Người đàn ông và cả ngàn nồi cháo từ thiện cứu bệnh nhân nghèo

Người đàn ông và cả ngàn nồi cháo từ thiện cứu bệnh nhân nghèo
TP - Ngồi lặng lẽ ở một góc Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội rộng thênh thang, trong đêm gặp gỡ “Gia đình văn hóa xuất sắc toàn quốc”, rực rỡ đèn màu, vui nhưng ông Lê Tấn Đức nhớ ...nồi cháo ở quê nhà Châu Thành – Tiền Giang đến ngẩn ngơ.

Nồi cháo của ông đã trở nên quá thân thuộc và nổi tiếng ở bệnh viện huyện Châu Thành, đến mức nếu như vắng nó một ngày biết bao nhiêu bệnh nhân sẽ bị đảo lộn sinh hoạt lẫn... tinh thần.

Người đàn ông và cả ngàn nồi cháo từ thiện cứu bệnh nhân nghèo ảnh 1
Vợ chồng ông Lê Tấn Đức

“Sự tích” nồi cháo tình thương

Gương mặt đen sạm vì nắng gió, bàn tay chai sạn sần sùi, ông Lê Tấn Đức tỏ ra không hợp với bộ comple đen bóng đang mặc. Từ nhỏ, vì gia đình nghèo, Tấn Đức phải sớm tự lập và khi lấy vợ cả hai không có nhà nên phải đi ở nhờ.

Chồng lái xe thuê cho một chủ xe gần nhà, vợ gánh hủ tiếu bán tại chợ Tân Hiệp. Họ cứ sống với nhau như vậy và có được 3 đứa con, 1 trai 2 gái. Sau đó nhờ anh em cho mượn một số tiền không lấy lãi, ông Đức “lên đời” mua được một chiếc xe lô chạy chuyến Mỹ Tho – Chợ Lớn.

Dành dụm được ít tiền mua được căn nhà nhỏ và rồi ông  lại còng lưng chạy xe nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống nhưng ngay cả lúc đang chạy ăn từng bữa ấy , ông đã làm từ thiện.

Từ khi có chiếc xe lô, gặp người lỡ đường, không có tiền ông cho qúa giang. Trong xóm gia đình nào tang gia hữu sự, gia cảnh quá nghèo, ông đem xe đến đưa tang miễn phí. Hàng tháng, cứ đến ngày rằm, ông dành ra một phần gạo gửi cho bà con nghèo.

Ông vẫn làm vậy ngay cả lúc 3 đứa con đều đang học đại học ở TPHCM, hàng tháng cả hai vợ chồng phải gồng mình làm lụng để gửi tiền cho con ăn học.

Khi cả ba đứa con tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, ông Lê Tấn Đức lập tức nghỉ lái xe để làm một việc khiến nhiều người cho là “hâm”. Ấy là dùng tiền túi nấu cháo đãi người dưng.

Ông kể về “sự tích” nồi cháo: “ Tôi thấy bệnh viện huyện Châu Thành nhiều bệnh nhân nghèo lắm. Nghèo đến nỗi ốm đau đi viện mà có khi không dám ăn sáng. Tôi nghĩ bát cháo tình thương đến với bệnh nhân, dù không trực tiếp chữa bệnh nhưng góp phần xoa dịu nỗi đau cho họ, giúp họ có được niềm vui tinh thần khi nằm viện. Nhưng kinh tế gia đình tôi chỉ có thể nấu mỗi tuần một nồi cháo phát miễn phí...”.

Ông Đức đem ý tưởng ấy về bàn với vợ - Nguyễn Thị Thanh Vân. Bà Vân nói liền: “Ý ông nói trúng ý tui”.

Đêm hôm ấy hai vợ chồng lụi hụi kê nồi, nhóm lửa, vo gạo. Lần đầu nấu nồi cháo to, than đá ướt nên nhóm mãi không đỏ. Hết quạt rồi  thổi, nước mắt cay xè, đến khi gà gáy sáng thì nồi cháo cũng  chín, ông Đức bỏ lên xe chở đến bệnh viện.

Đó là 5 giờ 30 sáng 1/7/2003. Ông không bao giờ quên được cái ngày ấy, và cũng chẳng bao giờ quên được ánh mắt ngỡ ngàng và xúc động của những bệnh nhân nghèo. Lạ quá! Ở cái nơi mà ngay cả hớp nước lọc cũng phải bỏ tiền ra mua lại có người đem cháo đến phát miễn phí. Hay là có âm mưu gì chăng?

