Người phụ nữ anh hùng 2 lần bán nhà nuôi con học ĐH

Người phụ nữ anh hùng 2 lần bán nhà nuôi con học ĐH
TP - Chị Nguyễn Thị Nga - một nữ sinh Đồng Khánh là một trong 5 chiến sĩ biệt động còn sống của tiểu đội 11 cô gái sông Hương anh hùng. Để có tiền cho các con học đại học, chị Nga đã phải hai lần bán đi những ngôi nhà lam lũ dành dụm một đời của mình.

Trường Cao đẳng dạy nghề Cơ điện và Xây dựng Tam Điệp những ngày cuối năm vẫn khá sôi động. Với mỗi thanh niên hiện nay, học nghề và tìm kiếm việc làm là nguyện vọng chính đáng.

Đối với sinh viên Mai Minh Ngọc cũng vậy, thậm chí còn cấp bách hơn những người khác bởi hoàn cảnh éo le của gia đình mình. Với Ngọc, ra trường, được đi làm sẽ là món quà đặc biệt dành cho mẹ, người mẹ giản dị nhưng lại có cuộc đời thật khác thường mà không phải ai cũng biết đến.

Đã rất nhiều đêm chị Nguyễn Thị Nga, mẹ của Mai Minh Ngọc không ngủ. Chị thức cùng những kỷ niệm một thời đã qua. Thời đất nước bị chia cắt, non sông chìm trong đạn bom, tang tóc.

Chị như chưa ra khỏi cuộc chiến tranh. Hằng đêm, hằng đêm, những đồng đội đã hy sinh như vẫn trở về bên chị, nhắc đến những ngày Mậu Thân ác liệt ấy. Đó là đêm 30 Tết, tiểu đội 11 cô gái sông Hương nhận mệnh lệnh dẫn đầu ba cánh quân tiến đánh thành phố Huế.

Trong làn đạn điên cuồng của địch, các chị vừa dẫn đường, tải thương, vừa trực tiếp cầm súng đánh giặc. 11 cô gái đều chưa chồng, nhiều cô chưa từng có người yêu đã tham gia cầm cự và đánh lui cả tiểu đoàn lính Mỹ, góp phần cùng với quân và dân ta làm chủ thành phố Huế trong 26 ngày đêm.

Trong cuộc chiến không cân sức ấy, 6 cô gái trong tiểu đội đã ngã xuống nhưng lá cờ bay trên đỉnh Ngọ Môn - Thành Huế mãi mãi là một biểu tượng đỏ thắm, trong đó có sắc đỏ của máu những người con gái Huế anh hùng.

Chị Nguyễn Thị Nga nay đã bước sang tuổi  64. Không ai còn nhận ra cô nữ sinh Đồng Khánh ngày nào.

Trong công cuộc mưu sinh, dù ở bất kỳ đâu, chị cũng luôn mang theo di ảnh của 6 đồng đội đã hy sinh. Từng bông hoa trắng, từng trái cây xanh, nén hương thơm, giọt nước mắt lặn trong gan ruột đằng đẵng hơn 40 năm trong suốt quãng đời vào Nam ra Bắc.

Quên sao được những ngày hoạt động bí mật trong thành đội Huế, tiểu đội 11 cô gái sông Hương là những chiến sĩ quả cảm dưới sự chỉ huy tài ba của anh hùng Thân Trọng Một đã gây cho địch bao nỗi kinh hoàng. Cuộc sống gian khổ ác liệt thế mà các cô gái sông Hương vẫn nhí nhảnh, hồn nhiên và rất Huế.

Một bông hoa rừng, những suối tóc dài, nụ cười, ánh mắt trên dòng Hương Giang như làm mềm đi cả cuộc chiến tranh. Họ mới mười tám đôi mươi, nhiều người còn chưa biết đến một nụ hôn, một lời ước hẹn.

Chị nhớ như in những câu thơ khen tặng của Bác Hồ cho tiểu đội: Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường / Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường / Bác khen các cháu dân quân gái / Đánh giặc Huê Kỳ phải nát xương. Thế mà bây giờ đã hơn 40 năm, người mất, người còn.

Thời gian nghiệt ngã và an nhiên trôi chảy. Bao nhiêu bể dâu thời cuộc như là định mệnh sắp đặt, thử thách cuộc đời của chị, một nữ sinh Đồng Khánh, một trong 5 chiến sĩ biệt động còn sống của tiểu đội 11 cô gái sông Hương.

Người phụ nữ anh hùng 2 lần bán nhà nuôi con học ĐH ảnh 1
Tiểu đội 11 cô gái sông Hương. Ảnh tư liệu

Vượt qua thử thách cuộc đời

Để có tiền cho các con học đại học, chị Nga đã phải hai lần bán đi những ngôi nhà lam lũ dành dụm một đời của mình. Công cuộc mưu sinh đã khiến chị có những quyết định khác thường. Tưởng rằng chiến tranh kết thúc, những người lính sẽ có cuộc sống thanh thản nhẹ nhàng.

