Người Việt kiếm ăn giữa Paris

Người Việt kiếm ăn giữa Paris
TP - Thời buổi khó khăn, nhiều dân nhập cư tới Pháp sống chật vật nhưng có những người Việt “chống chọi” tốt với khủng hoảng kinh tế.

>> Paris thời "đói kém"

Quán Việt và giả Việt

Quận 13 (Paris, Pháp) chủ yếu là dân Hoa, dân Việt chỉ số ít. Nhưng không hiểu vì sao các quán ăn, uống lại ghi toàn tiếng Việt.

Mới đầu, tôi thấy một quán đề biển “Bánh mì Việt Nam” thấy sướng, vào hỏi hóa ra chủ gốc Hoa. Nhiều quán ghi nào là “Bún chả”, “Bánh cuốn Thanh Trì” hay “Phở bò”, “Cháo lòng”, “Bún bò Huế”..., gõ cửa “xin chào đồng hương”, người mở cửa cứ luôn mồm “nỉ hảo”. Hóa ra, người Hoa có lẽ thấy dân Tây mê món ăn Việt nên mượn danh; hoặc, người Hoa ở Chợ Lớn mang phong vị Việt qua Paris.

Sự hiện diện của nhiều quán ăn có biển chữ Việt Nam khiến nhiều người nghĩ dân Việt ở Quận 13 phát về đường kinh doanh ăn uống. Thực ra, những quán ăn này nhỏ, úi xùi. Trông thì biết ngay, chủ nhân chủ yếu lấy công làm lời.

Một bác Việt kiều tóc bạc phơ nói với tôi, người Việt sang Pháp chủ yếu làm khoa học, làm ăn thì qua Đông Âu. Tây thích món Việt Nam vì đồ ăn ít mỡ, nhẹ bụng; món của người Hoa thì ngược lại. Chả thế mà ngay dưới chân đồi Montmartre xuất hiện nhà hàng Chào Bà to tướng.

Nghe nói, chủ nhà hàng này là người Pháp hẳn hoi. Ông chủ Chào Bà chả biết có mê Việt Nam hay không nhưng cứ lấy tên người Việt hay địa danh... để đặt tên cho các món ăn trong thực đơn.

Nhiều người nói với tôi, dân Việt ở Pháp được tôn trọng. Đúng thôi, khá nhiều người Việt là trí thức sang đây học Luật, Y, Kinh tế...

Những Việt kiều quốc tịch Việt Nam

Những ngày đầu tháng Năm vừa rồi, như thường lệ, người dân Pháp háo hức với Hội chợ Paris-Foire de Paris (dạng phiên bản của Hội Đấu xảo ngày xưa). Khoảng 3.000 thương gia mang các của ngon, vật lạ là sản vật địa phương… từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây. Diện tích khu hội chợ rộng gấp 6 - 7 lần Hội chợ triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), thu hút cả triệu người tham quan, mua sắm mỗi phiên.

Không biết ngày xưa, Hội Đấu xảo tổ chức, đại diện các nước thuộc địa đến mẫu quốc tham dự có mất vé hay không, nhưng Hội chợ Paris kỳ này vé bán không khác gì ở Hội chợ Triển lãm Giảng Võ: Vé bán chính thống 13 euro, các “cò” bán chỉ 7 euro (gần 200 nghìn đồng). Những, “cò” bán vé chủ yếu là dân nhập cư, cũng có người gốc Pháp, đứng lảng vảng quanh các cửa vào hội chợ.

Một ngày không thể dạo hết hội chợ nhưng có một khu vực không thể bỏ qua: Khu Quốc tế. Hàng hoá ở đây ê hề nhưng chủ yếu là đồ lưu niệm. Ngay từ cổng chính vào, thấy ngay một ngôi nhà tre đề chữ: Maison du Vietnam (Nhà Việt Nam).

Một người đàn ông thấp nhỏ, tóc bạc đang say sưa nói chuyện với các bạn trẻ trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp. Bùi Nguyễn Hoàng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp - ghé tai tôi: “Chú Cấn Văn Kiệt, tốt bụng lắm!”.

Hoá ra, ông Kiệt đang gợi ý Hội Sinh viên tăng quỹ bằng cách tham gia gian hàng các hội chợ lần sau. Nhà Việt Nam bằng khung tre này có mặt ở Hội chợ Paris từ năm 1980. Năm nào đến kỳ hội chợ, nhà tre cũng được dựng lên.

Ông Kiệt và ông Nguyễn Đức Phương là những người tham gia Hội chợ Paris đầu tiên, sau ngày Việt Nam thống nhất. Sau đó, hai ông lại làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đây giới thiệu sản phẩm.

Đến nay, quanh Nhà Việt Nam có nhiều gian hàng của các doanh nghiệp khác đánh đường từ trong nước sang quảng bá sản phẩm và bán hàng. Ông Kiệt, ông Phương cũng xấp xỉ thất thập, tha hồ nói tiếng Việt với đồng bào.

Hôm tôi đến, Nhà Việt Nam bán nhiều đồ ăn đậm bản sắc Việt, do vợ ông Phương quản lý. Đó là một khoảnh diện tích rộng được thuê 600 euro/ngày chưa kể điện nước. Khoảng hơn 10 sinh viên Việt Nam được thuê chạy bàn ăn.

Tôi để ý thấy bìa thực đơn được ông bà in cờ đỏ, sao vàng. Vợ ông Phương có dáng dấp người phụ nữ tần tảo, bà quán xuyến mọi việc trong cửa hàng. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên lượng thực khách cũng chỉ vừa phải.

