Ông trùm nặn lò

Những người giữ nghề cho đời sau

Những người giữ nghề cho đời sau
TP - Nhắc đến nghề nặn lò ở Hòn Đất, dệt chiếu ở Tà Niên, tỉnh cực nam Kiên Giang, hầu như ai cũng nhắc đến một ông và một bà đều cùng họ Lê và cùng gần tuổi thất thập.

Về ấp Đầu Voi, thị trấn Hòn Đất, là nghe thấy tiếng ông Lê Văn Kiếm gần 70 tuổi, một trong những người nặn lò lâu năm và có cơ sở lớn.

Nghề nặn lò gắn bó với cả gia đình ông. Anh Lê Văn Ngoan - con trai cả nhà ông Kiếm nói: “Gia đình tôi theo nghề được ba đời rồi. Bây giờ cả nhà có năm người đều làm nghề nặn lò”.

Ông Kiếm bảo: “Nặn lò dễ mà khó. Dễ vì nguyên liệu sẵn có trong huyện không phải lấy xa. Ngày xưa đồ nặn chủ yếu là cà ràng, chảo, nồi. Nặn lò khó ở chỗ xử lý đất sao cho không bị sạn, phải mịn. Hai loại đất được trộn đều rồi đạp cho nhuyễn, sau đó phân ra từng khối để nặn. Ông Kiếm kể rằng trước đây đốt lò chủ yếu bằng củi; có dạo, củi đắt, mất mấy trăm ngàn tiền củi là chuyện thường.

Bà trùm dệt chiếu

Những người giữ nghề cho đời sau ảnh 1
Bà Lê Thị Sa và các con đang thực hiện dệt chiếu dài nhất tại Lễ hội năm 2008

Về ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, hỏi ai cũng biết bà Lê Thị Sa ngoài 60 tuổi, vợ liệt sĩ có bốn con đều theo nghề dệt chiếu.

Từ nhỏ, bà đã được biết đến với bàn tay dệt chiếu khéo và nhanh nhất.

Đến xã Vĩnh Hòa Hiệp, dễ dàng bắt gặp cảnh nhà nhà dệt chiếu ngày đêm. Chiếu Tà Niên đi vào truyền thuyết liên quan đến cuộc đời Nguyễn Trung Trực với chữ Thọ in trên chiếu. Từ thời thuộc Pháp, chiếu Tà Niên đã đoạt huy chương vàng tại các hội chợ.

Trung bình mỗi ngày bà Sa dệt được 3 - 4 chiếc, trong khi đó cặp thợ bình thường chỉ dệt được 1 - 2 chiếc. Đồ nghề của thợ dệt chiếu là hai bộ khung dệt với đôi bàn tay dập bằng gỗ lên nước bóng loáng và mấy đôi que để xâu sợi lát. Bà Sa thường đảm trách khâu luồn dây mỗi khi bắt đầu dệt.

Cây lát sau khi thu hoạch về phải tước bỏ phần ruột, phần lá sau đó tẽ thành 2 - 3 sợi nhỏ, phơi khô ba nắng rồi đem chia làm hai phần, một phần để nguyên, một phần đem đi nhuộm màu. Sau khi nhuộm màu đem đi phơi khô thêm nắng nữa rồi mới đem dệt.

Nghề dệt chiếu được nhiều hộ ở Tà Niên trong đó có cả người Khmer duy trì từ lâu, nhà nào cũng chất chiếu lên tới nóc nhà. Không chỉ gia đình bà Sa, nhiều gia đình trong ấp có ba đời dệt chiếu truyền thống.

Kỷ niệm lần thứ 140 năm ngày mất của Nguyễn Trung Trực, bà Sa và các con được tham gia dệt một chiếc chiếu lập kỷ lục dài nhất Việt Nam với chiều ngang là 1,8m, dài 45 mét.

MỚI - NÓNG