Nhân chứng sống và kỷ vật về quan hệ Việt-Mỹ trước 1945

Nhân chứng sống và kỷ vật về quan hệ Việt-Mỹ trước 1945
TP - Ông David Thomas, cùng một số cựu binh Mỹ vừa sang Việt Nam để trao tặng Văn phòng Cuộc Vận động Sưu tầm & Giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” một số kỷ vật đặc biệt của ông Henry Prunier.

Henry Prunier là một người trong nhóm Con Nai từng giúp Việt Nam chống Nhật trước năm 1945. Những kỷ vật ghi nhớ lại giai đoạn đặc biệt về quan hệ Việt-Mỹ, từ trước năm 1945.

Nhân chứng sống và kỷ vật về quan hệ Việt-Mỹ trước 1945 ảnh 1
Một trong những kỷ vật được trao tặng

Từ đại đội Việt Mỹ

Hòm tài liệu mà David Thomas chuyển tới có rất nhiều kỷ vật: Những trang nhật ký, những bức ảnh đen trắng ông Henry Prunier viết, chụp tại Tuyên Quang; Bộ quân phục gắn quân hàm phù hiệu, mề đay ông được quân đội Mỹ trang bị năm 1946, sau khi từ Việt Nam trở lại Mỹ; tấm danh thiếp in chữ Việt và chữ Trung Quốc của đại đội trưởng Đại đội Việt Mỹ Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu I), tặng ông trước khi về Mỹ; và sơ đồ vẽ bằng bút chì trên giấy can khu vực nhóm tình báo Con Nai sống và làm việc ở Tuyên Quang năm 1945.

Ngoài ra còn có băng ghi âm về những cuộc phỏng vấn, băng ghi hình ghi cảnh quay về Bác Hồ do ông tập hợp từ băng hình của nhiều đài truyền hình và các hãng thông tấn Mỹ và nước ngoài.

Bức thư Thiếu tướng Lê Mã Lương - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam gửi ông Henry Prunier và gia đình có đoạn:

“Những kỷ vật này sẽ được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được nhiều kỷ vật chiến tranh từ sự giúp đỡ của ông và những cựu chiến binh Mỹ”.

Ông Henry Prunier sinh năm 1921. Sức khỏe không cho phép ông đi chặng đường nửa vòng trái đất tới Việt Nam để bày tỏ tình cảm của mình và trao tặng những kỷ vật quý giá này.

Theo ông, lịch sử như một dòng chảy, thời gian qua đi rất nhanh, nhân chứng lịch sử như ông ít dần, nên cần có những kỷ vật ghi nhớ lại giai đoạn đặc biệt về quan hệ Việt-Mỹ, thời kỳ Việt Nam còn chưa tuyên bố độc lập. 

Điều đó cho thấy Việt Nam với Hoa Kỳ từng là bạn và người bắc cầu nối đó chính là Bác Hồ. Thành viên của The Ofice Strategic Services (OSS) đã cùng Hồ Chí Minh thành lập Đại đội Việt Mỹ (do Đàm Quang Trung là đại đội trưởng, Thiếu tá A. K Thomas chỉ huy nhóm Con Nai làm cố vấn). Việc thành lập đại đội này nhằm  mục tiêu chung là chống phát xít Nhật.

Năm 1944, Henry Prunier  theo học tiếng Việt chín tháng và được Trường Đại học Berkeley cấp chứng chỉ tiếng Việt. Đó chính là bước ngoặt của cuộc đời ông. Ngày 16 tháng 7 năm 1945, khi mới 24 tuổi, ông cùng nhóm Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào. Ông được giao phiên dịch tiếng Việt.

