Người tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Người tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Ông là Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, người được Đại tướng Văn Tiến Dũng giao chủ trì việc soạn thảo kế hoạch tác chiến giải phóng miền Nam để trình Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

Trong cuộc đời binh nghiệp 50 năm của mình, Thượng Tướng Lê Ngọc Hiền có phân nửa thời gian làm công tác tác chiến. Bạn bè vẫn thường gọi ông là Hiền “tác chiến”.

Chọn mặt gửi vàng

Chúng tôi đến “phố nhà binh” vào dịp cả nước đang tưng bừng hướng về lễ kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nơi gia đình ông đã gắn bó từ nhiều năm nay. Ngôi nhà vẫn vậy, giữa thủ đô nhưng vẫn giữ được nét quê, cánh cổng to hé mở, vợ ông, bà Lương Ngọc Thư, đã chấp chới sang tuổi 70 nhưng vẫn còn đậm nét của người con gái “mỏng mày hay hạt năm nào”.

Lão tướng Lê Ngọc Hiền tiếp chúng tôi tại phòng khách của gia đình ở phố Lý Nam Đế. Với vóc dáng cao lớn, tác phong nhanh nhẹn, khó ai có thể biết ông đã ở tuổi gần 80 và có trên 50 năm tuổi quân. 

Sau khi Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1974-1976, Bộ Tổng Tham mưu được lệnh xây dựng kế hoạch tác chiến phù hợp.

Tướng Lê Ngọc Hiền nhớ lại: “Tháng 4 năm 1974, tôi được Bộ Tổng tham mưu lệnh ra Bắc gấp. Ra đến Hà Nội, Đại tướng Văn Tiến Dũng (khi đó là Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN) gọi lên nói “cho cậu về nghỉ phép 1 tuần”. Mừng quá, sau 4 năm ở chiến trường được nghỉ một tuần gặp gỡ vợ con, định bụng dành mấy ngày cả nhà về Sơn Tây thăm quê.

Nào ngờ, chưa kịp thực hiện ý định riêng, mới nghỉ được 5 ngày, Đại tướng Văn Tiến Dũng lại cho gọi lên nói “giao quyết định quân hàm thiếu tướng cho cậu và từ nay cấp trên quyết định cậu giữ chức Phó tổng Tham mưu trưởng và giao nhiệm vụ đặc biệt cùng với Cục Tác chiến làm gấp kế hoạch tác chiến chiến lược trong 2 năm để giành thắng lợi lớn giải phóng miền Nam”.

Người tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ảnh 1
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền (ngoài cùng, bên trái) cùng BCH Chiến dịch HCM tại Lộc Ninh tháng 4/1975               Ảnh Tư liệu

Tôi vừa mừng nhưng cũng vừa lo. Mừng vì 11 năm với quân hàm đại tá giữ chức Cục trưởng Cục Tác chiến nay vừa được thăng quân hàm, vừa lên chức, vinh dự quá nhưng nhiệm vụ được giao nặng nề như vậy, tôi không lo sao được”. 

Kế hoạch tác chiến chiến lược được ông cùng Cục Tác chiến chuẩn bị từ tháng 5 năm 1974 đến cuối tháng 10 năm 1974, tương đối hoàn tất. Kế hoạch được chuẩn bị khá tỷ mỷ về tình hình địch, ta, diễn biến trên khắp các chiến trường từ sau khi ký Hiệp định Paris bằng những bản đồ, biểu đồ, bảng so sánh các số liệu…

Ông kể: “Sau khi kế hoạch tác chiến được hoàn thành, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tổ chức hội nghị bàn. Điều chúng tôi mừng nhất là Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhất trí với bản kế hoạch, chỉ yêu cầu bổ sung chi tiết hơn. Điểm mấu chốt của kế hoạch tác chiến chọn chiến trường Tây Nguyên làm chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp năm 1975 được các đồng chí trong Bộ Chính trị đánh giá cao”.

Từ tháng 10 đến tháng 12/1974, Kế hoạch tác chiến được bổ sung chi tiết đến từng chiến dịch. Từ ngày 18 tháng 12 năm 1974 đến ngày 8 tháng 1 năm 1975, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp thông qua kế hoạch tác chiến.