Ông Phương nói: “Bả lại sắp về Việt Nam dạy học đó!”. Hỏi ra mới biết, người phụ nữ này là một giáo sư có tiếng ở Paris. Thi thoảng, bà lại về Việt Nam dạy cho một số trường đại học không lấy thù lao. Từ ngày cậu con trai về Việt Nam làm việc và lấy vợ, sinh con, ông bà lại thường xuyên về quê nhà hơn.

Người Việt kiếm ăn giữa Paris ảnh 1
Quán Chào Bà dưới chân đồi Montmartre. Ảnh: Đình Thắng 

Ông Phương, ông Kiệt và ông Võ Sỹ Đàn (73 tuổi, Chủ tịch Hội Việt kiều tại Pháp) đều là những người sang Pháp du học từ thời thanh niên. Các ông vốn là những nhân tố tích cực tham gia Ban Kinh tài (Hội Việt kiều), huy động bà con đóng góp xây dựng quê hương những năm còn chiến tranh.

Ông Kiệt kể: “Thời đó, đi học một buổi, thời gian còn lại, chúng tôi tham gia các hoạt động cứu quốc. Có những lần đi dán tờ rơi tuyên truyền cuộc kháng chiến chống Mỹ, gặp lực lượng ủng hộ chế độ Mỹ - Diệm, hai bên quần nhau tả tơi.

Sau đó, mọi người rút vào hoạt động bí mật để tránh chính quyền miền Nam Việt Nam đàn áp gia đình ở nhà. Hồi đó học giỏi như một nhiệm vụ, cho nên ai cũng cố gắng. Bởi, nếu mình học giỏi, các bạn sinh viên quốc tế sẽ không coi thường người mình”.

Tôi cứ lấy làm lạ, những người như ông Kiệt, ông Phương, vợ ông Phương, ông Đàn… đều là giáo sư, tiến sỹ nhưng họ bình dị quá đỗi. Trông họ không giống những người có học hàm, học vị tương đương ở Việt Nam. Hình dáng họ chỉ ít chất phác hơn những người dân quê hồn hậu một chút.

Nhiều sinh viên Việt Nam và những người đã đi làm ở Pháp đều tỏ ý ngưỡng mộ những bác Việt kiều này. Có sinh viên kể với tôi rằng, các bác ấy giản dị thế vì mỗi người đều “vật lộn” với cuộc mưu sinh nhưng họ cũng có những cơ ngơi bề thế ở Pháp. Con gái út ông Kiệt Tết năm ngoái giật giải Hoa khôi cộng đồng Việt.

Điều khắc khoải nhất với ông Cấn Văn Kiệt là, các con nói tiếng Việt chưa thật sự giỏi. Trong khi ông từng được tặng bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam vì có công dạy tiếng Việt và truyền bá văn hoá Việt Nam trong cộng đồng ở Pháp.

Tôi cũng được biết, ông Kiệt, ông Phương, ông Đàn đều là những người sống quá nửa đời người ở Pháp nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam và về quê không phải xin thị thực. 

Ông chủ tour du lịch “siêu” rẻ

Lê Hoàng Long (33 tuổi) theo gia đình sang Pháp từ năm 10 tuổi cùng một “người Hoa Chợ Lớn”, mở công ty du lịch có tên Sai Gon Consult. Long chuyên phụ trách mảng khách Việt, “người Hoa Chợ Lớn” kia đảm nhiệm phần khách Trung Quốc.

Long nói tiếng Việt sõi vì “về nhà mà nói tiếng Tây, papa đánh”. Tôi quen Long tình cờ vì chuyến đi “bụi” châu Âu. Mới đầu, theo tính toán, các chi phí để thực hiện chuyến đi “bụi” năm nước (năm ngày) châu Âu dù hết sức tiết kiệm cũng mất khoảng 10 triệu đồng.

Trước khi chốt kế hoạch, tôi tìm kiếm trên mạng và phát hiện ra công ty của Long bán tour có hành trình tương tự từ Pháp, giá chỉ 5,9 triệu đồng. Kiểm tra kỹ lưỡng, cuối cùng, tôi chọn ghép tour này.

Chuyến đi quá ấn tượng, khách sạn ở vùng ngoại ô tuyệt vời (có điều hướng dẫn viên nói tiếng Hoa) khiến tôi tò mò về Long. Long nói: “Chủ yếu khách Hoa thích giá rẻ, người Việt ít biết tour này lắm do đó chỉ có người Hoa hướng dẫn!”.

Trước khủng hoảng kinh tế, dịch cúm lợn; thu nhập của Long rất khá. Nay, mỗi tháng chỉ độ vài nghìn euro là may.

“Tôi muốn về Việt Nam lập nghiệp lắm nhưng hiềm nỗi ba năm nữa mới trả góp hết tiền nhà. Hơn nữa, nghe nói thủ tục hành chính ở nhà sợ lắm”, Long tâm sự.

Tôi trấn an Long, ba năm nữa về, thủ tục hành chính cải cách ổn rồi. Cơ hội đầu tư trong nước cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Long hiện vừa là ông chủ, kiêm người lập tour, hướng dẫn viên du lịch. Ông chủ của tour du lịch “siêu” rẻ này hàng ngày vẫn tập tọng viết văn bằng tiếng Việt để sau này có chút vốn liếng dạy lại cho cậu con trai tám tháng tuổi.

* * *

Trên chuyến bay Vietnam Airlines về nước, ngồi cạnh tôi là một người đàn ông Việt Nam có gương mặt lam lũ. Anh nói vừa chạy dạt từ Séc sang Pháp kiếm ăn. Khó khăn quá, mỗi tháng kiếm hơn một nghìn euro để tồn tại và ki cóp gửi về cho vợ, con. Máy bay hạ cánh Nội Bài, vị khách này chỉ tay về hướng đứa con nhỏ vẫy tay: “Thiên đường đấy!”.

MỚI - NÓNG