Sự nghi ngại đó đã biến mất khi người ta nhìn ông Đức múc cháo. Tỷ mẩn và có gì đó trang nghiêm nhưng gương mặt toát lên nét hiền hậu trong sáng. Sáng hôm ấy, cả người cho cháo lẫn người nhận cháo đều xúc động.

Luật bất thành văn ở bệnh viện

Thế rồi cứ sáng tinh mơ ngày thứ Bảy, ông lại chở cháo đến bệnh viện. Chẳng hề cảm thấy mệt nhọc mà chỉ cầu mong làm sao có tiền để sáng nào cũng được nấu nồi cháo tình thương.

Chỉ một tháng sau, điều mong mỏi ấy đã thành hiện thực.  Biết được việc làm của ông, nhiều bà con ở địa phương đã đến góp tiền, gạo cho nồi cháo. Nhờ thế, chẳng những ông nấu cháo liên tục hàng ngày mà còn tăng khẩu phần lên 100 suất ăn... Và ông trở nên vô cùng bận rộn.

Vợ phải theo xe đò để nhận hàng nên nồi cháo đều do tay  ông lo liệu. Cứ 3 giờ sáng, ông thức đậy và bắt đầu nhóm lửa, vo gạo... Rồi 5giờ30 sáng, chiếc xe ba bánh kẽo kẹt hành trình quen thuộc đến bệnh viện Châu Thành.

Dù mưa, gió, nắng gắt, bão bùng, nhưng 5 năm nay, tính ra đã gần hai nghìn ngày, mà chưa một ngày nào  ông nghỉ nấu cháo. Chưa một sáng nào xe cháo của ông đến cổng bệnh viện muộn!

Ngay cả ngày tổ chức đám cưới hai đứa con, ông vẫn không chịu nghỉ nấu cháo hay nhờ ai đó thay mình.  Đúng ngày cưới con, ông vẫn  điệp khúc ấy, 3 giờ sáng dậy và 5 giờ 30 nồi cháo đã bốc khói nghi ngút ở bệnh viện.

Ông đều đặn, tăm tắp đưa cháo đến và bệnh nhân cũng đều đặn tăm tắp đứng xếp hàng chờ. Đó dường như đã thành một thứ luật bất thành văn mà cả hai bên đều ngầm tuân thủ.

Nếu chiếc xe ba bánh ấy ngừng đến bệnh viện Châu Thành một sáng thôi, chắc hẳn nhiều bệnh nhân sẽ nhớ cả ông lẫn cháo. Ai đó vốn cho rằng cháo từ thiện, bố thí chắc là thứ của ôi, nhưng khi ăn cháo của ông sẽ phải nghĩ lại.

Có một bệnh nhân già sau khi điều trị ở bệnh viện Châu Thành về đã gọi vợ con  đến bảo: “Nếu nấu cháo thì gắng nấu ngon như cháo từ thiện của ông Đức, nếu không thì bố lại muốn …đi viện”.

Một bệnh nhân khác đã nói rất thật với ông: “Nếu ở ngoài chợ bán bát cháo 3 nghìn thì tôi sẵn sàng bỏ ra 10 nghìn để mua cháo của ông”.

Bởi thế nồi cháo của ông Đức đưa đến bệnh viện chưa bao giờ bị ế. Có những hôm, bệnh nhân tăng mà ông chưa thể cập nhật số lượng nên một số bệnh nhân đưa bát ra thì hết cháo. Những hôm như thế, ông đạp xe về mà lòng nặng trĩu, những chiếc bát không  cứ ám ảnh mãi…

“Bây giờ thì tôi nấu cháo thành chuyên gia rồi, nhắm mắt cũng có thể biết được phải đổ bao nhiêu nước, bao nhiêu gạo, đường, muối mà chẳng cần phải nếm cũng biết là sẽ ngon”.

