Nhà báo Xuân Ba: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời...”

Nhà báo Xuân Ba: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời...”
Không ít người ví Xuân Ba là Vũ Trọng Phụng trong thể loại phóng sự, nhưng ít ai biết được rằng để có cái danh ấy ông đã từng phải đi rửa bát thuê cho các hàng phở để tìm kế sinh nhai, rồi từng 2 lần bị khởi tố.

Không ít người thường xuyên đọc ông ví ông là Vũ Trọng Phụng thời hiện đại. Ông nghĩ như thế nào về sự so sánh này?

Theo tôi bây giờ chưa ai có thể ngang bằng được với Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, nếu để ý thì thấy tất cả các phóng sự mà Vũ tiên sinh (xin lỗi, gọi là tiên sinh thì mới đúng) viết đều là phóng sự phiếm chỉ. Với nhiều người, viết phiếm chỉ tưởng là dễ, dường như anh nhà báo nào cũng có thể viết được một cách thành công, nhưng không phải vậy.

Cái khó theo của Vũ Trọng Phụng là không sa đà vào chi tiết mà đứng cao hơn tầm sự kiện để khái quát, nắm bắt được bản chất sự việc, thấy cả rừng chứ không chỉ thấy cây. Có người ví tôi như Vũ Trọng Phụng nhưng thực lòng tôi không khoái lắm kiểu riết róng, ngoa ngoắt trong cách hành văn của ông.

Tôi thích kiểu ẩn đằng sau ngôn từ, mà như nhiều người hay nói, là đọc giữa hai hàng chữ. Tôi ví dụ ngay trường hợp của Cựu Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải (nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, bị án tù trong vụ án đường dây 500 KV - NV), đây không phải là việc khi người ta tuyên án xong, đằng sau cánh cửa phòng giam sập lại, đó là một thế giới riêng, tôi nghĩ thời gian đó ông thấm thía nhất chuyện nhân tình thế thái, tuy ở trong tù nhưng vẫn liền mạch suy nghĩ. Bởi tôi không tin rằng tất cả những ai khi ra tù đều có cái nhìn khắt khe hơn với cuộc đời, có khi lại có sự nhân ái hơn.  

Ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã viết về giới chức lãnh đạo cao cấp. Trong bối cảnh lúc đó thì đây là chuyện gần như xa lạ với người làm nghề, vì sao ông lại chọn hướng đi này?

Tôi chỉ nghĩ với người làm báo thì không có địa hạt nào là xa lạ cả. Đời sống quan chức với báo chí phương Tây từ lâu đã là một đề tài bình thường. Tôi nói thế không có nghĩa là bị ảnh hưởng bởi báo chí phương Tây, nhưng nói như thế nào nhỉ,  lãnh đạo cũng là một con người. Có điều tôi thấy hơi lạ ở người mình là hễ cứ nói tới quan chức là người ta nghĩ rằng sẽ có chuyện này chuyện nọ, cũng như một thời cứ nghĩ giám đốc là phải dính đến gái gú, rượu chè...

Tôi viết về họ nhưng không xâm phạm đời tư, có chăng chỉ là chút ít na ná như gia vị để chuyển tải nội dung về con người họ đến bạn đọc. Khi tôi viết về ông Vũ Ngọc Hải, hay một số ông Bộ trưởng vừa hạ cánh, bây giờ thì thành bình thường, nhưng hồi đó lĩnh vực này là vùng cấm kỵ vì người ta cho rằng những chuyện này là tế nhị, nhạy cảm. Ở đây cũng có sự gặp gỡ giữa “máu” nghề của phóng viên và Tổng biên tập, bởi có vậy tôi mới dám làm chứ không thì viết cũng chưa chắc được đăng. 

Một thời đi rửa bát thuê

Nghe nói trước đây ông đã từng phải đi bán báo dạo ở các bến xe?

Trong làng báo có lẽ tôi là người duy nhất bán báo theo đúng nghĩa đen. Hồi ấy cầu Long Biên hay bị tắc đến mấy cây số. Mỗi lần như vậy xe con, xe tải nằm ềnh ra mà chờ thông tàu rất nhiều thế là tôi cứ đi bộ hoặc xe đạp bỏ báo vào trong xe, rồi người ta đưa tiền lại, có khi không lấy tiền lẻ. 

Ngoài ra ông còn làm “nghề” nào nữa không?

Khi ấy cuộc sống vất vả lắm. Để lấy kế sinh nhai tôi đi quay máy làm dép nhựa; rồi thì rửa bát thuê cho các hàng phở. Mỗi tối khi hết khách, gia chủ trả tiền và bồi dưỡng một bát phở.

Nhưng trong cuộc mưu sinh đó ông có rút ra được điều gì bổ ích cho nghề báo của mình không?

Trong những lần bán báo dạo như thế tôi hỏi chuyện cánh lái xe đại loại: “Các ông thích đọc báo thế nào?”. Họ bảo, báo chí các ông viết chán bỏ mẹ. Những người ăn phở cũng nói đại loại như vậy. Sau đó người ta nói, người ta cần chuyện thế này, thông tin thế kia. Tôi mới nghĩ rằng muốn bán được báo thì phải viết những gì mà bạn đọc cần chứ không nên viết theo cái kiểu như người ta nói là “chán bỏ mẹ” đi ấy.  

Một thời bạn đọc ở phía Bắc khi cầm tờ Tiền phong lên đều  hỏi “có Xuân Ba không” thì mới mua?

Tôi không thích khoe khoang, nhưng sau này có những hội nghị về phát hành, ở đó họ đề nghị mỗi lần có bài của tôi thì nên giới thiệu trước, hoặc đưa ra trang bìa. Thật ra tôi chỉ nghĩ báo nào cũng cần có một vài cây viết.

Nhà báo Xuân Ba: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời...” ảnh 1

Với Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

“Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời...”

Xin được quay trở lại đề tài “quan chức”. Tại sao ông lại hay săn lùng những quan chức vừa “hạ cánh” để gặp gỡ và trò chuyện?

Trong khi  người ta vừa “hạ cánh” người ta đang hoang mang nên người ta cần giải bày, cần có ai đó để mà trò chuyện. Thường thì những lúc như thế họ rất cô đơn. Hoặc là không ai dám đến nhà, hoặc là bạn bè xa lánh... Khi ấy mình tới: ngồi bên cạnh người ta là một nhà báo nghe họ giải bày, cảm thông với họ.

Sau những lần ngồi dai như thế, truyền tải thông tin gì tới bạn đọc đây? Không phải là thay họ thanh minh những việc làm của họ, mà là đưa tới bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh về một con người, những uẩn khúc của họ. Cái gì tốt của họ và cả những sai lầm mà họ mắc phải. Đi lý giải những nguyên nhân dẫn đến việc làm của họ.

Những lúc như vậy tôi không dùng dạng phỏng vấn để truy tìm căn nguyên một cách rạch ròi bằng các câu hỏi mà là thông qua câu chuyện về nhân tình thế thái để nói về một thân phận. Lúc này tôi thường dùng bút pháp nửa báo, nửa văn. Cái ấy thường được gọi là khoảng lặng để cho  người ta chiêm nghiệm.

Ông là người từng tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới khác nhau cả trong lẫn ngoài nước, vậy ai là người để lại cho ông ấn tượng mạnh nhất?

Nói như văn hào Nga Eptusencô “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một điều cao cả”. Tôi đã gặp rất nhiều nhân vật với những số phận rất khác nhau, nhưng có lẽ người ấn tượng nhất là người tôi chưa gặp...

Khi viết về số phận một con người thì điều gì hấp dẫn ông, hay đơn thuần chỉ là muốn có một bài báo hay?

Có thể đó là một con người có tích cách, số phận, có thể viết được một tác phẩm hay. Tuy nhiên cũng có lúc bất chợt phát hiện ra một điều gì đấy ở họ. Ví dụ, trong chuyến thăm Iceland, tôi nghe ông Chánh Văn phòng Nội các giới thiệu ông Thủ tướng Iceland là một nhà văn, lập tức tôi nghĩ ngay ra một cái tứ để viết. Thế là tôi tìm mọi cách để tiếp cận ông và thu thập thông tin về con người này. Vì quan chức cấp cao, nhất lại là nguyên thủ, mà lại là một nhà văn thì hiếm lắm.

Nhà báo Xuân Ba: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời...” ảnh 2
Với đồng nghiệp Cuba trong một chuyến tháp tùng TBT Lê Khả Phiêu thăm Cuba

Hai lần bị khởi tố

Ông là Trưởng ban Phóng sự của báo Tiền phong. Về phóng sự nhân tình thế thái, về thân phận con người thì khỏi phải bàn. Có thể nói ông đứng hàng số 1, nhưng còn phóng sự điều tra thì chưa hẳn. Bằng chứng là khi viết bài điều tra về ngành dầu khí ông đã từng bị khởi tố?

Thực ra trước khi dành hết tâm huyết cho thể loại phóng sự thì tôi đã từng  gần 10 năm là Phó ban Kinh tế của báo. Vì vậy tôi nghĩ rằng địa hạt điều tra đối với tôi không có gì xa lạ cả. 10 năm trước tôi đã từng viết các bài điều tra như về nợ đọng khó đòi “Bắc thang lên hỏi ông Giời/ Mười một ngàn tỷ có đòi được không”; “Chưa tỉnh, được- mất, khóc- cười”...

Có bài điều tra tôi thể hiện dưới dạng kịch một cảnh ba hồi. Đó là một dạo ở Hà Nội người ta đua nhau lập Cty TNHH, làm ít nhưng lừa nhiều. Tôi đã nắm được toàn bộ số liệu từ các cơ quan chức năng. Sau đó tôi lên hỏi ông Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là người ký quyết định để thành lập các Cty này. Tôi viết bài báo có title là “Những chữ ký làm rầu thành phố” (rầu là rầu rĩ chứ không phải là giàu đâu. Đó là một cách chơi chữ). Tôi thể hiện dưới dạng kịch một cảnh ba màn. Cảnh đầu tiên là tôi vào gặp ông Chủ tịch thành phố ra sao. Màn cuối cùng ông ấy đuổi tôi ra.

Còn chuyện tôi bị khởi tố trong khi viết loạt bài về ngành dầu khí thì thực ra đây là một vụ cấu kết để tham nhũng tiền Nhà nước, nhưng đã đụng vào phần nhạy cảm nhất mà khi ấy tôi không lường hết được.

Có người nói rằng nếu ngay từ khi ấy những vụ có dấu hiệu tham nhũng trong ngành dầu khí đã từng được báo giới, trong đó có ông, cảnh báo, được giải quyết một cách rốt ráo thì chưa chắc đã có những vụ tày trời như vừa qua mà hàng loạt quan chức ngành này bị khởi tố, bắt tạm giam?

Cũng có thể là như vậy. Tôi cũng muốn nói một điều thế này: đáng ra khi báo chí phanh phui những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ta nên làm quyết liệt hơn để đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực ấy thay vì khởi tố các nhà báo với mục đích là để tìm ra người cung cấp tư liệu cho báo chí. Những việc làm như vậy chỉ tạo điều kiện để cho những kẻ sai phạm thêm lộng hành mà thôi.

Những ngày bị khởi tố đó ông  sống như thế nào?

Về những ngày này thì tôi đã hoàn thành một cuốn sách từ 5 năm trước và sẽ xuất bản vào một dịp thích hợp nhất. Tuy nhiên, tôi có thể nói một điều rằng trong nghề báo của chúng ta thì tai nạn nghề nghiệp là điều rất khó tránh. Có người bị một lần và không bao giờ có thể gượng dậy được nữa, hoặc chỉ một lần bị thôi thì mất sức chiến đấu, tàn phế suốt đời. Tuy nhiên cũng có người bị nạn, “điều trị” khỏi, trở lại viết rất hăng.

Nhưng nói thật là số đó vô cùng hiếm hoi. Tôi cũng phải thừa nhận rằng sau khi tôi gặp nạn thì ai đó đã đạt được một điều là làm cho tôi “hèn” hơn chẳng hạn.

Nghe nói ông còn  bị khởi tố lần thứ hai nữa?

Thời bấy giờ Viện KSND và công an một thành phố nọ ra tận Hà Nội. Người ta triệu tập tôi vào trong đó. Không triệu tập được nên gửi công văn cho Công an Hà Nội và Công an quận Hoàn Kiếm, nơi tôi cư trú để giúp đỡ họ đưa tôi vào. Nhưng thời gian họ ra Hà Nội thì tôi lại đang công tác ở một tỉnh phía Nam do Tổng Biên tập phân công. Còn trong vụ dầu khí Cơ quan điều tra gọi lên, gọi xuống tới ba chục lần, kéo dài trong 2 năm. 

Trong những lần được triệu tập ấy điều gì làm ông nhớ nhất?

Đó là lần đầu tiên tôi dùng quyền được luật định là nhà báo có quyền từ chối cung cấp nguồn tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện KSNDTC. Khi ấy cơ quan điều ta yêu cầu tôi cung cấp nguồn tin nhưng tôi đã từ chối, tức là tôi thực hiện quyền luật định. Phải mất thời gian khá lâu, người ta đi lên Viện KSNDTC để lấy yêu cầu này và người ký lệnh buộc tôi phải cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra chính là ông Phạm Sỹ Chiến, lúc ấy là Phó Viện trưởng Viện KSNDTC. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng tài liệu tôi nhận được là của một bạn đọc mà tôi không biết tên qua đường bưu điện.

Sau những lần như vậy ông có cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ nghề không?

Sau những lần như vậy tôi cũng cảm thấy chán nản và tự nhũ với mình là: “Thôi, từ nay mình chỉ viết những vấn đề vô thưởng vô phạt thôi”, nhưng rồi, như người ta nói, nghề nó chọn người chứ không phải người chọn nghề, và rồi nhiều khi mình không muốn nhưng dường như có một ma lực nào đó cuốn mình đi, lại lao vào cuộc và quên đi, lại hăng lên và thế là... lại viết.

Có lẽ nên luôn có một người phụ nữ?

Nhà báo Xuân Ba: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời...” ảnh 3
Nhà báo Xuân Ba - phút thư giãn

Trong những lúc khó khăn nhất như vậy ông thường tìm đến ai và ở ai ông thấy mình được chia sẻ nhiều nhất?

Nghề nào cũng có rủi ro, nghề báo rủi ro nhiều và cũng đặc thù lắm. Vì vậy rất cần sự chia sẻ và đồng cảm của đồng nghiệp. Tôi được sự chia sẻ rất nhiều của các đồng nghiệp, nhưng thật tình tôi đứng vững được có thể là do phía sau mình, bên cạnh mình luôn có một người phụ nữ.

Vợ ông chăng?

Có thể là hữu hình như vợ tôi hoặc một người đàn bà vô hình nào đó không phải bằng xương bằng thịt...

Thế tại sao trong tất cả các nhân vật mà ông viết thì lại rất ít người là nữ?

Tôi cho rằng đấy vẫn là một thứ nợ.

Là một nhà báo lâu năm, tiếng tăm cũng từng nổi, nhưng về “quan lộ” thì dường như ông rất thiệt thòi: bạn bè cùng trang lứa người thì đã giữ chức nọ, chức kia, có không ít người đang là Tổng Biên tập các tờ báo lớn, còn ông thì vẫn là một nhà báo “quèn”?

Theo tôi thì trong một xí nghiệp cần có giám đốc giỏi, nhưng cũng rất cần những thợ lành nghề. Tôi là một người thợ. Cũng có thể con đường quan chức không hợp với tôi. 

Chúng tôi nói như vậy là vì ở nước ngoài lương của một phóng viên giỏi, một bình luận viên chính trị tiếng tăm có thể cao gấp vài lần Tổng Biên tập?

Đúng là còn nhiều bất hợp lý và thiệt thòi. Ví dụ như tôi, nếu không viết thì không có nhuận bút, không có thu nhập.

Trong cuộc sống và sáng tạo ông là người cô đơn hay hạnh phúc?

Cô đơn? Nếu có thế thì tôi thường tìm thấy sự an ủi nơi bạn đọc. Nhiều khi chui vào một xó xỉnh nào đấy người ta nhận ra và chào vui vẻ, hoặc là không biết mặt mình nhưng khi biết mình làm báo người ta lại hỏi thăm: “Thế có biết Xuân Ba không?”.

Xin được hỏi ông câu cuối cùng. Ông từng có hàng chục cuốn sách do các nhà xuất bản Văn học, Hội Nhà văn ấn hành, mà bán cũng khá chạy. Lại là hội viên Hội Nhà văn. Vậy ông thích được gọi là nhà văn Xuân Ba hay nhà báo Xuân Ba?

Có người nói, khi nhà báo dừng lại thì nhà văn bắt đầu. Tôi nghĩ cũng đúng thôi cho những ai... trường thọ! Tôi cũng không nghĩ là quỹ thời gian của một nhà văn một đời chỉ trang trải cho những bút ký với tản văn (mặc dù thế giới có nhiều người đã thành nhà, thành nhân vật như thế lắm). Nhưng tôi đã không hoang mang khi thực hiện công việc mà mình yêu thích là được mê mải với những nhân vật bằng xương bằng thịt của mình. Nếu được thích như anh nói thì cứ gọi tôi là... Xuân Ba!

Xin cám ơn ông!

MỚI - NÓNG