Với quan điểm thông suốt là dự kiến giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng miền Nam. Ngoài kế hoạch tác chiến này, Bộ Chính trị còn dự kiến: Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Tướng Lê Ngọc Hiền kể rằng, kế hoạch tác chiến chiến lược là công sức của tập thể, một sự cố gắng hết mức, hết sức căng thẳng trong suốt nửa năm liền của cán bộ Cục Tác chiến. “Những ngày đó, cán bộ tác chiến chúng tôi chỉ được nghỉ lúc ăn, hầu hết thời gian dốc sức để hoàn thành kế hoạch.

Nhiều khi chúng tôi làm việc đến nửa đêm, thậm chí là 1, 2 giờ sáng. Chúng tôi phải theo dõi diễn biến các chiến trường, mỗi ngày có đến hàng trăm bức điện từ khắp nơi gửi về, mình phải đọc rồi phân tích, đánh giá tình hình địch-ta”, ông kể

Từ khi bắt tay vào xây dựng kế hoạch tác chiến cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vợ và các con ông không hề hay biết ông đang làm gì. Thâm trầm, ít nói, ngày sang cơ quan, đến bữa ông lại về ăn cơm cùng gia đình. “Vợ chồng nhưng tôi cũng chẳng dám hé răng hỏi đến công việc của ông ấy”, bà Thư, vợ ông kể. Ngồi bên cạnh, ông nắm tay bà như tìm sự thông cảm: “Điều đặc biệt nhất khi làm công việc tuyệt mật này là chúng tôi phải tuyệt đối giữ bí mật, không được tiếp xúc, không được hở ra điều gì với bất kỳ ai, kể cả người thân. Đó là một kỷ luật đối với người làm tác chiến”.

Lê Ngọc Hiền sinh Năm 1928, tại xã Đại Đồng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Năm 1944, ông tham gia cách mạng. Tháng 5 năm 1945 ông nhập ngũ, cùng năm đó ông được kết nạp vào  Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1974, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, năm 1980 được phong hàm Trung tướng. Ông được phong hàm Thượng tướng năm 1986. Chức vụ cao nhất là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975…

Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Tướng Hiền được giao trọng trách Tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông có nhiệm vụ  vạch kế hoạch tác chiến cho chiến dịch lịch sử. Đồng chí Phạm Hùng là Bí thư Trung ương Cục chủ trì cuộc họp kế hoạch tác chiến chiến dịch do Tướng Lê Ngọc Hiền trình bày. Kế hoạch gồm 2 bước: Bước 1, từ ngày 8/4, tiến công chia cắt chiến lược và bao vây đánh trận “rúng động”, đánh vùng ven và 8 mục tiêu trong nội thành, chuẩn bị cho tổng tiến công.

Nếu thuận lợi, địch tan rã thì phát triển thọc sâu ngay, phối hợp với quần chúng nổi dậy đánh chiếm thành phố; Bước 2, dự kiến từ ngày 15 đến ngày 20/4/1975 thực hiện đột kích Sài Gòn trên 5 hướng. Lực lượng sử dụng từ 3-5 sư đoàn chủ lực, 7 đoàn đặc công, 60 tổ biệt động, cùng với lực lượng du kích khoảng 50 ngàn quần chúng nổi dậy tại chỗ. Nếu địch co cụm thì chuẩn bị thêm lực lượng nhưng phải giải quyết xong trong tháng 4/1975. “Cách đánh của ta là táo bạo, kiên quyết tiến công đánh thẳng vào đầu não địch, đè bẹp ý chí đề kháng của địch”, Tướng Hiền nhớ lại.

Chuyện tình anh lính trẻ và cô bác sỹ

Dong dỏng cao, nét mặt đôn hậu, nghe ông kể chuyện, bà lặng lẽ như những ngày tháng lặng lẽ chờ chồng khi ra trận. Khó ai đoán được bà đã ở tuổi ngoài 70. Sáu mươi năm về trước, ấy là năm 1950, hồi đó lão tướng Lê Ngọc Hiền mới 22 tuổi, và đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48.

