Người thứ 6 trong phi đội Quyết Thắng

Người thứ 6 trong phi đội Quyết Thắng
Sau giây phút cả Xanh và On sững sờ đã rất phấn khởi, hai mắt vụt sáng bừng lên: “Thế là cách mạng đã tin mình, mở đường cho mình đi!”.

 Đội hình phi đội Quyết Thắng với loại máy bay A.37 vừa lấy được của không quân ngụy trên bầu trời từ sân bay Thành Sơn vào tấn công sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975   
Ảnh: Xuân Minh

Sau giây phút cả Xanh và On sững sờ đã rất phấn khởi, hai mắt vụt sáng bừng lên: “Thế là cách mạng đã tin mình, mở đường cho mình đi!”.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bằng 5 chiếc máy bay A.37 vừa đoạt được, không quân ta đã bất ngờ ném bom chính xác vào khu vực để máy bay của địch ở Tân Sơn Nhất. Chiến công đặc biệt này đã góp phần rút ngắn thời gian cho Đại quân ta tổng công kích giải phóng Sài Gòn. Trước đó 5 ngày khi vừa thu gom máy bay vừa bay thử và chuẩn bị cho trận đánh, ta đã sử dụng hai phi công ngụy bị bắt sống là Trần Ngọc Xanh và Trần Văn On.

Hôm ấy 19/3/1975, vừa lúc sáng dậy, bọn Xanh đã rất bàng hoàng. Tối qua, đại tá Thái Bá Đệ, Không đoàn trưởng của Xanh còn nói: “Các anh cứ yên chí! Việt cộng có đến được Đà Nẵng nhanh nhất cũng phải nửa tháng nữa. Chúng ta đã dồn cả lực lượng Quân đoàn 1 về cố thủ ở đây. Tướng Lê Quang Trưởng và cả tướng Nguyễn Đức Khánh đã thề: “Cộng sản chỉ có thể bước lên xác tôi mới chiếm được Đà Nẵng”.

Vậy mà giờ đây phía Bắc từ Thừa Thiên xuống, phía Nam từ Quảng Nam lên, súng của quân giải phóng đã nổ dồn khắp nơi. Rồi pháo, pháo của quân Giải phóng từng đợt, từng đợt nổ dồn dập trên sân bay, trong sở chỉ huy Quân đoàn 1 và cả bán đảo Sơn Trà…

Theo lời kêu gọi của ủy ban quân quản thành phố Đà Nẵng, bọn Xanh ra trình diện với cách mạng.  Qua những ngày ở trại học tập rồi đến khi được cán bộ của không quân ra chọn Xanh và On vào  làm việc trong sân bay, tiếp xúc với nhiều đồng chí ta: cán bộ chỉ huy, phi công, thợ máy, chiến sĩ cảnh vệ, nuôi quân… Những điều bị tuyên truyền về Việt cộng trước đây càng mất dần trong tâm trí của Xanh.

Xanh nói: “Ngay ngày đầu tiên vào sân bay, điều em thấy rất lạ là: Các anh sống với nhau rất chan hòa, đầm ấm, bình đẳng. Rõ ràng là kỷ luật của các anh rất nghiêm, nhưng chỉ huy chẳng bao giờ quát mắng, xúc phạm cấp dưới. Người nào cũng tỏ ra có văn hóa, không chửi thề, nói năng tục tĩu như lính Cộng hòa chúng em. Trong sinh hoạt, ông thủ trưởng cao cấp, gần đây em biết ông là Tư lệnh quân chủng của các anh, rất giản dị, hòa đồng, nhiều lúc ngồi chơi cờ với lính. Đối với chúng em tuy rằng có lỗi, có tội ác với nhân dân, đã từng cầm súng chống lại các anh, nhưng các anh đều tôn trọng nhân phẩm, rất độ lượng và còn thương đã lầm đường, lạc lối nữa. Hôm trước, khi anh On, phi công của quân đội Cộng hòa như em chuyển đến sân bay mới bỏ quên chăn màn ở trại. On đang băn khoăn thì anh Từ Đê đã lấy xe đi tìm khắp các kho. Tối lâu rồi, anh vẫn cố tìm bằng được chăn màn về cho On”.

Tôi tin Xanh đã nói thật lòng. Nhưng những ngày trước đây, khi Xanh mới từ trại Phi Hổ vào cộng tác với Phi đội Quyết Thắng của chúng tôi, không phải dễ dàng Xanh đã bộc lộ được rõ tâm tư, quan điểm cũng như mới chỉ thấy được phần nào nguyên nhân thất bại của quân đội cộng hòa. Sự biến đổi thấy rõ ở Xanh là từ sau chuyến Xanh được bay thử máy bay vừa rồi.

Phải nói, đấy là một quyết định rất táo bạo của đồng chí Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri mà chính Xanh lúc nghe lệnh cũng không tin vào tai mình. 

Ngày hôm sau 28/4, phi đội Quyết Thắng của ta được lệnh tiến công ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Muốn thế phải bay thử thêm hai máy bay mới thu được nữa của địch. Ai sẽ bay thử hai máy bay này? Các chiến sĩ trong phi đội Quyết Thắng vừa bay tập suốt ngày, hơn nữa lại vừa chuyển từ một sân bay khác về. Với tinh thần quyết thắng, các phi công ta vẫn có thể bay được. Nhưng cần người có kỹ thuật sử dụng quen loại máy bay này mới có thể kiểm nghiệm chính xác. Mấy đồng chí cán bộ đoàn bay đang băn khoăn chưa biết chọn ai bay thử thì đồng chí Tư lệnh quyết định: “Cho Trần Ngọc Xanh và Trần Văn On bay thử!”.

Sau giây phút cả Xanh và On sững sờ đã rất phấn khởi, hai mắt vụt sáng bừng lên: “Thế là cách mạng đã tin mình, mở đường cho mình đi!”

Xanh kể với tôi: “Lúc ấy em càng thấy cảm phục cách mạng. Các anh ấy mới chỉ làm quen với loại A.37 này có ba ngày đã đi đánh bom rất chính xác. Bình thường bọn em chuyển loại lái máy bay khác cũng mất ít ra hai tháng. Hơn nữa, ông Tư lệnh chắc hiểu rằng: Với quãng đường mấy trăm ki lô mét, một mình một máy bay chúng em quá dư xăng dầu để bay từ Phan Rang về Sài Gòn. Nhưng chắc ông biết chúng em không bao giờ quay lại con đường phản nước, hại dân. Mặc khác, lúc ấy thế của cách mạng đã mạnh lắm nên ông mới quyết định cho chúng em mỗi đứa một máy bay như vậy…”

Phải chăng vì Xanh đã chứng kiến khá tường tận cảnh tan rã của một quân đoàn tiền tiêu rất mạnh của ngụy và chính anh đã bị bỏ rơi. Hay vì thấy rõ thế đánh như chẻ tre của quân và dân ta, gần như mỗi ngày giải phóng thêm một tỉnh?

Những sự kiện đó chắn chắn đã thức tỉnh Xanh. Nhưng điều làm Xanh mau nhìn ra được ánh sáng chân lý như chính anh ta đã nói là: “Sức mạnh của chính nghĩa qua con người của các anh đúng là vô địch. Qua các anh em đã được “bay” trong bầu trời rộng mở của Tổ quốc thân thương”.

* * *

Sau ngày Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đồng chí Tư lệnh quân chủng còn cho phép Xanh cùng các phi công trong Phi đội Quyết Thắng đi thăm thành phố.

Xanh không có vinh dự như On được ngồi bên một phi công của ta tham gia phi đội Quyết Thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Bữa ấy Xanh tha thiết được đi chiến đấu để chuộc tội, lập công. Nhưng ta đã đủ phi công cần thiết cho phi đội đi chiến đấu nên Xanh được chỉ định ở lại trong phi đội dự bị. Tuy vậy, khi đi thăm Sài Gòn, Tư lệnh vẫn cho Xanh đi cùng. Tới gần thành phố, Tư lệnh mang máng nhớ ra hình như Xanh cũng có gia đình ở Sài Gòn, đồng chí hỏi Xanh:

-Cậu có vợ con ở đây không?

-Dạ, ba má cháu ở Huế, nhưng vợ con cháu ở đây.

-ở phố nào?

-Dạ ở Trương Minh Giảng!

Xanh tưởng ông Tư lệnh chỉ hỏi thăm tới mình như vậy đã là quá quý. Không ngờ ông Tư lệnh bảo đồng chí lái xe:

- Đến Trương Minh Giảng dừng xe lại cho Xanh về thăm gia đình.

Xanh nghe ông nói thế hồi hộp, xúc động quá! Rồi khi xe tới nơi, Tư lệnh lại bảo mấy phi công cùng đi:

- Các cậu cùng vào với Xanh thăm gia đình. ở đó mười phút rồi ra ta đi thăm thành phố. Riêng Xanh cứ ở nhà, đợi anh em trở về cùng ra sân bay.

Mấy phi công của ta đều nhận thấy rõ niềm vui đột ngột trên gương mặt Xanh. Các anh vui vẻ cùng Xanh vào nhà. Cửa mở, vợ Xanh – chị Phạm Thị Phương rồi cả ba má Phương đều sững sờ trước cảnh năm sáu anh Giải phóng tươi cười đến nhà mình. Phương tưởng như mình mơ, vì trong số các anh Giải Phóng đó có cả Xanh. Xanh cũng mặc quần áo giống các anh. Phải mấy giây sau, Phương mới thốt được lên:

- Ôi, anh Xanh!

Cả nhà bặt tin Xanh từ ngày ta giải phóng Đà Nẵng. Phương và ba má chị bao ngày lo âu, buồn bã cứ nghĩ rằng: Xanh đã chết hoặc bị Mỹ bắt “di tản” ra nước ngoài rồi. Ngờ đâu Xanh không những còn sống, được cách mạng khoan hồng, sử dụng lại đang ở trước mặt mọi người đây. Căn nhà hơn một tháng nay âm thầm đầy sự lo âu, bỗng chốc đầm ấm sôi nổi. Ba má Phương hết nhìn Xanh lại ngắm từng anh Giải phóng. Bà thốt lên với ông già:

-Ôi, thế mà bọn họ nói xấu các anh Giải phóng hết lời. Nhìn đây đúng hai năm rõ mười. Anh nào cũng khỏe đẹp, vui vẻ, hiền lành, dễ thương vậy!

Lúc Xanh sắp ra đi thì một anh Giải phóng vào bảo Xanh:

- Thủ trưởng chúng tôi cho phép anh Xanh ở lại nhà đêm nay. Sớm mai có xe của đơn vị đi qua, Xanh sẽ theo xe về!

Cả hai vợ chồng Xanh đều tưởng mình nghe nhầm. Đồng chí Giải phóng nhắc lại lần thứ hai. Vừa nói, vừa vui vẻ bảo Xanh:

- Cứ yên chí nghỉ ở nhà với vợ con. Thủ trưởng nghe nói cháu bé thấy Xanh về cứ quấn chặt lấy ba cho nên để Xanh ở lại thêm cho nó đỡ nhớ ba mà!

Cả nhà đứng nhìn theo anh Giải phóng mãi…

Trần Ngọc Xanh kể lại chuyện “được về nhà” với tôi bằng giọng nói và ánh mắt xúc động như “chuyện lạ” này vừa xảy ra.

Một năm sau, tháng 4 năm 1976, tôi tình cờ gặp lại Xanh trong một quán giải khát trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Sài Gòn. Thấy tôi, viên phi công chế độ cũ có đôi lông mày nét mác rất rậm giao nhau, nhưng bộ mặt lại hiền lành mừng rỡ khoe:

“ Rất may cho em khi bị nhốt ở trại Phi Hổ được mấy anh Giải phóng chọn ra để góp phần nhỏ bé của mình vào trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Thế nên khi đi học tập cải tạo, em chỉ phải ở đó có mấy ngày rồi mấy anh ở trại cho về vì biết em đã tham gia vào sự kiện lịch sử này. Em nghĩ có lẽ còn một lý do nữa là: Các anh biết em đã được ở gần bộ đội Giải phóng hơn một tháng nên đó đã là trường cải tạo cho em rồi”.

Tôi siết chặt tay đồng tình và mừng cho Xanh.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.