Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 3

Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 3
TPCN - Sang Trung Quốc, tham gia công tác quản lý lưu học sinh và theo học Đại học Bắc Kinh đã choán khá nhiều thời gian của chị. Trước khi sanh con còn nhàn một tý.

Con trai út ra đời nhằm 12 giờ trưa ngày Mồng Một Tết Âm lịch. Thằng bé khỏe mạnh dễ nuôi. Một thời gian sau, cháu gái lớn Vũ Anh, con trai thứ hai Lê Kiên Thành đều sang Bắc Kinh ở với chị.

>> Kỳ I

>> Kỳ II

Ba chị em có nhau. Tôi cũng vui vui vì có các con bên cạnh nhưng bận vô kể. Tôi làm việc như cái máy làm sao chăm con chăm việc cho đúng giờ. Sáng tôi dậy lúc 4 giờ 30 phút, làm vệ sinh cho Vũ Anh 15 phút, cho Thành 15 phút. Cho 2 đứa ăn sáng xong, tôi cho thằng út dậy. Vệ sinh cho con. Cho con bú. Đúng 7 giờ tôi có mặt tại phòng làm việc. Chiều đi làm về tôi tắm rửa cho các con, xong cho đứa ăn, đứa bú. Đúng 7 giờ tối các con vô mùng ngủ. Tôi đi học Trung văn tới 11 giờ đêm mới về. May cái thằng bé cũng dễ nuôi, không hay khóc. Tôi đặt tên cháu là Lê Kiên Trung. Chữ Trung ở đây là trung trinh chung thủy để thể hiện tình yêu vợ chồng tôi (Trích nhật ký).

Chị luôn tiếp được thư anh. Đó là nguồn động viên hữu hiệu kịp thời.

...

Anh thương em, thương nhiều lắm. Em đừng thấy một vài biểu hiện bên ngoài hoặc một vài điều gì không may, không hay xảy ra mà sinh những ý nghĩ có thể hiểu lầm anh. Vì một lần hiểu lầm như vậy có thể tổn thương một ít tình yêu của anh với em. Mà tình yêu cũng giống như mọi của cải quý giá khác của con người cần phải bồi dưỡng và súc tích luôn luôn. Chúng ta phải tìm đủ mọi cách để xây đắp ngày càng lớn càng sâu tình yêu của chúng ta. Hạnh phúc là tình yêu là tấm lòng thiết tha thương nhau, chết sống không bao giờ và không thể bỏ nhau. Đến một lúc thì tình yêu không phải là hạnh phúc vật chất và vật chất cũng không phải là cơ sở nữa mà chính là tấm lòng yêu nhau quý nhau, hiểu biết chân tình ý nghĩ đầy đủ của nhau.

Anh muốn anh với em sẽ hưởng đầy đủ về hạnh phúc trong cuộc đời tình cảm và tinh thần. Tình cảm yêu thương đằm thắm sâu xa với em, giữa chúng ta và các con, giữa chúng ta trong sự nghiệp cách mạng cùng nhau sống chết và để lại những kỷ niệm với đời là các con và sự nghiệp chúng ta dính chặt làm một!

Em ạ, tình thương giải quyết tất cả. Em thương anh thì em có thể giải quyết tất cả những khó khăn trở ngại. Em không bao giờ trách các con, không phải vì nó dại mà là vì em thương chúng nó nhiều. Em cũng phải thương anh như thương các con. Lòng thương có thể xóa tất cả. Nó rất dũng cảm. Lòng thương phải không đáy vì bao nhiêu chứa vẫn không vừa. Lòng thương là duy nhất trong sáng như tấm gương và không có gì êm ái nhẹ nhàng ấm áp bằng tình thương của mẹ thương con, của vợ thương chồng.

Người đàn bà là một linh hồn để xoa dịu những nỗi khổ đau của con người.

Em phải là người đàn bà ấy.

Người đàn bà là bài thơ là bản nhạc hay. Một bông hoa tươi đẹp thơm tho, một luồng gió mát. Người đàn bà là người có hằng hà sa số tình thương, là người bạn tốt nhất đẹp nhất của người chồng. Em phải là người đàn bà ấy. Em tin ở anh. Anh tin ở em. Chúng ta yêu nhau nên tin nhau. Em cố gắng lên. Anh rất vui sướng thấy em hiểu anh nhiều, thương anh nhiều.