Cứ mỗi khi bạn bè nhắc đến chuyện lấy vợ, Hiền lại đỏ mặt vì xấu hổ. “Thì đã bao giờ mình cầm tay con gái đâu…Hồi ấy chúng tôi chỉ nghĩ đến chuyện ra trận thôi”, ông nhớ lại. Nhưng rồi một lần gặp người bạn cũ Trần Quang Thường, người cùng tham gia hoạt động thanh niên Cứu quốc, tham gia khởi nghĩa ở Sơn Tây, rủ Hiền đến chơi  một gia đình quê ở Hoà Bình, làm nghề y, có 4 cô con gái xinh đẹp ở độ tuổi lấy chồng, chàng trai 22 tuổi Lê Ngọc Hiền như bị vật vô hình níu kéo.

“Nhìn tấm ảnh trên tường nhà, tôi đã “chấm” bà ấy ngay”, ông tâm sự. Chả là hồi đó, Thư còn đang đi học y nên vắng nhà. Nhưng “trời xui, đất khiến thế nào”, một lần hành quân qua Thanh Hóa, ông lại gặp cô bác sỹ trong mộng Lương Ngọc Thư. Mối tình của chàng Trung đoàn trưởng và cô bác sỹ Thư nẩy nở. “Bạn bè khen chúng tôi thật đẹp đôi”.

Vị tướng già bồi hồi nhớ lại: “ở bên nhau được mấy ngày, tôi phải tiếp tục lên đường”. Hôm chia tay, Thư chỉ nói: “Em sẽ chờ!”. Nói thế mà hóa ra Thư đợi thật. “Tôi chỉ nhớ là sau chiến dịch Điện Biên mấy ngày, chúng tôi tổ chức đám cưới”, bà Thư tủm tỉm cười. Thế rồi sau cái ngày ấy, ông về công tác tại Cục Quân huấn của Bộ Tổng tham mưu còn bà về công tác ở Sở y tế Hà Nội.

Hỏi những ngày ông đi biền biệt, bà xoay xở cuộc sống thế nào? Bà kể: “Khổ lắm các cháu ạ. Khi ông đi chiến trường, một mình tôi với một đàn con, đứa lớn mới hơn 10 tuổi. Dạo đó, máy bay địch bắn phá Hà Nội dữ dội. Cả nhà phân tán mỗi người một nơi. Con gái đi sơ tán theo trường học, con trai thứ hai gửi theo trại của Bộ Tư lệnh Thông tin, con trai út mới 1 tuổi gửi một bà má miền Nam trông giúp tại nơi sơ tán thuộc làng Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, quê của anh Lê Trọng Tấn…”.

Một nách ba đứa con, cứ chủ nhật bà lại lóc cóc đạp xe, mỗi tuần đi thăm một đứa. Quay sang bà, vị tướng già vỗ về: “50 năm chung sống, bà thật là người vợ hiền đảm. Tôi cứ đi biền biệt, mọi việc một mình bà lo. Bà vừa làm mẹ, vừa làm cha những khi tôi vắng nhà, nuôi các con khôn lớn, nên người. Nay 3 con trưởng thành (một gái, hai trai) đều là nhờ công bà ấy cả”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất yêu mến Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, bởi tính tận tuỵ và kiên định của ông. Về nghỉ hưu, tướng Hiền tặng bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhiều kỷ vật, duy chỉ có bức thư viết tay của anh Văn gửi ông trong những ngày chiến đấu ở miền Nam, do thiếu tướng Võ Quang Hồ, Cục phó Cục Tác chiến cầm vào là ông giữ lại.

Được sự đồng ý của ông, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc toàn văn bức thư này để bạn đọc thấy sự dân dã và sự thân tình của vị Đại tướng Tổng tư lệnh đối với các cán bộ, sỹ quan của mình:

 “Cậu Hiền-nhân dịp anh Sáu và cậu Võ Quang Hồ vào, viết thư Văn thăm chúng mày, chào mừng quân ta ra quân đại thắng trên hướng Tây Nguyên. Chúc mày và anh em khoẻ hăng, đánh giỏi sắp tới góp phần cống hiến xứng đáng vào cuộc quyết chiến chiến lược lịch sử giành lại thắng lợi. Mình vẫn khoẻ. Võ Quang Hồ đi ở nhà cũng vất vả thêm chút ít, mong nó về sớm. Có ý kiến gì Hồ sẽ nói lại”.  Văn - Hà Nội, 7/3/1975

MỚI - NÓNG