Những ngôi làng trước miệng thủy thần

Những ngôi làng trước miệng thủy thần
TP - Chúng tôi tìm về một làng giữa dòng sông Gianh, đang nằm ngấp nghé trước miệng thủy thần. Đó là làng Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình)...
Những ngôi làng trước miệng thủy thần ảnh 1
Linh Giang đang “nuốt” dần Quảng Hải

Giữa dòng Gianh có nhiều cù lao mà dân địa phương gọi là cồn nổi. Cứ trên mỗi cồn nổi là một thôn, một làng, thậm chí là một xã an cư và sinh sống mấy trăm năm nay.

Thế nhưng, mới chỉ mươi năm lại đây khi rừng đầu nguồn bị tàn phá dữ dội cộng theo đó là việc khai thác vật liệu xây dựng  vô tội vạ trên các lòng sông, bỗng nhiên sông Gianh giận dữ và hung hãn lạ thường.

Linh Giang nuốt dần Quảng Hải

Con sông của một thời là chiến tuyến phân tranh Trịnh - Nguyễn còn có một tên khác đó là Linh Giang. Trước mùa mưa bão được dự báo là phức tạp và dữ dội hơn năm trước, chúng tôi tìm về một làng đặc trưng như thế giữa dòng sông Gianh, làng đang nằm ngấp nghé trước miệng thủy thần. Đó là làng Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình).

Nước sông Gianh đang xuống thấp nên phơi lộ chỉ giới giữa làng và sông rõ mồn một. Đất chân làng nham nhở như những vết ngoạm của loài thủy quái khổng lồ. Những gốc tre vốn là của làng giờ nằm chỏng chơ giữa dòng nước chảy. Những bãi đất màu mỡ đang bị khoét lõm vào sâu hoắm.

Làng đang bị dòng nước xiết bao vây và tấn công 4 phía. Sau những vườn cây xanh ngút của đất mỡ phù sa thấp thoáng những ngôi nhà mà theo như cách giải thích của ông Trịnh Đình Vinh, phụ trách địa chính và xây dựng xã thì chỉ mấy năm trước nó “ngự” ngay trung tâm xã. Doi đất đầu làng đang bị nước xiết đẽo gọt, trần thân chịu cho nước cuốn trôi từng giờ, từng ngày những mét vuông đất màu mỡ.

Đưa thuyền ghé vào ngôi nhà đầu sóng, ngọn gió của xã. Chủ nhân của nó là Cao Thi Hồng có chồng là Hoàng Đình Sơn đang đi làm ăn xa ở trong Nam.

Chị Hồng có 3 đứa con và đang muốn gia cố ngôi nhà này đủ sức chịu đựng qua mùa mưa bão năm nay rồi sau đó tính tiếp. Chị bảo trước đây nhà của chị cách bờ sông xa lắm. Muốn ra sông thì phải đi một quãng dài. Nhưng nay thì ngồi ngay hiên nhà có thể dùng gàu múc được nước sông.

Trận lũ năm 2007 thật kinh hoàng. Nước xé tan ngôi nhà của chị. Ôm 3 đứa con vào lòng và cầu trời may mà thoát khỏi. Đó là khi nhà chị còn cách bờ sông gần 30 m. Còn giờ đây, móng nhà đã chênh vênh ngay trên bờ sông lở rồi. Không biết mùa lũ năm nay liệu còn đuợc cơ may như năm trước.

Nhà anh Nguyễn Văn Doãn (thôn Tân Thượng) cũng cận kề miệng thủy thần. Năm trước nhà anh cũng chao đảo lắm khi nước ngập sâu gần 2m. Nước xiết, gào làm cho ngôi nhà gỗ cứ run lên bần bật. Tưởng tất cả sẽ bị hất nhào xuống sông.

Con đường liên thôn trong xã mấy năm trước còn cách bờ sông vài chục mét và được che chắn bởi những lũy tre dày chắc chắn thế mà nay, tre không còn và đường đã bị nước nuốt trôi từng đoạn một.

Ông Doãn tâm sự: “Chúng tôi ở đây lâu quen rồi chứ những người lạ lần đầu đến đây đêm không thể nào ngủ được. Thi thoảng vài con sóng lớn tấp vào bờ, đất làng từng tảng lớn đổ ầm ầm, ào ào xuống sông nghe đến sởn gai ốc. Phải là người có thần kinh vững mới có thể ngon giấc ở vùng đất lở này. Đa số người dân cứ thấp thỏm suốt đêm, chạy ra rồi chạy vào chong đèn không ngủ được...”.

Xã Quảng Hải trọn vẹn trên cồn nổi này giữa dòng Gianh. 600 hộ với gần 3.000 nhân khẩu sống trên diện tích gần 436 ha. Diện tích đất canh tác chiếm gần một nửa. Thuần túy nghề nông với các cây chủ yếu là lúa, mía và lạc.

Hai năm trước chưa chủ động được nguồn nước, người dân Quảng Hải chỉ làm một vụ lúa thôi. Bây giờ có nguồn nước rồi, họ đã có thể làm 2 vụ. Mỗi tấc đất ở đây được người dân quý như vàng. Mọi khoản thu nhập của họ trông chờ từ đó. Cứ nghe đất lở xuống sông, lòng người cứ quặn thắt.

Ông Trịnh Đình Vinh thông tin: “Nói Quảng Hải có diện tích 436 ha là con số thống kê trước đây thôi. Còn bây giờ đo đếm lại thì không còn con số đó nữa. 5 năm lại đây, theo tính toán của chúng tôi thì bình quân mỗi năm Quảng Hải mất từ 10-15 ha đất màu. Nếu như cứ theo những diễn biến thời tiết như mấy năm vừa rồi và không hề có bất cứ phương án bảo vệ nào thì chẳng bao lâu nữa, Quảng Hải sẽ biến mất trên bản đồ hành chính”.

Suốt cả 5 năm nay, Quảng Hải liên tục đề xuất và kiến nghị lên trên để được bố trí một nguồn vốn nhất định nào đó để kè chống xói lở một số đoạn xung yếu để bảo vệ làng. Nhưng mãi cho đến nay, nguồn vốn đó vẫn chưa về đến xã. Không biết mùa mưa bão năm nay, liệu Quảng Hải còn có được mấy sức để bảo vệ và giành giật với thủy thần giữ trọn từng mét vuông đất cho làng mình? Mươi năm nữa, liệu có còn một Quảng Hải trù phú giữa dòng Gianh?

Nghịch Giang gặm lở đất làng

Sông Kiến Giang ở huyện lúa Lệ Thủy (Quảng Bình) không giống như anh em trong “đại gia đình sông” cùng chảy xuôi về hướng Nam. Kiến Giang ngược nguồn ra Bắc hội cùng sông Long Đại đổ ra cửa bể Nhật Lệ. Nhiều người gọi nó là “nghịch giang”.

Những ngôi làng trước miệng thủy thần ảnh 2
Chẳng bao lâu nữa, những làng ven sông sẽ không còn với tốc độ tàn phá của sông như hiện nay.

Lịch sử gieo họa của con sông này đã được ghi vào niên giám thiên tai địch họa hầu như không năm nào là không có. Sông hẹp, độ dốc lớn nên mỗi khi chỉ với một cơn mưa nguồn nho nhỏ thôi thì lũ ống, lũ quét tàn phá khắp vùng thượng lưu và hạ du.

Cũng chỉ mới cách đây mươi năm về trước, dân của 5 xã vùng giữa, trọng điểm lúa của cả huyện luôn an phận và chung sống với lũ. Người ta xem lũ lụt hàng năm là điều đương nhiên, tất yếu của vùng đất có bề dày mấy trăm năm.

Lụt làm cho đồng ruộng thêm phù sa màu mỡ hơn. Lụt thau chua rửa mặn. Lụt giúp cho suối sông đầy cá, ruộng đầy tép tôm. Lụt giúp người nông dân khỏi phải nhọc công giết chuột. Bao đời nay vẫn thế.

Người nông dân đón lụt bình thản và tự tin. Mấy năm trở lại đây, những người dân sống ven tả hữu Kiến Giang giờ đây đang phải gồng mình chống chọi lại với những gì không còn là quy luật ngàn xưa của con “sông thơ, sông mộng” này nữa.

Chúng tôi cùng ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy ngược Kiến Giang lên phía thượng nguồn. Ngay địa phận làng Xuân Bồ (Xuân Thủy) hàng chục chiếc thuyền to đang chở nặng cát sạn cập bờ.

Công nghệ khai thác cát sạn bây giờ quy mô và hiện đại hơn trước rất nhiều. Thuyền chỉ cần neo một chỗ và các ống hút trên thuyền như vòi bạch tuộc vươn ra khắp nơi lùng sục dưới đáy sông hút cát, sạn rào rào chảy lên thuyền. Phải khai thác với quy mô đó cung mới đủ cầu trong tốc độ xây dựng đến chóng mặt.

“Bên lở bên bồi” ngày xưa giờ không còn biết đâu là quy luật để mà né mà tránh nữa. Ông Thảo đăm chiêu: “Vốn dành cho việc đê kè chống xói lở có hạn. Mỗi năm chỉ bố trí được vài trăm mét. Vừa kè được phía này, yên tâm, nhưng chỉ sau một mùa mưa phía khác, sông đã lở vào đến hiên nhà dân. Nhiều đoạn đường vừa nhựa hóa cách bờ sông mươi mét, chỉ vài ba năm sau đã thấy sông ngoạm mất một phần đường”.

Trước đây cứ nhìn bên lở để lên kế hoạch kè chắn. Nay thì, nhìn bên nào cũng có nguy cơ lở cả. Từ bờ này sang bờ kia của Kiến Giang không rộng lắm.

Từ trước đến nay, hai tuyến đường chạy dọc tả hữu sông tạo cho vùng đất này có vẻ đẹp yên bình và tươi mát, nhất là những khi có lễ hội đua thuyền thường niên diễn ra. Nhưng bây giờ, tuyến đường dọc 2 bờ đã không còn yên ổn. Sau mỗi mùa mưa lũ, sông càng lấn gần đến chân đường và nhiều đoạn đã gãy đứt nằm dưới lòng sông...

Quay mũi thuyền nép sát gần bờ xuôi về phía hạ lưu mới giật mình trước nguy cơ mất đất, mất làng đang hiển hiện. Những lũy tre bị nước bới trơ gốc lật nhào. Những ngôi nhà bên mé sông nước đã tấn công đến chân móng.

Trong khi chờ một tuyến kè vững chãi, để tự cứu mình, nhiều nhà dân đã bỏ tiền của ra kè chống. Những nhà khác chưa có điều kiện kè thì bị xoáy nước tập hậu.

Ghé vào một ngôi nhà như thế ở thôn Phan Xá, chủ nhà là ông Trần Đình Nghĩa lo lắng: “Nhà tôi có 3 đứa con, cứ nghe mưa là sợ. Nhiều khi dưới đồng bằng không mưa, chỉ mưa vùng thượng nguồn thôi là đã thấy nước réo sôi và đục ngầu cả dòng sông”.

Bây giờ nước xuống vùng hạ du với tốc độ nhanh và hung hãn khủng khiếp. Đất 2 bên bờ dựng đứng cao so với mặt nước 2 - 3 mét cứ thế đổ xuống ầm ầm.

Cách nhà ông Nghĩa chỉ mươi mét, dăm năm trước đã có một gia đình bị sạt lở và sụt đất chôn vùi cả ngôi nhà. Giờ có hàng trăm ngôi nhà đang cận kề bên miệng thủy thần như thế dọc hai bờ sông Kiến Giang. Họ đang sống trong thấp thỏm và nơm nớp lo âu trước một mùa mưa bão gần kề...

Theo tính toán của ông Thảo, để di dời những hộ dân đang ở trong tình trạng bị sạt lở nghiêm trọng và đê kè những đoạn xung yếu dọc tả hữu Kiến Giang cần một nguồn kinh phí đến vào trăm tỷ đồng. Nếu cứ bố trí nguồn nhỏ giọt, làm một vài trăm mét bờ này thì bờ kia tiếp tục bị lở.

Theo con số kê đếm sơ bộ, dọc 2 bờ sông này chỉ riêng 5 xã vùng giữa đã có 10 km bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Và có đến 443 ngôi nhà nguy cơ nước ăn vào đến chân móng. Nguy cơ đó gần lắm với việc tài sản và tính mạng của họ bị hất nhào bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Ngọc Giai, Chi cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều đưa ra một con số thống kê tình hình sạt lở dọc tuyến sông biển Quảng Bình, khiến cho những người quan tâm phải giật mình: Gần 190 km bị sạt lở đến mức báo động.

Diện tích đất hàng năm bị nước cuốn trôi, nhấn chìm là 60 ha; Đã di dời đuợc gần 1.800 hộ; Cần phải di dời khẩn cấp trên 1.700 hộ nữa trước mùa mưa lũ năm nay...Vấn đề nan giải hiện nay của địa phương nghèo này vẫn là tìm đâu ra nguồn kinh phí...

Như vậy là, cứ sau 3 năm thì tỉnh Quảng Bình mất đứt đất canh tác của một xã hoặc xóa hẳn một thôn. Và nếu theo cách tính lũy tiến như vậy thì chẳng mấy chốc những làng ven sông dần dần biến mất trên bản đồ địa chính.

MỚI - NÓNG