Ngày 25-12-1960

Lê Duẩn

Thời gian học Đại học Bắc Kinh, vì bận bà đã cho hai con về nước với chồng chỉ giữ đứa út ở lại. Sau đó đứa út cũng ốm đau sài đẹn luôn, để có thời gian cho việc học,  bà đành gửi về nốt.

...

Anh viết thư này cho mình để nói lại với mình rằng anh tin mình, anh tin mình vô hạn vì anh biết mình thương anh vô hạn. Anh tin ở người đồng chí yêu quý của anh. Anh tin ở người vợ thương yêu của anh. Anh tin ở người mẹ hiền lành âu yếm của mấy con yêu quý của chúng ta. Anh tin chắc chắn rằng mình sẽ phấn khởi vui vẻ trong việc học hành chăm lo bồi dưỡng sức khỏe như mình đã hứa với anh. Khi gặp anh, mình sẽ học giỏi mạnh khỏe, đẹp đẽ hơn trước nhiều nhiều...

Mấy con đi nghỉ mát. Trung, Thành và Vũ Anh thích tắm biển lắm. Trung biết nhiều lắm và biết ba thương nên hay làm nũng tìm mọi cách để được ngủ với ba.

Khi nằm với ba, Trung hay đùa và thích nghe chuyện đời xưa.

Mấy chị cũng rất yêu Trung mình ạ. Có Hãn (con trai ông Duẩn với bà cả - NV) qua chữa bệnh bên ấy. Mình giúp ý kiến cho Hãn hay đến thăm nó vì Hãn nó thiếu tình cảm, có mình thăm viếng luôn sẽ giúp nó nhiều trong lúc nó chữa bệnh.

Chúc mình học giỏi và vui vẻ

Hôn mình nhiều, nhiều lắm

Lê Duẩn

Về các con, ông viết vậy cho bà an tâm. Sau này về nước bà mới hay, ông và các đồng chí bảo vệ thư ký đã phải vất vả rất nhiều trong việc nuôi dạy chăm sóc ba đứa con. Con gái Vũ Anh đau yếu, ông làm cho con một tễ thuốc bắc. Để con gái uống đúng cữ là cả một việc gian nan. Vũ Anh thường trốn đi đâu đó không chịu uống.

Mà ông đâu có nhiều thời giờ... Thời điểm ấy có những chế độ tiêu chuẩn lạ. Chồng cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn khác như tiểu táo, đặc táo. Vợ con ăn theo tiêu chuẩn đại táo. Ông biết cả. Chú bảo vệ mỗi buổi sáng pha hai cốc nước cam cho hai bố con. Ông bao giờ cũng nếm cốc của Trung xem cốc nước cam ấy có giống của mình không! Bát chè đậu đen buổi tối của bố cũng phải như bát chè cho con! Ông thương quý, thậm chí rất cưng chiều cậu con út... 

Có bé Trung bên cạnh bận bịu nhưng cũng có cái hay. Chú bảo vệ kể lại, anh Ba thường làm việc miết có khi gần sáng mới đi nghỉ. Những lúc như vậy, vì nể không tiện nhắc để Anh Ba giữ sức khỏe, các chú thả thằng bé lên... Bé Trung ngồi bên bố rất ngoan không quấy khóc gì nhưng gà gật ngáp ngắn ngáp dài. Ông đành bế con lên giường, hai cha con cùng đi ngủ!

Thời gian tôi ở bên đó anh có đi họp Hội nghi 81 Đảng, Hội nghị Quốc tế mấy lần. Lần thì anh đi với anh Trường Chinh có lúc anh đi với Bác Hồ và các anh khác. Đoàn Việt Nam thường ở Điếu Ngư Đài. Các anh cho đón tôi vào ở với anh ba. Có những hình tôi chụp với Bác với bà Chu Ân Lai bà Lưu Thiếu Kỳ và các con của bà.

