Người trồng cây “nuôi” công lý

Người trồng cây “nuôi” công lý
TP - Ai đi qua thôn Trung (xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương, Nghệ An) hầu như đều phải dừng lại xem bức tường thơ của một lão nông hóm hỉnh tự xưng mình là “vua” trong hai câu thơ ghi lên trước cổng nhà.
Người trồng cây “nuôi” công lý ảnh 1
Ông Chương và vườn cây “nuôi” công lý

Cùng với hai câu thơ: “Làng tôi phong tước cho tôi/Vua hồng, vua kiện, thành người lưỡng vua”, những bức tường quét vôi trắng ghi kín những bài thơ chống tiêu cực, tham nhũng mà có lẽ người dân ở đây đều thuộc vẫn chưa “tải” hết thông tin về chủ nhân của nó, một người nổi tiếng ở vùng quê ven sông Lam này.

Lá thư hồi âm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài  lão nông tri điền ít ai ngờ ông Đinh Quang Chương từng công tác ở Bộ Tài chính. Trước đó nữa ông đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Về công tác tại Bộ Tài chính vào đúng thời gian  bộ máy hành chính của Nhà nước ta đang quá cồng kềnh khiến ông Đinh Quang Chương trăn trở suy nghĩ nhiều. 

Thế rồi ông “đánh liều” viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc ấy để phản ánh sự trì trệ về giảm biên chế của Bộ Tài chính – nơi cơ quan mình công tác.

Lúc bấy giờ ông gửi thư mà không dám mong hồi âm vì nghĩ Thủ tướng bận trăm công nghìn việc, làm sao có thời gian để viết thư trả lời. Nhưng một ngày nọ, ông nhận được  thư trả lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thư viết tay của Thủ tướng có những dòng như thế này:

“Đồng chí Chương. Tôi đã chuyển bức thư của đồng chí cho anh Hoàng Anh và gợi ý anh Hoàng Anh phụ trách giải quyết thiết thực. Đồng chí nên trực tiếp với Bộ để tiến tới giải quyết cho được. Lúc nào đồng chí thấy có gì cần viết thư cho tôi xin tùy tiện không ngại”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gạch chân mấy “xin tuỳ tiện không ngại”. Nhưng sau đó, chưa kịp “trao đổi trực tiếp với Bộ”  như gợi ý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì Đinh Quang Chương đã nằm trong danh sách “giảm biên chế”, điều về làm cán bộ giảng dạy ở trường Tài chính Nghệ An.

Chẳng biết đó có phải là “hậu quả” của việc ông dám viết thư lên Thủ tướng phản ánh sự trì trệ ở Bộ Tài chính lúc đó hay không nhưng Đinh Quang Chương cũng không mấy bận tâm, ông vui vẻ về quê.

Công tác ở trường ít lâu, chứng kiến một số chuyện trái tai gai mắt, ông lại lên tiếng đấu tranh. Có vẻ như sau đó “lịch sử lặp lại” khi ông bị “điều” về tận xã Thanh Lĩnh, làm kế toán ở HTX.

“Người hay cãi” vì dân

Nhưng chẳng phải vì thế mà ông biết “rút kinh nghiệm”. Kể từ khi về hưu, cái tên Đinh Quang Chương trở thành “khắc tinh” của những kẻ tiêu cực, tham nhũng.

Năm ấy, chính quyền xã Thanh Lĩnh cấm dân nuôi chó vì sợ chó dại. Nếu ai cố tình vi phạm sẽ bị phạt. Thấy chủ trương này chưa hợp lòng dân, ông phản đối. Lý lẽ của ông đơn giản nhưng đầy thuyết phục: “Dân có quyền nuôi chó; Đề phòng chó dại thì phải tiêm phòng”. Sau đó lệnh cấm phải bãi bỏ.

Năm 1998, huyện Thanh Chương tiến hành thu tiền quỹ giao thông, mỗi lao động 45.000 đồng. Nhân dân thấy bất hợp lý tìm đến ông Chương nhờ “cãi”. Ông đứng ra kiện Chủ tịch UBND huyện. Huyện buộc phải giảm từ 45.000 đồng xuống 30.000 đồng.

Bà con không đồng tình, ông lại đứng ra kiện tiếp. Huyện buộc phải bãi bỏ chủ trương này. Ông Chủ tịch huyện rất giận ông nhưng sau nghĩ lại thấy ông thưa kiện vì dân nên dần dần hai người đã trở thành… bạn thân.

Thực tế thì ông Chương vẫn chưa “dừng” được vì ngay tại quê hương mình vẫn còn nhiều chuyện sai trái buộc phải… chống tiêu cực. Vụ việc mà ông cùng người dân theo đuổi gần 14 năm nay là cả một câu chuyện dài.

Lão nông ngồi dưới hiên nhà, nhìn ra mảnh vườn đầy hoa trái, tâm sự: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, vụ kiện này tôi với bà con tốn nhiều công sức, tiền của nhưng cho đến bây giờ vẫn còn “chiến đấu” tiếp đây”.

Ấy là năm 1992, xã Thanh Lĩnh quyết định lấy 2 mẫu đất sản xuất màu mỡ ở khu vườn Ba thôn Trung để xây chợ, bán đất canh tác, trong khi chợ cũ vẫn đang rất sầm uất ở một địa thế thuận lợi. Bất bình, ông Chương cầm bút viết một bài báo đầu đề Đất kêu cứu đăng ở báo Nghệ An. Nhưng cho dù “đất kêu cứu” thì chính quyền vẫn bình chân như vại. Chẳng thể ngồi yên, ông thảo đơn, đánh máy, phôtô tài liệu “cắt cơm, bơm xe”, xin tiền vợ và lên đường. Nhưng dù đã gửi đơn thư nhiều nơi, cấp trên vẫn đưa ra kết luận, đại ý: chợ cũ bị sạt lở, đề nghị tỉnh cấp đất mới để xây chợ.

Lập tức, ông phản biện: “Nếu sạt lở sao lại cho dân đến ở? Sao lại bán hơn 40 suất đất ở đó?”. Im lặng. Ông lại khăn gói quả mướp, lần này ra tận Hà Nội, bỏ tiền túi ở trọ thuê xe ôm đến gặp bằng được các cơ quan tiếp dân của Trung ương Đảng và Thanh tra Chính phủ mới thôi.

Nhưng cái cảnh “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” ấy, với ít đồng lương hưu ít ỏi, làm sao ông đủ tiền để đi từ huyện cho đến tận Thủ đô mà riêng số hồ sơ, tài liệu gửi đi hay mang theo có lẽ đã cao quá mặt người? Khi chúng tôi đặt ra câu hỏi ấy, ông cười và chỉ tay ra vườn, bảo: “Tiền ở đấy. Đó là mảnh vườn “nuôi” công lý của tôi”.

Câu chuyện bỗng lan man sang mảnh vườn vốn đã nổi tiếng của ông Đinh Tiến Chương, nơi người dân trong và ngoài tỉnh Nghệ An tìm đến xem, học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống.

Ngay ở cổng, một cây đào trường thọ quả to lúc lỉu, đẹp đến nỗi ai đi qua cũng phải dừng lại ngắm nghía. Cây đào có vẻ lạ lẫm ở vùng đất  này được lấy giống từ Campuchia do một đồng đội ông Chương tặng. 

Vườn trải ra một màu xanh mướt và nhiều nhất là những cây hồng. Cây to, cây nhỏ,  hàng nghìn cây hồng con đang ươm.  “Hồng ông Chương” đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng và đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền. 

“Sự tích” giống hồng quý ấy bắt đầu từ một một lần ông đi chợ ở thành phố Vinh vào năm 1973 của thế kỷ trước, bắt gặp những quả hồng to hơn hồng ngâm quê mình. Ông mua 3 quả giá mỗi quả 3 hào (3 hào lúc đó mua được một bát phở). Về nhà, bổ ra ăn rất ngon và đặc biệt  3 quả chỉ có hai hạt. Biết đây là giống hồng quý, ông nghĩ ngay tới mảnh đất  quê mình. Ông lấy hạt ươm được hai cây con và đưa về nhà trồng.

Sau 3 năm, 2 cây hồng ra lứa quả đầu tiên. Khi bổ ra ăn, ai cũng ngỡ ngàng: quả to, ngọt và không có hạt. Vậy là giống cây quý này đã “đứng” được trên đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, cơ hội đổi đời của biết bao nhiêu người nông dân chăng? Ông nghĩ vậy và bắt tay vào nhân giống hồng. Nhưng hồng không hạt thì làm sao ươm? Ông chiết từ cành cũng thất bại.

Ngày đêm mày mò, ông quyết định chắt rễ hồng để rễ tái sinh phát triển thành cây. Nhưng nhánh phụ lại chết khi dời khỏi cây mẹ. Sau nhiều lần thử nghiệm, vắt óc suy nghĩ, rồi đi “tầm sư học đạo” các chuyên gia nông nghiệp, cuối cùng đã tìm được cách ghép cây bằng mắt. Hồng cứ thế sinh sôi, lan ra nhiều vùng đất và trở thành một giống cây xóa đói giảm nghèo.

Lão nông này xòe bàn tay chai sạn, nhẩm tính: “Chỉ tính trong năm nay, với hơn 2.000 cây hồng giống, mỗi cây giá 25.000 đồng, gia đình tôi cũng có một khoản thu nhập đáng kể. Tiền tôi đi thưa kiện đòi công bằng cho dân là từ mảnh vườn này đây. Nếu lấy tiền từ dân để đi kiện thì tôi ở nhà chăm cây cho khỏe.

Theo việc gần, bán một cây hồng, theo xa bán mười cây đào trường thọ. Để có tiền cho ngày hôm sau khăn gói đi “gõ cửa”, hôm trước tôi nhân thêm vài cây giống. Mình thuận lợi, còn dân thì đa số chỉ nhìn trông vào hạt lúa, củ khoai”.

Có lẽ nhờ “bầu sữa” từ mảnh vườn mà ông Đinh Quang Chương đã bền gan theo đuổi vụ kiện vi phạm Luật Đất đai ở xã Thanh Lĩnh ròng rã 14 năm trời. Cuối cùng, chính quyền đã ra văn bản không chuyển chợ tới hai mẫu đất canh tác nữa.

“Dành mình phần thiệt, mong xanh bầu trời”

Ông kiện đúng luật, đúng thẩm quyền, không đặt điều vu khống, lại được nhân dân đồng tình ủng hộ nên chưa một lần thất bại. Lão nông giàu thâm niên kiện này đã rút ra một kinh nghiệm: muốn thắng kiện phải có 4 yếu tố: đúng luật; đúng sự thật; dũng cảm, dám hy sinh và kiên trì.

Cái “duyên” kiện của ông khiến nhiều người dân oan đến nhờ bày cho đường đi nước bước. Thấy ai bị oan, kêu mãi không thấu, ông mới “tham mưu”  giúp, thậm chí đi cùng với họ. Nhưng người nào kiện vì vụ lợi cá nhân, vu khống… ông đều từ chối và khuyên giải để họ “ngộ” ra vấn đề.

...Ngồi với chúng tôi mà ông cứ nhấp nhổm vì chiều nay dân trong xã có cuộc họp để bàn về việc hai  2 mẫu đất mà xã định lấy xây chợ không xong, giờ lại đưa nó vào quy hoạch thị tứ.

“Vụ kiện 14 năm chắc vẫn chưa kết thúc, chắc vẫn phải “chiến đấu” tiếp thôi chứ người dân bất bình lắm” - Ông nói vậy khi lật đật chào chúng tôi để đến dự cuộc họp. Liệu vụ này có phải tiếp tục xuống tỉnh hay ra T.Ư không?

Lão nông này sẽ lại bán mấy cây hồng hay cây đào trường thọ để  “nuôi” công lý với khẩu khí như ông đã thể hiện trong mấy câu thơ dưới đây: “Thấy oan trái chẳng thờ ơ; Trừ tà tích thiện lo cho dân lành; Bền bỉ dũng cảm đấu tranh; Dành mình phần thiệt, mong xanh bầu trời”.

MỚI - NÓNG