Những linh hồn phiêu dạt - Kỳ 3: Khuôn mặt ẩn kín

Những linh hồn phiêu dạt - Kỳ 3: Khuôn mặt ẩn kín
TP - Rốt cuộc tôi trở lại Việt Nam để giúp Homer trả lại những tài liệu đã giữ ở Mỹ về cho gia đình anh Đảm, và cả kế hoạch tôi hằng ấp ủ- phỏng vấn những nhà văn mà tôi quen biết, những cựu chiến binh ở phía bên kia cuộc chiến.

>> Kỳ 2: Người anh ta đã giết

>> Kỳ 1: Cuộc đụng đầu ở Pleiku

Những linh hồn phiêu dạt - Kỳ 3: Khuôn mặt ẩn kín ảnh 1

Mahoney bị bắn trúng ngực. Năm 2005, tôi ngồi trong một căn phòng ở Huế, nhìn qua bên kia dòng sông, đúng nơi mà người Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Quân đội Việt Nam Cộng hòa - bốn bên cấu thành của cuộc chiến - đã đánh nhau trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968.

Mahoney tham gia cuộc chiến này. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng có mặt tại đó, chị thuộc về phía Bắc Việt Nam. Chị không biết gì về Thomas Mahoney, nhưng sau khi chúng tôi gặp nhau và cùng ngồi uống trà xanh, chị bảo tôi rằng chị muốn đọc một bài thơ của chị. Đó là bài Khuôn mặt ẩn kín, dành tặng những người lính Mỹ chết trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Tôi muốn là một con nai nhỏ
Chạy hoài dưới trời cỏ xanh
Đừng bắt tôi đi vào rừng rậm
Tôi sẽ hóa thành chó sói dữ dằn
Những mưu chước lưới đời ai
                                lường được?

Sự dối lừa
Trá hình trong giọng lưỡi
                          ngọt ngon

Tôi là con nai quá đỗi ngu đần
Đã xa đi đồng cỏ tươi xanh
Khuôn mặt tôi khuôn mặt chó sói
Trong hang sâu, trong bóng tối
                                  lặng thầm.
Nghe ai gọi giật mình chợt tỉnh
Nhớ một thời trong suốt mắt nai in
Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã
Viên đạn ai găm khuôn ngực máu
                                          đầy
Xin hãy giở, dưới lần da chó sói,
Trái tim nai, thắm đỏ, thơ ngây

Giờ đây bỗng nhiên chúng tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt khác của nhau. Chúng tôi hiểu nhau qua phiên dịch, chúng tôi cùng ngồi bên một chiếc bàn nhỏ, nhìn vào mắt nhau và không còn lờ đi hoặc căm ghét và sợ hãi, mà thay vào đó là sự khám phá và sự bừng ngộ. 

Một năm sau, khi tôi đọc lời Mike mô tả về Thomas Mahoney và thấy ảnh của anh ta, rồi đọc tư liệu của Quân đội Nhân dân Việt Nam mô tả đôi mắt của anh ta "xanh như mắt thú dữ", bài thơ đó vang dội trong tâm trí tôi cùng một nỗi sửng sốt thừa nhận và cảm giác đau đớn.

Bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ có thể là giọng nói chìm sâu trong quá khứ của Thomas Mahoney, thể hiện việc một nhà thơ nhận ra chiến tranh đã thay đổi nhận thức của chúng ta và của mỗi chúng ta như thế nào.

Năm 1993, lần đầu tiên gặp những nhà văn cựu chiến binh Việt Nam, tôi ngồi bên bàn ăn sáng và nhìn vào đôi mắt của một phụ nữ từng là thành viên của đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, một trong những cô gái đã tham gia xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh, lấp hố bom sau khi chúng tôi rải bom xuống, tháo ngòi những quả chưa nổ, rồi chôn cất những người hy sinh.

Nay được nhìn thấy khuôn mặt chị, và khi biết những nơi mà hai chúng tôi đã cùng có mặt trong thời điểm đó, tôi biết rằng nếu nhìn thấy chị khi tôi đang giữ súng máy trên trực thăng, hẳn tôi đã giết chết chị ấy.

Chị từng là một mục tiêu và một mối đe dọa đối với tôi - một bóng ma dưới những tán lá. Còn tôi từng là con quỷ dữ và một cỗ máy đối với chị, trên bầu trời đầy tiếng động và sự kinh hoàng. Giờ đây bỗng nhiên chúng tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt khác của nhau.

Chúng tôi hiểu nhau qua phiên dịch, chúng tôi cùng ngồi bên một chiếc bàn nhỏ, nhìn vào mắt nhau và không còn lờ đi hoặc căm ghét và sợ hãi, mà thay vào đó là sự khám phá và sự bừng ngộ.

Nhà văn Wayne Karlin, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê trong một cuộc họp báo ở Mỹ
Nhà văn Wayne Karlin, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê trong một cuộc họp báo ở Mỹ . Ảnh: Thời báo New York

Tôi thấy điều Homer thấy khi đem cuốn nhật ký của người mình đã giết ra xem lại một lần nữa, sau khi để nó nằm im lặng suốt 36 năm trong bóng tối, lật giở từng trang để khám phá những hình vẽ chính xác, tỉ mỉ của một chàng trai từng ao ước trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho mọi người.

Đó là một khoảnh khắc khi mọi thứ đến với nhau, không chỉ vì chúng tôi từng cùng có mặt tại những nơi trong cuộc chiến, mà còn vì ngày nay cả hai chúng tôi đã trở thành nhà văn, cùng thấu hiểu rằng những câu chuyện của chúng tôi đang hòa trộn vào nhau.

Chúng tôi tiếp cận và viết ra những câu chuyện của người khác nhằm phô bày sức mạnh tiềm tàng của ngòi bút, đồng thời cũng để cứu rỗi trái tim mình. Như Tim thể hiện trong trí tưởng tượng của anh ấy. Như Homer thử làm trong suốt cả cuộc đời mình.

Cuộc hành trình mà rốt cuộc là tôi trở lại Việt Nam để giúp Homer trả lại những tài liệu đã giữ ở Mỹ về cho gia đình anh Đảm, bao gồm cả kế hoạch tôi hằng ấp ủ là phỏng vấn những nhà văn mà tôi quen biết, những cựu chiến binh ở phía bên kia cuộc chiến.

Những câu chuyện của họ, từ cuộc đời văn chương của họ, và câu chuyện của những người khác, của bạn bè, các nhà văn khác và các cựu chiến binh, hay những người bạn đồng hành tôi từng gặp trên đường đi, đan xen vào nhau và làm cho việc liên kết những câu chuyện của Homer và Đảm trở nên sáng rõ, vì tôi càng thấy họ cần phải có mặt trong cuốn sách này (NXB Thông Tấn ấn hành tháng 8 tới- BTV).

Đó là điều khiến Homer Steedly quyết định rằng anh ta cần phải làm. Không bỏ qua cuốn sổ tay lấy từ thi thể anh Đảm, Homer mơ hồ hiểu rằng, cho dù không nói ra thành lời hoặc từng có những ý nghĩ rành rẽ đến tận nhiều năm sau, anh ta cứ phải níu giữ nỗi đớn đau như một cái giá để hiện hữu của một con người. Homer đi tìm và để tang cho điều phải được cắt bỏ khỏi trái tim mình. Anh ta cần phải tìm được câu chuyện đời của anh Đảm và của chính bản thân mình.

...Anh Đảm và tôi tình cờ gặp nhau trên con đường mòn. Anh ấy và tôi nhìn thấy nhau và cả hai chúng tôi đều nghĩ đến chuyện bắn vào nhau. Tôi còn sống. Anh ấy thì đã chết. Trong hơn một phần tư thế kỷ qua, tôi luôn mang theo hình ảnh thân thể trẻ trung của anh ấy nằm đó bất động. Vì sao một quân y sĩ lại chết mà tôi thì còn sống?...

 (Thư của Homer Steedly gửi Hoàng Đăng Cát, em ruột liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm)

 Kỳ tới: Bức thư 

MỚI - NÓNG