Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - kỳ cuối

Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - kỳ cuối
TPCN - Bà ra Bắc bằng ô tô, theo dọc Tây Trường Sơn. Anh Ba đã 2 lần kêu bà ra nhưng chưa bố trí được. Lần này bà ra họp Đại hội phụ nữ toàn quốc với tư cách là Phó ban phụ vận Khu ủy.

Bà cùng vượt Trường Sơn với bà Nguyễn Thị Định dẫn đầu đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam. Đó là cuối năm 1973.

Thời điểm đó bà ghi trong nhật ký.

Về riêng tư, lòng tôi nơm nớp cho ngày hội ngộ. Vợ chồng xa nhau trọn 10 năm rồi. Ba con tôi ra sao? Đứa nào học gì? Đang ở đâu? Tôi không được tin tức...

Đoàn cán bộ miền Nam ra, được TƯ bố trí cho ở các biệt thự đẹp nhất ở Hồ Tây. Tôi được gặp anh ngay trưa hôm tôi vừa ra Hồ Tây. Anh gặp tôi cũng ôm vào lòng như ngày nào.

Nhưng trên khuôn mặt anh, nói thế nào nhỉ, hình như vắng cái cười rạng rỡ ánh mắt long lanh đầy thần thái mà một thời đã làm tôi tràn đầy yêu thương và xúc động. Anh mập ra nhưng nhiều thứ bệnh. Không đêm nào anh yên giấc, cứ một lúc anh lại vào toalet. Anh bị bệnh tiền liệt tuyến.

Bà kể, khi bà ra miền Bắc, trên đã bố trí cho mạ các cháu đi Liên Xô trị bệnh 4 tháng. Vũ Anh và Thành học ở Liên Xô. Út học Trung học Đại học Công An ở Hà Nội.

Rồi bà được đi nghỉ mát ở Liên Xô và vui mừng gặp lại Vũ Anh và Thành đã khôn lớn.

Mừng hơn là được tận mắt chứng kiến mối quan hệ đã trở lại nồng ấm giữa các con. Cả người đã từng phản đối quyết liệt tình cảm của bà. Bà hiểu tình thương và lòng vị tha luôn tiềm ẩn trong con người đã dẫn đến kết cục tốt đẹp và khéo léo ấy.

Tại nhà nghỉ của Chính phủ CM Lâm thời CHMNVN ở ngoại ô Maxcơva, sáng nào cũng có một bình hoa dại rất đẹp đặt trong phòng bà.

Đáng lẽ những năm tháng tiếp theo giữa Anh Ba và bà sẽ ngập tràn hạnh phúc cùng các mối quan hệ sẽ suôn sẻ? Nhưng sự thực không phải thế.

Không riêng bà, mà miếng bánh hạnh phúc, mỗi thành viên trong cái gia đình lớn ấy nhận được mới ít ỏi làm sao! Bà cố gắng chắp nối giải mã và cũng lờ mờ biết được tại sao...

Bà đọc lại những lá thư...

Anh đối với chị anh thương, anh kính trọng chị như một ân nhân đã nuôi cha nuôi mẹ nuôi các con khi anh đi vắng. Nhưng trong quan hệ bình thường thì anh không thể làm vừa lòng chị ấy được.

Anh không muốn như vậy và anh không hiểu tại sao lại như vậy. Do đó mà chị rất buồn. Có thể chị ấy sẽ trách em...

Mỗi khi có mặt chị ấy thì anh không bao giờ tự nhiên bàn bạc với tôi một vấn đề gì. Tôi có hỏi thì anh trả lời qua loa rồi đi mất như vội một việc gì khác...

... Sau năm 1975, bà vào Nam công tác. Bà về An Giang làm Thường vụ Tỉnh ủy Trưởng Ban Tuyên giáo và khoa giáo. Cuối năm 1976, bà trong Đoàn Đại biểu của  An Giang 14 người đi dự Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.

Tôi ngắm lâu hơn bức ảnh: Anh Ba vui cười giữa các đại biểu cả nước dự đại hội mà trong đó có bà quàng khăn đứng bên tay phải.

Năm 1980, bà về làm Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng. Bà kể lại một kỷ niệm.  Khi ấy bà đang phụ trách khối công thương nghiệp nên hay la cà ngồi trong sạp của mấy chị tiểu thương.

Có một hôm đang ngồi nói chuyện với mấy chị tự nhiên thấy họ ngồi thụt xuống dưới quầy hàng. Tôi ngạc nhiên  hỏi cái gì? Theo ngón tay họ chỉ ra cửa tôi thấy Anh Ba đang đi vào chợ. Khi đó Anh Ba vừa mổ tiền liệt tuyến. Phải đeo túi bên hông. Thế mà ham đi thực tế dữ vậy!

Trích nhật ký.

Năm 1986, những vết sẹo trong phổi khi anh ở Côn Đảo bị đánh bầm dập nay phát sinh nước trong phổi. Anh đi Liên Xô điều trị. Tôi hỏi anh cho tôi đi cùng để chăm sóc. Nhưng hình như anh không muốn có những rắc rối trong gia đình. Anh nói để anh đi một mình.

Sau đó tôi ra Hồ Tây thăm anh. Anh cầm tay tôi, tay anh nóng hôi hổi. Môi anh đỏ mọng. Chú bác sĩ nói anh thường xuyên sốt 38,39 độ nhưng anh vẫn làm việc để lo xong nội dung và nhân sự cho Đại hội VI. Anh nói với tôi: Xong việc này rồi anh sẽ về miền Nam nghỉ. Ở đây nóng bức anh mệt quá.

Tôi trở về miền Nam chờ anh. Nhưng anh không bao giờ trở về. Trung, con tôi kể lại. Buổi chiều hè đó hai vợ chồng Trung lên thăm anh. Anh nói:

- Ở lại đây với ba! Ba cô đơn quá!

Rồi sau đó ít hôm anh ra đi! Tôi đang ở xa anh 2000 dặm.

...

Anh đã nói với tôi trong một lá thư gửi về Nam cho tôi: Sau này chúng mình sẽ cùng nhau viết lại những trang sử hào hùng của dân tộc mà trong đó có hai vợ chồng mình.

Bức thư đó của anh đã bị giặc Mỹ đốt bằng bom napan. Còn anh, anh chưa kịp viết được trang nào thì anh đã ra đi vĩnh viễn...

Không muốn quấy phiền thêm nữ chủ nhân nữa. Tôi biết bà đang bận. Cuốn sử về miền Tây kháng chiến cũng như  về phong trào phụ nữ Nam Bộ đang đợi bà, vừa là một nhân chứng sống, đồng thời không thể thiếu vắng một nhà báo dày dặn kinh nghiệm như bà.

Nhưng thời gian gấp ruổi. Tôi vẫn thầm mong bà khỏe, lanh lợi minh mẫn như lúc này, sớm hoàn thành cuốn hồi ký đời mình. Anh Ba chưa kịp viết thì bà viết? Mà biết đâu đấy, bà đang khởi thảo và có lẽ sắp hoàn thành cũng nên? Đã tròn 20 năm Anh Ba đi xa còn gì...

Trước khi rời khu chung cư Phú Mỹ Hưng và tạm biệt bà, tôi có xin phép lên lầu 2 thắp hương cho ông nhà một lần nữa...

Chùa Vĩnh Nghiêm 6/2006

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".