Người được phong hàm Thiếu tướng ngay trong đêm 30/4/1975

Người được phong hàm Thiếu tướng ngay trong đêm 30/4/1975
Đó là Thiếu tướng – Anh hùng Lao động Trần Văn Danh, mà mọi người thân mật gọi là anh Ba Trần, Ba Danh…

Ba Trần, tên thật là Trần Văn Bá sinh năm 1923 quê ở Hóc Môn, TPHCM. Tháng 7/1945 Ba Trần tham gia tổ chức Thanh niên Cứu quốc. Cách mạng Tháng 8, anh cùng lực lượng Thanh niên Cứu quốc tham gia cướp chính quyền ở Hóc Môn.

Không bao lâu, Pháp quay trở lại chiếm đánh Nam Bộ, anh gia nhập Đội trinh sát của khu 7, đã lập nhiều chiến công xuất sắc, nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc. Khi kết nạp Đảng, anh xin đổi tên thành Trần Văn Danh (Ba Trần), sau đó được đề bạt làm Tham mưu phó kiêm Trưởng ban quân báo liên tỉnh Thủ – Biên. Ba Trần cùng đồng đội chiến đấu đến ngày ký Hiệp định Giơnevơ 1954. Thiếu tá Trần Văn Danh lên đường ra Bắc tập kết.

Cuối năm 1960, Ba Trần vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu được phân công làm Trưởng ban tình báo chiến lược trực thuộc Ban Quân sự Miền do đồng chí Trần Văn Quang làm Trưởng ban.

Dưới sự chỉ đạo “xuất quỷ nhập thần” của Ba Trần, nhiều thông tin bí mật từ phía địch đã bị ta nắm được kịp thời báo cáo cho Bộ Chỉ huy Miền, Quân ủy, Trung ương và Bộ Chính trị.

Hiệp định Paris được ký kết tháng 3/1973 phái đoàn “Việt cộng” đại diện cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam VN do Trung tướng Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn đã vào tận sào huyệt địch trong doanh trại David khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đàm phán với địch.

Có hai nhân vật khiến cho CIA và mật vụ Sài Gòn bất ngờ, điên tiết lên  đó là Đại tá Trần Quốc Minh (Ba Trần) và Trung tá Nguyễn Hữu Trí từng nổi danh trong giới giang hồ với biệt danh “đại ca Tư Bốn” một thời, nay lại đeo lon Trung tá quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhờ linh cảm đặc biệt của một nhà tình báo lão luyện, Ba Trần biết CIA và đặc vụ mật thám sẽ sớm phát hiện ra lý lịch thật của mình nên đã bí mật thông báo cho cơ sở đưa gia đình vào căn cứ an toàn trước vài giờ bọn cảnh sát ập đến lùng sục, truy tìm.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với kế hoạch giải phóng Sài Gòn   được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua ngày 24/4/1975 Ba Trần có nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đặc công, biệt động bí mật chiếm giữ trước và bảo vệ an toàn 16 cây cầu dẫn vào Sài Gòn để mở đường cho đại quân ta tiến vào trung tâm thành phố và ngăn chặn không cho địch phá hoại những mục tiêu quan trọng như: Đài phát thanh, kho xăng, nhà máy điện, nhà máy cấp nước, kho tàng, hồ sơ lưu trữ.

Các chiến sĩ tình  báo, đặc công, biệt động thành dưới sự chỉ huy của Ba Trần đã anh dũng, mưu trí, táo bạo làm chủ và bảo vệ an toàn các mục   tiêu. Nhiều chiến  sĩ biệt động, đặc công đã ngã xuống bảo vệ cầu Rạch Chiếc, Sài Gòn, Bình Lợi, Bình Triệu, Bình Điền… trước giờ giải phóng Sài Gòn…

Gần một giờ đêm 30/4/1975, ngay giữa Sài Gòn vừa giải phóng, đồng     chí Phạm Hùng – Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã công bố quyết     định của Đảng và Nhà nước trong trường hợp đặc biệt: Phong đồng chí Trần Văn Danh hàm Thiếu tướng, nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch ủy ban Quân quản thành phố về an ninh quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh   thành phố Sài Gòn – Gia Định” (Theo sách Anh hùng đất Đồng Nai).

Anh hùng lao động xây dựng công trình thủy điện Trị An

Năm 1978 ông được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Trong lúc phân loại hồ sơ của chính quyền Sài Gòn cũ để lại, tình cờ ông phát hiện sơ đồ thiết kế công trình thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai   và nhiều công trình thủy điện khác. ý nghĩ vụt lóe sáng trong ông…

Tại Hội nghị Thành ủy, ông mạnh dạn trình bày luận điểm của mình về việc khảo sát xây dựng công trình thủy điện Trị An. Đồng chí Võ Văn Kiệt – UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy ủng hộ. Không ai khác ngoài Ba Trần sẽ là người trực tiếp chỉ đạo công trình quan trọng này trên cương vị mới Thứ trưởng Bộ Điện lực, kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình thủy điện Trị An.

Tính khẩn trương của công trình một lần nữa thách thức vị tướng tài ba:   rà phá bom mìm trong vùng căn cứ chiến khu D, khảo sát địa chất, tiến    hành thi công, hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật… Công trình thủy điện đầu     tiên của miền Nam sau giải phóng với công suất thiết kế 400 mêga oát (400 MW – 4 tổ máy), sản lượng điện bình quân mỗi năm 1,7 tỷ KWh.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cần huy động mọi nguồn lực xã hội. “Tất cả vì Trị An”, “Tất cả vì dòng điện sáng ngày mai của Tổ quốc”. Hàng vạn lượt thanh niên, công nhân không quản đêm ngày cùng vị chỉ huy đã không những hoàn thành công trình đúng tiến độ mà còn tiết kiệm hơn 10 triệu USD, 3.000 tấn thép trả lại cho Liên Xô.

Tổng kinh phí xây dựng công trình 200 triệu USD, ngày 13/9/1989 tổ   máy số 4 vận hành. Đã có ít nhất hai lần, bọn phản động âm mưu phá hoại công trình thủy điện nhưng với tinh thần cảnh giác cao và kinh nghiệm của một vị Tướng tình báo ông Ba Trần đã chỉ đạo các lực lượng công an, trinh sát, tình báo của ta phá âm mưu đen tối của kẻ địch.

Một ngày đẹp trời năm 1990, Thiếu tướng Trần Văn Danh được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đồng chí Võ Văn Kiệt – khi ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã nói về ông “Là người chỉ huy cương nghị, tổ chức và xây dựng thắng lợi công trình thủy điện Trị An lịch sử”. Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh viết trong thư chúc mừng: “Đồng chí Ba Danh là người tận tình phục vụ Tổ quốc, có tài năng trong đánh giặc, có tài năng trong xây dựng Tổ quốc XHCN...”.

Ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý như: Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất…

Thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng Anh hùng Trần Văn Danh đã không kịp cùng người dân TP đón ngày vui… Ông đã trút hơi thở cuối cùng tại tư gia, đi trọn cuộc đời cách mạng vinh quang.

MỚI - NÓNG