Những đứa em nuôi của Đoàn

Những đứa em nuôi của Đoàn
TP - Nơi này dường như tách biệt hẳn với sự xa hoa của Sài Gòn, không có bóng dáng của những tòa cao ốc hay phố phường sầm uất. Cách trung tâm thành phố chỉ vài km, vùng đất của người chết vẫn bao dung và ôm ấp những phận đời bé nhỏ ở Bình Hưng Hòa nhờ mô hình “em nuôi” của Đoàn phường nơi đây.
Cu Heo mang phiếu đi lấy cơm ở bếp ăn tình thương về cho ông ngoại
Cu Heo mang phiếu đi lấy cơm ở bếp ăn tình thương về cho ông ngoại .

Phận người ở dòng kênh đen

Với 74.000 ngôi mộ, những con đường ở phường Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) trở nên chật chội. Những người tứ xứ đổ về.

Những người dân ở khu phố 16 sống lọt thỏm giữa một bên là nghĩa trang với hàng vạn ngôi mộ, một bên là dòng kênh đặc quánh nồng mùi xú uế. Con đường chạy dọc kênh có cái tên cũng dễ tìm: đường Kênh Nước Đen.

Có bà chủ cây xăng, mỗi lần thấy cu Heo đi học lại cho năm chục, một trăm ngàn đồng. Ông Tuấn chạy xe ôm đầu ngõ thỉnh thoảng cho em tiền ăn sáng.

Buổi tối nọ, thấy em đi bán giấy dò số, ông Tuấn giữ lại, mua sạch và đưa em 50 ngàn, biểu: “Về nhà học bài. Mai mà còn thấy mày đi bán, biết tay tao”.

Mỗi lần đi nhậu, ông đều xách đồ ăn về cho cu Heo. Thấy em hay nhịn ăn sáng đi học, bà chủ tiệm tạp hóa đối diện Kênh Nước Đen cho em thùng mì tôm.

Ông Nguyễn Văn Theo, 62 tuổi, quê ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), lấy vợ người thành phố, sống cùng nhà vợ ở khu Bảy Hiền (Q. Tân Bình).

Năm 1996, cô con gái út của ông Theo sinh cho ông đứa cháu trai, đặt tên là Trần Hoàng Tuấn. Ông Theo hay gọi là thằng cu Heo.

Cu Heo vừa chào đời thì người cha bỏ nhà đi biệt xứ. Vợ chồng ông Theo dắt díu con gái và đứa cháu nhỏ về Bình Hưng Hòa dựng tạm căn chòi.

Mẹ cu Heo đi làm mướn, một hôm bị xe đụng, té đập đầu xuống đất, sốt mấy ngày liền nhưng chẳng nói cho ai biết vì sợ đi khám bệnh tốn tiền. Đến khi bệnh nặng, đưa đi bệnh viện, bác sĩ nói não đã bọc mủ.

Biết đằng nào cũng chết, chị nhất quyết về nhà, không chịu ăn uống gì, dành tiền mua gạo cho thằng cu Heo. Về nằm được một tuần thì lên cơn co giật.

Trước khi nhắm mắt, chị nắm chặt tay ông Theo và cu Heo: “Tuấn, từ rày con ở với ông bà ngoại. Ba mẹ, nuôi thằng Tuấn hộ con, đừng cho nó đi chơi với người xấu. Ba nó có đến tìm cũng không cho gặp”. Lúc đó, trong nhà chỉ còn ít gạo, vài ngày nữa là đến Tết.

“Thằng cu Heo còn nhỏ xíu, nhìn nó trong bộ đồ tang, tụi tui khóc quá trời. Bà con hàng xóm thấy tội quá, góp cho ít tiền làm đám ma”, ông Theo kể.

Cả nhà nheo nhóc sống nhờ vào gánh trà đá của bà ngoại. Năm cu Heo đến tuổi đi học, không có tiền đóng học phí, ông bà đành để cháu ở nhà. Ngày ngày, cu Heo phụ bà ngoại bán trà đá. Vào giờ bạn bè trang lứa đi học, cu Heo lại trốn vào nghĩa trang, buồn xo. Thương cháu, bà ngoại xin cho cu Heo vào lớp học tình thương.

Được ít lâu, ông Theo bị tai biến, cắt cụt chân phải, chỉ ngồi một chỗ. Bà ngoại cu Heo một mình gồng gánh nuôi hai ông cháu.

“Đến 8 giờ tối là nó nằng nặc bắt tui đi ngủ, sợ tui chết sớm. Việc nhà nó làm hết, không cho tui đụng vô. Hôm rồi thấy nó buồn buồn, tui gặng hỏi, nó nói nó học yếu 3 môn, muốn đăng ký học thêm, mỗi môn tới 150 ngàn/tháng, không biết ngoại có tiền không. Trước tui ăn bữa 2 chén, giờ ăn một chén, để tiền cho nó học”, bà ngoại nói.

Ngày lễ tết, cu Heo mang nhang vào nghĩa trang bán. Tối, em đi bán giấy dò xổ số, kiếm được gần hai chục ngàn. Góc học tập của cu Heo là cái bàn nhựa cho khách uống trà đá, kê cạnh chiếc võng.

Nhận em nuôi

Cảm thương tình cảnh của những em nhỏ như cu Heo, đoàn viên thanh niên trong phường kêu gọi nhau giúp đỡ. Em nuôi của Đoàn được các bác xe ôm, chị bán vé số ủng hộ.

Hằng ngày, các anh chị Đoàn thanh niên lại đến nhà kèm cặp, giúp đỡ cu Heo, rủ em lên phường sinh hoạt.

Cu Heo và ông ngoại được phát phiếu ăn ở bếp ăn tình thương do Mặt trận Tổ quốc phường vận động, mỗi tuần 3-5 bữa. Cu Heo qua ăn cơm, mang cả về cho ông ngoại.

Hai anh em Cường, Linh - em nuôi của Đoàn được mọi người ở Bình Hưng Hòa yêu thương đùm bọc
Hai anh em Cường, Linh - em nuôi của Đoàn được mọi người ở Bình Hưng Hòa yêu thương đùm bọc.

“Năm ngoái, chị Hạnh bán sữa đậu nành để lại cho cháu chiếc xe đạp chị mua gần 2 triệu, tuy xài rồi nhưng còn mới tinh. Tui đòi trả góp mới chịu lấy. Lúc trả 5 ngàn, khi đưa hai chục. Có khi chị nhận tiền rồi lén cho cu Heo”, bà ngoại kể.

Có bà chủ cây xăng, mỗi lần thấy cu Heo đi học lại cho năm chục, một trăm ngàn đồng. Ông Tuấn chạy xe ôm đầu ngõ thỉnh thoảng cho em tiền ăn sáng. Buổi tối nọ, thấy em đi bán giấy dò số, ông Tuấn giữ lại, mua sạch và đưa em 50 ngàn, biểu: “Về nhà học bài. Mai mà còn thấy mày đi bán, biết tay tao”.

Mỗi lần đi nhậu, ông đều xách đồ ăn về cho cu Heo. Thấy em hay nhịn ăn sáng đi học, bà chủ tiệm tạp hóa đối diện Kênh Nước Đen cho em thùng mì tôm. Nhiều người trong xóm cũng thường sai cu Heo đi mua đồ lặt vặt, lấy cớ cho em ít tiền. Em mang về đưa hết cho bà ngoại.

Cùng cảnh với cu Heo là hai anh em Nguyễn Hữu Cường (lớp 8), Nguyễn Ngọc Linh (lớp 6), nhà ở giữa cánh đồng hoang và bãi tha ma. Ông nội bị phong. Ba cũng bị phong giai đoạn hai. Hàng ngày, Cường và mẹ dậy từ 3 giờ sáng, đẩy xe ra khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) bán hủ tiếu.

Chị Loan - mẹ Cường - lao lực chỉ còn 29kg, không dám đi khám bệnh vì sợ người ta biết, sẽ không ăn hủ tiếu nữa. Vóc người Cường bé hơn hẳn các bạn cùng lớp.

