Chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều- Kỳ III:

Người em đồng hao với Tướng Giáp

Người em đồng hao với Tướng Giáp
TP - Khoảng cuối năm 2000, vừa từ Italia về, đương lấn bấn việc thẩm định một tài liệu, nhân chuyến đi Trà Cổ, Móng Cái với giáo sư (GS) Mai Quốc Liên, tôi được GS mách cho gặp GS Nguyễn Văn Hoàn một nhà Italia học. Việc ni phải gọi ông này tiên sư. Và tôi đã may mắn được ngồi với người em đồng hao với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - GS Nguyễn Văn Hoàn. Bà vợ giáo sư là em ruột phu nhân tướng Giáp, con gái GS Đặng Thai Mai - GS Đặng Thanh Lê.

Quả danh bất hư truyền,  GS Nguyễn Văn Hoàn,  nguyên Viện phó Viện Văn học Việt Nam, ngoài nhiều công trình nghiên cứu giá trị về văn học cổ Việt Nam, GS từng nhiều năm làm công tác nghiên cứu giảng dạy tại Italia, nghiên cứu văn học Italia, dịch Thần khúc của Đan-tê.

GS thuộc thế hệ sinh viên văn học đầu tiên của nước Việt Nam kháng chiến (thời dự bị đại học ở Thanh Hóa, năm 1950, GS được học cùng các GS Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh...). Khi hòa bình lập lại năm 1954, GS là một trong những cột trụ đầu tiên của Khoa Nghiên cứu văn học cổ, Trường đại học Sư phạm Hà Nội; phụ trách Tổ Cổ đại - Cận đại ở Viện Văn học vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

Có lẽ phải nhiều lắm những ân hận nuối tiếc bởi cái thói lần lữa, vì tôi đã để vuột mất bao cơ hội hiếm có là được diện kiến chuyện trò với các đấng, người thì định gặp nhưng chưa gặp. Có vị gặp vài lần nhưng vẫn muốn gặp nữa vì đương dở dang bao chuyện…

Để rồi tháng 6 vừa qua, GS Nguyễn Văn Hoàn đột ngột theo ông anh đồng hao Võ Nguyên Giáp ở tuổi 83.

Đương bắt vào dịp lễ trọng, lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du.

Viết đến đây chợt giật mình! Năm 1965, Bắc Nam còn hai miền, bom đạn mù trời mù đất của cuộc chiến tranh phá hoại cực kỳ khốc liệt thế mà Việt Nam vẫn tổ chức thành công sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du và gây ảnh hưởng tốt trong dư luận trong nước và quốc tế.

Cũng cần nói thêm rằng, để chuẩn bị cho sự kiện ấy, 3 năm trước, từ năm 1962 đã có một Ban trù bị Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du.

Đáng nể phục thay tầm ngó xa trông rộng của tiền nhân Việt cách nay nửa thế kỷ.

Thời điểm sen tàn cúc sắp nở hoa sắp tàn quý 3 của năm 2015 đã thấy rục rịch những hoạt động của một dịp lễ trọng tròn hai trăm năm chục năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du vào dịp tháng 11/2015.

3/12/2013 (sau nghị quyết của Đại hội đồng LHQ gần 2 tháng), Công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý cho tỉnh Hà Tĩnh chủ trì Lễ tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào (lễ tầm cấp quốc gia tại Hà Tĩnh).

Thôi cũng may, cứ như là cảm thêm thông điệp của cụ Phạm Quỳnh Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, nước ta còn.  Hình như dân Việt mình bỗng dưng bừng thức cơn nhớ đại thi hào Nguyễn Du cùng Kiều khi ngài Phó Tổng thống Hoa Kỳ J.Biden bất ngờ lẩy ra hai câu Kiều để tặng Tổng Bí thư Nguyễn phú Trọng trong buổi chiêu đãi trọng thể Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa giời (câu thứ 3121 và 3122). Và cảm giác giật mình vẫn như bảng lảng, bởi tôi đồ rằng chừng như ông Phó Tổng thống Hoa Kỳ biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng học khoa Văn Tổng hợp, chừng như cũng rành Kiều nên dịp được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội (QH) đã nhún nhường khiêm tốn bằng động thái lấy hai câu Kiều Xét mình phận mỏng cánh chuồn/Khôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng? Hai ông, hai trạng thái hoàn cảnh lẩy Kiều, cứ như một vế đối ngoại giao vậy?

Người em đồng hao với Tướng Giáp ảnh 1

Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn (trái)

Mà lạ, hai yếu nhân của Hoa Kỳ, hai thời điểm của chặng đường quan hệ bình thường Mỹ - Việt đều nhắc, đều vận đến Nguyễn Du? Tổng thống Hoa Kỳ. Bill Clinton năm 2000 thăm chính thức Việt Nam đã đánh giá về 5 năm thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường Mỹ Việt khi dẫn (lẩy) ra hai câu Kiều (câu thứ 1795 và 1796) Sen tàn cúc lại nở hoa /Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân đó sao? Có một sự tương đồng thú vị. Kim Trọng chờ đợi 15 năm mới được đoàn tụ với Thúy Kiều, còn ngài J. Biden cũng phải đợi 15 năm sau ngài Bill Clinton mới tới phiên mình lẩy Kiều?

Và sắp dịp lễ trọng, không thể nhớ đến GS Nguyễn Văn Hoàn với nhiều lắm những nuối tiếc bởi chưa kịp khảo  tư liệu lẫn chuyện này chuyện khác bởi GS chính là Thư ký Ban trù bị Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du và Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam.

Dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9, ngồi chuyện với GS Mai Quốc Liên, hình như tôi đã thở than với GS cái chuyện nhỡ nhàng ấy… GS chỉ lặng lẽ mỉm cười.

Một món quà độc đáo mà GS tặng không cho người viết bài này là một tập tư liệu mỏng của chính GS Nguyễn Văn Hoàn.

Thì ra nhiều năm nay, GS Hoàn cộng tác đắc lực cho Tạp chí Hồn Việt  và Trung tâm Quốc học do GS Mai Quốc Liên chủ trương.

Và kèm theo một câu chuyện…

GS Mai Quốc Liên bộc bạch, trong tập tài liệu gần như hồi ức ấy, GS Nguyễn Văn Hoàn nhớ lại chuyện 50 năm trước kỹ càng, phong phú, một ký ức tuyệt vời. Nhưng mải lo chuyện bên trên, chuyện bề trên, GS quên một chi tiết, tuy nhỏ, nhưng cũng nằm trong mạch hồi ức ấy.

Ấy là vào khoảng cuối xuân đầu hạ 1965 - tôi nhớ mang máng thế- GS Nguyễn Văn Hoàn dẫn một đoàn cán bộ của Tổ Cổ - Cận vào thăm quê Tiên Điền của Nguyễn Du. Đoàn gồm Trần Nghĩa (sau này là Viện trưởng Viện Hán Nôm đã về hưu), Nguyễn Văn Phát, Kiều Thu Hoạch và Mai Quốc Liên. Đi bằng xe đạp.  Ngày đạp xe mải miết trên quốc lộ 1 lúc đó còn chưa bị máy bay oanh tạc nhiều như sau này. Đến tối tìm nhà dân nghỉ và nấu ăn. Đến Thanh Hóa đêm hôm đó gặp đoàn các nhà văn, trong đó có cụ Khương Hữu Dụng cũng đi thực tế Khu Bốn, bị một trận đánh bom cầu Hàm Rồng, bắt đầu nếm mùi vị chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Người em đồng hao với Tướng Giáp ảnh 2

Bốn câu Kiều mà Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Phó Tổng thống Joe Biden đã từng lẩy (thủ bút của Xuân Ba).

Đến Tiên Điền, Nghi Xuân thì đoàn có gặp được chắt Châu (?) là cháu xa đời cụ Nguyễn Du. Cụ người cao lớn (có thể suy ra là Nguyễn Du cũng không phải vóc dáng thư sinh mảnh khảnh, yếu đuối, nên có lúc mang gươm làm võ tướng!). Nhưng chẳng tìm được tư liệu gì về Nguyễn Du. Có đến thăm mộ. Năm đó mộ của Nguyễn Du đúng là “sè sè nắm đất bên đường”. Chiến tranh, gian khổ… chưa có điều kiện lo cho mộ của cụ. Có chuyên gia Liên Xô đưa ý kiến, nếu tìm được hộp sọ Nguyễn Du, thì với trình độ khoa học của Liên Xô, có thể phục nguyên lại toàn bộ khuôn mặt, vóc dáng… Nhưng không thể... Chắc vì từ khi Nguyễn Du mất, chôn ở Bàu Đá, kinh đô Phú Xuân; 3 năm sau cải táng về Tiên Điền, đến nay xương cốt chắc cũng chẳng còn gì…


Sau đó, đoàn đi vào Đèo Ngang. Đến Đèo Ngang, đói quá, vào quán gặp món cá bể, anh em ăn lấy ăn để. Có ý kiến cảnh giác Mỹ rải chất độc trên biển, ăn cá nguy hiểm. Nhưng đói, gặp bữa, chuyện đó để sau tính. Đoàn trở ra Vinh, thì vừa lúc nghe tin cụ Hoài Thanh vào. Cụ được ông Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh ủy, tiếp kiến. Nhưng đoàn chúng tôi thì danh phận thấp, không được dự.

Rồi về Hà Nội, rồi đi sơ tán Hà Bắc, rồi tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh cụ Nguyễn Du rất hoành tráng. Anh Nguyễn Văn Hoàn một trong những người góp phần tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm ấy. Lại cùng cụ Nguyễn Đức Vân, một bậc túc nho, hoàn thành bản Truyện Kiều qua khảo sát các bản Nôm có giá trị.

Anh Nguyễn Văn Hoàn là một nhà nghiên cứu, một nhà giáo mẫu mực. Anh làm hồ sơ, làm tư liệu nghiên cứu rất kỹ, có tư liệu nghiên cứu cả ở nước ngoài (tư liệu anh để lại mấy chục hòm). Thời đó, anh có mối liên hệ quốc tế với các nhà nghiên cứu Nga, Pháp, Trung Quốc và các Việt kiều. .. Đặc biệt, chuyến đi Bắc Kinh (Trung Quốc) tìm tư liệu về Đại thi hào Nguyễn Du của anh đã đem về cho chúng ta những tư liệu quý giá.

Đó là hồ sơ, văn thư về chuyến đi sứ vào năm 1813 của Nguyễn Du ở Trung Quốc; hành trình, công việc, văn bản... còn ghi chép, còn lưu trữ ở “Thạch thất” của Hoàng thành Bắc Kinh. Nhờ đó, chúng ta biết thêm về Nguyễn Du, nhất là về Bắc hành tạp lục, tập thơ gồm những kiệt tác của Nguyễn Du. Những ý kiến của những nhà nghiên cứu Trung Quốc về Nguyễn Du qua trao đổi với anh, chẳng hạn về các bài thơ chữ Hán Dương phi cố lý hay Độc Tiểu Thanh ký... thì không nhất thiết Nguyễn Du phải đến tận nơi mới làm thơ!

Gần đây, các bạn ở Đại học Bắc Kinh lại mời anh Nguyễn Văn Hoàn sang làm việc lần nữa. “Cố nhân”, “lão bằng hữu” (bạn cũ) mà!

Tôi đã làm việc dưới quyền anh Nguyễn Văn Hoàn từ thời mới ra trường và mấy năm gần đây, anh cộng tác hết sức nhiệt tình và hiệu quả với Hồn Việt và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học... Tình nghĩa anh em, tình thương mến, lòng kính trọng anh... dào lên khi nghe tin anh đột ngột ra đi. Tôi không bao giờ quên giọng anh nghẹn ngào, thảng thốt báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần: “Anh Văn mất rồi!”. Tôi không bao giờ quên anh, gia đình thầy Đặng Thai Mai mà anh là một người rể hiền... Không bao giờ quên những tháng năm anh hướng dẫn chúng tôi đi vào khu IV bằng xe đạp để thăm quê Tiên Điền của Nguyễn Du...

Trăm năm chớp mắt có là bao (Nguyễn Du, Thơ chữ Hán), nhưng anh đã cống hiến, đã làm việc hết mình cho văn hóa dân tộc.

Dịp kỷ niệm 200 năm, anh Nguyễn Văn  Hoàn được phân công làm kỷ yếu kéo tôi vô làm “tà lọt”, chữa mo-rát, chứ mọi chuyện cụ Hoài Thanh quyết hết…

Vậy xin bổ sung, nhớ lại cho vui chứ chuyện là “chuyện muôn năm cũ”…

______________________

(Còn nữa)

Chuyến đi sau 50 năm. Anh đã giảng, nói chuyện về Nguyễn Du ở Đại học Bắc Kinh, ở Đại học Quảng Tây... và sau chuyến đi định mệnh mà anh cố thực hiện đó, anh đã mãi ra đi. Có thể nói về anh rất nhiều điều, nhưng rốt ráo, đó là một gương mặt tiêu biểu, một con người suốt đời say mê công việc, một người anh, một người cố vấn, một người bạn tốt... Mất anh, buồn và trống vắng biết bao nhiêu!


MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
TPO - “Con đường văn sĩ” chuyển tải hàng trăm trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn 1938 đến 1945. Mộng văn chương, quá trình thai nghén tác phẩm và thêm cả những chuyện đời thường cũng được Nguyễn Huy Tưởng nêu trong nhật ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - tiết lộ từ bé đã đọc nhật ký của cha, trong đó có cả những chuyện riêng tư của cha mẹ.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.