Henry Prunier cùng các thành viên trong nhóm Con Nai tham gia giúp Việt Minh huấn luyện bộ đội Việt Nam về kỹ thuật sử dụng các loại vũ khí như súng bazoka, súng cối…, xây dựng sân bay dã chiến, dự lễ xuất quân từ cây đa Tân Trào sau Quốc dân Đại hội và nghe Quân lệnh số 1 phát động khởi nghĩa, tham gia bao vây quân Nhật ở Thái Nguyên. Trong khoảng bảy tuần lễ ở Việt Nam ông đã ghi chép, lưu giữ lại khá nhiều kỷ vật thời đó.

Chiến tranh không xảy ra nếu…

Nhân chứng sống và kỷ vật về quan hệ Việt-Mỹ trước 1945 ảnh 2
Ông Henry Prunier thời kỳ ở Việt Nam

Phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện và Việt Nam tuyên bố độc lập được một tuần. Nhóm của Henry Prunier được lệnh chấm dứt hoạt động trở về nước ngày 9/9/1945. Bác Hồ nhờ ông và nhóm tình báo Con Nai chuyển thư của Bác đến Chính phủ Mỹ, đề nghị Tổng thống Truman công nhận độc lập của Việt Nam.

David Thomas kể rằng, 55 năm đã trôi qua, nhưng Henry Prunier  luôn nhớ tới những kỷ niệm về Việt Nam. Khi nhớ tới Việt Nam, ông thường mang nhật ký viết thời đó ra đọc. Ông bảo đó là những kỷ vật có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình.

Henry Prunier luôn mường tượng đến những dãy núi trập trùng, những con suối uốn lượn của núi rừng Việt Bắc, nhớ cháo bẹ, măng rừng của Việt Nam. Đặc biệt, Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại nhưng thật giản dị, thân mật và cởi mở luôn ẩn hiện trong tâm trí ông…

Bức ảnh Bác Hồ mặc quần soóc, gầy yếu nhưng đôi mắt rất sáng chụp với nhóm Con Nai được ông cất giữ rất cẩn thận. Ông không hiểu tại sao Bác Hồ nói chuyện với người Mỹ bằng tiếng Anh thông thạo và dễ hiểu đến thế.

Câu nói: “Chúng tôi cần bạn bè chúng tôi muốn làm bạn với các bạn Mỹ” của Bác Hồ hồi đó, ông ghi nhớ suốt đời.

Những tờ báo, bản vẽ, bức ảnh của Henry Prunier gửi tới bảo tàng khắc họa sống động bức tranh của Đại đội Việt Mỹ năm nào, thể hiện tình cảm và sự trân trọng của ông đối với Việt Nam, đối với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội Cụ Hồ.

Những năm Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, ở Mỹ, Henry Prunier tích cực tham gia phong trào phản chiến cùng sinh viên Mỹ.

Trước khi gửi những kỷ vật cho David Thomas mang sang Việt Nam, Henry Prunier tâm sự: “Giá như ngày ấy Chính phủ Truman chấp nhận đề nghị thiện chí và hữu nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hẳn mối quan hệ Việt-Mỹ đã rẽ theo một lối khác, không có chiến tranh, không có nạn nhân Việt Nam bị chất độc da cam bây giờ”.

Cựu đại tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, ông Lindsey Kiang, người đang ở Việt Nam để sưu tập tư liệu, tham gia viết cuốn sách về Điện Biên Phủ trên không, nhận lời giúp phân loại, thẩm định những kỷ vật mà ông Henry Prunier gửi tặng.

Ông cho biết, rất nhiều nơi kể cả các bảo tàng của Việt Nam đề nghị Henry Prunier trao cho họ những kỷ vật này nhưng ông đều từ chối. Ông dặn David Thomas bằng mọi giá phải chuyển hòm tài liệu này đến tận tay ông Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Ông hiểu chỗ đứng của các kỷ vật đó phải ở chính bảo tàng này.

Hôm nay, 19/3, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, diễn ra lễ tiếp nhận kỷ vật kháng chiến của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến tặng. David Thomas, Lindsey Kiang và 13 người Mỹ thay mặt ông Henry Prunier trao tặng kỷ vật cho Cuộc Vận động.
MỚI - NÓNG