Khúc xuân cao nguyên đá - Kỳ III:

Những giọt lành trên cao nguyên đá

Những giọt lành trên cao nguyên đá
TP - Mèo Vạc 10 năm trước dịp theo Vương lão đồng chí Vương Quỳnh Sơn, khi dừng chân trên đèo Mã Pí Lèng ngó xuống mới lác đác nhà mái bằng mái ngói mà bây giờ đã khít rịt san sát những ngôi nhà hai ba tầng. Tốc độ đô thị hóa một thị trấn trên cao nguyên đá như vậy là khá nhanh.

>> Kỳ II: Người con trai Sùng Đại Dùng

Những giọt lành trên cao nguyên đá ảnh 1
Hồ treo ở Hà Giang nhìn từ trên cao

Nhưng những ngôi nhà hai ba tầng ấy liệu có là sự sao chép trung thực đời sống của 6,8 vạn dân trong đó có 16 dân tộc mà người Mông chiếm đến 77%? Sợi dây gì, mối quan hệ nào giữa những mái bằng nhà kính với con số 24.000 con bò 26.000 con dê của bà con dân tộc?

Rồi chỉ 44,6% dân được hưởng điện thắp sáng so với quầng sáng nhiều kích cỡ  trông rất ngoạn mục về ban đêm nếu đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng? Lụi hụi suốt năm 2009 mới tạo 11,3 tỷ GDP chả thấm tháp gì so với mức trợ cấp hơn 90% của tỉnh của T.Ư 35,7% với hơn 4.000 hộ nghèo.

Vậy nên Mèo Vạc cũng như Đồng Văn đang phải gắng gỏi nhiều mà bề nổi dễ thấy là công cuộc hạ sơn  và xây dựng hồ treo trên cao nguyên đá.

Nhớ dạo viết loạt bài về Vua Mèo, nhà văn Tô Hoài có thư cho tôi đại ý, Mèo Vạc cũng có một vua Mèo. Đó là Dương Trung Nhân (tiếng Mèo gọi Dương là Giàng).

Họ Dương người Mèo ở Mèo Vạc thanh thế hồi ấy cũng chả kém cạnh họ Vương ở bên Đồng Văn mấy. Họ Dương cũng có một dinh thự đá trên núi (nhưng bây giờ bị phá rồi không còn nữa).

Hai họ đã từng xích mích hiềm khích, thậm chí có lần quân hai bên đã chạm súng nhau trong việc tranh giành ảnh hưởng. Nhưng thế Dương Trung Nhân kém, gần tới năm 1954 phải chạy theo Pháp ra nước ngoài...

Tôi không rõ thực hư ra sao nhưng nhớ có trao đổi lại với Vương lão đồng chí lần leo Mèo Vạc 10 năm trước.

Về Hà Nội, ông Vương Quỳnh Sơn có đưa cho tôi coi một lá thư gửi từ Mỹ. Xin trích ra một đoạn.

Mineapolis ngày 18-03-1995. Kính gửi ông Vương Quỳnh Sơn, Ban dân tộc Trung ương, 80 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội.

Kính thưa anh. Em là Dương Đạo con trai thứ hai của ông Dương Trung Nhân. Em rất cảm động sau gần nửa thế kỷ em được đọc thư anh viết cho anh trai của chúng em.

Trước hết em và tất cả gia đình bên này xin thành thật cảm tạ anh đã gửi lời chia buồn khi cha chúng em Dương Trung Nhân tạ thế. Cha em mất lúc 82 tuổi tháng 8-1994 ở tiểu bang Minnesota. Cha chúng em để lại Mỹ quốc hai vợ (vợ hai và vợ ba, vợ cả mất năm 1989), 12 con (6 trai, 6 gái), 40 cháu và 27 chắt.

... Em và mọi người trong gia đình em rất lấy làm sung sướng nghe lời của anh là chúng ta nên thương nhau. Chúng em cũng luôn nghĩ như anh. Những cái chuyện mà đã xảy ra giữa hai gia đình họ Vương và họ Dương chúng ta cách đây năm mươi năm dù sao cũng là một chuyện buồn.

Trước khi mất, cha em cũng nói rằng hai họ Vương và Dương là như một gia đình. Chúng ta nên xoá những sự buồn của quá khứ để yêu thương giúp đỡ nhau xây dựng một cuộc đời mới văn minh.

Cha em cũng muốn trở về thăm quê hương một lần cuối trước khi nhắm mắt nhưng già yếu quá rồi sợ đi về không đến được quê. Chúng em người thì ở Mỹ người ở Pháp ai cũng đều mong rằng một ngày gần đây gia đình anh và gia đình chúng em sẽ có điều kiện gặp gỡ hội ngộ, giúp đỡ nhau xây dựng một cuộc đời mới mở mang cho con cháu sau này.

Em luôn chống lại sự chiến tranh chỉ có phá hoại cho loài người mà ủng hộ sự phát triển giữa các dân tộc...

Cuối cùng em xin anh hãy thông cảm cho em vì không rành lắm tiếng Việt. Xin chúc đại gia đình ta may mắn. Mr. Yang Dao (Dương Đạo)”.

Bây giờ tôi đang đứng trên cái nền dinh thự đá của vua Mèo Dương Trung Nhân. Nghe nói trước khi biến mất tăm tích, dinh thự đá là một điểm nhấn của xứ Mèo Vạc.

Khéo khen cho ông thầy phong thủy nào đó có con mắt tinh đời đã chọn được thế đắc địa núi cao mà lại có thủy tụ. Thủy tụ ấy là một cái hồ nhỏ thả sen hẳn hoi. Nguồn nước mạch thì ít nhưng khéo xây dựng khai thông sao đó để chứa được nước về mùa mưa nên hồ cứ ăm ắp quanh năm.

Những cán bộ kỹ thuật phục vụ cho công cuộc xây dựng hồ treo Mèo Vạc đã khôn khéo lợi dụng thế phong thủy của ông vua Mèo cho khơi một cái hồ dung tích gấp nhiều lần cỡ 10.000 mét khối. Chỉ mùa mưa năm nay là hồ có thể tích được nước.

Chứng tích những cát cứ những hận thù cùng xưng hùng xưng bá thuở lăng lắc xa ấy đã được lớp hậu sinh của người Mông Mèo Vạc biến thành những giọt lành trên cao nguyên đá!

Theo chân Thủ tướng, chúng tôi dừng lại xã Sủng Chà nơi mới đưa cái hồ treo dung tích 10.000 mét khối vào sử dụng. Quanh hồ có hàng rào sắt bao bọc. Hệ thống gờ được xây cao tránh ngăn rác rến chỉ chừa chỗ cho nguồn nước từ núi dẫn vào hồ vào mùa mưa. Có lẽ hồ sau này sẽ được thả cá?

Những giọt lành trên cao nguyên đá ảnh 2
Thủ tướng tặng quà cho gia đình ông Sùng Mí Lành - Ảnh: Xuân Ba

Mà con cá trên xứ cao nguyên đá này đối với đồng bào Mông sẽ giá trị như thế nào? Mèo Vạc theo như báo cáo có 9 hồ dung tích cỡ như Sủng Chà đây. Ngần ấy nguồn nước sạch và cá thử nhân lên. Con số đó là một cái gì ấn tượng?

Giữa mùa khô khát ngó làn nước xanh ngắt thấy thỏa dạ. Bóng núi đá im phắc lồng trong làn nước xanh. Hệ thống máy bơm cùng cả việc thủ công múc bằng gầu có thể giúp bà con lấy nước bất kỳ lúc nào.

Tôi đứng lại với một cậu bé người nhỏ thó nhưng có khuôn mặt lanh lợi. Cậu cho biết tên là Chứ Mí Nô đang học lớp 6. Cậu cho biết trước đây đi kín nước rất khó khăn vì mó nước thường xuyên bị cạn lại phải đi xa. Bây giờ có hồ nước rồi đỡ lắm...

Sủng Chà cũng là điểm quần cư của nhiều hộ trên núi cao xuống và là đơn vị đang làm tốt công tác xóa nhà tạm. Thủ tướng tay xách một bọc chăn rẽ vào ngôi nhà mới xây của gia đình ông Sùng Mí Lành. Thủ tướng sau khi tặng chăn ngồi lại hỏi han hồi lâu...

Mùi khói bếp không biết chụm bằng thứ củi gì mà nồng thơm. Những bếp sưởi kiêm bếp nấu của người Mông về mùa lạnh không thông thống ràn rạt gió đá cao nguyên bởi được quây trong ngôi nhà vách bằng gạch xây chắc chắn trên lợp ngói.

Ông Sùng Mí Lành bộc bạch niềm vui cùng khách thăm khi được ở trong ngôi nhà mới xây theo chủ trương xóa nhà tạm của Chính phủ. Tết Mông vừa rồi bao nhiêu hộ Mông ở Mèo Vạc đã được hưởng hơi ấm bếp lửa trong những ngôi nhà mới như thế này?

Non một tiếng đồng hồ gập ghềnh lắc lư hết đổ dốc rồi lại ì ạch trườn lên để đến Khâu Vai. Đến Khâu Vai chả phải để dự phiên chợ tình nổi tiếng. Ngồi trên xe nhớ cái lắc đầu của ông cán bộ Mặt trận TQ trung ương Cư Hòa Vần.

Ông kịch liệt phản đối cái cách khách du lịch (trong đó có cả đám ký giả chúng tôi) tò mò đến coi những phiên chợ tình Khâu Vai cứ tưởng ở đó sẽ được chứng kiến những mối tình đổi chác thương mại.

Chợ mà! Nên phải có việc bán việc mua! Rằng chớ nên can thiệp một cách thô thiển sinh hoạt tinh thần của người Mông ở xứ núi đá Mèo Vạc này. Hãy để cho nếp sinh hoạt sự giao lưu tao nhã bao đời ấy của người Mông do người Mông tổ chức một cách tự phát vv...

Chúng tôi đang tới công trường xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Nho Quế. Hơn hai năm trước được đi dự khởi công nấc thang thủy điện đầu tiên trên sông Nho Quế gọi là Nho Quế I. Cách đây một năm có Nho Quế II.

Nho Quế III chính là công trình này lớn nhất với công suất 110 MW, tổng mức đầu tư gần 3 ngàn tỷ đồng. Đứng trên đèo Mã Pí Lèng, hun hút dưới chân là dòng Nho Quế chỉ như chiếc đũa bạc mỏng mảnh. Không phải cơn sốt thủy điện mà mở ra nhiều nấc thang năng lượng mà sự cấp bách việc có hồ chứa có điện ở xứ này.

Với dung tích hồ chứa 2,18 triệu m3 nước, thứ hồ treo 10 ngàn khối mà Đồng Văn Mèo Vạc đang gồng mình để xây quả là chưa thấm tháp gì nhưng cũng phải làm. Nho Quế III vắt qua 5 xã, Khâu Vai, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Cán Chu Phìn và xã Pả Vi với diện tích xây dựng là 186 ha.

Tôi biên vào sổ tay những thông số mà cú hích về kinh tế xã hội do công trình này mang lại: Ngoài việc cung cấp cho đất nước 507,6 triệu KWh công trình còn có ý nghĩa đặc biệt về an ninh biên giới.

Đây là dự án lớn nhất của Hà Giang hằng năm góp thêm cho sản lượng công nghiệp của tỉnh trên 320 tỷ đồng, gấp 5 lần thu ngân sách của Mèo Vạc năm 2008. Hồ chứa nước với dung tích lớn sẽ cải tạo một phần khí hậu khô hanh ở khu vực núi đá mùa hè sẽ mát mùa đông sẽ ấm vv...

Quý II của năm 2011 Nho Quế III phát điện có lẽ cũng chả lâu lắc gì! Mèo Vạc từ năm ấy với nhiều gắng gỏi này khác trong đó có 3 cái Nho Quế có lẽ bớt gian nan hơn chăng?

Tôi đang nghĩ về những con cá lớn lên trên cao nguyên đá từ những hồ chứa kia. Cá trên cao nguyên đá. Như cơm với cá, như mẹ với con... Người xuôi mình còn ao ước thứ biện chứng hợp lý ấy nữa là người Mông?

Tây Bắc, những ngày lập xuân

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).