“Bác có công thức gì mà nấu cháo ngon vậy?”, ông cười khi nghe câu hỏi của tôi: “Chẳng có công thức gì đặc biệt cả, tôi chỉ cố gắng hết sức nấu cháo làm sao cho sạch sẽ thơm ngon, làm cẩn thận hơn cả nấu cho nhà mình ăn vì mình đang phục vụ những người bị bệnh. Bây giờ mỗi tháng tôi nấu 20 nồi cháo mặn và nấu 10 nồi cháo chay vào các ngày rằm, mồng một để bệnh nhân thay đổi khẩu vị và dành cho những người bệnh theo đạo Phật”.

Người đàn ông và cả ngàn nồi cháo từ thiện cứu bệnh nhân nghèo ảnh 2

Ông Lê Tấn Đức và vợ tại buổi gặp gỡ gia đình tiêu biểu xuất sắc toàn quốc   Ảnh: Tuấn Hưng

1.445 nồi cháo  và ước mơ lãng mạn

Giờ thì ông Lê Tấn Đức còn là một chuyên gia nấu sữa đậu nành. Chuyện sữa đậu nành bắt đầu từ… nồi cháo. 

Nồi cháo của ông tự bản thân nó như một thứ ngôn ngữ riêng thuyết phục ngày càng nhiều nhà hảo tâm tìm đến đóng góp. Đầu năm 2006, khi số tiền đóng góp đã đủ “nuôi” nồi cháo trong thời gian dài, ông liền nghĩ ra việc nấu sữa đậu nành để bệnh nhân uống sau khi ăn cháo.

Dĩ nhiên khối lượng công việc vì thế cũng nhiều hơn, nhưng niềm vui của người bệnh khi cầm trên tay ly sữa nóng như một thứ “doping” giúp ông  vượt qua mệt nhọc.

Hơn nghìn ngày nấu cháo, mà ngày nào ông cũng làm những việc bếp núc như vo gạo, nhóm lửa, rửa rau như một thứ nghi lễ của đời thường. Có phải thế chăng mà mỗi nồi cháo, mỗi nồi sữa đậu nành nấu xong đều được ông ghi sâu tận ký ức. 

“Tôi đã nấu được 1.445 nồi cháo và  352 nồi sữa đậu nành”,  ông nói với tôi trong tiếng âm thanh rộn rã ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, những con số vang lên chậm rãi chắc nịch mà ông đã nhập tâm chứ chẳng phải “lôi” ra từ một bản báo cáo thành tích.

Ông muốn gắn bó với nồi cháo cho đến khi chân không còn đủ sức để bước, nhưng  canh cánh nỗi lo đến một ngày mình già đi, ai sẽ là người kế nhiệm?

Nỗi lo đó đã vơi đi khi Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ đều xúm tay chia sẻ bớt những công việc của ông. Nỗi lo đó đã bay biến khi cả ba người con đang làm việc ở TP. HCM đã hết sức ủng hộ nồi cháo từ thiện của bố cả tinh thần lẫn vật chất.

Người đàn ông gần 60 tuổi này vẫn đau  đáu ước mơ có gì đó thật lãng mạn về một nồi cháo tình thương gia truyền. Nồi cháo tình thương ấy sẽ lưu truyền mãi và lan tỏa đi khắp nơi cho đến khi trái đất này chẳng còn người nghèo nữa.

Như sực nhớ ra hôm nay đi dự buổi gặp gỡ  “Gia đình văn hóa xuất sắc”, ông trầm tư nói: “Nếu như gia đình tôi không êm ấm, thì làm sao tôi nấu được nồi cháo từ thiện từng ấy năm. Gia đình hạnh phúc sẽ làm nảy nở việc thiện và việc thiện sẽ giúp gia đình hạnh phúc hơn”…

Nét mặt ông lại thoáng chút thẫn thờ. Hình như ông lại nhớ nồi cháo. Và  cho tới lúc đó tôi mới biết nồi cháo của ông ngon như vậy vì có một thứ gia vị đặc biệt, gia vị mang tên tình thương.

Dù lần đầu ra Hà Nội, nhưng dự Hội nghị xong, ông vội vã về ngay. Ông về với nồi cháo và sữa đậu nành để rồi 5 giờ 30 sáng lại cùng chiếc xe ba bánh đến Bệnh viện Châu Thành.

Trên chiếc xe có mấy câu thơ “Thương người như thể thương thân; Thấy người hoạn nạn ân cần giúp nhau; Cùng nhau tương trợ tương thân; Từ thiện đến giúp bệnh nhân Châu Thành”.

Ghi chép của Phùng Nguyên

MỚI - NÓNG