Nhà sử học làng

Nhà sử học làng
TP - Đầy đặn một ngàn trang giấy khổ A4 dán kín bài viết kèm ảnh tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn là kết quả mà ông có được sau ngót hai chục năm cần mẫn sưu tầm từ sách, báo.

Ngoài ra, ông còn sưu tầm hàng trăm bài viết, tư liệu cũng như say mê nghiên cứu về nguồn gốc phát tích của các dòng họ ở làng trên xã dưới trong lẫn ngoài huyện. Nhiều người Quảng Trị gọi ông là “Nhà sử học làng”. Ông là Nguyễn Hồng Khai ở làng văn hóa Đại An Khê của xã Hải Thượng, nơi hai lần được phong danh hiệu Anh hùng (thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị).

Nhà sử học làng ảnh 1
Ông Nguyễn Hồng Khai với tập tư liệu sưu tầm từ sách, báo Ảnh: H.T

Nỗi đam mê từ thời trai trẻ

Nếp nhà xinh xinh nho nhỏ của ông Khai nằm yên bình mát rượi giữa khu vườn mượt xanh cây trái lúc lỉu quả ở cuối làng Đại An Khê dù tiết trời Quảng Trị lúc ấy đang giữa tháng Sáu nóng hầm hập như dội lửa.

Chúng tôi đến, ông đang miệt mài sắp xếp lại đống tư liệu mà ông vừa bỏ ra kha khá công sức sưu tầm được. Ông dừng tay rót nước mời khách rồi cười bảo, việc ông sưu tầm này giờ còn là niềm đam mê, thú vui của tuổi già.

Ông nhớ lại: Theo chân các anh (hai anh của ông đều là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước), ông lên Chiến khu Bơợc Lở làm liên lạc hỏa tốc cho Đảng bộ xã Hải Quang (cũ). Đó là năm 1953, lúc ấy ông tròn 17 tuổi.

Một năm sau, ông tập kết ra Bắc. Sau đó ông được nhận vào chân cấp dưỡng rồi công nhân lái xe cho Kho vật liệu của Cục vận tải đường thủy đóng tại Hải Phòng. Năm 1970, ông về nhận công tác tại Phòng kỹ thuật vật tư thuộc Phân cục vận tải ô tô Khu IV.

Năm 1972, ông vinh dự nhận nhiệm vụ sang xứ Sầm Nưa nước bạn Lào để giúp bạn về mảng giao thông vận tải. Sau bốn năm làm việc trên đất bạn, ông về công tác tại Ty Giao thông Vận tải Bình-Trị-Thiên (cũ) cho đến ngày về hưu.

Ngày còn là công nhân lái xe Kho vật liệu hễ rỗi rãi là ông tìm kiếm sách, báo để đọc. Chính việc thường xuyên đọc sách, báo đã nhen nhóm trong ông niềm đam mê sưu tầm, tập hợp nhiều ảnh tư liệu, bài viết để hiểu sâu hơn về vùng đất, con người và lịch sử.

Thuộc sử từ sách, báo!

Ông Khai dừng câu chuyện rồi vào buồng khệ nệ mang ra cho chúng tôi xem 5 tập tài liệu dày cộp dán kín ảnh tư liệu, bài viết về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn mà ông dày công sưu tầm được.

Cẩn thận tỉ mẩn lật từng trang cho khách cùng xem, ông bảo việc sưu tầm được ông bắt tay làm từ khi ông về hưu năm 1990 đến giờ. Hồi mới về làng việc kiếm được tờ báo, cuốn sách có bài viết hay, tấm ảnh quý gian nan lắm chứ không phải như bây giờ chỉ cần “nhấp chuột” là có thể tìm kiếm mọi thứ tài liệu mà mình cần.

Ai cho ông tờ báo, cuốn sách còn mới hoặc đã nhàu nát ông đều cảm ơn họ hết lời. Sau này, ông làm quen được với mấy cán bộ ở Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Quảng Trị nên các anh thường để dành sách, báo cũ cho ông.

Cứ mỗi tuần một lần ông lại lọ mọ guồng xe đạp lên Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Quảng Trị xin lại sách, báo cũ để mang về đọc, tìm tòi nghiên cứu. Rồi những chuyến vào thăm đứa cháu sinh sống ở mãi thành phố biển Nha Trang.

Gần đến ngày về, ông thú thiệt với cháu rằng đừng quà cáp chi cả mà cứ kiếm càng nhiều sách nhiều báo cho ông mang về quê là càng tốt. Sau chuyến thăm cháu là cả mấy bao tải sách, báo được ông xếp gọn gàng mang về nhà đọc dần. Ông Khai bảo trong tay ông hiện có hàng ngàn bài viết, ảnh tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng khác.

Chính việc cần mẫn sưu tầm này, nên năm 2005, khi website Đảng Cộng sản Việt Nam phát động cuộc thi “60 năm, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, ông đã hào hứng dự thi với bài viết đầy đặn 130 trang viết tay công phu trên khổ giấy A4 được chắt lọc từ những bài viết, ảnh tư liệu mà ông sưu tầm được. Bài dự thi được vào vòng sơ khảo cấp Trung ương.

Rồi năm 2006, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Đồng chí Lê Duẩn với quê hương Quảng Trị anh hùng, đổi mới”, ông tham gia với bài dự thi 195 trang viết tay thể hiện tấm lòng của ông đối với người con ưu tú của quê hương Quảng Trị mà ông rất mực kính phục.

Ông Khai cho biết: “Để nội dung bài thi sinh động, giàu tính thuyết phục, tôi đã bỏ cả năm trời chắt lọc từ hàng ngàn bài viết về Anh Ba Duẩn để hoàn thành bài dự thi”. Và bài dự thi của ông đã đoạt giải Ba cấp tỉnh.

Gặng hỏi quanh chuyện ông khá am tường nguồn gốc, phát tích nhiều dòng họ, làng xã trên địa bàn Hải Lăng này lẫn huyện Triệu Phong, ông móm mém cười chỉ vào đống sách, báo chất dày ở đầu giường rồi bảo, cũng chính từ việc sưu tầm bài viết, ảnh tư liệu từ sách báo nên giờ ông “đâm nghiện” nghiên cứu nguồn gốc phát tích các dòng họ, làng xã.

Ngoài việc tìm hiểu trên sách báo, cứ có thời gian rảnh là ông lại lụi cụi đạp xe cả hàng chục cây số về các làng các xã để tìm hiểu, ghi chép lai lịch của các dòng họ, lịch sử hình thành phát triển của từng làng xã thông qua gia phả cũng như những người am hiểu. Sau chuyến “điền dã” cẩn thận ghi chép, ông lại hì hụi đối chiếu với những mốc lịch sử trên sách, trên báo.

Tiễn khách ra cổng, ông nói với chúng tôi mà như nói với chính ông, rằng Bác Hồ từ năm 1942 đã cho phổ biến rộng rãi diễn ca Lịch sử nước ta và mở đầu diễn ca này, Bác đã nhắc nhở Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Việc ông làm, có thể nhiều người cười mà bảo rằng “vô công, rỗi nghề”, nhưng với ông, đó là niềm đam mê đến cháy bỏng.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.