Người hàng xóm kỳ lạ

GS Nguyễn Thị Liên, phu nhân GS Phạm Huy Thông. Ảnh: Xuân Ba
GS Nguyễn Thị Liên, phu nhân GS Phạm Huy Thông. Ảnh: Xuân Ba
TP - Ông là “Nam quốc kỳ nhân”, thuộc thế hệ vàng “một đi không trở lại” trong lịch sử Việt Nam chạy dài suốt thế kỷ 20. Giáo sư (GS) Nhà giáo nhân dân (NGND) Nguyễn Đình Chú năm nay ở tuổi 92 đã xúc động khi nói về Phạm Huy Thông với những lời trân trọng như vậy.

Cơ duyên diện kiến và những bí ẩn

May mắn thay người được coi là dị nhân của nước Nam ấy lại là hàng xóm của Sở làm nơi tôi tòng sự! Mà cũng lạ, hàng xóm cơ quan tôi, trụ sở Báo Tiền Phong, tinh những người tài? Bên trái có nhà sưu tập tranh danh giá Đức Minh. Đối diện là nhà tướng Chu Văn Tấn và ông Ủy Ban thường vụ Quốc hội Trần Đình Tri. Mé phải, sau này nếu không có cái việc sang tên đổi chủ thì đích thị hàng xóm áp tường là nhà chính trị, nhà thơ Tố Hữu!

Tôi đang nói cái buổi sáng mùa đông năm 1978 ấy, vừa đến cơ quan thì thấy anh bạn học khóa sau Khoa Sử Đại học Tổng hợp ngồi lù lù ở phòng thường trực. Hắn cho biết đang làm luận án tốt nghiệp. Người hướng dẫn là GS Phạm Huy Thông. Bữa nay làm việc với thầy. Hỏi nhà thầy, GS Phạm Huy Thông ở đâu, hắn hất đầu, ngay trước mặt kia thôi. Trời ơi từng bao lần mắt chữ O mồm chữ A hồi ở khoa Văn nghe GS Hoàng Như Mai giảng về thi sĩ Phạm Huy Thông với Tiếng địch sông Ô… mà nay không ngờ nhà GS lại là áp tường với cụ Trần Đình Tri trước cửa cơ quan mình?

Bữa đó tôi theo chân anh bạn sang nhà thầy Phạm Huy Thông, vì có lịch làm việc trước nên gặp ngay.

GS Sử học Phan Huy Lê thì tóm tắt: Bên cạnh sự thông tuệ của một nhà khoa học với những kiến thức liên ngành thấu đáo, bên cạnh tầm nhìn xa của một nhà quản lý, Phạm Huy Thông còn là hiện thân của chất nhân văn, sự lịch lãm được kết tinh giữa Hà Nội với Paris hoa lệ.

GS người manh mảnh, thần thái nhất là vầng trán và cặp mắt tinh anh sau làn kính cận. Nghe tôi ngập ngừng giới thiệu, ông cười vui vẻ cho ngồi, nhưng ông lại không ngồi và cứ sải bộ quanh phòng thao thao nói những yêu cầu về đề tài luận án mà ông lưu ý là gợi ra những điểm nhìn mới, lạ.

Chỉ khoảng hơn 30 phút cuộc trao đổi đã hòm hòm thì lúc ấy có xe đến đón GS đi có việc. Cứ tiếc có dịp được hầu chuyện ông cho thỏa chút tò mò mà bị lỡ!

Cho đến một ngày nóng nực năm 1988. Đi Quảng Ninh hơn tuần về thì cái con phố hiền lành yên tĩnh Hồ Xuân Hương vẫn còn váng vất những xầm xì về vụ án mạng khủng khiếp. Thủ phạm đã lẻn vào nhà GS thừa lúc ông sơ ý đã ra tay thủ ác giết chết GS.

Cũng lạ, cái chết đã mang GS đi ở tuổi 72 với bao nhiêu bí mật của một vụ án bí ẩn!

Gần 6 năm trước, tôi dự định chi phí kha khá thời gian vào Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Bởi ở đó có bao thứ níu kéo của việc viết. Trung tâm chuyên nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua tiểu sử, tư liệu và hiện vật cá nhân của nhà khoa học.

Căn phòng khiêm nhường nhưng mang cái tên rất oách, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Và bữa đó tôi đã sửng sốt rồi lặng phắc bởi kỷ niệm cũ ùa về? Trước tôi là vài  hiện vật của GS Phạm Huy Thông. Một ít tài liệu giấy tờ. Ảnh tư liệu. Thẻ Nhà báo. Bản thảo viết tay của GS giai đoạn 1930 và sau này những năm tám mươi. Và nữa, cái máy đánh chữ  nghe đâu đã gắn bó cùng GS thời gian giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Hội nghị Fontainebleau (năm 1946)

Chính vẻ sơ sài và gần như còn khiếm khuyết của những hiện vật ấy đã gợi mở cho những ai đã nặng lòng đã tưởng tượng về GS Phạm Huy Thông chút gì đó hẫng hụt? Nhưng không phải cảm giác thất vọng mà là đau đáu với ý nghĩ, cùng với thời gian vào một cơ may nào đó người ta sẽ lần lượt tìm thêm sẽ gom thêm di vật của con người tài hoa ấy?

Tò mò gạn thêm một nhân viên của nhà Di sản, tôi được biết người mang những hiện vật ấy để tặng cho Trung tâm chính là người vợ của GS Phạm Huy Thông,  GS Nguyễn Thị Liên!

Lại những bí ẩn

GS Nguyễn Thị Liên? Lần đầu tôi nghe cái danh ấy, người vợ của GS Phạm Huy Thông?  Gạn thêm người của nhà Di sản, họ cũng chả biết thêm gì hơn?

Và cái tên ấy khi hiển hiện khi bàng bạc bởi có tới mấy lần tôi dò hỏi qua vài nguồn quen biết tin cậy nhưng  đều chỉ là bóng chim cùng tăm cá! Những là có nghe nói, rằng hình như bà ấy là người vợ sau của GS? Bà ấy vốn là học trò của GS Phạm Huy Thông thời gian GS tất bật với công việc giảng dạy và quản lý ở Đại học Sư phạm Hà Nội… Rằng, bà quả phụ tên Liên ấy vẫn ở tại ngôi nhà ở phố Hồ Xuân Hương…

Tôi đã mạo muội làm cái việc theo lời chỉ bảo như gắt lên của một ông bạn, trời đất, chỗ báo Tiền Phong sang nhà ấy chỉ mấy bước chân sao ông không đáo qua mà cứ dò dẫm hỏi han?

Vâng dễ hơn 40 năm, sải chân tôi mới lại ngập ngừng trước mảnh sân căn biệt thự dịp xa xăm ấy từng cùng với ông bạn ngành khảo cổ ghé?

Một người lạ, dễ là người làm hoặc gia nhân, vẻ mặt kín bưng, lễ phép cho biết, chủ nhân đi vắng!

Lần thứ hai cũng thế. Lượt thứ ba cũng vậy? May mà lần thứ ba, tôi được cho số điện thoại của chủ nhân ý chừng mình là người hàng xóm?

Máy đổ chuông tín hiệu thông. Đầu dây bên kia là chất giọng thanh, nhẹ của nữ chủ nhân. Nhưng như khó khăn, như miễn cưỡng? Rồi tôi cũng có được một cái hẹn.

Người đàn bà dáng mảnh dẻ. Rất khó đoán tuổi cộng cái nhìn như u uẩn, như cảnh giác dè chừng… Bà như lọt thỏm trong bộ sa lông và bạt ngàn sách giăng khắp phòng khách.

Tôi thoáng ngay một quyết định. Nếu chủ nhân cứ duy trì cái âm hưởng chủ đạo cảnh giác với dè chừng cùng phiền hà thế này mình sẽ rút. Nhưng may, chất giọng bà trở lại bình thường của việc hỏi thăm công việc.

Căn phòng khách rộng thênh. Những thời khắc của mùa thu chầm chậm lướt bên ngoài cánh cửa sổ mở rộng. Trên khuôn mặt chủ nhân không một nét cười. Vẫn vẹn nguyên những nét u uẩn trên cái nền của giá sách giăng giăng, tôi có cảm giác nhỡn lực của bà như đang được những nhấp nháy tỏ mờ của họa tiết trên các gáy sách trợ giúp? Nhưng chả phải! Tất cả họa tiết ấy chỉ là làm nền để tôn  thêm lên chất giọng chầm chậm và buồn.

Những âm sắc chậm buồn ấy như minh họa như làm sinh sắc thêm cho cái điều bất biến mà mình đã từng đọc ở đâu đó rằng, không phải là lê thê của sự hằng sống và một đời sống vợ chồng viên mãn đầu bạc răng long? Mà là chất lượng sống. Chất lượng của một mối tình. Cô học trò nhỏ của Đại học sư phạm sau này là phụ tá của GS Phạm Huy Thông đã tìm thấy một nửa của cuộc đời mình ở vị GS phong độ uyên bác mà tuổi 20 đã làm kinh hoàng thiên hạ nhiều thi khúc trong đó có Tiếng địch sông Ô

Họ được ở bên nhau không nhiều, không dài. Chất lượng sống có thể là những chuyến công cán, những buổi tiếp khách nước ngoài cùng GS. Những bữa ăn đạm bạc do bàn tay khéo léo thu xếp của bà là cái cớ để các ý tưởng  khoa học của sử, của ngôn ngữ, của dân tộc học… chắp cánh và thoát thai cho cả chủ lẫn khách?

