Những khoảng đời sáng tối

Những khoảng đời sáng tối
TP - Họ đều là nạn nhân bom mìn. Nghị lực và khát vọng sống kéo họ gần lại với nhau. Hơn chục ngàn nạn nhân bom mìn trên vùng đất lửa một thời này đang cần lắm những tổ chức như tổ chức Hỗ trợ Nạn nhân Bom mìn (LSN) đang hoạt động rất hiệu quả tại Việt Nam.

Đến xã Mỹ Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), hỏi nhà anh Bùi Xuân Thành rổ rá ở đâu thì hầu như ai cũng biết. Một ngôi nhà nhỏ chất đầy nứa, tre nằm me mé đường làng. Anh Thành đang ngồi giữa sân đan rổ. Mái tóc dài, dày phủ gáy. Tấm thân gầy nhô vai. Ánh mắt ấy khiến cho những ai một lần gặp khó quên.

Sinh năm 1969, 20 tuổi vào quân đội đóng tận An Giang. Năm 1992, một buổi chiều đang cùng đồng đội tăng gia trên đồng thì nhát cuốc của anh chạm phải mìn sót lại sau chiến tranh.

Một ánh lửa lóe lên cùng với tiếng nổ lớn. Mảnh mìn nhằm đúng vào xương sống của anh. Anh trở về quê với đôi chân tàn phế, về lại ngôi nhà nhỏ hoai mục, dột nát theo năm tháng, nơi chỉ còn mẹ đã ngoài 80 tuổi bị điếc. Cuộc sống cứ thế dằng dặc, khắc khoải và ảm đạm. Cái nhất chẳng ai muốn nhận được gắn cho gia đình anh: Gia đình nghèo nhất xã...

Cũng ngay xã Mỹ Trạch này, như là một sự trớ trêu của số phận, có gia đình của một phụ nữ, cũng là nạn nhân của bom mìn. Gia đình này được xếp nghèo nhì xã sau gia đình anh Thành.

Những khoảng đời sáng tối ảnh 1
Anh Dũng bên sản phẩm hương trầm

Chị là Cao Thị Mến, sinh năm 1966. Hai tuổi, đang chập chững trước sân nhà thì máy bay Mỹ đến ném bom. Sức ép của bom ném tung chị ra khỏi khu vườn. Bố mẹ tìm mãi mới thấy chị đang hấp hối bên vườn hàng xóm. Một mảnh bom ác nghiệt cắm vào xương sống chị. Đôi chân của chị trở nên vô dụng từ đó.

Lên năm tuổi, mẹ chị ốm nặng và mất. Ba anh chị em lớn lên lập gia đình và ở riêng. Chị sống dựa vào cha già. Năm 2005, cha chị cũng qua đời.

Tôi biết Trương Công Dũng, ở phường Đồng Sơn (Đồng Hới,Quảng Bình) cách đây gần 20 năm. Ngày đó, anh Dũng tất bật ngược xuôi, đụng việc gì làm việc đó. Một tay cụt đến khuỷu, tay còn lại điều khiển chiếc xe đạp cà tàng chở đủ thứ hàng ngược xuôi Cộn - Đồng Hới. Rồi nghe tin Dũng thi đỗ đại học và tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế. Lấy được bằng đại học để ở nhà sống cùng với bà mẹ ngoài 80 tuổi cùng vợ và hai con đang tuổi ăn học.

Ngày đó, anh mới 13 tuổi (SN 1960). Anh cùng đám bạn cùng trang lứa nhặt được một đầu đạn 14,5 ly ở bãi rác chợ Đồng Hới. Cả đám cùng tụm vào nhau nghịch đầu đạn. Một tiếng nổ vang. Anh bật ngửa. Nửa cánh tay vĩnh viễn rời xa anh từ lúc đó.

Tìm về thôn Thượng Đức (Đức Trạch, Bố Trạch), PV gặp anh Hoàng Trung Thông, cũng là một nạn nhân bom mìn. Anh sinh năm 1951. Năm 1972, dọc tuyến đất lửa Quảng Bình, bom đạn của Mỹ chăng mắc khắp nơi. Một buổi làm đồng, bom bi phát nổ làm gãy đùi trái của anh.

Mỗi cây mỗi hoa

Anh Thành kể: Phía trước là đêm đen. Nhưng rồi đến một ngày, những người cùng chung cảnh ngộ tìm đến với tôi. Họ thuộc tổ chức Hỗ trợ Nạn nhân Bom mìn. Tôi chỉ biết thế thôi. Người ta tư vấn cho anh học nghề đan rổ rá. Bởi anh chỉ còn đôi tay.

Anh bắt tay vào học nghề với cả nghị lực và khát vọng sống. Bền bỉ cả một thời gian dài, đi nhặt những rổ rá cũ người ta loại bỏ về tháo ra đan vào hàng trăm lượt, cho đến khi anh hoàn toàn thuần thục trên tất cả các kiểu rổ rá thông thường, anh mới đi đến quyết định mua nguyên liệu để cho ra đời rổ rá hàng hóa.

Cuộc sống trở nên bận rộn và đầy ý nghĩa. Trên chiếc xe lăn, anh rong ruổi khắp thôn xóm tìm mua tre nguyên liệu. Mới ba năm tham gia vào chương trình, sản phẩm của anh Thành có mặt tại các hội chợ triển lãm quốc tế ở Hà Nội như Hội chợ Thương mại năm 2006, Hội chợ triển lãm Xanh Quốc tế năm 2007, Hội chợ Người khuyết tật (NKT) năm 2008. Sản phẩm anh mang đi đều tiêu thụ hết.

Những khoảng đời sáng tối ảnh 2
Anh Thông trong cơ sở nước mắm

Chị Cao Thị Mến cười rạng rỡ nói với chúng tôi rằng, cuộc đời của chị đã sang trang mới. Căn nhà nhỏ của chị bây giờ được tu sửa vững chãi. Nơi đây là điểm sản xuất nón lá của tám thành viên trong thôn. Chị bảo, nếu không có sự chia sẻ, giúp đỡ của LSN không biết cuộc đời của chị sẽ kết thúc ở bến bờ nào.

Tổ chức Hỗ trợ Nạn nhân Bom mìn (Landmine Survivors Network - viết tắt LSN) là tổ chức phi chính phủ, có trụ sở đóng tại Washington DC-Mỹ. Hiện LSN có mặt tại sáu quốc gia trên thế giới.

LSN Việt Nam (LSNV) ra đời vào tháng 3/2003. Địa bàn hoạt động đầu tiên của LSN là tại sáu xã thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình) và nay mở rộng ra 28/30 xã của huyện Bố Trạch và 16/16 xã của thành phố Đồng Hới.

Sứ mạng của LSN là nâng cao tính tự chủ cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng bị tác động bởi bom mìn, phục hồi chấn thương, thực thi quyền và nghĩa vụ giành lại cuộc sống cho chính mình.

Căn nhà cô đơn của chị ngày nào bây giờ luôn rộn tiếng cười. Sản phẩm nón của nhóm chị sản xuất không những được thị trường địa phương ghi nhận mà còn được các tỉnh lận cận tiêu thụ mạnh. Nhiều lô hàng từ nhóm của chị xuất sang Lào. Mỗi tháng như tay nghề của chị cũng có thu nhập từ 600-800 ngàn đồng.

Đến lúc này, anh Trương Công Dũng là ông chủ của một trong ba cơ sở sản xuất hương trầm lớn nhất Quảng Bình. Ngoài việc bán hương thẻ, cơ sở của anh còn bán cả bột làm hương cho các cơ sở khác. Hương của anh nguyên liệu đều lấy từ thiên nhiên kèm bí quyết gia truyền.

Cơ sở của anh hiện có 20 lao động chính thức, trong đó có ba nạn nhân bom mìn, 13 người là con em của các nạn nhân. LSN xây dựng cơ sở này thành trung tâm sản xuất và dạy nghề cho người khuyết tật tại Đồng Hới.

Anh Hoàng Trung Thông đang là trưởng nhóm sản xuất nước mắm Thượng Đức tại Đức Trạch. Nhóm của anh có 13 thành viên. Mỗi năm cơ sở xuất bán 10-15 tấn nước mắm Thượng Đức. Người ta đặt hàng có khi trước cả nửa năm.

MỚI - NÓNG