Người gom nhặt sử bên sông Bùi

Người gom nhặt sử bên sông Bùi
TP - Ông là Hà Huy Tiến, người được coi là pho sử sống của làng Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội.

Không khí lạnh, trời mưa phùn lất phất làm cho con đường về xã Tốt Động trở nên nhầy nhụa. Hỏi nhà ông Hà Huy Tiến ngay từ đầu đê, anh nông dân vui tính đã chỉ dẫn rất cặn kẽ: “Ông giáo Tiến chứ gì? Cứ đi thẳng tới đầu cầu Rét rẽ trái, cổng thứ 3 là nhà ông ấy đấy”.

Tôi dừng xe trước cổng, trước mắt tôi là ngổn ngang những tấm phù điêu, những bức tượng chật kín cả sân. Người đàn ông tóc bạc trắng tuổi gần 80 cười vui vẻ khi tôi vừa bước vào nhà: “Anh thông cảm nhé nhà bừa bộn quá”. 

Chân đi đất, bàn tay vẫn lấm lem mực, cát, xi măng, ông Tiến cười hiền rót nước mời khách. Khi biết tôi muốn tìm hiểu viết bài về ông, ông gạt đi: “Địa phương này không thiếu cái để anh viết, anh hỏi thì tôi trả lời giúp chứ bản thân tôi có gì đâu mà viết”.

Ở làng, ông Tiến vẫn được người dân gọi bằng cái tên dễ gần ông giáo Chít. Ngay từ những ngày còn đứng trên bục giảng, niềm đam mê sưu tầm, tìm hiểu về sử học đã thôi thúc trong ông. Bên cạnh những trang giáo án là những câu thơ, vế đối, văn tế cổ được ông Tiến tỉ mỉ ghi chép lại bằng chữ Hán.

Sau khi nghỉ hưu, xa công việc giảng dạy, ông dồn hết thời gian vào những việc mà ông ấp ủ nhiều năm: Lặng lẽ đi khắp các ngôi đình, chùa để tìm hiểu, để dịch những văn bia cổ có giá trị. Ông say đắm với những di tích văn hóa có hàng trăm năm tuổi, với nét vút cong của mái đình, những bức phù điêu nghệ thuật.

Với chiếc xe đạp cũ kỹ và chiếc túi da sờn màu, ông cứ đi triền miên để chép lại những gì đã và đang xảy ra trên quê hương mình. Thời ấy, người ta bảo ông là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, trong khi gánh nặng kinh tế đang đè lên vai người vợ tảo tần thì ông cứ làm những việc không đâu.

Hình ảnh ông Tiến sớm sớm cơm nắm đạp xe lên tỉnh, mang theo một túi hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa và xin kinh phí tu bổ chùa chiền ở địa phương đã trở nên quen thuộc, với nhiều người dân địa phương.

Thuộc làu tên xóm, tích làng

Công việc bận rộn nhưng khi hỏi về lịch sử, văn hóa của Tốt Động và một số xã xung quanh, ông Tiến có thể kể ra vanh vách. Nghe ông nói cứ như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.

Hễ cứ hỏi đến cái đình nào, xây năm nào, thờ ai và có điển tích gì, ông đều biết rõ. Có khi ông còn nắm rõ cả nguồn gốc, tổ tiên một số dòng họ, mà ngay cả người trong dòng họ ấy còn không hay biết.

Những tên làng, tên xóm, tên cánh đồng, con sông, ông Tiến đều giải thích một cách cặn kẽ vì sao lại có tên như thế.

Ông tâm sự: “Lịch sử dù tốt hay xấu thì đều là những tư liệu đáng quý, nhờ vào đó mà chúng ta biết rút ra bài học cho tương lai. Nhiều người bảo, chuyện đã qua rồi thì ích gì, đó là sai lầm lớn”.

Ông Tiến mở tủ, lấy cho tôi xem một tập tài liệu với nhiều cuốn sách khác nhau viết bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ. Ông nói: “Đó là toàn bộ lịch sử của địa phương tôi từ những năm 30 đến nay”. Trong đó, ông tâm đắc nhất là cuốn Tạp ký bản xã chư  sự (1933) và Hương ước Tốt Động sử (1936).

Người gom nhặt sử bên sông Bùi ảnh 1
Bìa ngoài cuốn Tạp ký bản xã chư sự  

Mọi công việc của xã nhà và các địa phương lân cận về xã hội, tự nhiên, dân số, tranh chấp điền thổ, lễ giáo... được ông sưu tầm, biên tập công phu.

Tư liệu về các danh nhân, anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm được ông dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm. Nổi bật là hai vị tướng tài Lý Triện và Đỗ Bí hi sinh ở trận chiến Tốt Động - Chúc Động trong cuộc khởi nghĩa của quân Lam Sơn chống giặc Minh.

Tốt Động là nơi ghi dấu chiến thắng, là nơi còn để lại những chứng tích lịch sử quý báu mà ông Tiến là một trong những người có công lưu giữ.

Xót cho di tích bị lãng quên

Ông Tiến trầm ngâm khơi lại cho tôi nghe hai câu trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi ca ngợi trận đánh ở Tốt Động - Chúc Động năm 1426.

Cho đến nay, nơi đây vẫn còn những chứng tích rất quý giá là lăng mộ và nơi thờ tự của hai vị tướng quân Lam Sơn chỉ huy nghĩa quân ngày ấy. Đặc biệt, là còn mồ chôn giặc Minh tại gò Đồng Mô có kết cấu đá ong cổ nhưng đang đi vào quên lãng.

Trong tài liệu ông Tiến sưu tầm được có chép một bài văn tế cô hồn quân Minh rất hay và ý nghĩa. Ông Tiến đã dịch lại ở văn bia Đồng Mô có tựa đề là Văn tế Nghĩa Chủng. Bài tế được cúng vào ngày 24 tháng chạp hằng năm, trong đó có đoạn:

“…Thánh Triều nhân tâm

Trạch cập khô cất

Sắc danh mộ điền

Đồng phần dị huyệt

Tuế tương mộ hỹ

Giao nguyên thê kỷ

Huân cao bật hưởng

Hà phụ hà y…”

Ông Tiến tạm dịch:

“…Nhờ lòng nhân ái của vua ta

Cho thu nhặt hài cốt

Theo sắc chỉ xây mộ

Cùng chung một xứ mồ

Hằng năm các vong hồn hãy nhớ

Ngày này trở về đây

Cùng nhau mà hỷ lộc

Vì không có nơi nương tựa…”

Ông Tiến cho biết: “Hiện nay, tại Tốt Động vẫn còn trên 50 đạo sắc phong được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được nhiều người biết và đang bị xuống cấp nghiêm trọng do chưa được bảo quản đúng mức.

Là người chép sử làng và tham gia phục chế nhiều công trình di tích văn hóa, ông Tiến rất trăn trở, xót xa cho thực trạng đáng buồn ấy. “Lịch sử quê hương như thế mà ngày nay họ thờ ơ quá. Hỏi sử của quê mình mà cứ ngơ ngác như là chuyện bên Tây ấy”.

Lo sợ di tích bị xuống cấp, nhiều lần ông đã cùng các vị tiền bối đi gõ cửa từng nhà để công đức lấy tiền tu bổ lại di tích địa phương. Nhưng để một hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa được bảo tồn thì một mình ông lực bất tòng tâm.

Ông Tiến vừa cất tập tài liệu vào  tủ vừa tâm sự với tôi: “Ngày Hà Nội mở rộng tôi mừng lắm. Mừng không chỉ vì mình thành người Thủ đô mà tôi biết những di tích ở quê tôi sẽ có người biết đến và có giải pháp bảo vệ tốt hơn”.

Con sông Bùi mùa cạn, dòng nước vẫn chảy hiền hoà bồi đắp phù sa. Bên sông ấy có người cần mẫn, lặng lẽ gom góp những trang sử quý cho quê hương mình.

Không chỉ là người chép sử, nắm rõ lịch sử, văn hóa địa phương, ông Tiến còn là một nghệ nhân có bàn tay tài hoa mà người Tốt Động đều biết.

Các cổng đình, mái chùa, hoa văn, họa tiết, các hoành phi, câu đối ở các công trình văn hóa địa phương đều có bàn tay của ông.

Cổng đình xóm Mát, xóm Tròn, xóm Leo, xóm Đừn và gần đây là Thượng Cung và Thuỷ Đình tại đình Tốt Động mỗi nơi một kiến trúc khác nhau nhưng chỉ có mình ông là người đắp vẽ nên.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.