“Cháu thiếu ngủ nên người gầy xọp. Thương con nhưng không có cháu phụ dọn dẹp, rửa chén, bưng bê thì tui không cách gì xoay xở”, chị Loan nói. Nhà Cường mấy hôm nay tối thui vì bóng đèn bị hư, không có tiền thay. Mấy bạn trẻ ở Đoàn phường đi xin bóng đèn về thay giúp.

Trước kia, cả nhà sống ở bãi rác cạnh nghĩa trang. Chuyển về xóm Kênh Nước Đen, mấy chục năm nay sống nhờ vách nhà của anh Tư kế bên, trần nhà mục nát, mùa mưa nước dột tứ tung. Anh Tư nhiều lần muốn nâng nền nhà nhưng sợ nước chảy vào nhà mẹ con chị, lại thôi.

Bí thư Đoàn phường Bình Hưng Hòa B Nguyễn Ngọc Thắm nói: “Đoàn thanh niên vừa rồi hỗ trợ chị Loan 5 triệu đồng đi chữa bệnh. Đang lập kế hoạch vận động tài trợ 30 triệu đồng cho gia đình lợp lại mái nhà, xây vách”.

Từ bữa ăn, tấm áo đến việc học của các em luôn được các anh chị, cô bác ở Bình Hưng Hòa quan tâm
Từ bữa ăn, tấm áo đến việc học của các em luôn được các anh chị, cô bác ở Bình Hưng Hòa quan tâm .

Phường Bình Hưng Hòa hiện có 19 em trong độ tuổi tiểu học và THCS, được đoàn viên thanh niên trong phường nhận làm em nuôi. Mô hình Em nuôi của Đoàn hỗ trợ các em đến lúc tốt nghiệp THPT.

“Mỗi lần sinh hoạt, 10 đoàn viên lại mua sách vở, đồ dùng học tập cho cả hai anh em Cường và Linh” - Tô Văn Hoàng, Bí thư Chi đoàn khu phố, nói.

Nhiều khi họ coi các em hơn cả người thân. “Tụi nhỏ thiếu thốn nhiều, bà con ở đây tuy nghèo nhưng cũng đùm bọc được. Tui đi nhiều nơi, thấy trẻ con không nơi nào ngoan bằng lũ trẻ ở Bình Hưng Hòa”, bà Duệ làm nghề lượm ve chai, bảo.

Dương Kim Hơn, Bí thư Chi đoàn khu phố 12, trước kia là em nuôi của Đoàn. Nhà nằm trong diện giải tỏa, cha mất sớm, bà con hàng xóm cùng Đoàn thanh niên gom góp cho em từ bữa ăn cho đến tấm áo.

5 năm là Em nuôi của Đoàn, giờ cô nữ dân quân Kim Hơn lại dùng thu nhập ít ỏi của mình để cùng mọi người giúp đỡ lại những em nhỏ khó khăn ở Bình Hưng Hòa.

Muộn 2 năm, nên giờ cu Heo mới học lớp 6. Hôm nọ, lần đầu tiên cu Heo xin bà ngoại cho đi sinh nhật bạn thân.

Về nhà, cu Heo xin bà ngoại 10 ngàn đồng: “Con mua heo đất để dành tiền. Đến ngày sinh nhật con mổ heo mời mấy bạn, không phải xin tiền ngoại”.

Cu Heo học được từ phong trào nuôi heo đất mà các anh chị ở Đoàn thanh niên bày cho. Cu Heo đã là thành viên CLB Trẻ em. Ngoài giờ sinh hoạt cùng CLB, cu Heo tìm đến các em nhỏ đánh giày, bán vé số để trò chuyện, dạy chữ.

Mưa chiều Sài Gòn đổ xuống Bình Hưng Hòa. Nghĩa trang lớn nhất thành phố càng u uẩn lạnh lẽo hơn. Nhưng dường như không người dân nào ở đây cảm thấy như vậy, bởi họ đang sống với nhau ấm áp trong tình ngươi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG