Những linh hồn phiêu dạt

Thiếu úy Homer Steedly
Thiếu úy Homer Steedly
TP - Nhà văn Wayne Karlin mô tả những câu chuyện người thật việc thật của mình là “hành trình cùng người đang sống và người đã khuất ở Việt Nam”. Người đã khuất chính là liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm, mà số phận liên quan một cách kỳ lạ với Homer Steedly- sĩ quan quân đội Mỹ. Một câu chuyện được bàn luận không chỉ ở Thái Bình suốt thời gian qua.

Mời bạn đọc dõi theo cuộc phiêu du của những linh hồn phiêu dạt qua ngòi bút của nhà văn Mỹ Wayne Karlin - người mà số phận run rủi, đã trở thành chứng nhân của câu chuyện lạ lùng này. Người theo nhận định của nhà sử học Mỹ Marc Leepson: “Tôi không tin một ai khác ngoài Wayne Karlin có thể kể được câu chuyện cảm động này bằng một văn phong đẹp, thảng hoặc đau đớn, nhưng rốt cục mang tính cứu rỗi, về hai con người mà mạng sống giao nhau giây lát trong cuộc đụng đầu sống còn để rồi gặp lại nhau như một biểu tượng sau gần bốn thập kỷ”.

Kỳ 1: Cuộc đụng đầu ở Pleiku

Ngày 19-3-1969, thiếu úy Homer Steedly Jr. đi vào khúc quanh trên một con đường mòn ở tỉnh Pleiku và chạm trán với một người lính Bắc Việt, súng khoác trên vai.

Thiếu úy Homer Steedly
Thiếu úy Homer Steedly: "Anh ấy kéo súng xuống, và ngay khi mũi súng kịp hướng vào tôi, thì tôi bắn. Choáng váng, trong khoảnh khắc sợ hãi khốn khổ, tôi chỉ biết có nhả đạn và giết chết anh ấy ngay lập tức.

Homer tròn mắt sửng sốt: “Đầu tiên tôi không tin vào mắt mình. Ý tôi là khi ấy tất cả chúng tôi mệt tái xanh tái tử, lấm bê bết, mồ hôi nhễ nhại hệt như đi cày ruộng thì anh chàng này xuất hiện tại một khúc quanh trên con đường mòn, mặc bộ quân phục bằng kaki mỏng, mũ cũng bọc vải kaki.

Bạn đã biết màu đất đỏ ở Pleiku rồi đấy. Bạn không thể giữ sạch sẽ ở một nơi như thế. Bạn bị nhuộm đỏ. Quân phục đỏ, các ngón tay đỏ, đơn giản là chỗ nào bụi đỏ cũng len lỏi bám vào. Còn anh chàng đang đi trên con đường mòn này lại sạch sẽ một cách hoàn hảo.

Hoàn hảo - không hề có một nếp nhăn nào trên quân phục. Tôi muốn nói rằng cả tóc tai cũng rất gọn ghẽ. Chắc tôi bị ảo giác, cái nóng đã nung đốt tôi đến nông nỗi đó” (1).

Người lính đang đối mặt với Homer là một quân y sĩ chừng hai mươi lăm tuổi tên là Hoàng Ngọc Đảm, quê ở xã Thái Giang, tỉnh Thái Bình - điều này thì phải hơn ba mươi năm sau viên thiếu úy mới phát hiện ra. Còn khoảnh khắc gặp nhau hôm đó chỉ đủ cho hai bên đưa mắt nhìn nhau.

 Quân y sĩ Hoàng Ngọc Đảm
Quân y sĩ Hoàng Ngọc Đảm.

Ngay khi anh Đảm nhìn thấy Homer, anh giật phắt cây súng từ trên vai xuống, xoay một vòng. Sau này, Homer nhớ lại rằng mình đã thét lên: “Chiêu hồi”(2) - những từ mà Homer tưởng nghĩa là “Đầu hàng đi”. “Nhưng anh ấy tiếp tục nhắm vào tôi”, Homer nói, “khi người lính đó đưa tay lên giật cây súng ra khỏi vai, thì súng của tôi đã ở ngang bụng, và sẵn sàng nhả đạn.

Tôi kêu gọi đầu hàng, nhưng anh ấy không dừng lại. Anh ấy kéo súng xuống, và ngay khi mũi súng kịp hướng vào tôi, thì tôi bắn. Choáng váng, trong khoảnh khắc sợ hãi khốn khổ, tôi chỉ biết có nhả đạn và giết chết anh ấy ngay lập tức. Đứng cách nhau quá gần, chỉ chừng mười mét, tôi nhìn vào mắt anh ấy, rồi tôi nhìn kỹ lại, anh ấy còn quá trẻ”(3).

Một lúc sau, viên thiếu úy Mỹ kinh hãi nhìn chăm chăm vào thi thể nằm đó. Anh ta thấy thêm những chi tiết khác. Không chỉ quân phục của người lính trẻ còn nguyên nếp, mà cả khẩu SKS vẫn còn nguyên cả lớp dầu mỡ chống gỉ đông cứng quanh lưỡi lê. Chắc đây là một anh chàng lính mới, có thể là một sĩ quan, Homer kết luận trong một bức thư gửi về nhà.

Khi mô tả sự kiện này, Homer gọi người lính kia là thiếu tá. Anh ta đã nhầm về cả hai điều trên. Cấp bậc của anh Đảm mới là trung sĩ, anh đã tham chiến được hơn năm năm, và sống sót sau cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968 cùng nhiều trận chiến lớn khác.

Homer cúi xuống, lục tìm trong túi áo túi quần của người tử trận, lấy ra một cuốn sổ. Bìa trước là một bức tranh nhiều màu sắc, vẽ hình một đôi trai gái ăn mặc theo lối mà anh ta nghĩ là trang phục Việt Nam thời xưa. Bìa sau là một khung lịch ghi ngày tháng, tiêu đề bằng tiếng Anh với chữ “Schedule” (thời gian biểu), và một cuốn sổ tay màu đen nhỏ hơn, cùng những giấy tờ rời như thư từ, chứng minh thư, với một số giấy chứng nhận bằng cấp. Gáy và góc cuốn sổ lớn được dán rất cẩn thận bằng những mẩu băng dính màu đen.

*

Ba mươi sáu năm sau, khi chạm vào cuốn sổ, tôi ngạc nhiên thấy cách anh Đảm gia cố bìa cuốn sổ cẩn thận như vậy. Anh là người lính trong một quân đội mà người ta không bỏ cái gì đi cả, không có cái gì được lãng phí cả. Tôi cho rằng vẻ ngoài của cuốn sổ hẳn rất có ý nghĩa với Homer khi anh ta xem lướt qua trên con đường mòn tối tăm đó.

Đúng như vậy, chiến tranh thật đáng tò mò và thật là kỳ cục
Khi người ta lại đi giết một chàng trai
Mà người ta đã có thể đãi đằng, nếu gặp nhau ngoài quán
Hay có thể chia cho nhau ít ỏi mấy đồng tiền

(Người anh ta đã giết - thơ của Thomas Hardy) 

Lớn lên trong các trang trại nhỏ, cực nhọc, Homer biết rõ rằng những vật dụng không thể thay thế quý giá đến mức nào. Việc anh ta bắn chết anh Đảm khác với lệ thường: Cuộc chạm súng tay đôi trong một cuộc chiến tranh mà lính Mỹ thường không thấy mặt kẻ thù, chỉ có ánh chớp lóe của những làn đạn trong rừng rậm, những mục tiêu cần phải xóa bỏ.

Sự vô hình đó khiến lính Mỹ tức điên lên, nhưng ít nhất nó cũng làm cho họ ít ám ảnh hơn khi nghĩ rằng kẻ thù không phải là người, hắn là ma, là quỷ, hay chỉ là mục tiêu. Còn giờ đây, Homer không chỉ thấy mặt người bị giết, mà còn thấy những bìa sách được gia cố cẩn thận, thấy sức mạnh của ý chí hiện hữu qua những dòng chữ và các bức vẽ tỉ mỉ trong cuốn sổ.

Điều đó khiến Homer phải đối diện với tính nhân văn giá trị đang hiện lên. Anh ta cố tránh không nghĩ về chuyện đó nữa. Mà dù sao cũng chẳng có thời gian để nghĩ. Kẻ thù cũng đã được trang bị và sẵn sàng ngắm bắn anh ta. Đơn giản chỉ là Homer nhanh tay hơn. Đó là điều có thể xảy ra, đã xảy ra, và được gọi là “diệt gọn”.

Homer gửi chỗ tài liệu về tuyến sau, nơi anh ta biết rằng chúng sẽ được xem xét rồi tiêu hủy. Nhưng tối hôm đó, anh ta thay đổi ý định. Anh gọi điện cho một người bạn ở S-2, một tay quân báo, và nhờ người này mang tất cả về cho mình. Homer không thể chịu được cảnh những tài liệu này, chứng cứ cuối cùng của một cuộc đời mà anh ta đã kết liễu, bị tiêu hủy.

Kỳ tới: Người anh ta đã giết

(1) (2) (3) Thông tin và trích dẫn về Homer Steedly trong chương này lấy từ những cuộc trao đổi trực tiếp và qua thư điện tử của tác giả với Homer Steedly (chú thích của Wayne Karlin)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.