Có lần anh Trương Đức là phiên dịch cho đoàn, đưa chúng tôi vào một công viên giới thiệu một cây cổ thụ một gốc có hai nhánh vươn lên thẳng đứng.

Bác gọi anh và tôi lại. Bác bảo:

- Nào, nào. Cô chú hãy đến đây chụp một bức ảnh. Vợ chồng phải như chim liền cánh cây liền cành như gốc cổ thụ này.

Một lần khác anh rủ tôi đi chơi. Tôi nói “Sắp thi rồi nên em phải ở nhà chuẩn bị ôn bài” Đến giờ đi, Bác Hồ vào thẳng phòng chúng tôi, Bác bảo “Cô chú đi chơi với Bác đi! Tại sao chú phong kiến quá để cô ở nhà vậy?”.

Thế là tôi mặc áo bông, quần bông như học sinh Trung Quốc đi luôn. Đến nơi thì mới biết là xem ca kịch. Có mặt ông Bành Chân, ông bà Khang Sinh, ông Bành Đức Hoài... Ngồi trong phòng khách độ 15 phút thì nghe chộn rộn lao xao. Một tấm màn nhung đỏ bên trong kéo rẹt qua, Chủ tịch Mao Trạch Đông có hai cô gái dìu hai bên chậm rãi bước vào. Các ông giới thiệu tôi với Chủ tịch Mao. Chủ tịch ngồi xuống bên tôi thay chỗ bà Khang Sinh. Tôi hỏi Chủ tịch:

- Mao Chủ Tịch có khỏe không ạ?

Ông cười:

- Thì cũng đại khái vậy thôi mà...

Tôi lại hỏi:

- Nghe nói Mao Chủ tịch lội qua sông Trường Giang phải không?

Chủ tịch lại cười:

- ồ, thì cũng đại khái vậy mà!

…Nói chuyện một lúc, mọi người chuẩn bị xem biểu diễn, tôi lật đật lùi tuốt sau lưng các ông. Chủ tịch Mao quay qua quay lại nhìn rồi hỏi:

- Đâu rồi. Đâu rồi?

Ông Khang Sinh biết Chủ tịch tìm tôi nên bước tới đưa tôi đến chỗ chủ tịch đứng. Tôi nói:

- Mao Chủ tịch và Hồ Chủ tịch đi trước ạ...

Chủ tịch Mao cười:

- Không được. Không được! Phụ nữ là phải đi trước...

Chủ tịch chừng như sợ tôi lẩn mất nên hai tay ông đẩy đằng sau lưng tôi. Tôi không còn lẩn đi đâu được. Nhưng tôi ăn mặc lôi thôi quá, trước 2 vạn khán giả thật tình mắc cỡ phát khóc lên được (trích nhật ký).

Chuyện gia đình và những trục trặc hồi trong nước luôn choán một vị trí đáng kể trong tâm trí. Có một thời gian bà mừng đến phát khóc khi nghe tin mạ các cháu đã cho đón các con của bà về ở. Bà biết chồng mình đã phải mất thời gian và cố gắng như thế nào. Bà biết ơn ông nhiều về điều đó... Bà suy nghĩ nhiều đến tương lai của cái gia đình lớn và viễn cảnh tươi đẹp ổn thỏa nếu những người lớn biết nhẫn nhịn thu xếp theo phương cách  ứng xử giải quyết mà trong nhiều lá thư ông từng viết cho bà. Bộc bạch hết gan ruột, bà viết một bức thư khá dài. Gần 10 trang. Trong đó có đoạn:

...

Anh ấy có ý kiến là nay mai em về làm việc ở Hải Phòng. Thế là chị em mình mỗi người làm việc ở một nơi. Anh ấy làm việc của anh ấy. Nhất là nhiệm vụ của Đảng ta hiện nay rất nặng nề, xây dựng miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.  Anh ấy tất nhiên là nhiều việc phải lo lắng. Thế rồi nếu khi rảnh anh ấy về đâu cũng vui phải không chị? Nếu khi chúng ta về với nhau thì cuộc sống cũng bình thường như vậy. Anh ấy lớn nhất thì như anh cả, rồi tới chị là chị của em và em là em út của cả hai người. Chúng ta sẽ nằm chung một giuờng và nói chuyện vui vẻ đầy tình thương. Chị xem đến đây chắc chị không khỏi bật cười vì sao em lại nghĩ vớ vẩn như vậy, phải không? Không đâu chị ạ! Em không nghĩ vớ vẩn mà em nghĩ thực cơ! Vì em cho rằng gia đình chúng ta là một gia đình cách mạng, chúng ta có một cuộc sống cách mạng, một tình thương cách mạng. Em tin rằng chúng ta có thể sống với nhau như vậy. Hơn thế nữa, anh ấy chị và em, chúng ta hiện nay ngày một lớn tuổi. Hạnh phúc của chúng ta là tình thương. Chúng ta sống với nhau trên tình thương rộng rãi thoát ra ngoài cuộc sống bình thường. Chị ạ, em nghĩ chúng ta sống với nhau như vậy rồi tất cả các con lớn nhỏ sẽ đều vui vẻ và gia đình ta sẽ vui vẻ.

Bà nhận được bức thư phải chăng, chỉ hơn một trang:

...

Nghe nói Dì buồn về gia đình, trái lại tôi cho Dì là người sướng hơn ai cả. Được đi học. Con cái không phải săn sóc.

Buồn như tôi đây là buồn mà tôi chưa buồn. Dì về với các con kẻo nó trông mẹ. Tôi là một phụ nữ tôi không bao giờ làm cho người phụ nữ nào để người ta đau khổ. Người phụ nữ nào tâm lý cũng giống nhau cả. Họ cũng da thịt như mình. Cái đó Dì hiểu gấp 10 tôi. Còn gia đình tôi đều mạnh khỏe cả. Còn bé Trung nay nó nói mẹ nó ở Trung Quốc đẻ nó ra, nó thương mẹ nó còn mẹ đây là mẹ của chị H. mẹ bánh mẹ kẹo. Đây là Vũ Anh dạy cho nó. Hồi trước nó theo tôi lắm. Bây giờ có ăn thì gọi mới đến, nó ngoan lắm. Còn Dì bảo mua những đồ dùng nhà có rồi không mua làm gì. Có phin nõn mua cho tôi mấy thước thôi. Thôi tôi viết ít, tôi đang biên thư thì có người gọi đi Vĩnh Linh.

Thôi chúc Dì mạnh khỏe.

Lê Thị Sương.

Sau mấy năm xa các con, vào dịp nghỉ bà nhận được tin bên nhà báo sang về nước gặp con. Bà mừng lắm. Địa điểm gặp các con là ở bãi biển Trà Cổ. Đến Móng Cái, bà được đón về Trà Cổ. Chồng và ba con nhỏ từ Đồ Sơn đã đến Trà Cổ đợi bà. Bà cho hay, lần gặp nhau này bà thấy ông không vui? Ông chỉ được ở lại chơi hai ngày. Bà và các con có 4 ngày sum họp. Bốn ngày qua nhanh. Chú bảo vệ cho bà hay, cái người luôn cấm cản bà, bắt mọi người quen của bà không được gọi là Chị Ba đang nóng lòng chờ ông ở Đồ Sơn! Bà một mình trở lại Bắc Kinh với tâm trạng u uất nặng nề. Lúc tàu lao nhanh qua sông Trường Giang, bà đã có một lúc bột phát ý nghĩ tiêu cực. Nhưng may, bà ghìm và trấn tĩnh lại được.

...Tôi chợt nghĩ đến uy tín của anh. Tôi nghĩ đến nỗi bơ vơ của các con tôi. Những nỗi đau như thế này, tôi nuốt vào lòng. Anh Ba không bao giờ biết được... Trong một cuộc họp chi bộ, anh Số, Bí thư Đảng ủy Sứ Quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã nhận xét: “Chị Nga là một phụ nữ rất kiên cường. Trong hoàn cảnh của chị nếu là một người khác thì đã ngã gục từ lâu. Nhưng chị vẫn đứng vững và vươn lên không ngừng. Tôi vô cùng khâm phục chị”.

Có chút ấm lòng là anh em đồng chí may hiểu mình, đồng cảm với mình...

Bà đã ghi trong nhật ký như vậy.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG