Người trẻ thiên kinh vạn quyển

Người trẻ thiên kinh vạn quyển
TP - Có nhà sưu tập khuyên khách ít đọc truyện tranh thôi, mua sách cổ đọc cho thông minh. Khách trẻ bỏ đi ngay. Nhưng sách cổ không phải là thú chơi/thị trường chỉ dành riêng cho người già.

Sách cổ Sài Gòn trong cơn dâu bể - Kỳ 2:

Người trẻ thiên kinh vạn quyển

Sách cổ Sài Gòn trong cơn dâu bể

Những kẻ đến sau gan dạ

Dương Thanh Hoài - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng là một tay chơi sách trẻ. Hoài khiêm tốn không tự nhận mình là nhà sưu tầm lăn lộn trong các nhà sách mà chỉ là người chơi sách ngẫu hứng. “Nhã Nam thư quán” của anh tổ chức được mấy cuộc trưng bày sách cổ về chủ đề truyện Kiều, chủ đề các tác phẩm văn học tiền chiến...

Dương Thanh Hoài nói: “Sách là một trong những thú chơi rẻ nhất. Có ông mua con gà 4 triệu bạc nuôi chơi. Gà đá độ thì mấy chục triệu bạc một con. Trong khi đó mấy chục triệu đồng đã mua được cuốn sách đỉnh cao rồi”.

Vũ Hà Tuệ, một tay sưu tầm sách thuộc thế hệ 8X, nói: “Hiện em đã có hơn 30 bản Kiều quý bằng chữ quốc ngữ, chỉ thiếu vài bản nữa là đủ bộ theo thống kê của cụ Vương Hồng Sển”. Tuệ cũng sở hữu hơn 300 cuốn sách có thủ bút tác giả.

Vào nghề chỉ chừng chục năm đổ lại nhưng không phải thế mà các nhà sưu tầm trẻ của Sài Gòn không tự tin. “Sưu tầm phải có tiêu chí, dù là tiêu chí nào. Nếu không nó sẽ hỗn độn - Hoàng Minh nói - Ví dụ chơi sách tiền chiến hay sưu tầm sách cải cách ruộng đất… nói chung chơi sách phải có gu”.

Hoàng Minh dường như không muốn làm các bậc tiền bối thất vọng. Nhà sưu tập sinh năm 1971 này sở hữu những cuốn cổ rất quý hiếm, như Tunchinensis Histoire (Lịch sử Đàng Ngoài) của Alexandre Rhodes, xuất bản năm 1651. Cuốn sách từng đoạt giải sách vàng trong cuộc thi do NXB Tổng hợp TPHCM tổ chức. Minh nói: “Tôi đã đoạt 3 giải nhất trong các cuộc thi sách cổ do các nhà xuất bản và báo chí tổ chức”.

So với các thế hệ trước, những người trẻ tuổi chơi sách hôm nay có thuận lợi hơn. Ông Cầu, một nhà sưu tập sách kỳ cựu lắc đầu nhớ lại: “Hồi trước chúng tôi sưu tầm sách cổ trong sự lo lắng. Có người còn lớn tiếng nói: sách cổ là kẻ thù giấu mặt!”. Ông Vũ Anh Tuấn kể: “Tôi giữ được kho sách ngoại văn của mình nguyên vẹn, do ông viện phó quý tôi, ông ký cho tôi cái giấy xác nhận sách trong nhà tôi là… sách của viện”.

Những người chơi sách cổ hôm nay sướng hơn chăng? Họ sáng lập và điều hành các web và diễn đàn chuyên về sách xưa với lượng truy cập không nhỏ. Các cuốn sách được mua bán, trao đổi, nhận định, đánh giá trực tuyến. “Tôi đi buôn đồng nát trên mạng” - Hoàng Minh nói. Nhờ kết nối được nhiều nguồn sách từ khắp mọi miền đất nước, Hoàng Minh đã có được 500 cuốn sách văn chương tiền chiến, nhiều bản quý hiếm. Có lần, nhờ “vào thăm” nhà sách của Pháp trên mạng mà anh mua được cuốn sách rất quý về Việt Nam.

Tuy vậy, chẳng phải cái gì cũng dễ dàng. Cách đây dăm năm, cuốn sách chỉ chừng 15.000 đồng thì giờ đây là 500.000 đồng. “Sách mua được, giá không dưới 700.000 đồng” - Tuệ nói. Dương Thanh Hoài nói: “Sách rẻ hơn gà, nhưng muốn chơi gà chỉ cần nuôi vài con đã thỏa chí. Sách thì phải thiên kinh vạn quyển!”.

Tuệ cũng cảnh báo: “Nhiều người sưu tập sách, săn cho đủ bộ, chỉ là để bán lấy lời”. Thành phố đã hơn 7 triệu dân, nhưng theo Tuệ, số người sưu tập có được vài ngàn cuốn sách giá trị chỉ độ 7-8 người mà thôi.

Một tiếng thở dài sau gáy sách

Sài Gòn có một tiệm sách nổi tiếng tên là Kỳ Thư ở đường Võ Văn Tần. Tôi tới tìm thì không thấy đâu nữa. Người ta bảo: “Giá nhà cho thuê tăng, chủ quán sách đã dẹp tiệm luôn rồi”. Tôi nhớ lần trước tới, nghe chủ tiệm thở than: “Muốn mua gì, tôi bán rẻ cho. Sắp tới giải nghệ”. Không dè ông dọn đi thật.

Ghé vào tiệm sách cổ Minh Ngọc cũng trên đường Võ Văn Tần, chủ quán bảo: “Ba chục năm buôn bán sách cổ, giờ hai tiệm tôi đã dẹp một cái rồi. Họ đòi tiền thuê mỗi tháng 15 triệu đồng thì buôn bán gì nữa!”.

Cố gắng đưa sách cổ đến với người xem bằng các triển lãm
Cố gắng đưa sách cổ đến với người xem bằng các triển lãm.

Tôi quen chủ tiệm khá lâu, không ngờ lần này gặp thấy ông thở dài ủ ê bên những cuốn sách cũ kỹ mục mủn: “30 năm sưu tầm sách, được 600 cuốn, giá trị lắm. Sách cổ của tôi gần 400 cuốn giấy bản hẵng còn mới. Phải lúc khó khăn, vợ tôi đành bán đi mua miếng đất xây cái nhà để ở”. Tôi hỏi bán được bao nhiêu? Chủ quán lắc đầu: “Được 15 cây vàng thôi. Nghe cũng ghê gớm đấy, nhưng ngẫm nghĩ mà buồn. 30 năm tôi tích cóp, mua cất giữ. Quy ra vàng, số sách ấy tôi bỏ ra số tiền không hề nhỏ. Đồng tiền mất giá quá!”.

Tôi hỏi ông tại sao bi quan tính giải nghệ, ông cười nhìn ra phố xá nườm nượp: “Lớp trẻ đến đây toàn hỏi mua truyện tranh. Tôi khuyên nên mua sách cổ học tinh hoa đọc cho thông minh. Khách bỏ đi ngay lập tức”.

Ai cũng biết sách cổ là quý. Nhưng chẳng mấy ai sống nhờ sách cổ. Hoài nói “Sưu tập chưa phải một nghề, chỉ là thú chơi. Người ta còn không sống được bằng nghề, huống gì thú chơi”.

Ông Vũ Anh Tuấn nói: “Những năm 1950 đã manh nha hình thành thị trường sách cổ, có bán đấu giá sách. Từ đó đến giờ, chẳng thấy nữa!”.

Người sưu tầm mua vào, không mấy ai bán ra. Bán sách tiếc lắm, nhiều khi bán lỗ, đau lòng không bán nổi. Nếu bán cho người nước ngoài, chảy máu sách cổ, càng không nỡ. Cứ để sách “già” theo thời gian.

“Đến khi mình chết, con cái nhìn thấy đống sách mục, lại bán ngay. Kêu người vào bán như bán ve chai. Nuôi mối mọt trong nhà làm gì!”. Ông Vũ Anh Tuấn trù tính: “Trước khi chết, tôi sẽ liên hệ xem có nhà xuất bản nào nhận sách, tôi hiến tặng hết. Sách của tôi rất cổ, đều quá thời hạn tác quyền, bây giờ dịch in phổ biến kiến thức cho độc giả đọc, rất bổ ích mà chẳng tốn kém nhiều”.

Tôi bảo ông Tuấn: “Xứ mình giờ có nhiều nhà giàu, sao không bán cho họ?”. Ông Tuấn nói: “Nhà giàu không mấy người hiểu sách. Người hiểu giá trị của sách quý lại không phải người giàu”. Ông không muốn sách của mình bị “giam trong giá sách của nhà giàu rồi không bao giờ đến được tay độc giả”.

Nhã Nam thư quán – nơi thường tổ chức triển lãm sách cổ
Nhã Nam thư quán – nơi thường tổ chức triển lãm sách cổ.

Sách càng quý càng kén độc giả. Không chỉ bởi chúng độc bản, quý hiếm, mà còn bởi lớp trẻ biết chữ Nôm, Hán văn, Pháp văn không nhiều. Người biết, chẳng phải lúc nào cũng có điều kiện mà ngồi đọc những tác phẩm giá trị và có khi đồ sộ hàng ngàn trang.

Dịch giả, nhà sưu tầm sách Vũ Anh Tuấn ngồi mơ về một nhà xuất bản đưa kho tàng sách quý của ông đến cho độc giả người Việt. Cũng như linh mục Nguyễn Hữu Triết đã lặn lội ra Huế hiến tặng bộ sưu tập Kiều mà ông chống chọi với mối mọt mấy chục năm, hi vọng tìm được độc giả cho những cuốn sách quý.

Chủ tiệm sách cổ Minh Ngọc nói: “Tuổi trẻ giờ chơi game, truyền hình, giải trí rất nhiều. Tôi cứ ấn tượng mãi với một ngôi nhà trước kia tôi đến mua sách. Nhà có ba tầng lầu, hai bức tường để kín sách, ở giữa nhà cũng là… giá sách. Bây giờ, Sài Gòn tiếng là kinh tế khá giả hơn, nhưng mấy gia đình có được giá sách đồ sộ như vậy nữa”.

Tay chơi sách trẻ Dương Thanh Hoài nói: “Sách rẻ hơn gà, nhưng muốn chơi gà chỉ cần nuôi vài con đã thỏa chí. Sách thì phải thiên kinh vạn quyển!”. Nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ cũng cảnh báo: Nhiều người sưu tập sách, săn cho đủ bộ, chỉ là để bán lấy lời. Thành phố đã hơn 7 triệu dân, nhưng theo Tuệ, số người sưu tập có được vài ngàn cuốn sách giá trị chỉ độ 7-8 người mà thôi.

10- 2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG