Người đi gom đất của nước

Người đi gom đất của nước
TP - Có lẽ gọi như thế đối với người vừa có chuyến lãng du qua đủ 63 tỉnh thành cả nước để gom mỗi nơi một vốc đất mang về Thủ đô Hà Nội đắp một sa bàn mang hình bản đồ Tổ quốc Việt Nam thì cũng không ngoa!
Người đi gom đất của nước ảnh 1
Nhạc sĩ Đỗ Lập

Nghĩ mãi, không biết đặt tên cho bài viết nho nhỏ đầy ngẫu cảm này là gì, đành phải thầm khấn xin phép nhà thơ lớn Chế Lan Viên mà dựa theo tên bài thơ nổi tiếng của ông “Người đi tìm hình của nước” để tạm gọi trài trại ra như vậy!

Lấy đất phải chọn chỗ thiêng

Đỗ Lập là hội viên chuyên ngành Âm nhạc của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hậu Giang. Anh sinh năm 1945 nơi miền cực Nam đất nước. Sau khi lăn lóc qua nhiều công việc mưu sinh, anh mới sáng tác, nên có hơi muộn hơn so với tuổi tác và so với nhiều người.

Có lẽ thời gian được thỉnh giảng bộ môn âm nhạc cho một số trường Trung học ở thị xã Vị Thanh đã gây nhiều cảm hứng để Đỗ Lập bắt tay vào “nghiệp dĩ”! Mà cũng lạ, mặc dầu không được học hành bài bản về âm nhạc như bao người, nhưng từ năng khiếu bẩm sinh và khả năng, khiến Đỗ Lập được tín nhiệm mời giảng dạy.

Và dẫu tham gia sáng tác chưa lâu nhưng anh lại là người cứ sòn sòn ẵm giải từ các cuộc thi ở địa phương và khu vực bởi những ca khúc mượt mà làn điệu dân ca Nam Bộ quê nhà, thể hiện man mác cái tính, cái tình, cái hồn con người nơi miền quê sông nước.

Theo nhà thơ trẻ Quân Tấn ở Đồng Tháp, một người bạn vong niên, thì ý tưởng làm sa bàn này đã có trong Đỗ Lập từ lâu. Và khi đã nghĩ chín rồi thì làm. “Lão” nghệ sĩ 65 tuổi này bèn “thắng con ngựa sắt Tàu 100 phân khối”, chọn điểm đất lịch sử bến cảng Nhà Rồng thành phố Hồ Chí Minh làm nơi xuất phát vào ngày 1-3-2010.

Đây là nơi Đỗ Lập lấy vốc đất đầu tiên cho hành trình gom đất của mình. Trải 63 ngày đêm rong ruổi, qua hết một lượt 63 tỉnh thành, đến ngày 2-5-2010 thì về đến Văn Miếu - Hà Nội.

Và đây cũng là nơi vốc đất thiêng cuối cùng Đỗ Lập rưng rưng đón nhận vào tay. Anh sẽ ở lại Hà Nội để bắt tay vào thực hiện ý nguyện.

Vậy là tính đến thời điểm này chỉ còn trên 160 ngày nữa thôi là đến ngày đại lễ, chắc chắn Đỗ Lập lại phải chạy đua với thời gian (như vừa rồi chạy đua với đường trường) để hoàn thành tác phẩm.

Suốt thời gian “dọc đường gió bụi”, đến nơi nào cũng vậy, anh cẩn thận liên hệ với chính quyền địa phương, hoặc cơ quan chủ quản, hoặc một số nhân vật nào đó để trình bày ý tưởng, để xin phép thực hiện và làm thủ tục trao nhận đất, có chụp ảnh lưu niệm làm minh chứng hẳn hoi.

Ở mỗi tỉnh thành Đỗ Lập chọn điểm biểu trưng cho truyền thống lịch sử, văn hóa của xứ sở đó để lấy mẩu đất. Ví dụ ở Hà Giang địa đầu đất nước thì lên tít tận cùng nơi “tột bắc” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) Lũng Cú – Đồng Văn lấy nắm đất nơi chân Cột cờ Tổ quốc.

Ở Cà Mau thì lại dẫm bùn ra tận cùng Đất Mũi rước một vốc mang về. Ở Điện Biên thì là nắm đất nơi hầm chỉ huy của viên tướng bại trận Đờ Cátxtri.

Ở Huế thì đất nơi đâu có ý nghĩa hơn là ngay trong Thành Nội? Sơn La thì là đất dưới gốc cây đào Tô Hiệu. Lạng Sơn thì phải là cửa khẩu Hữu Nghị quan. Còn Nghệ An thì dĩ nhiên là lấy ngay nền nhà Bác tại làng Sen. Sang Hà Tĩnh thì không thể nơi nào xúc động hơn ngã ba Đồng Lộc… Vân vân và vân vân…

Riêng với Hậu Giang quê nhà thì Đỗ Lập khấn thầm xin quê hương xứ sở cho phép ấp iu vốc đất được bới lên từ nền nhà cũ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình bên bờ kinh xáng Xà No, như một cách gửi gắm nguyện ước đời mình vào cùng đất nước! (Mà cũng chỉ được thực hiện sau vốc đất thiêng ở bến Nhà Rồng)...

Cứ thế, cứ thế… mỗi nơi một ít góp gom. Thế mà trên bước đường về, chiếc xe cà khổ của anh cũng mang nặng lặc lè mấy ba lô đất! Chắc chắn nó còn nặng hơn trọng lượng bình thường, bởi ý nghĩa thiêng liêng trong đó!

Cái duyên từ những nắm đất

Với Kon Tum, xứ núi rừng cực bắc Tây Nguyên của người viết bài này thì còn nguyên ấn tượng! Vào một ngày sau Tết Canh Dần, nghe điện thoại gọi tìm, tôi bất ngờ gặp người đàn ông dáng gầy gò dong dỏng, tóc sắp ngả màu râm lõa xõa rối bời trên gương mặt xương xương khắc khổ pha nét nghệ sĩ và phong sương. Sau bữa rượu chiều nơi quán xép thì cùng nhau về cái lều tạm của một công trình xây dựng ngổn ngang nơi tôi đang lãnh phần trông giữ để nghỉ qua đêm.

Đêm Tây Nguyên lành lạnh cộng với niềm rạo rực trong lòng khiến Đỗ Lập không hề chợp mắt. Sáng hôm sau tôi đưa anh đến đào nắm đất từ di tích lịch sử quốc gia Ngục Kon Tum nổi tiếng một thời, rồi vội vã chia tay nhau, không kịp cà phê sáng, bởi anh còn gấp gáp ra đi về miền đất khác.

Với 63 ngày đêm rong ruổi đường dài, dĩ nhiên đã có rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng khó quên cho Đỗ Lập. Anh hồ hởi kể qua điện thoại: -Ví dụ ở nhà nghỉ mang tên Cực Bắc của Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn – Hà Giang nơi Lũng Cú thì được người quản lý nhà khách là chị Phạm Thị Ngọc tuyên bố “khuyến mãi” luôn khoản ăn nghỉ tại đấy vì quá cảm phục việc làm! Ví dụ ở Cao Bằng, gặp nhà văn Hoàng Quảng Uyên bản địa, nghe chuyện cảm kích mà bao biện cho ngủ nghỉ một đêm đầy thú vị ngay suối Lê Nin đầu nguồn Bắc Pó.

Người đi gom đất của nước ảnh 2
Lấy đất ở nhà ngục Kon Tum

Ví dụ ở Bắc Kạn thì nằm với bờ hồ Ba Bể đẹp như thơ mặc dù có một nhóm công nhân làm việc gần đó vô cùng quý trọng đã thật lòng nài nỉ mời về lán trại của họ nghỉ ngơi!... Ví dụ…

Còn trên dọc đường đi, mỗi lúc mệt mỏi sà vào quán nước nghỉ chân cũng gặp nhiều người đáng nhớ. Có chủ quán khi biết được việc làm của khách bèn… miễn phí luôn tiền giải khát, cà phê!

Rồi lại có lần lơ ngơ thế nào gặp phải cảnh sát giao thông bắt tốc độ, khi nghe trình bày và trình xem chứng cứ của mục đích chuyến đi (là những túm đất và những ảnh chụp) thì các vị “vua đường” bèn tha bổng, lại còn nhiệt tình hướng dẫn cho đường đi lối lại nữa! Ở các tỉnh biên giới thì luôn được anh em bộ đội Biên phòng tận tình giúp đỡ đến là cảm động, khó quên…

Gọi điện thoại cho bạn bè anh nói: -“Có đi mới thấy đất nước quê hương mình dài rộng làm sao, đẹp đẽ làm sao, và đặc biệt là càng yêu Tổ quốc mình sao”! Đúng vậy Đỗ Lập ạ, khi chưa đi khắp cùng đất nước anh đã yêu Tổ quốc đến độ nảy ra ý tưởng cao đẹp kia thì nay tình yêu ấy đã được nhân lên gấp bội, chứ sao?

Tin rằng anh sẽ thành công với công trình này để làm quà dâng Thủ đô và Tổ quốc nhân 1.000 năm lịch sử. Và tưởng tượng ngày quay trở lại về Nam chắc lòng anh nhẹ bâng thanh thản!

Ai cũng yêu Tổ quốc và dân tộc mình. Để biểu thị tình yêu ấy, mỗi người một cách. Cách nào cũng tốt cũng hay. Riêng cách của Đỗ Lập, khi đã sắp ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” với chuyến đi dài vạn dặm chỉ dành cho sức lực thanh niên như thế quả là độc đáo.

Tấm lòng của người phương Nam đối với phương đất cội nguồn dân tộc thêm lần nữa được chứng minh một cách hùng hồn nhất. Rõ là “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”! (Huỳnh Văn Nghệ).

5-2010

Năm nay, cả nước đang diễn ra muôn vàn hình thức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tùy theo từng địa phương, tổ chức, thậm chí từng cá nhân công dân, nhằm góp phần mình vào đại lễ. Riêng Đỗ Lập nảy ý tưởng đắp một sa bàn bản đồ Việt Nam mà phần địa giới hành chính của mỗi tỉnh thành trên sa bàn sẽ được đắp bằng chính nắm đất được lấy từ tỉnh thành ấy.
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.