Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Người học trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Người học trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
TP - “Chỉ vài câu nói, ông đã khiến Tuần phủ Quảng Bình xuất ra 5 tấn gạo để cứu đói cho dân vào thời điểm đêm trước của Cách mạng Tháng Tám. Nhưng người ta biết nhiều đến Bùi Xuân Các bởi các chi tiết như chữ viết đẹp đến mức khiến cho nhà văn Nguyễn Tuân tặng cho danh hiệu “ông nghè bút thiếp thời nay”.

Mùa hè năm lên 10 tuổi của cậu bé Bùi Xuân Các ở làng An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là một bước ngoặt khi được mời đi học thêm.

Thầy dạy là một chàng trai vừa mới bị đuổi học vì tham gia phong trào bãi khóa phản đối chính quyền thực dân phong kiến ở Huế. Chàng trai đó là Võ Nguyên Giáp, sau này trở thành nhà quân sự lừng danh thế giới.

Mùa hè ấy, thầy Giáp đã đến từng gia đình có trẻ em để mời đến dự lớp học ngay tại nhà mình. Các bậc phụ huynh lập tức đồng ý vì ai cũng biết Võ Nguyên Giáp học giỏi nổi tiếng huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Lớp học dạy kiến thức phổ thông, nhưng các bài giảng đã khơi gợi trong cậu bé Bùi Xuân Các lòng yêu nước, tự hào dân tộc mà người thầy giáo trẻ kín đáo gửi gắm vào.

Nhà Các và nhà thầy Giáp rất thân nhau, có những hôm cậu bé đã ngủ lại trên cùng tấm phản với thầy giáo của mình. Một hôm có người bạn thân của thầy Giáp đến chơi, hai người trò chuyện với nhau hết sức thân mật.

Nửa đêm đang ngủ trên tấm phản, Các tỉnh dậy và giật mình vì không thấy thầy và người bạn đâu nữa. Họ bí mật đi đâu đó. Sau này, Các mới biết người bạn đó là ông Nguyễn Chí Diễu, Xứ ủy Trung Kỳ.

Sau nhà thầy Giáp  có cái ao, xung quanh cây cối xanh mướt. Các thường thấy thầy trèo lên cây nằm đọc sách tiếng Pháp trên đó. Mùa hè ấy trôi qua thật êm đềm nhưng để lại trong Bùi Xuân Các những ấn tượng không bao giờ quên.

Lớn lên, Bùi Xuân Các ra Hà Nội học và gặp lại thầy Võ Nguyên Giáp lúc đó đang làm giáo viên ở trường tư thục Thăng Long. Được thầy khuyến khích, Các đã tham gia phong trào đấu tranh dân chủ 1936- 1939  đang dâng lên sôi nổi lúc bây giờ. 

Các được anh Đào Duy Kỳ kết nạp vào Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương,  tham gia vào Hội truyền bá chữ Quốc ngữ lúc đó do cụ Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng. Các thường đến nhà nhiều gia đình khá giả ở Hà Nội vận động họ cho con sen, thằng ở đi học chữ Quốc ngữ.

Và bất cứ ai được Bùi Xuân Các dạy chữ Quốc ngữ đều cứ mong đến giờ để được đi học vì chữ của thầy giáo đẹp hiếm có. Đẹp đến nỗi có cảm giác Các không phải đang dạy chữ mà là đang viết thư pháp khiến người học mê mẩn. Và  lớp học chữ quốc ngữ do chàng trai người Quảng Bình này dạy thường kết thúc sớm hơn so với chương trình.

Bùi Xuân Các nổi tiếng vì chữ đẹp từ  hồi  còn đi học ở Lệ Thủy. Cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ đều đẹp lạ lùng. Có khi người ta đến nhà Các chơi chỉ để… xem chữ. Và nhiều bước ngoặt của cuộc đời Bùi Xuân Các đều gắn liền với nét chữ ấy.

“Thuyết khách” Tuần phủ, cứu đói cho dân

Năm 1939,  Bùi Xuân Các tham gia đám tang ông Phan Thanh, một sự kiện  nhằm biểu dương lực lượng cách mạng quần chúng. Đó là một đám tang đông chưa từng thấy ở Hà Nội, đoàn người đi đưa đám kéo dài như bất tận trên đường phố. 

Không dám ngăn cản đám tang, thực dân Pháp tìm cách gây sự để lấy cớ giải tán. Bùi Xuân Các hoạt động rất tích cực khiến cho bộ máy an ninh của Pháp ở Hà Nội để ý. Chúng cho mật thám theo dõi Các. Biết mình có thể bị bắt, Bùi Xuân Các đành tạm lánh về quê hương Lệ Thủy.

Đó là thời điểm đêm trước Cách mạng Tháng Tám, đời sống của người dân hết sức cùng cực. Lệ Thủy dân bị chết đói cũng nhiều. Tháng 4/1944, Bùi Xuân Các ra Đồng Hới gặp mấy người bạn đang làm ở Toà sứ và đưa ra một đề nghị tưởng như đùa: “Các anh bố trí cho tôi gặp Tuần phủ Quảng Bình”.

Thế rồi, Các và anh bạn Đào Viết Doãn đến Dinh Tuần phủ, hơi lo vì cái sự liều của mình. Gặp được Tuần phủ Nguyễn Thơ, Bùi Xuân Các nói: “Chúng tôi là thanh niên Lệ Thủy, trước tình hình dầu sôi lửa bỏng hiện nay không biết làm thế  nào cho phải, nên xin đến đây để thỉnh ý kiến cụ lớn”.

Ông Tuần phủ trả lời có vẻ như “lạc đề”: “Tôi rất có cảm tình với cách mạng và thương dân. Đi đến đâu cũng lo cho dân được yên ổn”. Ông lại khoe: “Tôi cũng nằm trong sổ đen của mật thám Pháp”. 

Bùi Xuân Các tiếp lời: “Cụ lớn thương dân khiến tôi rất khâm phục. Nhưng hiện nay dân Lệ Thủy quê tôi đang chết đói nhiều. Đề nghị cụ lớn cho gạo tới Lệ Thủy để tổ chức cứu tế”. Ông Tuần phủ nói ngay: “Thế mà tri huyện Lệ Thủy không cho tôi biết. Tôi sẽ xuất gạo tới đó”.

Tuần phủ Nguyễn Thơ cử luôn Bùi Xuân Các làm trưởng ban cứu tế Lệ Thủy. Vài hôm sau, 5 tấn gạo được chở đến nơi và Bùi Xuân Các tổ chức nấu cháo cứu đói. Nhờ những bát cháo ấy nhiều người dân Lệ Thủy đã thoát được cái chết cận kề. Họ vùng lên cùng với đồng bào cả nước cướp chính quyền và góp phần làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

“Ông nghè bút thiếp thời nay”

Khi bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, Bùi Xuân Các đã viết thư ra Quốc hội đề nghị trình bày Hiến pháp bằng chữ viết tay của mình. Chỉ cần xem nét chữ trong bức thư, Quốc hội đã chấp thuận đề nghị trên.

Nhưng sau đó, chiến tranh bùng nổ, khiến cho Bùi Xuân Các không thể thực hiện được tâm nguyện. Nhưng chàng trai này đã miệt mài, tỷ mẩn trong từng nét bút trình bày bản Tuyên ngôn độc lập để đưa ra đúng dịp kỷ niệm một năm ngày Quốc khánh 2/9. Bản tuyên ngôn độc lập do Bùi Xuân Các trình bày đẹp đến nỗi  được đưa vào Viện Bảo tàng.

Chữ viết của chàng trai quê Lệ Thủy này cũng đã khiến một người cầu kỳ, nghiêm cẩn với cái đẹp như nhà văn Nguyễn Tuân ngưỡng mộ. Đó là dịp Nguyễn Tuân cùng Đoàn Phú Tứ và một số văn nghệ sĩ khác vào tổ chức diễn kịch ở Huế.

Nội dung vở kịch do nhà văn Đoàn Phú Tứ viết, còn trình bày thì tất cả đều thống nhất là phải mời cho được Bùi Xuân Các . Bùi Xuân Các nhận lời và với nét chữ  thiên phú của mình đã khiến cho kịch bản sáng bừng.

Băng rôn quảng cáo vở kịch ghi: Nội dung Đoàn Phú Tứ, Bút thiếp:  Bùi Xuân Các. Vở kịch được trình bày bằng bút thiếp đó đã được bán với giá 50 đồng, tương đương 1 lạng vàng lúc bấy giờ.

Nguyễn Tuân sau khi xem bản bút thiếp của Bùi Xuân Các đã im lặng hồi lâu. Đôi mắt nhà văn ánh lên niềm xúc động, ngỡ ngàng như vừa trông thấy cái đẹp mà ông luôn tìm kiếm. Tác giả “Chữ người tử tù” rút ra tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” và nắn nót ghi: “Kính tặng ông nghè bút thiếp thời nay”.

Đường quan lộ của Bùi Xuân Các có vẻ hanh thông khi còn trai trẻ đã được cử làm Trưởng ty kiểm duyệt Trung Bộ. Nhưng sau đó đời ông rẽ sang nẻo làm thầy giáo có lẽ vì chữ quá đẹp. Sau khi dạy ở trường Lương Văn Chánh – Phú Yên một thời gian, Bùi Xuân Các được điều về Bộ Giáo dục  và từ đó ông gắn liền với chữ Quốc ngữ trong gần nửa thế kỉ.

Ở Bộ Giáo dục, ông phụ trách mảng cấp 2, cấp 3, nhưng những người phụ trách cấp I đều thường xuyên đến nhờ Bùi Xuân Các tư vấn cho cách viết của các em học sinh vừa mới đi học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc ấy đã đề nghị Bùi Xuân Các viết một cuốn sách hướng dẫn cho học sinh cách tập viết. 

Và khi sách ấy ra đời, chữ viết của nhiều học sinh cấp I toàn miền Bắc đã đẹp hẳn lên. Trong đó có những nét chữ Bùi Xuân Các đã cải tiến sau thời gian nghiên cứu công phu.

Kiểu chữ ấy đã ăn sâu vào nét bút biết bao nhiêu thế hệ học trò nhưng khi nó đã rất yên ổn trong nhà trường thì chính Bùi Xuân Các lại đề nghị thay đổi kiểu chữ.

Nét mặt ông trở nên sôi nổi khi nhớ lại ngày ấy: “Phải thay đổi kiểu chữ vì hoàn cảnh kinh tế xã hội lúc ấy đã thay đổi. Kiểu chữ cũ phải viết bằng bút lông, bút lá tre, nét thanh nét đậm, uốn lượn nhẩn nha, viết mất nhiều thời  gian. Trong khi đó, thời của bút lông bút lá tre đã qua, đến thời của bút bi rồi. Người ta cũng không có nhiều thời gian để nắn nót nét chữ”.

Để đưa ra đề nghị đó Bùi Xuân Các đã  mất rất nhiều thời gian suy ngẫm, tìm tòi. Ông nghiên cứu chữ Bác Hồ và chữ của đồng chí Trường Chinh và nhận thấy cả hai người đều có xu hướng đơn giản hoá chữ viết. Ông còn tìm quyển mẫu chữ La tinh của một Nhà xuất bản bên  Pháp để nghiên cứu thêm.

Đề nghị của Bùi Xuân Các đã được đưa ra thảo luận nhiều ở Bộ Giáo dục với nhiều ý kiến tranh cãi. Thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức là cực kỳ khó. Nhiều ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình lúc đó đã được gửi lên Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã triệu tập một cuộc họp lấy ý kiến của tập thể Bộ Giáo dục. Câu trả lời cuối cùng: Đồng ý với đề nghị của Bùi Xuân Các. Ông cười tươi, bảo: “ Kiểu chữ ấy bây giờ chúng ta vẫn đang dùng đây. Nó được chấp nhận vì hợp lý hơn”.

Hỏi ông sự khác nhau cơ bản giữa nét chữ kiểu mới và cũ là gì?. Ông trả lời bằng cách lấy cây bút bi và viết mấy chữ A, B, C… theo cả hai kiểu. Không ngờ ông lão 90 ấy lại có thể viết đẹp đến như vậy. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao Nguyễn Tuân lại tặng ông mấy chữ “Ông nghè bút thiếp thời nay”.

“Bí quyết viết chữ đẹp của bác là gì?”. Ông bảo: “Tôi yêu tiếng Việt,  mỗi nét chữ đều cố gắng đạt đến độ hoàn mỹ. Nhưng chẳng có gì hoàn mỹ cả, nên tôi càng phải luyện tập nhiều. Càng luyện tập tôi càng tìm được niềm đam mê trong từng nét chữ”.

Ghi chép của Phùng Nguyên 

MỚI - NÓNG