Mái nhà, tổ ấm, bát cơm, tấm áo, con cái được học hành không phải điều gì quá xa xôi. Thế mà, hơn 30 năm về làm dâu đất Bắc, cuộc sống dường như càng ngày càng khó khăn.

Con đông, cả hai vợ chồng luôn ốm yếu, việc học của các con mỗi lúc thêm tốn kém, thị trường giá cả leo thang, đồng lương chắt bóp tằn tiện cũng không đủ cho sinh hoạt gia đình, nhìn ra xung quanh, đồng chí đồng đội mình cũng đều khốn khó như thế cả.

Những lúc gian nan ấy, chị luôn nghĩ đến những người đã khuất để vượt qua và kiên quyết phải nuôi dạy các con ăn học nên người bằng mọi giá. Khi ấy chồng chị cũng chất chồng việc nội tộc, gia đình, bố mẹ già, quê xa, mọi gánh vác đè lên đôi vai vợ chồng người lính.

Càng thấy cuộc đời cơ cực, lam lũ của mẹ, Mai Minh Ngọc, cậu con út càng quyết tâm phải học bằng được một cái nghề để đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Nghị lực của mẹ từ bé đã cho Ngọc những suy nghĩ về cuộc đời, về phẩm chất của những người lính bước ra từ chiến tranh.

Cuộc đời của mẹ dường như đã sớm cho nhận thức của Ngọc về sự kiên trì, về đức hy sinh, về lòng bao dung độ lượng và sự quyết tâm không gì lay chuyển nổi trong việc chăm lo học tập, phát triển tương lai của các con. Đó cũng là động lực học tập của Mai Minh Ngọc.

Trong suốt 3 năm học, Mai Minh Ngọc luôn là sinh viên giỏi của nhà trường. Ngoài giờ trên lớp, Ngọc phụ giúp các việc để đỡ đần mẹ. Hai mẹ con hiện nay đang ở trong căn nhà đi thuê của một người tốt bụng với giá cả phải chăng nhưng cũng là một khoản tiền đáng kể với lương hưu của mẹ.

Mùa hè, căn nhà nhỏ nóng hầm hập như một chiếc lô cốt, khi mưa dột tứ  tung; mùa đông bốn phía gió lùa rét buốt, ẩm mốc.

Các anh đã tốt nghiệp đại học từ tiền bán nhà của mẹ và bây giờ đã đi làm ở nơi xa, chỉ hai mẹ con sống với nhau. Khi Ngọc tốt nghiệp là lúc mẹ vui nhất. Vui đấy mà buồn đấy vì Ngọc vẫn chưa xin được việc làm.

Dòng chảy cuộc đời vẫn trôi đi, khi ồn ào, khi thầm thĩ. Trong ngôi nhà mấy mẹ con chị thuê để ở, khi chúng tôi đang phỏng vấn chị thì niềm vui ùa đến. Người con trai cả của chị, Thượng úy xe tăng Mai Đình Chiến phục vụ tại sư đoàn Quân tiên phong dẫn vợ con về thăm mẹ.

Người mẹ ngồi lặng đi, hạnh phúc bên con cháu, bên những bằng giấy khen, huân huy chương, những hình ảnh các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong buổi giao lưu vinh danh tiểu đội 11 cô gái sông Hương anh hùng đầu năm 2009. Những giọt nước mắt của người mẹ lại rơi xuống.

Các con loay hoay không biết nói gì. Cuộc đời của mẹ, cuộc đời của những gian nan, cơ cực, khuất khúc, thăng trầm và thiệt thòi đè nặng xuống đã mấy mươi năm.

Kể từ khi bước chân theo cách mạng năm 1960 lúc mới mười ba tuổi, chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Nga đắn đo, tính toán rồi cuộc đời mình sẽ khổ đau hay hạnh phúc, bởi khổ đau hay hạnh phúc xét đến cùng cũng từ nhận thức của mỗi người.

Như là hạnh phúc mà chị cảm nhận được đến bây giờ, đó là được theo cách mạng cầm súng đánh giặc, may mắn lành lặn trở về, tháng năm lặn lội mưu sinh nuôi dạy các con.

Còn những cơ cực, thiệt hơn ở cuộc đời chị không dám tính đến. Bốn người con nay đã trưởng thành là hạnh phúc tột cùng của chị.

Và biết đâu, cuộc đời phía trước sẽ còn tiếp tục thử thách chị, người mẹ hiền, người còn lại của tiểu đội 11 cô gái sông Hương anh hùng.

Chị Nga phải làm thêm đủ mọi thứ nghề để kiếm sống và nuôi các con ăn học. Gánh hàng đồng nát đã theo chị khắp các thôn cùng ngõ vắng, gom góp từng đồng tiền thấm đẫm mồ hôi trong cuộc mưu sinh. Và có những lúc, chị đã phải đi đến những quyết định không dễ dàng gì đối với một người đàn bà nuôi con một mình ở tuổi xế chiều.
MỚI - NÓNG