Những người 'bắt mạch' thời tiết

Những người 'bắt mạch' thời tiết
TP - Đội mưa gió, giong thuyền ra giữa sông Đà mùa nước lũ lúc 1 giờ sáng để… dò độ sâu. Đó chỉ là một vài chi tiết khó tin trong câu chuyện về những người chuyên đo mưa, gió, nhiệt độ…
Những người 'bắt mạch' thời tiết ảnh 1
Chị Đào Kim Oanh đang đo mưa

Hóa ra, đằng sau bản tin thời tiết phát trên TV mỗi ngày là cả một thế giới chưa mấy ai biết đến…

Người phụ nữ nửa đêm đo lũ

Một đêm đầu tháng 10/2007, ở huyện miền núi Hương Khê - Hà Tĩnh, mưa trút xuống xối xả. Mưa dữ đến mức cảm giác như trạm khí tượng thủy văn (KTTV) Hương Khê sắp sập xuống.

28 năm trong nghề khí tượng, chưa bao giờ chị Phan Thị Hường gặp một trận mưa có cường độ lớn và kéo dài như vậy. Mưa ầm ầm, gió gào rú, đêm tối như bưng, mọi người đều ở trong nhà, nhưng chị Hường lại mang áo tơi bước ra khỏi trạm. Chị đi làm cái việc mà ai đó sẽ cho là điên: đo gió, đo mưa…

Mưa sầm sập, vừa ra ngoài trời, quần áo chị lập tức ướt sũng. Chị quay vào trạm thay quần áo và lại bước ra. Lại ướt sũng. Vài lần như thế, chị Hường không còn quần áo để thay nữa. Nhưng chị chẳng thể cứ ở trong nhà, công việc ngoài kia đang đợi.

Trận mưa lịch sử đêm ấy, chị đo được trên 900 ml. Chị gọi điện báo kết quả cho Trung tâm KTTV quốc gia. Kết quả đo gió mưa, nhiệt độ…của chị Hường sẽ được xử lý ngay. Để rồi với những kết quả gửi từ mọi vùng miền, bản tin dự báo thời tiết được phát mỗi tối trên TV ra đời…

Đêm ấy, chị Hường về thì nước đã ngập trạm thủy văn gần một mét. Xung quanh, lũ cuốn ầm ầm. Chị  cứ ngồi, nước ngập ngang thắt lưng, không thể về nhà. Chị còn phải ngồi như thế đến 1 giờ sáng để tiếp tục đi đo mưa gió.

Trong ngành KTTV có một quy định hết sức nghiêm ngặt: Một ngày 8 lần, vào các thời điểm 1 giờ sáng, 4 giờ sáng, 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ,  19 giờ, 22 giờ, tất cả những nhân viên làm ở các trạm KTTV đều phải đi quan trắc gió mưa, nhiệt độ, mực nước sông, biển... Không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn, bởi vì đó là quy định.   

Chị Hường không quên được nỗi cô đơn của cách đây 28 năm, khi xách balô tới trạm KTTV ở Hương Khê công tác. Trạm tồi tàn đến mức chỉ có chỗ ngồi làm việc còn lợp mái tranh, cứ trống huơ trống hoác. Rừng hoang vắng đến nỗi chị luôn cảm giác thèm gặp người để nói chuyện. Chị nghĩ chắc thế này thì mình ế chồng.

Nhưng rồi chị bén duyên anh bộ đội đóng quân gần đấy, họ cưới nhau và sinh được hai đứa con. Ngay cả những lúc con đói sữa, chồng ốm, chị cũng phải dằn lòng mà hoàn thành công việc.

Nhiều khi quan trắc về con đã lả đi. Chẳng nhớ đã bao nhiêu lần như thế, chỉ biết 28 năm trong nghề chưa một lần chị đi làm muộn, chưa một lần chị bỏ quan trắc.

Chị nói về khí hậu ở vùng đất mình sống như nói về một người thân hay dằn dỗi: “Thời tiết ngày càng khắc nghiệt và bất thường. Tại Hương Khê trong dịp hè vừa rồi tôi đo được 28 ngày có nhiệt độ trên 35oC, 18 ngày có nhiệt độ trên 37oC. Ngày nóng nhất là ngày 24/4, 42oC".

"Còn mùa đông, có lúc nhiệt độ xuống tới 5oC. Lũ cũng rất khác thường, trước đây mấy khi tháng 8 dương lịch có lũ và lũ quét. Vậy mà vừa rồi lũ gây thảm họa cho cả huyện. Cũng vì rừng đã bị chặt hết rồi. Ngày tôi mới đến đây, rừng còn bạt ngàn mà giờ chỉ còn lại cỏ dại”.

Chàng trai đùa giỡn với sóng sông Đà

Sông Đà, một ngày đầu tháng 10. Mưa do hoàn lưu của cơn bão số 5 khiến lượng nước về thủy điện Hòa Bình tăng đột biến. Hồ Hòa Bình buộc phải mở 7 cửa xả đáy. Lượng nước khổng lồ như một đàn trâu dữ xổng chuồng lồng lộn lao xuống hạ lưu.

Sông Đà lúc này gào thét hung tợn, tốc độ nước lên tới 3mét/giây. Nhưng 1 giờ đêm, có con thuyền mong manh đè sóng ra giữa dòng sông Đà. Và chàng trai trên thuyền lấy thước ra để đo độ sâu của lòng sông. Chàng trai đó là Nguyễn Anh Đô, chuyển từ trạm KTTV Mường Tè về trạm KTTV Hòa Bình này chưa lâu.

Mấy ngày mưa dữ dội, triền miên, Đô phải túc trực 24h/24h và cũng lâm vào tình trạng hết sạch quần áo khô để thay, đành phải vận áo mưa và ở truồng. Mưa cũng khiến Đô chẳng thể nhóm lửa nấu cơm, phải trệu trạo nhai mì tôm sống mà căng sức đo lũ.

Đo lũ ở ngay phía dưới những cửa xả của hồ Hoà Bình cũng nguy hiểm như giỡn với tử thần. Chỉ cần một chút sơ sảy, nước có thể cuốn ngay xuống đáy sông đầy đá ngầm. Nhưng hàng ngày cứ đến giờ là Đô cho thuyền ra giữa sông Đà, quẳng con cá sắt nặng 120 kg xuống nước rồi tỉ mẩn ghi chép độ sâu, tốc độ của nước.

Nơi sâu nhất Đô đo được là 22m, nơi rộng nhất khoảng 300m, mấy ngày lũ tháng 10, nước đã tiến đến mép trạm KTTV Hòa Bình.

Sau khi ghi chép số liệu, Đô báo về cho Trung tâm KTTV quốc gia. Công việc ấy quan trọng đến mức nó có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân vùng hạ lưu. Bởi từ những bản báo cáo như của Đô, mức nước của sông Đà, sông Hồng sẽ được thông báo trên TV vào những ngày mưa lũ để người dân được biết.

Vợ đang dạy học ở huyện Mường Nhé, Điện Biên, nhưng mỗi năm Đô chỉ ghé về thăm nhà được một lần. Mùa lũ thì coi như chung thân với sông Đà.

Đã thành quy định, từ 30/4 đến 30/11, Đô phải trực ở trạm 24/24 giờ. Nhưng như thế vẫn còn dễ chịu hơn so với hồi Đô còn công tác ở Mường Tè, nơi Đô gặp khỉ nhiều hơn người.

Chàng trai này nói với tôi trong tiếng sóng sông Đà vọng vào: “Em đang muốn xin chuyển lên Điện Biên cho gần vợ con. Mà miền xuôi xin chuyển lên miền núi bây giờ cũng khó. Dẫu sao em cũng đã trót yêu sông Đà rồi”.

Người đàn ông tự tay đỡ đẻ cho vợ ở mũi Cà Mau

Trạm KTTV Năm Căn ở chót mũi Cà Mau, chẳng ngờ lại vang lên một giọng nói chân chất xứ Nghệ. Anh Nguyễn Mạnh Ái, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, từng là lính trở về từ chiến trường Campuchia, đã tình nguyện ra mũi đất tận cùng Tổ quốc này.

Ngày đầu đến đây, tất cả đều là con số không tròn trĩnh: không đường, không nhà, không điện… Ái phải cắt rừng mà đi, dựng tạm túp lều, rồi đêm ngày đo sóng biển, mưa, gió. Nước ngọt thì thiếu mà muỗi, vắt nhiều vô kể. Ngày, ăn cơm cũng phải ngồi trong màn. Đêm, nằm giữa bốn bề sóng vỗ, cảm giác mình như Robinson giữa đảo hoang.

Khi vợ trở dạ, trong đêm tối mịt mùng của rừng Cà Mau, xa vùng dân cư, xa trạm xá. Làm gì bây giờ? Như một thứ phản xạ bản năng, người đàn ông này đã tự tay đỡ đẻ cho vợ.

Cơn vượt cạn diễn ra trong tiếng kêu gào đau đớn, mồ hôi toát ra như tắm, cho đến khi nghe tiếng khóc “oa oa”, Ái mới thở phào. Ái lấy dao cắt rốn cho con, chôn xuống mảnh đất mới còn tươi rói phù sa, lòng dâng lên niềm xúc động khó tả.

Nơi “mũi tàu” của Tổ quốc này đã nhiều lần hứng chịu cuồng phong của biển, nhưng Ái không bao giờ quên được cơn bão Linda năm 1997. Gió giật trên cấp 12 cuốn phăng ngôi nhà tạm bợ của gia đình, chẳng còn chỗ nào để trú chân, vợ con ôm lấy nhau, mặc cho gió mưa quăng quật mà Ái vẫn phải lao vào bão mà đo gió, đo mưa và đo cả sóng biển. Bão chưa tan, người đàn ông này lăn ra ốm. Ốm nhưng vẫn phải gắng đi quan trắc vì chẳng có ai thay mình.

20 năm ở đây “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”, Ái chẳng muốn rời khỏi đất mũi, dù biển đã thất thường hơn. “Nước biển ngày càng dâng cao. Dân làm phải cơi nhà cao lên, nhưng cao lên bao nhiêu nước lại lên bấy nhiêu. Nghe nói vì băng ở Bắc Cực đang tan nhanh do nhiệt độ tăng làm biển dâng” - Anh tâm sự. 

Chất giọng Nghệ ấy đang buồn bỗng vút lên thanh âm vui vẻ: “Nhưng mà tôi thấy nước có lên cao thì phù sa vẫn bồi đắp cho đất mũi lấn ra biển mỗi năm hàng chục mét. Có những đêm tôi nghe rõ ràng tiếng đất chuyển mình vươn ra biển”.

4.000 người phục vụ 80 triệu dân

Trạm KTTV Láng – Hà Nội. Trạm có 7 người thì cả 7 đều là nữ. Và cả 7 phụ nữ ấy đều phải trực 24/24 giờ để “bắt mạch” thời tiết.

Chị Đào Nguyệt Oanh, trạm trưởng đã 25 năm trong nghề, đưa tôi ra xem chiếc máy đo gió, mưa, nhiệt độ… Nó nhỏ gọn mà cả 7 người thay nhau “hầu” có khi còn chu đáo hơn cả chồng con.

Và đôi lúc “cơn bão” trong nhà của các chị còn đáng ngại hơn cơn bão trời. Bởi dù gia đình hết sức thông cảm nhưng cũng thi thoảng giận dỗi vợ, vì vợ cứ triền miên vắng nhà ban đêm.

Ngay ở trung tâm Hà Nội mà những người làm công tác KTTV cũng vất vả như vậy thì chẳng biết rồi đây ngành KTTV lấy đâu ra nhân lực?

Tôi đặt câu hỏi ấy với ông Trần Văn Sáp, Phó Giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia. Ông Sáp cho biết:“Tính ra số người làm việc trực tiếp trong ngành KTTV trên cả nước chỉ khoảng 4.000. Trong khi đó đối tượng phục vụ là 80 triệu dân. Chẳng ai có thể sống mà không liên quan đến thời tiết cả. Và thời tiết tác động đến toàn bộ đời sống sản xuất".

"Công việc vất vả, nhất là vùng sâu, vùng xa, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên chúng tôi đang lo thiếu đội ngũ kế cận. Nhưng hầu như ai đã vào làm ở ngành này đều rất tận tụy với công việc. Nhờ những bản báo cáo kịp thời, trung thực từ cơ sở mà Trung tâm KTTV quốc gia mới có thể đưa ra được những bản tin dự báo thời tiết có độ chính xác cao”.

Lại một bản tin dự báo thời tiết vừa phát trên TV. Những thông tin tưởng như đơn giản ấy có được từ vòng quay khắc nghiệt đang cuốn theo những người như chị Hường, anh Đô, anh Ái … 1 giờ sáng, 4 giờ sáng, 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ,  19 giờ, 22 giờ.  Cùng với mưa, lũ, gió, bão…

Phùng Nguyên

MỚI - NÓNG