Không! Khó mà tìm thấy trong chất giọng của bà lúc dẫn chuyện những âm sắc xuýt xoa  kiểu vọng ngưỡng mê đắm của một con chiên hay bề tôi khi nhắc đến thứ tôn giáo mà giáo chủ là Phạm Huy Thông! Mà nhờ có Phạm Huy Thông, bà được sống và sống tiếp. Những khuyến khích gợi mở của GS như thứ mách bảo của Tạo hóa khiến con người khoa học của bà dần hoàn thiện. Những năm sau này khi người chồng đã đi xa, bà trở thành một chuyên gia ngôn ngữ học có danh. Bà đã tìm thấy bao nhiêu là sự sẻ chia đồng điệu với đồng nghiệp tầm cỡ quốc tế trên các diễn đàn cùng công trình khoa học!

Tôi đã hoang mang khi một lúc bà vẻ hồn nhiên giãi bày cái ý tưởng khoa học thuộc địa hạt ngôn ngữ học rằng, phải có  cách cảm cách hiểu tác phẩm thơ của Phạm Huy Thông?

Nhưng dần tĩnh trí, chợt nhớ về chàng trai Phạm Huy Thông từng tiên phong  trong phong trào thơ mới, người  sớm bắt được hồn thời đại. Trước khi sang Pháp học sử, học địa, học luật… rồi trở về Việt Nam gắn cả cuộc đời với nghiệp nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, Phạm Huy Thông ghi dấu vào “thời đại mới trong thi ca Việt Nam” với một đặc trưng lạ, lấy cảm hứng từ những nhân vật lịch sử, mang tới một không khí khác thường!

Người hàng xóm kỳ lạ ảnh 1 GS Phạm Huy Thông Ảnh: TL
Vâng, nếu như Tiếng địch sông Ô chẳng phải là dạng minh họa mà là thứ giải mã thời khắc bi hùng của sử Trung Hoa Hạng Võ biệt Ngu Cơ! Cách cảm của Phạm Huy Thông như xoắn bện cô đúc như một khối tư tưởng cùng tâm sự mà hậu thế chả gì giải mã? Cách cảm ấy trước tiên đã ảnh hưởng đã ám vào người bạn đời yêu quý của mình? Phải đọc giữa hai hàng chữ, giữa các con chữ trong trước tác của người chồng yêu quý.

Động cơ đó đã thôi thúc GS ngôn ngữ học Nguyễn Thị Liên đã mày mò lập trình một thứ mật mã, thứ chìa khóa để giải mã thơ Phạm Huy Thông? Tóm lại, phải có cách cảm, kiểu hiểu khác về thơ Phạm Huy Thông… Bà cũng chia sẻ với tôi dịp đã lâu, trong một hội thảo về Phạm Huy Thông, bà manh nha đề xuất ý tưởng này và được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt rất tán đồng và khuyến khích!

Người hàng xóm kỳ lạ ảnh 2
Cái buổi chiều định mệnh tháng 6/1988 ấy bà đang ở đâu?

Bà đang có chương trình làm việc ở Hải Phòng thì có chiếc xe commangca xịch đến. Người ta hối giục bà về Hà Nội vì ông nhà không được khỏe. Nhưng thoáng nhìn nét mặt của người báo tin, bà như sụm xuống.

Con phố Hồ Xuân Hương quen thân đã ở trước mặt. Các nhà chức việc vào ra nét mặt lặng lẽ.

Và bây giờ tôi phải lặng lẽ và vội quay đi bởi khó mà đối diện với chất giọng khẽ khàng nhưng rành rẽ ngay trước mặt.

Bao năm đã qua nhưng sự ra đi của ông nhà tôi vẫn là điều bí ẩn!

Tôi chả dám ngỏ với bà những an ủi muộn màng đại loại, rằng lưới trời lồng lộng kẻ ác sớm hay muộn phải đền tội!

Nhưng có lẽ cũng chả nên? Người quả phụ này đã có cái cách riêng để đọc để giải mã người bạn đời của mình.   

Phạm Huy Thông. Sinh ngày 20/11/1916 ở Hà Nội. Quê quán: Ân Thi, Hưng Yên. Vào tuổi 20 trở thành nhà thơ nổi tiếng.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa tại Paris (Pháp), theo học chương trình đào tạo trên đại học các ngành Sử, Địa, Luật, Kinh tế chính trị. Là Tiến sĩ Luật học và Thạc sĩ Sử - Địa.

Năm 1946, được chọn giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Hội nghị Phông-ten-nô-blô.

Đấu tranh và lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Bị trục xuất về nước (ở Sài Gòn).

Năm 1956-1966, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Phó Bí thư, quyền Bí thư Đảng ủy trường.

Từ năm 1967, Viện trưởng Viện khảo cổ học, Phó chủ nhiệm ủy ban khoa học xã hội Việt Nam ( từ 1976).

Ngoài ra còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác:

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam.

Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.

Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Hội du lịch Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội khóa II, III.

Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm khoa học nước Cộng hòa dân chủ Đức.

Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Mất 1988.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.