Người thương binh chơi đàn bầu bằng vai

Một tay vẫn chơi đàn bầu điêu luyện
Một tay vẫn chơi đàn bầu điêu luyện
TP - Mặc dù là thương binh 2/4, tuổi đã “xế chiều” nhưng ông Mạc Văn Bẩy vẫn thể hiện được tài năng “độc nhất vô nhị” của mình với cách đánh đàn bầu bằng… vai !

Ca dao có câu “Đàn bầu ai gảy nấy nghe, …” , nhưng thương binh 2/4 Mạc Văn Bẩy (bon Bu Đắk, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) không chỉ “thôi miên” người nghe bằng tiếng đàn nỉ non, sâu lắng mà còn khiến cho nhiều người nể phục với cách đánh đàn bằng bả vai của cánh tay trái đã bị cắt lìa vì bom đạn.

Ông sinh năm 1947, tại Nam Sách, Hải Dương. Năm 1969, trong một trận chiến ở Bình Trị Thiên khói lửa ông trúng thương, cánh tay trái bị cắt lìa chỉ còn khoảng 10cm. Cảm giác “người thừa” cứ đeo bám mãi đến khi ông xem được buổi trình diễn của đoàn văn nghệ Long Hưng (tỉnh Hưng Yên) về phục vụ thương bệnh binh.

Ông kể: “Mặc dù bị thương nhưng tôi vẫn cặp nạng đến xem vở chèo Cô du kích Hoàng Ngân , tiếng đàn bầu hay đến nỗi làm tôi mê mẩn, quên đi đau đớn về thể xác. Tôi đã mày mò chế tác đàn bầu và tập đánh với mọi tư thế, thậm chí đánh bằng chân.

Cái khó nhất là điều khiển cần đàn nhưng tôi đã làm được nhờ đoạn tay cụt cảm nhận tốt và sự uốn éo nhịp nhàng của vai nên dễ dàng điều chỉnh âm cao thấp”.

Tham gia Đội văn nghệ quần chúng Quân khu III, ông Bẩy mang lại luồng sinh khí mới cho đồng đội nơi chiến trường khốc liệt. Từ các chất liệu bằng tre, lon sữa hộp, lõi phanh xe đạp… “Cây đàn du kích” do ông mày mò làm ra cũng đủ ba cung sáu nhịp, làm say đắm bao anh lính trẻ và các cô thanh niên xung phong xa nhà xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Ông luôn tự hào về những kỷ vật một thời được đơn vị, đồng đội tặng như chiếc radio VEC 206, bằng khen… và chiếc đàn bầu đã cũ. Năm 1986, ông được Bộ Văn hoá trao huy chương Chiến sĩ văn hoá. Và với ông, niềm vinh dự nhất là được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời ra biểu diễn đàn bầu tại Nhà khách Chính phủ năm 1997. Đến nay, ông đã có bộ sưu tập khoảng 20 Huy chương với cây độc huyền cầm.

Sau ngày chiến tranh kết thúc, ông Bẩy về lại quê nhà và lập gia đình với bà Nguyễn Thị Hà kém ông ba tuổi. Ngày vui ngắn chẳng tày gang, sau khi đứa con đầu lòng bụ bẫm chào đời thì ông mới phát hiện ra con mình đã mang di chứng chất độc da cam.

Không ngừng nuôi hy vọng sẽ có được đứa con lành lặn, rồi đứa thứ hai, ba, bốn đều lần lượt mắc phải căn bệnh quái ác của chiến tranh. May sao, rốt cục còn được cô con út khỏe mạnh, giờ đang học cao đẳng y ở Bình Dương.

Đã gần mười năm sau ngày vợ ông bị tai biến, mọi gánh nặng đều dồn lên vai người thương binh già và các chi phí trong gia đình chủ yếu dựa vào khoản tiền trợ cấp ít ỏi của ông. Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương xưa lại nhói đau từng thớ thịt.

Ông bùi ngùi: “Tôi đã cố gắng phấn đấu nhiều nhưng vì vợ ốm, con đau suốt nên gia đình vẫn không thoát khỏi được cái nghèo, cơ cực”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG