Những người lái bè cuối cùng ở Tây Bắc

Những người lái bè cuối cùng ở Tây Bắc
Chiếc bè tre mỏng manh vật vã giữa con sông cuồn cuộn nước lũ. Ông lái bè mím môi chèo chống để nó khỏi va vào những tảng đá ngầm, đá nổi lởm chởm.
Những người lái bè cuối cùng ở Tây Bắc ảnh 1

Trên người ông chằng chịt vết sẹo. Một vết to bằng cái đít chén ở bụng vẫn còn tứa máu, vì một cây tre đã xóc thẳng vào bụng ông khi bè bị nước lũ đánh vỡ hồi tháng rồi...

Đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng tôi vẫn rờn rợn người khi ngồi trên chiếc bè giữa lúc con lũ trên thượng nguồn Tây Bắc đang cuồn cuộn đổ về sông Đà. 6.000 cây tre được cột làm hai bó rồi kết lại thành chiếc bè nổi. Ông lái bè Lò Văn Phi, người Mường Lay, Điện Biên, vừa kìm chặt cần máy nổ vừa phải liên tục dùng cây sào để chèo chống mũi bè tránh khỏi những tảng đá sừng sững như sống lưng trâu giữa dòng sông.

Chúng thường nổi trên mặt nước trong mùa nước kiệt, nhưng nhanh chóng trở thành bẫy tử thần ngầm dưới lòng sông khi mưa lũ đổ về. Trước khi lên bè, tôi đã được nghe cảnh báo về các bẫy đá nguy hiểm này. Chúng có thể đập vỡ tàu bè, nghiền nát thịt xương con người và chôn chặt xác thân họ vĩnh viễn trong các hang hốc, khe kẹt ẩn sâu dưới đáy sông.

Giữa thác lũ

Trời đang hưng hửng nắng bất chợt tối sầm. Bão rừng ầm ầm kéo đến với trận mưa gào rít như làn roi tre quất rát mặt người. Tôi ngồi thu lu bất lực nhìn ông lái bè chống chọi với cuồng phong giữa sông Đà. Gương mặt ông đen sạm, lạnh lẽo. Chiếc bè chao đảo dữ dội trong thác lũ. Thỉnh thoảng nó lại xoay ngang, chòng chành muốn vỡ tung khi vượt qua các vũng nước xoáy.

Nhưng nguy hiểm nhất lại là những cây gỗ rừng bị trốc gốc đang hung hãn theo con lũ lao tự do từ thượng nguồn xuống. Nhiều cây to hơn cả vòng tay người ôm, dài hàng mét, như viên đạn đại bác hạng siêu nặng có thể đập tan bất cứ thứ gì cản đường chúng. Bởi chiếc bè cứ xuôi theo lũ và mắt người lái phải nhìn phía trước, nếu thiếu kinh nghiệm dễ bị các cây gỗ từ phía sau lao thẳng vào...

Mưa tầm tã suốt cả buổi vẫn không ngớt hạt. Chiếc máy nổ chạy chân vịt cũ kỹ bỗng nhiên trở chứng tắc tị. Lúc này, ông Phi chỉ còn mỗi cây sào để chèo chống đưa đẩy chiếc bè về xuôi. Đã nằm rừng hơn ba tuần để chờ mua tre và xin giấy phép đi đường nên ông không thể nán lại được nữa. Theo dòng nước chảy, bè trôi về phía trước. Nhưng nó sẽ mắc cạn hoặc vỡ tan ngay nếu không có người điều khiển thông thạo luồng lạch.

Lúc đầu, tôi còn cố đếm mình đã vượt qua bao nhiêu vùng xoáy, ghềnh thác, nhưng về sau không còn nhớ nổi nữa. Chỉ có ông lái đò vẫn bình thản kể rằng trận bão lũ này vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với những trận khác mà ông đã từng trải qua: “Lũ chảy mạnh đến mức cuốn trôi cả đá hộc, đá tảng. Nhiều người đành phải bỏ bè để lên bờ thoát thân...”.

Phận người trên sông

Những người lái bè cuối cùng ở Tây Bắc ảnh 2
Anh Tuấn dùng máy nổ đẩy bè, vượt sông Lô

Bè về gần đến thị xã Mường Lay, mưa dần ngớt hạt. Mặt trời ló ra khỏi mây đen, dát ánh vàng xuống mặt sông Đà kỳ vĩ. Sau mưa bão, tre rừng hai bên bờ và những bãi ngô lau xõa tán xanh mướt xuống mặt sông. Hoa ban rạng rỡ sau cơn mưa.

Tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn thiên nhiên kỳ vĩ, nhưng ông Phi vẫn lặng lẽ. Rồi ông chỉ một ngôi nhà bỏ hoang ngay bên vệ sông ven thị xã. “Nhà tôi đó, nhưng mấy chục năm nay chẳng còn ai ra đón tôi!”. Hóa ra người lái bè 59 tuổi này đã có nghề đi bè ba đời trên sông Đà, nhưng cũng chính dòng sông hung hãn vào mùa lũ này đã giết chết vợ con ông.

Một đêm, ông Phi cùng vợ và đứa con trai 9 tuổi đang xuôi bè từ thượng nguồn về gần đến nhà thì mưa bão ào ào. Trời đang sáng trăng bỗng tối đen như mực. Dù biết lái bè trong đêm tối giữa thác lũ này là cực kỳ nguy hiểm, nhưng ông Phi nghĩ chỉ còn cách nhà vài kilômet, và họ chỉ cần đến một chỗ khô ráo để nấu cơm ăn.

Kinh nghiệm, sự thông thạo luồng lạch giúp ông vượt qua được các bãi đá ngầm. Bất ngờ một cây gỗ trốc gốc trôi tự do từ phía sau đã quật vỡ chiếc bè tre mỏng manh. Giữa mưa gió, sóng nước cuồng xoáy, vợ ông bị nhận chìm mất xác. Ông túm được tay con nhưng một cây tre đã đâm xuyên qua ngực nó...

“Từ đêm đó đến nay tôi bị chứng mất ngủ hành hạ vì tự căm hận mình. Không phải sông Đà mà chính sự ngang tàng, liều lĩnh của tôi đã giết chết vợ con tôi”. Ông u uất kể trong hai nấm mồ nằm liền bên nhau chỉ mỗi nấm mồ nhỏ là có xương cốt con, còn trong nấm mồ lớn chỉ có đoạn tre làm hình nhân thay xác vợ đã nằm vĩnh viễn dưới lòng sông. Từ đêm bi thảm đó, ông chỉ đặt chân lên bờ vào ngày giỗ vợ con hoặc phải mua thêm mắm muối, lương thực. Bởi ông sợ nhìn thấy cảnh gia đình người khác đông vui...

Tôi uống ly rượu, chia tay người lái bè cô đơn để tiếp tục chuyến hành trình theo vòng cung Tây Bắc. Hết sông Đà rồi lại đến sông Lô, và những người đi bè vẫn ngày ngày lặng lẽ ngược xuôi. Mỗi người một hoàn cảnh khi bước xuống dòng sông, nhưng hình như khó ai dứt ra được khỏi nó.

Anh Trần Anh Tuấn (ở thị xã Tuyên Quang) 44 tuổi thì đã có 22 năm lênh đênh trên bè. Khi anh lập gia đình, cha mẹ nghèo chẳng có gì chia cho con, anh phải tự kiếm chỗ ở, kiếm nghề mà sống. Ban đầu anh đi bè gỗ. Rồi Chính phủ đóng cửa rừng, anh chuyển sang đi bè tre.

Mỗi chuyến đi, anh bắt đầu từ vùng thượng nguồn rừng thẳm Na Hang, Hà Giang, lân la tìm dân trồng tre có nhu cầu bán. Sau đó đi xin giấy phép vận chuyển và nằm chờ người dân đốn tre.

Khi số tre mua đã đủ, anh Tuấn bắt đầu cột thành bè. Thường mỗi lần đi 10.000 - 15.000 cây, cũng có khi lên đến 30.000 - 40.000 cây. Tre được kết thành nhiều bè dài hàng chục mét. Thời gian đầu chưa có tiền mua máy nổ, bè hoàn toàn trông chờ vào dòng nước để trôi về xuôi. Những chuyến đi trên sông dài hàng tuần có điểm cuối là Phú Thọ hoặc tận cồn bãi sông Hồng, Hà Nội.

Đa số người đi bè lúc đó cũng chỉ có mỗi cây sào cùng với kinh nghiệm và lòng dũng cảm. Họ thường chọn mùa mưa gió, khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về để bè có thể trôi nhanh hơn, đỡ tốn kém chi phí dọc đường hơn. Nhưng tai nạn cũng thường xuyên xảy ra, dù ít người đi bè nào chết đuối mà thường chết do bị va đập vào đá hay bị tre xóc vào người. Anh Tuấn kể: “Có lần bè vỡ ở thác Cái, Hà Giang, tôi bị cây trôi đập vào đầu bất tỉnh. Tưởng đã bị hà bá nhấn chìm dưới sông, may sao như có hương hồn ông bà vỗ nên tỉnh dậy...”.

Với người đàn ông của sông nước này, những ngày nước kiệt mùa nắng không thể đi bè được là thời gian anh bồn chồn nhất. Cuộc sống trên sông nước nhiều khó khăn, hiểm nguy nhưng cho con người thỏa những khát vọng mà đất liền không có được.

Anh Tuấn có cậu con trai Trần Anh Tùng mới học xong lớp 9 đã nối nghiệp cha. Gom tất cả tiền nong dành dụm được, anh mua một cái bè neo cố định gần chân cầu thị xã Tuyên Quang, bên trên làm nhà nổi cho vợ anh ở, dưới làm bè nuôi cá: “Về già tôi sẽ sống trên nhà bè này. Không đi bè được nữa thì tôi cũng không rời sông nước”.

Những ông lái bè cuối cùng

Những người lái bè cuối cùng ở Tây Bắc ảnh 3
Chỉ một sào tre cũng vượt sông Đà

Cùng bạn bè sông nước với anh Tuấn còn có anh Nguyễn Văn Thủy, 43 tuổi, ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Tôi gặp anh đúng lúc anh vừa xuôi bè tre từ thượng nguồn về đến gần Phú Thọ trong chuyến đi bè từ Hà Giang xuống tận bãi sông Hồng, Hà Nội.

Từng là nhân viên hợp tác xã, lần đầu tiên anh Thủy xuống bè chỉ vì vui bạn bè, rồi dần dần mê, bỏ hẳn nghề ổn định trên bờ xuống sống dưới sông...

Anh Thủy cho biết dù chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ bè nhưng việc kiếm sống nay khó khăn hơn trước rất nhiều. Trung bình một chuyến bè đi - về phải mất gần cả tháng, trong khi người đi bè chỉ kiếm lời được một vài trăm đồng trên mỗi cây tre.

Sau khi trừ các chi phí, giỏi lắm cả chuyến đi dư ra được vài triệu đồng cho vợ con. Nếu gặp trục trặc gì đó phải nằm lại dọc đường, họ chỉ còn có thể lấy công làm lời. Đó là chưa kể gần đây đường bộ không ngừng được nâng cấp, cánh xe tải trở thành đối tượng cạnh tranh gay gắt đối với họ.

Buổi chiều trên sông Lô, tôi lắng nghe bao tâm sự của những người đi bè có lẽ là cuối cùng trên các dòng sông hiểm trở miền Bắc. Mối lo lớn nhất của họ lại là ngày các dòng sông không còn thông dòng được nữa. Sông Đà đã có đập thủy điện chặn lại ở Hòa Bình, sắp tới sẽ thêm một thủy điện chặn dòng ở gần thượng nguồn Mường La, Sơn La. Các con sông khác như sông Lô cũng đang và sẽ có nhiều thủy điện khác chuẩn bị được triển khai. Những người lái bè rồi sẽ không còn luồng lạch để ngược xuôi.

Bài Trường ca sông Lô của Văn Cao chợt vang lên từ chiếc radio của người lái bè. Anh Thủy mê bài hát hùng tráng này từ những tháng ngày sống đời lênh đênh trên sông nước, nhưng mai này anh có còn được thả hồn giữa dòng sông kỳ vĩ mà nghe “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau, núi rừng âm u...”?

Theo Quốc Việt
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG