không lạ.

Và cả khi cầm cuốn Vàng son huyết lệ lên vẫn không thấy ngỡ ngàng. Nhưng khi đọc càng thấy cuốn hút. Đọc một lần, hai lần vẫn thấy cần đọc lại. Đọc để thấy cuộc đời một phụ nữ Việt Nam hữu tài nhưng bất hạnh. Đọc để thấy đây là một nhân chứng lịch sử của một thời đất nước bị lầm than.

GS cũng thẳng thắn rằng, xét về công thì cũng chẳng có gì đáng ghi đối với nữ sĩ Minh Phụng nếu không phải là chúng ta muốn tìm thấy đây mấy điều khả thủ của một con người suốt đời có tâm hướng thiện nhưng ít thành công.

Đó là sự đóng góp vào nghệ thuật sân khấu Việt Nam thời tiền chiến. Khi là một vũ nữ ở nước ngoài đã không làm hổ thẹn đất nước mà còn góp phần nào vào sự tôn vinh con người và nghệ thuật Việt Nam.

GS cũng đang cất công xác minh, tuy bà Minh Phụng không viết trong hồi ký nhưng hồi Tết Mậu Thân, bà Minh Phụng đã dùng quán cà phê của mình làm nơi cho Biệt động Sài Gòn Gia định ém quân và chuẩn bị vũ khí cho các cuộc đánh lớn trong nội đô cũng như trước đó là nơi xuất phát của biệt động tấn công lính Mỹ ở mấy khách sạn Sài Gòn...

... Khi kể lại với thi sĩ Hoàng Cầm đoạn trong hồi ký, Minh Phụng phục tài và thấy Hoàng Cầm rất chi là đẹp trai trong các đêm diễn Kiều Loan cũng như tình bạn của hai người trong cái năm 1938 ấy, mắt ông chủ chiên vườn thơ Kinh Bắc bỗng anh ánh lên những tia nhìn không có vẻ chi là của người đang tật bệnh lẫn tuổi tác cả...

 Giọng thi sĩ trầm rè ngắt quãng nối cho tôi nghe hai câu thơ nói là viết cho Minh Phụng từ hồi nảo nao. Thơ rằng: Lắm loài súng sính có đôi/ Nòi tình thui thủi đi về, một- không!

Tiết Thanh minh năm Tuất

>> Kỳ 3

>> Kỳ 2

>> Kỳ 1 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.