Những mảnh ghép Bắc Hàn

Những mảnh ghép Bắc Hàn
TP - Ở một góc độ hạn hẹp, chợt được diện kiến vẻ uyên bác cùng những sốt mến duyên dáng của người Triều Tiên. Những mảnh riêng rẽ từ một bức tranh Bắc Hàn?

> Thành phố ngầm dưới lòng đất Geneva
> 'Vượt biên' vào Palestine

Đại sứ CHDCND Triều Tiên thăm đình làng Việt Triều Ảnh: Xuân Ba
Đại sứ CHDCND Triều Tiên thăm đình làng Việt Triều Ảnh: Xuân Ba.

1.Cơ duyên để được ngồi ca nô ngang dọc lòng hồ Sông Đà và hầu chuyện vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDCND Triều Tiên cũng là cái tài khéo của anh hùng lao động Trần Thọ Chữ!

Mùa thu năm 1965, chuyến tàu chở lưu học sinh Việt Nam đi Triều Tiên học tập trong đó có anh thanh niên Trần Thọ Chữ đã được ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDCND Triều Tiên tại Hà Nội khi ấy Ma Dong San ra tận ga Hàng Cỏ tiễn. Năm tháng thấm thoắt, Đại sứ Ma Chol Su đang ngồi trước tôi đây là con trai của vị sứ thần CHDCND Triều Tiên năm ấy!

Là một trong những người từng chịu trách nhiệm chính tại các công trình trọng điểm của đất nước như công trình thủy điện Sông Đà, thủy điện Ialy, khi đã nghỉ hưu Anh hùng lao động Trần Thọ Chữ vẫn được tin tưởng gánh chức Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Triều kiêm Chủ tịch CLB hữu nghị Việt Triều.

Ngài Đại sứ vốn đã thạo tiếng Việt lại thông kim bác cổ. Câu chuyện giữa chủ và khách cứ nối dài mãi bởi ngài có cung cách cởi mở và mặn chuyện. Thật thú vị và bất ngờ khi trên chiếc du thuyền bữa ấy, ông nói với tôi mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc hai đất nước chúng ta hình như bắt đầu từ thời... Lê Quý Đôn? Càng ngạc nhiên hơn khi ông trưng ra một bằng chứng, thời điểm các sứ thần đến Bắc Kinh, nhà bác học kiêm sứ thần Lê Quý Đôn đã có mối quan hệ thân thiết với sứ thần Triều Tiên. Vị sứ thần ấy tên là Hồng Khải Ly.

Hồng Khải Ly từng đề tựa cuốn Quần Thư Khảo Biện nổi tiếng của Lê Quý Đôn rằng tiên sinh có cách lý giải tinh diệu tràn trên giấy mực.... Và Lê Quý Đôn từng họa lại bài thơ đề trên quạt mà sứ thần Triều Tiên tặng sứ thần Việt Nam Tản Viên khải tự Tùng Sơn tú/ Áp Lục ưng đồng nội thủy trường ( Núi Tùng ở Cao Ly và núi Tản Viên của nước Việt cùng khoe sắc/ Sông Áp Lục cùng sông Nhị Hà (sông Hồng) cùng nối dài).

2.Năm ngoái tôi lại được anh hùng Trần Thọ Chữ rủ về Đan Phượng đến HTX Việt Triều. Khởi đầu cuộc thăm là cuộc gặp mặt thân mật giữa ông Đại sứ CHDCND Triều Tiên và lãnh đạo xã. Tôi cũng quên bẵng không kịp hỏi tên vị sứ thần Triều Tiên.

Một anh cán bộ xã còn rất trẻ được giới thiệu là cháu họ xa của đồng chí Thân (anh Thân những năm xa ấy là chủ nhiệm HTX Việt Triều, từng được mời sang Bình Nhưỡng tham quan, xã còn giữ được những tấm hình của lần tham quan ấy) bất ngờ trưng ra một tấm thiếp, chắc trước đây là màu trắng nay đã ố vàng nhưng chữ còn
đọc rõ:

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Triều Tiên tại Việt Nam dân chủ cộng hòa Kim Byang Sam kính mời đồng chí Thân đến dự buổi tiệc rượu và chiêu đãi phim nhân dịp ngày công bố Luận cương về vấn đề nông thôn XHCN vào hồi 19h ngày 25-2-1972 tại 50 Trần Phú Hà Nội.

Tôi hỏi anh cán bộ Luận cương vấn đề nông thôn là gì. Tất nhiên anh không biết. Nhưng ngài Đại sứ đã gỡ bí ngay đó là một văn kiện cực kỳ quan trọng của chủ tịch vĩ đại Kim Nhật Thành.

Không có vẻ chiếu lệ trong cuộc thăm. Ông Đại sứ cùng mấy cán bộ ĐSQ tháp tùng hỏi han rất nhiệt tình cán bộ xã nhiều chuyện nhiều lĩnh vực. Dân số, tỷ lệ sinh đẻ, mức sống cùng tình hình kinh tế xã hội của địa phương. Công nhận ông có cái vốn hiểu biết kha khá về nông thôn nước mình. Lựa lúc thân mật, tôi gạn thêm ông về tình hình thu nhập cũng như mức sống của nông dân Triều Tiên cũng như thực trạng của các HTX nông nghiệp bên đó như thế nào thì cung cách của ông đại sứ rất ngoại giao! Nên hầu hết những thông tin khá là chung...

Chương trình ăn trưa ngay tại trụ sở UBND xã đã được chuẩn bị trước. Cán bộ xã cười nói rằng thời buổi kinh tế thị trường chuyện này đơn giản lắm. Xã có mấy nhà hàng nấu cũng được. Dân phố còn mò xuống cơ mà. Nhà nào có nhu cầu, ới cái họ rinh ngay cỗ lên.

Công nhận thịt gà luộc, ngan chặt ở đây khá khéo. Ông chủ tịch xã cười chỉ vào chai rượu trắng nút lá chuối kể lại năm xưa, ông Thân chủ nhiệm đãi cơm cán bộ ĐSQ Triều Tiên về thăm HTX Việt Triều phải xin phép bên ngoại vụ trước cả tuần mới được phép dùng thứ rượu trắng này đấy! Tiếng cười rộ lên vui vẻ.

Cơm xong một lát, ông Đại sứ và đoàn được mời thăm chùa và đình làng. Lại một lần nữa được mục sở thị vẻ sốt mến nhiệt thành của ông Đại sứ qua việc tìm hiểu việc xây cất cùng sự tích thành hoàng làng và việc thờ phụng. Chắc với nhiệm kỳ của mình, ông đã nhiều dịp vãn cảnh nhiều đình chùa nổi tiếng nước Nam. Nhưng cái vẻ sốt mến kia, không phải nhà ngoại giao nào cũng thường trực được?

Một góc quán ăn Bình Nhưỡng ở Hà Nội Ảnh: Xuân Ba
Một góc quán ăn Bình Nhưỡng ở Hà Nội Ảnh: Xuân Ba.

3.Anh cháu làm nghề kinh doanh địa ốc vẻ mặt bí hiểm khi nèo tôi đi quán Bình Nhưỡng chú mà không tới thì phí cả đời...

21 Nguyễn Thị Định, Hà Nội là quán Bình Nhưỡng. Bỏ lại những ồn ào xô bồ sau làn cửa khuất. Chưa có gì ấn tượng sau động thái gập người cúi chào quen thuộc của hai cô gái váy hồng. Tầng trên nữa thì chưa biết nhưng tầng 1 gồm những dãy bàn thâm thấp kê sít. Mấy anh em chú cháu chọn dãy trong cùng. Chếch mé bên là chiếc màn hình lớn đang phát những hành khúc cách mạng.

Anh cháu có vẻ rành. Hắn vẫy một cô váy hồng áo màu nõn chuối đậm chất Bắc Hàn. Cô tên là Hyn, nghe vậy thì biết vậy! Nhưng mà ấn tượng lắm với làn da như thứ men sứ thượng hạng cùng cặp mắt lá răm. Hình như từ lẩu lâu rồi, thứ mắt lá răm ấy mình đâu được diện kiến? Mà Hyn lại thạo tiếng Việt. Anh cháu cho biết thêm cô này thạo cả tiếng Anh, tiếng Trung.

...Hyn thoăn thoắt bê các món. Tôi chú mục vào thứ cá hao hao cá trôi nhưng lại là cá biển. Anh cháu giải thích là cá một nắng. Cá phơi qua không còn tươi nhưng chả phải khô dùng làm lẩu. Thứ lẩu này là đặc sản không riêng Bắc Hàn mà thông dụng ở Nam Hàn. Cũng chưa ấn tượng gì với món thịt bò nướng đang xèo xèo trên mảnh chảo gang. Bò Kobe? Hyn cười: Không, bò Úc. Việt Nam chưa cho nhập bò Kobe. Nhưng món thịt nguội nghe nói được chế theo kiểu Triều Tiên có mang lại dư vị là lạ. Nhất là nó được ăn kèm với kim chi.

Menu rượu có 3 loại. Thứ trong vắt trong cái chai tổ bố gọi là Soju. Hai thứ rượu anh cháu gọi là linh chi và rượu sâm. Uống cũng bặt mồm. Chai linh chi vợi đi quá nửa thì bất đồ màn hình bé tắt các hành khúc. Màn hình lớn choán nửa bức tường bật sáng vang lên giai điệu du dương. Hóa ra trước màn hình lớn, một sân khấu khá bề thế mà lúc vào tôi không để ý.

Cả 5 cô gái phục vụ ở tầng 1 chỉ có một loáng thay đồ mà thoát thành những diễn viên cực kỳ duyên dáng. Ngay cả việc nấu nướng hay thoăn thoắt bưng bê hồi nãy cũng đã là tài. Nhưng các cô lại rành thạo cả khoản múa hát. Thôi thì ù ù cạc cạc những điệu vũ ca khúc Triều Tiên đi, nhưng những Chiều Maxcơva, Đôi bờ, Bài ca Hà Nội, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người...

Rồi những làn điệu quan họ Bắc Ninh thì thôi rồi, họ thể hiện cứ như ca sĩ chuyên nghiệp vậy! Vẫn là Hyn ban nãy thành thục hướng dẫn thực khách món lẩu bây giờ lại duyên dáng trong làn điệu quan họ và khoát hoạt trong tiết mục chơi một loại đàn dân tộc Triều Tiên.

Vốn dị ứng với cung cách vừa nhâm nhi vừa nghe đàn hát như thứ khổ hình với người hát múa lẫn người nghe, nhưng nhoáng cái gần 20 phút chương trình văn nghệ của quán Bình Nhưỡng trôi qua mà tôi không thấy sượng lẫn chuế!

Không chỉ có thực khách Việt mà mấy tốp người Triều, Trung Quốc vừa vào quán, Hyn cho biết nhiều người Hàn Quốc là thực khách thường xuyên của Bình Nhưỡng. Nghe thêm chuyện của Hyn, tôi chợt thoáng nhớ đến sân vận động Mỹ Đình. Lần ấy trận CHDCND Triều Tiên gặp Kuwait, nhiều ánh mắt trên các khán đài thi thoảng lại dồn đổ về phía một tốp cổ động viên mấy chục cô gái Triều Tiên xinh đẹp trong sắc phục truyền thống dân tộc. Họ ngồi thành một khối liên tục hò reo cổ vũ đội nhà. Nhiều người bật hỏi không biết các cô gái xinh đẹp này ở đâu ra?

Từ Bình Nhưỡng sang? Bây giờ nghe chuyện của Hyn rằng bữa đó tất cả nhân viên nhà hàng Bình Nhưỡng đã đến Mỹ Đình cổ động cho đội nhà. Qua Hyn, lại biết thêm sáng hôm sau, các nhân viên và ban giám đốc nhà hàng Bình Nhưỡng đã đến khách sạn Sheraton để hỏi thăm và tặng quà lưu niệm các cầu thủ Triều Tiên.

... Tôi rời quán Bình Nhưỡng nghĩ đến 8 triệu đồng mà anh cháu chi cho bữa ăn 6 người vừa nãy mà không thấy xót. Tất nhiên tiền của người khác, với lại có lẽ cũng bõ!

Đêm 27-12-2011
Viết nhân có quốc sự ở CHDCND Triều Tiên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG