Người muốn hiến thận, giác mạc cho tác giả 'Ở hai đầu nỗi nhớ'

Người muốn hiến thận, giác mạc cho tác giả 'Ở hai đầu nỗi nhớ'
TP - Sau khi Tiền Phong (số 16, ngày 16-1) đăng bài: “Một mong ước bình thường mà đau đớn”, nhiều độc giả gọi điện cho tác giả bài báo bày tỏ mong muốn được giúp anh Trần Đình Chính, tác giả bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ (được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc) vượt qua bệnh tật. Đặc biệt, một phụ nữ miền Nam muốn hiến thận và giác mạc cho anh.

Người muốn hiến thận, giác mạc cho tác giả 'Ở hai đầu nỗi nhớ'

> 'Bài thơ 300 triệu: Một mong ước bình thường mà đớn đau
> Bản quyền bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” đã được bán giá 300 triệu đồng

Cuộc sống có nhiều tấm lòng thơm thảo

Lúc 11h30 phút, ngày 16-1, một người phụ nữ gọi điện từ Tiền Giang cho biết, vừa đọc báo Tiền Phong và rất thương anh Trần Đình Chính. Bà cho biết sẽ hiến thận và giác mạc cho tác giả bài thơ mà bà yêu thích.

Tại nhà riêng của mình, anh Chính cũng nhận được điện thoại của người phụ nữ này. Anh Chính bày tỏ sự cảm ơn và nỗi xúc động với ân nhân của mình qua điện thoại.

Người muốn hiến thận và giác mạc cho anh Chính tên là Thủy (chúng tôi chưa tiện công bố thêm thông tin). Bà Thủy đề nghị anh Chính cung cấp thông tin về nhóm máu để khớp nối việc hiến thận. “Ngày mai, mình đi chạy thận và sẽ hỏi bác sỹ về nhóm máu để hồi âm ngay cho bà Thủy!”, anh Chính nói.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải (đã về hưu), đang sinh sống tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM, gọi điện hỏi thăm tình trạng bệnh của anh Chính.

Ông cho biết, khi còn công tác tại bệnh viện, ông có thời gian làm việc và kết thân với một số bác sỹ người Úc. Họ tặng ông chiếc máy chạy thận nhân tạo, trị giá 25.000 USD. Nay ông muốn tặng lại anh Chính.

Ông đề nghị anh Chính tìm một trung tâm chạy thận nhân tạo tư nhân để hợp tác vận hành chiếc máy. Ngoài việc chạy miễn phí cho anh Chính, trung tâm này có thể sử dụng máy chạy thận cho người khác để tạo thêm thu nhập.

Tiền thu được từ khai thác chiếc máy sẽ được chia theo tỷ lệ: trung tâm 60%, anh Chính 40%. Bác sỹ cho biết, 40% anh Chính được hưởng tính ra khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, hằng tháng, anh Chính sẽ có một khoản ổn định là 15 triệu để thuốc thang thêm.

“Đây là sự giúp đỡ và sáng kiến khiến tôi rất cảm động. Bác sỹ tặng cả máy 25.000 USD, lại còn chỉ cho cách tạo thu nhập ổn định, lâu dài để chữa bệnh. Mình vừa nhờ con gái đi tìm hiểu thông tin xem có trung tâm nào giúp được theo gợi ý của bác sĩ Hồng Hải không. Được thì tốt biết mấy!”, anh Chính nói.

Ông Huỳnh Văn Rô, quê xã Trí Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh đã gọi điện cho anh Chính. Ông cho biết, ông chữa bệnh tiểu đường và suy thận bằng thuốc nam và ấn huyệt, đã chữa khỏi cho nhiều người. Nay ông muốn đón anh Chính vào chữa bệnh, ăn, ở miễn phí tại Tây Ninh…

Trắc ẩn trong ngày hạnh phúc!

Trong căn hộ tập thể, cánh cửa khép hờ, anh vừa tiếp chuyện tôi vừa đợi vợ về nấu cơm trưa. Có một ngày hạnh phúc khi nhận được nhiều sự giúp đỡ, sẻ chia nhưng anh lại trầm ngâm: “Mình thấm thía nỗi khổ của bệnh nhân chạy thận, tiểu đường. Bệnh nhân cũng khổ, nhưng có khi người vợ, người mẹ… có chồng, con bị bệnh cùng đi chăm sóc, nuôi dưỡng ở bệnh viện trường kỳ ngày này qua tháng khác, còn khổ hơn nhiều. Bệnh nhân chạy thận không hẹn ngày về, “xuất viện là ra đi”. Còn tiểu đường thì sống chung thôi. Người nghèo, không có bảo hiểm mà bị bệnh này, coi như sống kiếp trời đày ở trần gian. Mình có chút thơ văn, may mắn được nhiều người biết đến, quan tâm, chứ người nghèo khổ vô vàn”.

 Từ khi báo đăng, điện thoại của mình liên tục đổ chuông. Sung sướng và hạnh phúc vô cùng khi được mọi người quan tâm.

Ai cũng có những góc xù xì. Anh Chính cũng vậy thôi, lúc khỏe cũng bươn bả mưu sinh. Nhưng ở góc khác, nơi sâu lắng và yếu đuối của con người, anh lại chứa đầy trắc ẩn. Tôi đã thấy vài lần anh khóc. Có lẽ anh là người hiểu rõ nhất cuộc chiến với bệnh tiểu đường biến chứng khó như thế nào.

Cũng anh mới thấy hết cảm giác của sự bất lực, khi trước kia anh bay nhảy khắp nơi, giờ thì đến việc cài cúc áo cũng mất nhiều thời gian, cũng phải nhờ người trợ giúp.

Anh đang thấu hiểu những khó khăn, đau khổ cũng người nghèo bị bệnh. “Bệnh tật đã cướp đi nhiều thứ quý giá, nhưng cũng giúp mình nhận rõ nhất, thật nhất những giá trị đích thực của cuộc sống”, anh chiêm nghiệm.

“Nếu được khỏe trở lại, được sống tiếp, mình sẽ lập quỹ vì những người bệnh tiểu đường và bệnh thận… Mình sẽ gom tất cả những sự ủng hộ, đóng góp mà mọi người dành cho mình để chia sẻ với những người cùng cảnh” - anh Chính hy vọng!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG