Dọc miền chân sóng - Kỳ 2:

Người mù làng cát trong cơn bĩ cực

Ngư dân gác thuyền, bao nhiêu dịch vụ ăn theo đều điêu đứng.
Ngư dân gác thuyền, bao nhiêu dịch vụ ăn theo đều điêu đứng.
TP - Ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) không hiểu vì lí do gì mà số lượng người mù cao một cách bất thường, khoảng 150 người. Họ như những hạt cát lăn lóc giữa cái làng biển bãi ngang nghèo khó. Nay trong cơn bĩ cực của người làng biển, những “hạt cát” cũng dạt xô theo từng con sóng.

“Đài anh Mỵ” đã có lúc ngưng phát sóng

Trong số những người mù ở xã Quảng Xuân, anh Nguyễn Văn Mỵ (SN 1964) khá nổi tiếng, người làng mệnh danh anh là “hiệp sỹ” mù, anh còn được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng bằng khen. Cái cách mà anh Mỵ trở thành “hiệp sỹ” rất đơn giản, nhưng với người làng biển thì ý nghĩa vô cùng.

Là một người mù bẩm sinh, lấy vợ mắt sáng, sinh ra 3 đứa con cũng bị mù, rồi đến đứa cháu ngoại không có cha cũng mù nốt. Vợ anh một mình lo cho 5 người mù không xuể, gia đình anh sống được là nhờ vào làng xóm. Mang ơn làng xóm, năm 1994, anh Mỵ vay mượn tiền bạc mua cái máy Icom truyền tin tức giúp dân làng đi biển. Đã hơn 20 năm nay, đêm cũng như ngày, anh Mỵ luôn túc trực bên chiếc máy Icom, khi thì báo tin thời tiết, khi thì tình hình gia đình, làng xóm cho những tàu cá đang lênh đênh trên biển. Không ít trường hợp tàu gặp nạn nhờ anh Mỵ báo tin mà các tàu bạn gần đó, hoặc cơ quan chức năng biết đến cứu hộ kịp thời.

“Rất nan giải! Có sản xuất, có làm việc thì các dịch vụ trong bờ mới vận hành. Nghề biển đìu hiu thế này thì chợ búa, hàng quán cũng vắng tênh. Bình thường bao nhiêu dịch vụ ăn theo ngư dân, nhưng ngư dân gác lưới, không có tiền thì dịch vụ cũng điêu đứng”.

 Ông Dương Minh Hợi

Để trả công anh, cứ sau một chuyến biển trở về, người làng và cả người vùng khác được anh Mỵ báo tin, lại mang những sản vật đánh bắt được đến biếu, giúp gia đình anh sống qua ngày. Không chỉ Quảng Xuân, mà dân các làng biển vùng Bắc Quảng Bình không ai là không biết anh Mỵ. Lâu thành quen, mỗi khi bắt đúng tần số Icom của anh Mỵ, họ thường hỏi “có phải đài anh Mỵ đó không?”.

Anh Mỵ nói, câu chuyện cá chết hàng loạt ngoài biển, ngoài những ngư dân bắt gặp trực tiếp thì có lẽ anh là một trong những người trên bờ biết đầu tiên. Ngày đầu tiên xuất hiện cá chết, qua điện đàm, anh nghe các ngư dân trên biển kể lại, không hiểu sao cá chết nổi lên rất nhiều. Nghe vậy biết vậy, lúc đầu anh cứ nghĩ là hiện tượng tự nhiên. Nhưng rồi việc cá chết cũng ảnh hưởng đến công việc của anh. Tàu cá liên lạc với anh cứ thưa dần, có hôm cả ngày ngồi dò tần số mà chẳng bắt được một tín hiệu nào. Hóa ra, cá chết, ngư dân neo thuyền không còn ra biển, chán nản, “đài anh Mỵ” cũng tạm ngưng hoạt động. “Chừ tui đã cho đài hoạt động trở lại nhưng công suất cũng chỉ khoảng 50% so với trước. Qua Icom, nghe bà con nói chuyện mà não cả ruột. Cá đánh bắt được nhưng giá thì rớt thê thảm, chỉ bằng nửa ngày xưa” - anh Mỵ tâm sự.

Cá chết, không chỉ ngư dân gặp khó khăn mà ngay cả người trên bờ như gia đình anh Mỵ cũng đến hồi túng quẫn. Lâu nay, để trang trải cuộc sống gia đình, mỗi sáng, vợ anh Mỵ nấu nồi cháo canh cá (sản vật ngư dân trong làng đi biển về mang biếu) để phục vụ bà con làng xóm và kiếm thêm ít tiền tiêu. Những ngày cá chết, chẳng ai ra biển nên gia đình anh Mỵ không có cá để nấu cháo canh. Khi mọi người đi biển trở lại, có cá đó nhưng nấu lên chẳng ai ăn, họ sợ bị nhiễm độc.

Nghỉ bán chừng 1 tháng, vì quá túng quẫn, vợ anh Mỵ nấu lại nồi cháo canh, thay cá biển bằng thịt heo. Ngày xưa, nguyên liệu cá không mất tiền mua vì được mọi người đi biển về mang biếu, nay thịt heo phải mua ngoài chợ, mà người làng đã quen với bát cháo 5.000 đồng, có hôm, vợ anh Mỵ lỗ thâm cả vốn. Anh Mỵ buồn rầu tâm sự: “Nước nổi thì bèo cũng nổi. Mình sống dựa vào làng xóm, chừ mọi người đều khó thì mình cũng khó chứ biết mần răng?”

Bồng trẻ đổi cơm cũng “thất nghiệp”

Ở làng Thanh Bình, xã Quảng Xuân có 3 chị em mù cũng khá nổi tiếng. Người làng gọi o Vắn, o Vó, o Vẫy. Các o nổi tiếng là vì đã 40 năm nay, gần như trẻ con trong làng lớn lên không ai là không qua tay của họ bồng bế. O Vẫy kể, cha của các o là ông Dương Lự và bà Võ Thị Biển. Các o có người anh trai đầu khỏe mạnh, đi bộ đội rồi hi sinh ở chiến trường miền Nam. Xót con, mẹ của các o khóc mù cả mắt, lúc sinh hạ thêm ba o, tất cả đều bị mù bẩm sinh.

Người mù làng cát trong cơn bĩ cực ảnh 1

Nồi cháo canh của vợ anh Mỵ phải thay từ cá sang thịt nên nhiều hôm lỗ thâm cả vốn.

Bà Biển qua đời khi o Vẫy vừa cai sữa, để lại ba đứa con tật nguyền cho ông Lự. Không hiểu sao ông Lự mắt cũng mờ dần rồi mù hẳn, không thể ra biển đánh cá nuôi các o. Mới lên chín, mười tuổi, các o đã phải đi bồng trẻ cho hàng xóm để nuôi thân và nuôi cha. Thương cha con ông Lự, chính quyền địa phương và bà con làng xóm, người góp công, người góp của xây tặng căn nhà tình nghĩa. Rồi ông Lự cũng qua đời để lại ba đứa con tật nguyền nương tựa vào nhau, nương tựa vào làng xóm sống qua ngày.

Năm 2012, o Vắn qua đời vì bệnh ung thư, hai o còn lại tuổi cũng đã trên 50. Điều mà người dân Thanh Bình quý các o vì đức tính cẩn thận, sạch sẽ, thương trẻ trong làng như con. Đặc biệt, các o bế trẻ nhưng không bao giờ lấy tiền, chỉ đổi công lấy bữa cơm. Gặp gia đình khá giả, cơm ngon, canh ngọt các o mừng, gặp gia đình khó khăn, cơm canh đạm bạc các o cũng vui vẻ. “Người làng mình cũng nghèo. Mình lấy tiền làm gì. Mình bồng con cho họ, mỗi ngày họ nuôi hai bữa cơm là được rồi. Rứa là quý lắm rồi” – o Vẫy nói.

Từ ngày cá biển chết, đàn ông không đi biển, phụ nữ không chạy chợ bán cá, thành ra các o “thất nghiệp”. Thương hoàn cảnh các o, người làng thi thoảng mang gạo, thức ăn đến biếu. “Vì hoàn cảnh mà mình phải nhận thôi, nhưng trong bụng các o cũng ngại lắm. Nhưng chừ biết mần răng, dân làng không có việc chi làm, đến việc bồng con mà mình cũng tranh phần thì không phải lắm” – o Vó tâm sự.

Người mù làng cát trong cơn bĩ cực ảnh 2 O Vó, o Vẫy ngồi nhà buồn bã vì thất nghiệp.
Lâu ngày không nấu cơm, nay bữa cơm của các o tự nấu thật khó khăn. Các o đun cơm bằng lá phi lao rơi phủ trên đồi cát cạnh nhà. Vì không nhìn thấy, nên nồi cơm của các o luôn mở nắp để biết lúc nào cơm sôi, tàn rơi đen cả nồi cơm mà các o không hề hay biết. Bữa cơm của các o không có gì ngoài mấy cọng rau lang luộc chấm nước mắm, ăn cùng bát cơm độn tro mặn chát. O Vẫy nói, ước mơ lớn nhất của các o là biển bình thường trở lại, để dân làng bớt khổ và các o thì lại được bế trẻ như xưa.

Ông Dương Minh Hợi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Xuân cho biết: Hơn một nửa dân Quảng Xuân đánh cá gần bờ, đã hơn 3 tháng nay thuyền thì gác bến, còn ngư dân ngồi bó gối ở nhà. Người dân Quảng Xuân vốn đã khó khăn nay còn khó khăn gấp bội, huống hồ gì những người tàn tật như anh Mỵ, o Vó, o Vẫy… “Rất nan giải! Có sản xuất, có làm việc thì các dịch vụ trong bờ mới vận hành. Nghề biển đìu hiu thế này thì chợ búa, hàng quán cũng vắng tênh. Bình thường bao nhiêu dịch vụ ăn theo ngư dân, nhưng ngư dân gác lưới, không có tiền thì dịch vụ cũng điêu đứng” - ông Hợi nói. 

         _________

   (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.