Người vợ Pháp mang đậm bản sắc Việt

Bà Andree Nguyễn và Nicolas bên máy bay TL1 (chụp năm 2008)
Bà Andree Nguyễn và Nicolas bên máy bay TL1 (chụp năm 2008)
TP - Tiền Phong Cuối tuần số 53 (năm 2009) đăng bài báo trên, kể về ông Nguyễn Văn Phúc, Việt kiều đầu tiên giúp nước nhà sản xuất máy bay. Ông Phúc có vợ là bà Andree Nguyễn, một phụ nữ người Pháp đã dành cho Việt Nam những tình cảm đặc biệt…
Bà Andree Nguyễn và Nicolas bên máy bay TL1 (chụp năm 2008)
Bà Andree Nguyễn và Nicolas bên máy bay TL1 (chụp năm 2008).


"Tôi yêu Việt Nam"

Gặp bà Andree Nguyễn tại nhà chồng ở 13 Hàng Vải, Hà Nội, thấy người phụ nữ Pháp này tuy tuổi đã gần tám mươi nhưng vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, vui tính. Bà cho biết từ khi chồng mất (năm 1995), năm nào bà cũng về Việt Nam. "Tính đến nay tôi đã về Việt Nam cả thảy 16 lần"- bà cho biết. Bà Andree Nguyễn về Việt Nam chủ yếu làm công tác từ thiện. Bà hiện là một thành viên chủ chốt của Hội Tình thương Không biên giới, một tổ chức từ thiện của Pháp.

Điều gì đã khiến bà Andree Nguyễn đến Việt Nam nhiều như vậy? "Vì Việt Nam là quê hương chồng tôi, và tôi là con dâu của đất nước này. Tôi yêu Việt Nam"- Bà Andree Nguyễn cho biết. Qua trò chuyện, tôi được bà tâm sự rằng tình yêu đối với một đất nước không xuất phát từ điều gì đó xa vời, mà từ một con người cụ thể và những kỷ niệm rất riêng liên quan đến con người đó.

Andree Nguyễn yêu chồng và những kỷ niệm liên quan đến chồng. Vì thế mỗi lần đến Việt Nam, bà thường tới 13 Hàng Vải, nơi đầy ắp những kỷ niệm buồn vui của chồng mình mà đến nay đã gần một thế kỷ trôi qua nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Phúc vẫn giữ được ngôi nhà đó.

Trong hồi ký của mình, ông Phúc kể lại rằng đầu những năm hai mươi của thế kỷ trước, khi cha mẹ ông không may qua đời, mọi gánh nặng gia đình dồn cả vào người con gái lớn là bà Nguyễn Thị Mười (mẹ đẻ GS-TS Hoàng Xuân Sính - PV). Bà Mười khi đó mới 13 tuổi đã quyết bám trụ ở ngôi nhà 13 Hàng Vải do cha mẹ để lại để tiếp tục buôn bán nuôi các em ăn học.

Ông Phúc nói nhiều đến tuổi thơ, đến người chị chưa đến tuổi trưởng thành đã phải làm người lớn. Nhiều đêm thức giấc, ông Phúc thấy chị gái lặng lẽ khóc một mình, đôi vai gầy của cô bé mười mấy tuổi rung lên vì trách nhiệm gia đình trên vai quá nặng. Nhưng bà Mười đã vượt qua tất cả để lo cho các em, đặc biệt là cho ông Phúc- người em trai học giỏi nhất nhà- sang Pháp du học.

Một ngày cuối hạ sắp sang thu năm 1937, bà Mười tổ chức một bữa cơm với những món ăn đặc trưng Việt Nam để tiễn em trai sang Pháp du học… Những kỷ niệm đó ông Phúc không bao giờ quên, khiến sau này mặc dù ở Pháp bao năm nhưng tấm lòng người Việt kiều này vẫn luôn hướng về Việt Nam.

Những kỷ niệm trên của ông Phúc- một người Việt Nam xa quê đã tìm được sự chia sẻ của một cô gái người Pháp. Andree Nguyễn cho biết, bà cũng tốt nghiệp Đại học Hàng không Pháp, ngôi trường trước kia ông Phúc từng học.

Trong thời gian hai người yêu nhau, ông Phúc bắt đầu tham gia nghiên cứu việc chế tạo máy bay Caravelle, một trong những máy bay dân dụng đầu tiên trên thế giới. Họ lập gia đình năm 1954. Một năm sau, máy bay Caravelle được chế tạo thành công. Sau đó, ông Phúc tiếp tục tham gia thiết kế và sau nhiều năm đã góp phần chế tạo thành công máy bay Concord - máy bay phản lực siêu âm đầu tiên trên thế giới, sản phẩm hợp tác giữa hai nước Pháp và Anh. Tên tuổi ông Phúc được nhiều người biết đến.

Cùng thời điểm này, nước ta hoàn toàn giải phóng. Sau khi nước nhà thống nhất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đi thăm một số nước, trong đó có Pháp. Tại Pháp, ông Phúc có gặp Thủ tướng và đề xuất nguyện vọng được về thăm quê hương và giúp đất nước trong lĩnh vực hàng không. Được Thủ tướng ghi nhận nguyện vọng, ông Phúc rất mừng và nói chuyện này với vợ. Bà Andree Nguyễn đồng lòng với nguyện vọng của chồng, nói khi có dịp là nên về Việt Nam ngay.

Năm 1977, tròn 40 năm sau khi xa quê hương, ông Phúc trở về Việt Nam để thực hiện nguyện vọng giúp nước nhà. Lần trở về đầu tiên này, ông Phúc chủ yếu tìm hiểu hệ thống hàng không của nước ta để có kế hoạch giúp đỡ sản xuất máy bay. Năm 1978, khi ông Phúc về Việt Nam lần thứ hai, bà Andree Nguyễn đi cùng chồng. Tuy đây là lần đầu tới Việt Nam, nhưng sau những năm tháng sống cùng người chồng luôn đau đáu nhớ về quê hương, bà thấy mảnh đất này thật gần gũi với mình.

"Lúc này, tôi không còn làm việc trong ngành hàng không nữa, bởi sau khi lập gia đình một thời gian tôi đã xin nghỉ việc để chăm sóc chồng con. Thế nên khi tới Việt Nam, tôi đơn thuần chỉ là về thăm quê hương của chồng chứ không thể góp ý được gì với chồng trong nghiệp vụ cả vì rời khỏi ngành hàng không đã khá lâu"- bà Andree Nguyễn cho biết.

Cũng năm 1978, sau một thời gian nghiên cứu với sự giúp đỡ của ông Phúc, Ban Thiết kế-Chế thử máy bay đã hoàn thành việc thiết kế sơ bộ, xác định hình dáng chiếc máy bay đầu tiên do nước nhà sản xuất. Sau đó, ông Trương Khánh Châu (khi đó phụ trách Ban Thiết kế - Chế thử máy bay, sau này là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng ông Nguyễn Duy Tộ, một cán bộ của Ban - đã sang Pháp gặp ông Phúc để tham khảo ý kiến.

Họ ở nhà riêng của ông Phúc tại Toulouse, hàng ngày miệt mài thảo luận với chủ nhân từng chi tiết trong bản thiết kế sơ bộ. Kể về quãng thời gian làm việc này, Trung tướng Trương Khánh Châu không quên đề cập đến nữ chủ nhân: "Bà Andree Nguyễn là người phụ nữ vui tính và tốt bụng, bà đã ân cần tiếp chúng tôi trong thời gian làm việc tại Toulouse".

Từ phải sang: thầy Phạm Hữu Quỳ, bà Andree Nguyễn và Đội văn nghệ Trường TPCS Nguyễn Đình Chiểu sau một buổi biểu diễn văn nghệ ở Toulouse
Từ phải sang: thầy Phạm Hữu Quỳ, bà Andree Nguyễn và Đội văn nghệ Trường TPCS Nguyễn Đình Chiểu sau một buổi biểu diễn văn nghệ ở Toulouse.


Giúp học sinh khuyết tật Việt Nam biểu diễn tại Pháp

Năm 2006, được sự giới thiệu của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, bà Andree Nguyễn đã tới Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), nơi học sinh khuyết tật học tập để giúp đỡ. Khi đó, Ban Giám hiệu Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu có mời bà Andree Nguyễn xem một số tiết mục văn nghệ do Đội Văn nghệ nhà trường biểu diễn.

Thầy Phạm Hữu Quỳ, Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết: "Thành viên của Đội được nhà trường phát hiện năng khiếu âm nhạc ngay từ khi học tiểu học. Khi đó, ngoài việc học chính khóa, nhà trường còn mời giáo viên của các trường nghệ thuật đến để dạy các em trong nhiều năm. Trong số này, không ít em thực sự có năng khiếu, bởi sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học có em đã được tuyển vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam".

Bà Andree Nguyễn rất xúc động và nghĩ tới việc đưa các em sang Pháp biểu diễn. Bà đã nhờ Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đứng ra vận động một số cơ quan, tổ chức tài trợ tiền vé để đưa Đội Văn nghệ sang Pháp. Về phần mình, bà Adree Nguyễn lo tổ chức nơi ăn ở, các buổi biểu diễn của Đội Văn nghệ tại Pháp. Sau gần hai năm lo việc tổ chức, tháng 5-2008, Đội Văn nghệ của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã tới Toulouse (Pháp). Đây là lần đầu tiên Đội Văn nghệ của Trường được ra nước ngoài biểu diễn.

Trong mười ngày ở Toulouse, Đội đã biểu diễn gần chục buổi lớn nhỏ. Thậm chí, Đội Văn nghệ đã được Trường Âm nhạc của Toulouse mời đến giao lưu. Tại đây, có giáo viên của Trường đã dạo một giai điệu trên đàn piano rồi mời một thành viên trong Đội Văn nghệ đánh thử; và học sinh này đã dạo lại giai điệu đó khiến bạn rất thán phục. Trong buổi biểu diễn lớn nhất và cuối cùng của Đội Văn nghệ tại đây, tùy viên văn hóa của Đại sứ quán nước ta tại Pháp đã đến dự.

Trong các buổi biểu diễn, bà Andree Nguyễn luôn quan tâm đến mọi việc, dù đó là việc nhỏ nhất. Ngoài việc biểu diễn, bà Andree Nguyễn còn tổ chức cho Đội Văn nghệ đi tham quan bảo tàng, các công trình nghệ thuật, giao lưu với một số học sinh của các trường trên địa bàn thành phố Toulouse… Bà Andree Nguyễn còn mời Đội Văn nghệ đến nhà riêng, và ở đó tất cả được bà tiếp đón như người nhà.

Thầy Phạm Hữu Quỳ cho biết: Tại nhà bà Andree Nguyễn treo nhiều bức tranh của Việt Nam. Còn bản thân bà cũng sáng tác nhiều tác phẩm tạo hình, mà không ít trong số đó mang hình tượng người Việt Nam. Có thể nói Andree Nguyễn là một phụ nữ Pháp đặc biệt, một người nước ngoài mang bản sắc Việt Nam đậm nét mà tôi từng gặp.

Bà Andree Nguyễn có người cháu ngoại là Nicolas. Vì muốn lưu lại Việt Nam, Nicolas đã xin giảng dạy tiếng Pháp ở Trường Đại học Thăng Long. Gần đây, Nicolas cho biết vì phải theo một chương trình học, có thể thời gian tới anh sẽ trở về Pháp. Tuy nhiên, Nicolas khẳng định nếu phải về nước thì khi học xong nhất định anh sẽ trở lại Việt Nam và tâm sự anh muốn được sống lâu dài tại đây. "Vì sao?"- Nicolas trả lời: "Vì trong tôi cũng mang dòng máu người Việt Nam".

MỚI - NÓNG