Người gọi chim giữa đại ngàn Bạch Mã

Người gọi chim giữa đại ngàn Bạch Mã
Mấy chục năm nay, anh Trương Cảm trở thành một trong những “cánh cửa vững chắc nhất” giữ bình yên cho những cánh rừng của Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế).

Sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết anh từng là… “lâm tặc”.

Người sám hối trước rừng già

Người gọi chim giữa đại ngàn Bạch Mã ảnh 1
Trương Cảm đang gọi chim.

Tôi hỏi anh Trương Cảm làm kiểm lâm từ bao giờ. “Từ lúc thôi không còn làm lâm tặc”- anh nói khẽ và ngọn nguồn câu chuyện được kể lại thật cảm động. Vào khoảng những năm 1980-1984, lúc đang học cấp một - hai, chú bé Trương Cảm thường vào rừng bẫy chim và săn bắt động vật hoang dã.

Một buổi chiều cuối tháng 9 năm 1985, đang lúc bán 2 con trĩ sao ở Nhà văn hóa Trung tâm Thừa Thiên - Huế thì có hai thanh niên vào trả giá rất cao. Cảm đồng ý mang chim ngồi trên xe mô tô theo các anh về nhà nhận tiền. Lúc đến, trước mắt là căn nhà to có nhiều người mặc áo xanh làm Cảm đâm nghi. Đến khi nhìn thấy hàng chữ “Chi cục Kiểm lâm…”, Cảm mới biết rõ mình đã bị bắt.

Tại đây, Cảm khai ra các hoạt động săn bắt động vật hoang dã trái phép và cách thức nuôi chúng sống khỏe cho đến lúc bán được… Chừng hơn một tháng sau, 3 xe ô tô con đậu trước cửa nhà Cảm, người mặc áo trắng có, áo xanh có, hăm hở đi vào. “Mạ ơi, họ bắt thật rồi…”- hoảng quá, Cảm chỉ nói được với mẹ một câu rồi co giò bỏ chạy.

Đêm đến, đói quá, Cảm lần về nhà và nhận được một mảnh giấy: “Em cố gắng hợp tác với đoàn nghiên cứu để tìm hiểu loài trĩ sao…”. “Mạ ơi, họ có lừa không mạ?”. Mẹ anh động viên: “Không can chi mô con, họ nói với mạ rồi…”- Tiếp đó một tuần lễ, Cảm theo đoàn WWF (Quỹ về bảo vệ thiên nhiên) đến khe Ao thuộc vùng rừng Nam Đông (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhưng chỉ ngồi trong lán.

Ba ngày sau, đoàn trở lại, cho rằng Cảm buôn trĩ sao từ nơi khác đến. Cảm xin ba sợi dây dù, một mình vào rừng và anh đã bắt được trĩ sao. Lúc bấy giờ, họ sung sướng ôm Cảm nhảy dựng lên. Cuối năm 1985, đang lúc gặt lúa, có người lạ hỏi Cảm: “Em về ở với anh không?”. “Ở đâu?”. “Rừng cấm Bạch Mã. Anh cho em nuôi chim”.

Người lạ đó là ông Huỳnh Văn Kéo- Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã bây giờ. Theo ông Kéo về vườn, năm đó Cảm mới chỉ 17 tuổi, nhỏ nhất cơ quan. Sống với kiểm lâm, nhưng cậu bé Cảm chỉ thích đi săn bắt chim. Mãi đến năm 1989, trong một lần chứng kiến cảnh khỉ mẹ mặt đỏ bị sập bẫy, máu me đầy mình, nước mắt giàn giụa nhưng vẫn ôm chặt con vào lòng cho bú, Cảm chạy một mạch về thưa với mẹ: “Mạ ơi đi tu làm gì nữa…!”.

Bà mẹ không hiểu, mãi cho đến khi Cảm mở trong cái bao tải ra mẹ con khỉ mặt đỏ mình bê bết máu. Về sau, không chỉ mẹ con khỉ mặt đỏ được cứu lành vết thương, thả lại cho rừng mà hàng trăm chim, thú khác cũng đã được Trương Cảm giành lại mạng sống từ tay những kẻ săn bắn.

Gọi chim giữa đại ngàn

Người gọi chim giữa đại ngàn Bạch Mã ảnh 2

Thác Đỗ Quyên, một trong những thắng cảnh được du khách tìm đến ở Vườn Bạch Mã.

Dẫn tôi thăm Vườn quốc gia Bạch Mã, trước lúc “trổ tài” gọi chim trời, anh đã giới thiệu hàng trăm cây rừng và cỏ dại mà theo anh là các dược thảo quý: ngũ gia bì, nam trường sơn, thổ phục linh, thạch xương bồ, bướm bạch, bạch hoa thiết xà thân thảo… Mỗi cây chế ra được một loại thuốc, có công dụng riêng. Trương Cảm bấm ngón tay tính nhẩm, Bạch Mã có gần 600 loài thực vật, trong đó 338 loài dùng trong y dược…

Bất chợt có con chim bay ngang qua đầu, anh đưa đôi bàn tay lên miệng, lòng bàn tay bắt khum vào nhau, hai ngón trỏ căng đôi gò má, cất tiếng gọi chim. Con chim ngừng bay, quay đầu hót đáp trả. Một lát sau, đàn chim bay về đông đến vài chục con, quần tụ trên những tán cây, thi nhau hót.

Anh Cảm bảo đó là chim khướu, hót hay và siêng hót nhất trong các loài chim… Đây đó trên đỉnh núi cao, tiếng hót của một loài chim nào đó đột ngột xé toang không khí trầm buồn thâm u của rừng núi lúc chiều tối. “Đó là tiếng gọi bạn tình của chim cu rúc”.

Trước lúc lên Hải Vọng Đài để ngắm mây trời Bạch Mã đẹp đến “mềm lòng” như anh nói, Cảm còn hót cho tôi nghe tiếng của nhiều loài chim khác nhau như: cu cu, cuốc, bìm bịp, gà lôi lam…

Tiếng hót của mỗi loài cũng được anh đặt vào một hoàn cảnh nhất định như gọi bạn tình, thách đấu, lạc đường, tranh chấp lãnh thổ, lẻ loi, báo tin dữ lúc da diết, lúc hốt hoảng, lúc hừng hực... Sở dĩ anh “hót” được như vậy là “nhờ” thuở nhỏ theo cha săn bắt chim thú, tập hót để “dụ” chim về.

Năm 1993, đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Nông Lâm - Huế (lúc này Cảm đã được biên chế vào ngành kiểm lâm), anh nhận được học bổng sang Pháp, vùng Nor Pas De Pais để nghiên cứu về các loài chim. Tại đây, Cảm được giáo viên Pháp ngưỡng mộ đặc biệt về khả năng bắt chước tiếng chim của anh. Và cũng tại đây, anh có điều kiện hơn để bắt chước tiếng hót của nhiều loài chim khác.

Hải Vọng Đài ở độ cao 1.350m, thấp hơn khu vực sân bay (do Pháp xây dựng ở Bạch Mã) 100m, nhưng ở nơi đỉnh núi cả gió, quanh năm mây trắng này cũng đủ nhìn rõ quang cảnh của núi rừng trong vòng bán kính 10 cây số. “Tui thường lên đây quan sát rừng, hễ thấy “động” là dùng bộ đàm báo ngay cho anh em kiểm lâm dưới trạm.

Lâm tặc thường hành động lúc gió rét, vậy nên có lúc rét cắt da, cắt thịt, tui cũng lên đây”- anh bộc bạch và cho biết thêm, nhờ thường xuyên quan sát từ Hải Vọng Đài mà Trạm kiểm lâm số 1 Bạch Mã của anh đã phát hiện được hàng chục vụ săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã trái phép tại nhiều vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã.

Bạch Mã mùa này vào buổi chiều thường có mưa rừng, thứ mưa như khối nước khổng lồ từ đỉnh núi đổ xuống tưới mát ngàn vạn sinh linh đang sống trong “ngôi nhà chung”. Tôi vừa nghe anh kể chuyện của rừng, chuyện của các loài chim, vừa ngây ngất trong màn biểu diễn nhạc nước tuyệt đẹp của thiên nhiên.

Anh kể cho tôi về bài học đầu tiên anh dạy cho con – bài học từ những lầm lỗi và sự thành tâm sám hối với rừng của chính mình. Con trai của anh tên là Lâm. Năm nay 5 tuổi, cậu bé Lâm đặc biệt say mê khi nghe ba kể chuyện về những cánh rừng. Lần đầu tiên được theo cha lên Bạch Mã, cu Lâm hăng hái kiếm dây chun và cành cây để làm ná bắn chim.

Anh Cảm đã ôm con vào lòng rồi hỏi: “Cu Lâm vắng mẹ có buồn không? Con chim cũng có mẹ, Lâm làm ná bắn mất chim mẹ, chim con sẽ buồn và biết sống làm sao…!”.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.