Người “vác tù và” bên xa lộ

Người “vác tù và” bên xa lộ
Nhấc máy gọi đến số điện thoại 0320.729982, ngay lập tức có một giọng đàn ông trả lời bằng câu hỏi vội: “Anh là ai, lại có người bị tai nạn à?…”

Tên người đàn ông đó là ông Nguyễn Ngọc Tuy, 55 tuổi, có mái đầu bạc trắng. Mọi người đùa, có lẽ vì phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn quá mà ông “sợ” đến bạc cả tóc.

Ngôi nhà ông ở, trước mặt là đường 5, sau lưng là tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, cắt ngang là con đường liên xã Tuấn Hưng, có cả nghìn người băng qua quốc lộ mỗi ngày. Chỉ một phút bất cẩn là tai nạn có thể ập đến.

Ngày còn ở làng, ông Tuy “học mót” được chút ít kỹ thuật sơ cứu, ra sống cạnh quốc lộ, lần đầu tiên gặp người bị tai nạn, ông đã có dịp trổ     tài.

Sau vài ca, “trình độ y tế” của ông đã thuần thục lên rất nhiều. Trong một lần ông đang sơ cứu cho  nạn nhân, tình cờ xe cứu thương của tỉnh         đi qua. Từ đó ông luôn có tên trong danh sách các lớp tập huấn về sơ cấp cứu tai nạn do tỉnh tổ chức.

Cũng từ đó lá cờ có chữ thập đỏ tình nguyện lúc nào cũng bay phất phới trước cửa nhà ông. Hội Chữ thập đỏ tỉnh cấp cho ông cái cáng cứu thương, việc cứu nạn của ông trông đã có vẻ chuyên nghiệp hơn.

Thấm thoát đã 16 năm, ông Tuy tự nguyện làm công việc “vác tù và hàng tổng” cạnh đường quốc lộ 5. Ông không thể nhớ nổi đã gặp và giúp đỡ bao nhiêu người bị tai nạn giao thông.

Một đêm, mưa phùn rét mướt, nghe tin báo ông vội vàng khoác áo mưa ra hiện trường. Xung quanh vắng ngắt, một người đàn ông nằm bất tỉnh giữa rãnh khoai bên vệ đường, chiếc xe gắn máy văng xa vài chục mét. Ông vội vàng sơ cứu rồi cùng người báo tin chở ngay nạn nhân xuống bệnh viện huyện cách đó chừng bảy cây số, thâm tâm ông nghĩ nạn nhân khó lòng qua khỏi. May sao, nhờ được cấp cứu kịp thời, người đàn ông đó đã thoát nạn.

Một vụ khác, chiếc xe ô tô chở container nghiền nát chiếc xe máy, hai người đi xe bị hất văng sang hai bên đường vào một đêm khuya. Nhìn      cách thở của nạn nhân nam (sau này ông mới biết tên là Đạt), ông đoán Đạt bị vỡ lá lách cần được mổ gấp nên ông nhanh chóng sơ cứu, rồi vẫy xe đưa họ vào bệnh viện. Cả hai thoát hiểm. Số tiền 33,6 triệu đồng họ mang trong chiếc cặp khóa số được ông giao cho cảnh sát giao thông,   hoàn trả lại không thiếu một xu.

Chứng kiến những vụ tai nạn, nhiều khi đồng nghĩa với việc trở thành nhân chứng “bất đắc dĩ” của những câu chuyện đau lòng mà mình đành bất lực.

Một buổi trưa, ông tận mắt nhìn thấy chiếc xe ô tô tải đang lao nhanh, ép xe đạp của cô gái trên đường đi học về vào mép đường. Có thể gã lái xe chỉ định trêu chọc cô gái, nhưng đã không ngờ bị mất tay lái…

Lúc ông chạy đến, cô gái vẫn còn cố nhấc đầu lên nhìn ông như cầu cứu rồi dần lịm đi. Ông cũng không thể quên vụ tai nạn xảy ra với một cặp vợ chồng và đứa con đi xe máy vượt ngang đường tàu vào buổi sáng tinh mơ.

Lúc đó, ông đang tập thể dục, thấy con tàu ầm ầm lao tới, trong khi cặp vợ chồng trẻ vẫn mải mê nói  chuyện. Ông vừa chạy, vừa gào gọi   “có tàu”, nhưng họ đã không nghe thấy. Cặp vợ chồng bị con tàu kéo đi, cháu bé bị hất xuống mương nước… Quá bức xúc, lần đó ông xông thẳng vào ga Phạm Xá yêu cầu các cán bộ phải làm ngay biển báo nguy hiểm …

Chúng tôi hỏi ông: “Bác tự nguyện đi làm công việc này hoài, bác gái có ý kiến gì không ?”. Ông Tuy nói, vợ ông và các con rất tán thành những việc ông làm. Bà là người thường giặt cho ông những bộ quần áo không may dính máu nạn nhân. Những lúc ông đi vắng, bà rất lo, ngộ nhỡ có người gặp nạn, điện thoại tới không có ai giúp đỡ. Cố rồi bà cũng trang bị cho ông chiếc máy điện thoại kéo dài để ông đi đâu còn biết đường mà gọi.

Việc sinh nhai của gia đình ông trông vào mở quán bán hàng ăn trước cửa nhà của vợ ông. Ông là công an viên của xã, lương tháng 180 ngàn đồng. Tuy không dư giả nhưng cuộc sống của gia đình ông cũng tạm ổn. Ông Tuy tâm sự, việc cứu người dù làm tốt đến mấy cũng không thể khiến tai nạn giao thông giảm đi. Vì vậy, cứ sáng sáng ông dậy sớm hướng dẫn các cháu nhỏ qua đường đúng vạch để tránh xảy ra tai nạn.

Cái chợ bên đường nằm đối diện nhà ông, ai gồng gánh tuỳ tiện băng qua là ông góp ý, ai buôn bán dọc lề đường là ông dùng loa đi dẹp. Xã ủng hộ, mua tặng ông cái loa. Nhiều người buôn bán lúc đầu tỏ vẻ khó chịu, sau hiểu ra, vừa thấy ông họ đã tự ý nép xe, chỉnh sửa quang gánh, bán đúng nơi quy định.

Ông cho biết, tai nạn trên đoạn km 66-69 quốc lộ 5, chạy qua nhà ông đã giảm đáng kể so với năm ngoái. Từ đầu năm đến nay có 12 vụ, chỉ có một vụ tai nạn chết một người.

Thi thoảng có vị khách lạ ở phương xa tìm đến nhà ông hỏi thăm, và cho biết họ chính là người từng bị tai nạn trên đoạn đường này đã được ông cứu giúp. Ông rất cảm động và bất ngờ, ông không thể nhận ra con người khoẻ mạnh đang đứng trước mặt ông lại chính là cái người mang thân hình máu, đang ở trong trạng thái thập tử nhất sinh được ông sơ cứu.

Ông bộc bạch: “Việc tôi làm cũng bình thường như bao việc khác. Người dân quê tôi vẫn thường cùng nhau chia sẻ với người đi đường không may gặp phải rủi ro. Sau những lần như vậy, tôi thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản hơn”.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.