Người Mỹ cũng khóc

Người Mỹ cũng khóc
TP - Tôi khóc trước sự chân thành mà người Mỹ dành cho đoàn, và họ cũng khóc, khi chứng kiến những hình ảnh đau thương của nạn nhân da cam mà tôi đem sang từ Việt Nam - thước phim về hành trình một tháng đòi công lý cho nạn nhân da cam (NNDC) hiện lên qua lời kể của chị Nguyễn Thị Hiền…
- Nạn nhân da cam Phạm Thế Minh tại New York (ảnh lớn) - Một phụ nữ Mỹ khóc khi nghe kể chuyện hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam (ảnh nhỏ, trên) - Sinh viên kiều bào ở New York ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Nguyễn Hiền
- Nạn nhân da cam Phạm Thế Minh tại New York (ảnh lớn) - Một phụ nữ Mỹ khóc khi nghe kể chuyện hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam (ảnh nhỏ, trên) - Sinh viên kiều bào ở New York ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Nguyễn Hiền.

Ngỡ ngàng

“Rất nhiều người Mỹ và kiều bào Việt Nam ở Mỹ ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của chúng tôi, và họ sốc khi được tôi cho xem những bức ảnh, những thước phim về các NNDC, các em bé dị tật, những nỗi đau mà không bút mực nào tả xiết. Họ đã khóc…” - Chị Nguyễn Thị Hiền vẫn chưa hết xúc động sau chuyến đi dài ở Mỹ. Lần đầu tiên đi Mỹ, với tư cách trưởng đoàn đi đòi công lý cho nạn nhân da cam của cả quốc gia, chị Hiền đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình.

Hành trình dài đúng 1 tháng (17-4 – 17-5), đoàn đi qua 7 thành phố lớn ở Mỹ, gồm: Los Angeles, Chicago, Atlanta, New York, Washington DC, Seatle và San Francisco, gặp gỡ hàng trăm người Mỹ, kiều bào cùng nhiều quan chức của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

“Tôi cũng không ngờ được tình cảm người Mỹ và kiều bào dành cho đoàn và dành cho Việt Nam mình lớn đến như thế, đi tới bất cứ nơi nào chúng tôi cũng được đón tiếp nồng hậu, tạo mọi điều kiện để chúng tôi được gặp gỡ, trả lời phỏng vấn báo chí. Tôi cảm tưởng như cả nhân dân Mỹ cùng ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì công lý này” – Chị Hiền tâm sự.

Chị kể rằng, những ngày đầu tiên ở Los Angeles và Chicago, khi đoàn trả lời phỏng vấn của báo chí Mỹ và gặp gỡ cựu chiến binh, quân nhân Mỹ, có rất nhiều kiều bào đến dự. “Họ là những người trẻ, là thế hệ thứ 2-3 của người Việt trên đất Mỹ nhưng rất quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là các nạn nhân da cam. Có nhiều bạn trẻ như Thuận Nghĩa, Hải Minh… đã khóc.

Nhưng khi tới ĐH Loyoa và trường PTTH Jones ở Chicago, nhiều sinh viên, học sinh người Việt đã sửng sốt trước hình ảnh các nạn nhân. Các em hỏi tôi rằng, tại sao đến bây giờ chúng ta mới đi kiện, tại sao đến bây giờ mới cho các em biết những thông tin này. Tôi tìm hiểu kỹ và được biết, người thân các em đã không cho các em tiếp xúc với những thông tin, những nỗi đau da cam ở Việt Nam” - Chị Hiền kể.

Trong những buổi gặp gỡ, rất nhiều người Việt từng là quân nhân chế độ cũ tỏ ra nghi ngại về chính sách, về sự đối xử đối với họ. Với bằng chứng từ gia đình mình, chị Hiền đã thuyết phục được họ.

Chị kể: “Đó là lần phỏng vấn trên đài phát thanh KPFK Riseup, có một kiều bào hỏi tôi rằng những nạn nhân da cam là quân nhân chế độ cũ thì sao. Tôi lặng người hồi lâu, vì anh ta chính là nạn nhân của chất độc chết người đó. Rồi tôi kể câu chuyện của gia đình tôi.

Đó là hai người anh họ của tôi, một người tham gia quân đội Sài Gòn, bị nhiễm chất độc da cam sau những lần lái máy bay rải xuống Việt Nam, và sau này cả 5 người con của ông cũng bị dị tật rất thảm thương. Còn người em là bộ đội cũng là nạn nhân da cam. Hai anh em ở hai chiến tuyến.

Nhưng giờ đây, cả hai cùng chung một nỗi đau do chiến tranh để lại. Nếu ai cùng chung một dòng máu đỏ da vàng thì tất cả đều là con dân nước Việt. Từ khi kể câu chuyện này, đi tới đâu, kiều bào cũng hoan hô nhiệt liệt. Tôi nghĩ, đó là một thắng lợi rất lớn, dường như, kiều bào, đặc biệt là những người trẻ đã gạt được mối hoài nghi. Bằng chứng là họ đã khóc. Rất nhiều nước mắt” - Chị Hiền nói.

Cộng đồng người Việt ở San Francisco ủng hộ nạn nhân da cam. Ảnh: Nguyễn Hiền
Cộng đồng người Việt ở San Francisco ủng hộ nạn nhân da cam.
Ảnh: Nguyễn Hiền .


Việt Nam trên quảng trường Thời Đại

Kỷ niệm lớn nhất và cũng làm chị Nguyễn Thị Hiền cùng cả đoàn… run nhất chính là lần ghi hình trên quảng trường Thời Đại ở thành phố New York. Bằng sự sắp xếp khéo léo và tài tình của bà Merle Ratner – điều phối viên Ban vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với NNDC Việt Nam ở Mỹ, hình ảnh, thông điệp và mục đích của cuộc vận động đã thu hút được gần 15 ngàn dân Mỹ tập trung ở quảng trường và hàng chục hãng truyền hình, hàng trăm nhà báo quốc tế ghi hình.

“Đó là sáng 2-5, theo kế hoạch đoàn sẽ được bố trí ghi hình ở quảng trường Thời Đại. Bằng những thông tin nội bộ, bà Merle đã biết được rằng, cũng buổi sáng hôm đó sẽ có một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, phản đối vũ khí hạt nhân nhân sự kiện đánh bom hụt ở quảng trường tối 1-5 ở đại lộ Manhattan.

"Vào đúng ngày 30-4, khi tôi bắt taxi ở thành phố New York, người tài xế hỏi tôi đến từ đâu. Khi tôi nói Việt Nam, anh ta nhảy dựng lên rồi khóc ngon lành. Sau đó anh ta lôi điện thoại ra khoe ảnh Bác Hồ, cụ Võ Nguyên Giáp mà kêu lên rằng Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp luôn ở trong trái tim tôi. Thật xúc động" - Chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội NNCĐDC Đà Nẵng nói

Mở đầu là phần nói chuyện về vũ khí hạt nhân về những hậu quả của nó do một nạn nhân người Nhật diễn thuyết. Ông này là nạn nhân trận đánh bom Hiroshima, ngay khi vừa bước xuống từ bục cao, ông ấy đã nhận ra tôi là người quen vì đã gặp nhau ở Đà Nẵng vào tháng 9-2008 và tiến tới ôm lấy tôi.

Tôi lặng người đi bởi giây phút xúc động, hàng trăm máy ảnh chớp lia lịa trong sự tung hô của biển người. Ngay lúc đó, bà Merle đã khéo léo cầm micro giới thiệu phần diễn thuyết của Việt Nam”.

Khi hai tiếng Việt Nam vừa được xướng lên, dòng người cùng tung hô vang dậy. Và anh Phạm Thế Minh ngồi trên xe lăn được đẩy lên bục. Chỉ bằng một vài lời giới thiệu về Việt Nam, về nỗi đau da cam mà nạn nhân đang gánh chịu, sau đó cả đoàn cùng nắm tay nhau hô “No War”. Hình ảnh đó đã được truyền đi khắp thế giới.

Bà Merle sau đó kể với chị Hiền rằng, ngay khi đó, một phóng viên của đài CNN nói với bà Merle rằng, đó là hình ảnh độc đáo nhất mà anh ta quay được trong đời làm báo, khi 2 nỗi đau châu Á (Nhật Bản và Việt Nam) đứng trên quảng trường Thời Đại. Theo tìm hiểu của bà Merle, có ít nhất 30 hãng thông tấn khắp thế giới đã ghi lại và phát đi. “Họ chủ yếu đến để quay hình ảnh cuộc biểu tình chống chiến tranh. Nhưng chúng tôi có 5 phút để giới thiệu Việt Nam, một sự kiện không thể quên trong đời tôi” - chị Hiền tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Hiền cùng một phụ nữ Mỹ. Ảnh: Merle
Chị Nguyễn Thị Hiền cùng một phụ nữ Mỹ. Ảnh: Merle.


Nước mắt ông nghị sĩ Mỹ

Ngay trong ngày thứ 2, khi cả đoàn tham dự lễ tưởng niệm Howard Zinn tại nhà thờ Giáo hội Immanuel (Los Angeles), chị Hiền được may mắn nói chuyện với Tổng giáo hội trong nhà thờ và được vị linh mục này cho phát biểu 5 phút trước hơn 1.000 con chiên. Tất nhiên, chị nói về da cam và những nỗi đau mà Việt Nam và nhân loại đang gánh. Rồi thật bất ngờ, vị Tổng giám mục hứa rằng, kể từ bây giờ, cứ mỗi lần giảng về kinh thánh cho con chiên, ông sẽ nói cho họ biết về Việt Nam, về những nạn nhân da cam. “Nhận được lời hứa chân tình của ông ấy, tôi thực sự xúc động” - Chị Hiền nói.

Những hình ảnh, thuyết trình về nỗi đau da cam của đoàn Việt Nam còn khiến nhiều vị nghị sĩ cũng rơi lệ. “Đó là những ngày ở Washington DC, nơi đoàn sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ với quan chức Mỹ. Tôi còn nhớ mãi cuộc gặp với Hạ nghị sĩ John Conyers, Jr.

Thông thường, mỗi người chỉ có 5 phút để trình bày. Nhưng tôi không nói mà chỉ đưa cho ông ấy xem những hình ảnh, những thước phim và các bài báo của Việt Nam khi viết về nạn nhân da cam. Rồi ông ấy lặng người suy nghĩ rất lâu, quả thật tôi hơi bất ngờ khi ông ấy rơi lệ và không giấu diếm lấy khăn lau nước mắt. Sau cuộc gặp, ông ấy bắt tay tôi và chỉ nói một câu: Chúc các bạn thành công, chúng tôi hứa sẽ chuẩn bị chu đáo những gì mà các bạn cần trong cuộc chiến đòi công lý sắp tới”.

Còn có một người Mỹ nữa khóc gây ấn tượng mạnh đối với chị, đó là phóng viên Bij Matthew của Đài phát thanh WBAI (New York). Ông này đã khóc ngay trong buổi phỏng vấn trực tiếp và nói rằng, người Việt Nam sang tận đây để đòi công lý cho cả người Mỹ khi hàng trăm quân nhân Mỹ bị chất độc da cam ở Việt Nam đang chịu thiệt thòi. Chị Hiền cãi chính lại, rằng cuộc chiến vì công lý này cho không riêng gì người Việt Nam, không riêng gì người Mỹ mà đó là của cả nhân loại yêu chuộng hòa bình.

MỚI - NÓNG