Những người mang gương mặt bị cháy

Những người mang gương mặt bị cháy
Người làng Đại Bái chưa ai quên cái ngày kinh hoàng hôm ấy. Hai năm trước, ngày 2/5/2003, chiếc xe khách chở đầy hàng hoá đang đón khách trước cổng chợ Đại Bái phát nổ và biến thành bó đuốc khổng lồ.
Những người mang gương mặt bị cháy ảnh 1

Ông Nhàn đang chăm sóc con gái – chị Nguyễn Thị Hanh 

Làng Đại Bái, tỉnh Bắc Ninh, hàng trăm năm nay nổi tiếng với nghề đúc đồng. Con trâu cày, con ngựa thồ giờ ít hơn, xe máy, công nông, ô tô chạy hợp đồng. Những dãy nhà tầng san sát soi bóng xuống ao rau muống lấm tấm bèo.

Nhưng có một dấu ấn khác của thời hiện đại còn lâu mới phai mờ trong cái làng trù phú này chính là vụ cháy ô tô cách đây hai năm thiêu chết một nửa số người trong xe. Số khác trở về với cuộc đời mang thương tật mãi mãi.

Một người làng nhớ lại: “Tôi đang bán hàng trong chợ thì nghe tiếng nổ rồi tiếng người la hét “xe cháy rồi, bỏng hết rồi”. Tôi vội chạy ra thì nhìn thấy mấy cô bán rau gần đó bị trụi mái tóc hàng ngày vẫn cặp dài đến ngang lưng”.

Một người khác kể: “Những người ngồi trên xe bị “thổi phồng” căng như quả bóng hơi. Khi lôi ra khỏi xe, người 50 cân nhìn như nặng một tạ”. Ông Thắng, trưởng thôn Trong bùi ngùi tính: “Cả thảy 42 người chết, 46 người bị thương. Nhiều gia đình mất cả cha lẫn mẹ. Có cháu tuổi còn nhỏ lắm”.

Cậu bé Nguyễn Viết Mạnh mất cả cha lẫn mẹ giờ học lớp 11 sống trong sự đùm bọc của chú ruột. Bà Thắng, vợ ông trưởng thôn Trong, nhắc đến bà Nguyễn Thị Hảo: “Bà ấy trước đẹp lắm nhưng giờ trông sợ lắm”.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần trước khi đối diện với người đàn bà “mang gương mặt bị cháy”. Nhưng khi bà Hảo lồm cồm bò ra từ chiếc màn tuyn trắng toát, dường như có một dòng điện lạnh buốt chạy dọc sống lưng tôi.

Gương mặt bà sần sùi u cục. Những mảng đỏ au, đen xì, thô nhám, nhăn nhúm trên cổ, trên ngực, trên lưng. Bà Hảo chìa tay mời tôi vào nhà. Trời đất, cả hai bàn tay năm ngón dính bết vào nhau. Bà Hảo thấy khách tới thăm, vẫn vồn vã.

Trước vụ nổ, bà Hảo là một phụ nữ khoẻ mạnh làm nghề buôn đồng nát ngoài Hà Nội, gia đình bà cũng có bát ăn bát để. Cái tủ gỗ lim khảm trai lừng lững bóng loáng có lẽ là thứ duy nhất còn lại của một thời “ăn nên làm ra”. Nay, của nả đã đội nón ra đi sau 5 lần phẫu thuật.

“Người tôi chẳng chỗ nào còn da nữa. Chỗ không bị cháy, người ta cạo hết da để đắp vào chỗ cháy. Hết da bụng lại đến da đùi. Hết da, người ta phải tính đến việc đặt túi nước dưới da, đợi một thời gian cho da giãn ra mới có cái mà lấy. Bụng tôi cũng bị “xẻo” để đắp vào chỗ khác.

Còn đây, khuỷu tay bị sẹo lồi lên cả đống khiến nó không cử động được, cứ ép chặt vào ngực gây khó thở nên vừa rồi các bác sĩ cạo sạch thịt chỗ đó mới duỗi được thế này đây”. Sắp tới, bà Hảo được “nạo mặt” để gạt đi những sẹo thịt sần sùi.

Đang chuyện, bỗng bà Hảo lăn đùng ra giường, đưa tay cào cấu khắp người. Bà Thắng như đã quá quen, bình thản bảo “Bà ấy lại lên cơn ngứa đấy”. “Nóng quá, ngứa quá. Bà Thắng gãi hộ cái, tôi không chịu nổi nữa rồi”, bà Hảo vừa rên, vừa lăn qua lăn lại trên giường.

“Từ ngày bị bỏng, không hiểu người ta tiêm thuốc gì mà bà ấy lúc nào cũng ngứa, cũng nóng rừng rực như hòn than. Cô cứ lại gần sờ thử mà xem. Da bà ấy dầy bình bịch, có véo cũng không đau!”.

Tôi rờ bàn tay trên lưng bà. Hơi nóng lan sang tay tôi. Chừng 15 phút sau, bà Hảo hết cơn ngứa, lại ngồi dậy tiếp chuyện.

Bà bảo, kể từ khi bị bỏng, không có sức khoẻ theo nghề đúc đồng, nhà bà xoay ra nấu rượu. Tiền bán rượu chỉ đủ ăn hàng ngày. Chưa kể tiền thuốc men những khi trái gió trở trời. Tiền 5 lần xuống Hà Nội phẫu thuật, mỗi lần ngót 6 triệu đồng.

Da thịt cháy thành sẹo sần lên như lớp bì dầy, bít hết lỗ chân lông. Bà Hảo khó chịu vì thế. Con trai bà Hảo đang làm thuê ở Hà Nội phải gửi 100.000đ/tháng cho bà thuê người gãi ngứa. Tiền hết, bà lần ra chợ, ngồi lân la cạnh cô hàng rau, hàng thịt, nhờ gãi hộ. Cứ thế cho đến hết ngày.

Người con gái với gương mặt thứ hai

Cách nhà bà Hảo một thôi đường đất là nhà ông Nguyễn Đức Nhàn, có hai người thân gặp nạn trong vụ cháy xe khách năm đó. Người đàn ông nhỏ bé đang ngồi sửa chiếc máy khâu cũ kỹ chợt chùng xuống khi nghe nói có người đến thăm con gái.

Em dâu ông Nhàn đã ra đi ngay chiều hôm đó. Chỉ có cô con gái là may mắn thoát chết. Ông Nhàn nhớ lại: “Con Hanh nhà tôi đang mua rau gần đó. Nghe tiếng nổ, nó xoay người lại nhìn, và thế là…”.

Ông Nhàn đưa tôi vào gian trong thăm “em nó”. Ông vén cửa màn. Chị Hanh từ từ chui ra. Được báo trước nhưng cái người thình lình xuất hiện sau cánh màn vẫn làm tôi thêm một lần rùng mình. Sau hai năm, mái tóc cháy trụi của người con gái giờ đã dày đen mướt.

Và dưới mái tóc ấy là một khuôn mặt như bằng sáp bị nung chảy, rúm ró, biến dạng. Mí mắt, mi mắt dính tịt vào nhau, chỉ hé ra hai đốm sáng bé tí xíu. Ngón tay, ngón chân co quắp như dây rừng. Quai hàm, cằm và cổ bị sẹo co kéo cứng đơ.

Cô vẫn nhìn thấy, nghe thấy và hiểu hết những gì đang diễn ra xung quanh, vẫn nhìn thấy gương mặt mình trong thau nước mẹ rửa mặt cho cô mỗi sáng.

Hanh đã có chồng và một con gái 4 tuổi. Đứa con gái đã quen với hình hài của mẹ. Nhưng những khi nó đùa trêu “mẹ như con ma ấy” là một lần Hanh nhói đau. Hai năm, ông Nhàn vẫn chưa quen được với “gương mặt thứ hai” của con. Cũng như Hanh, hai năm trôi qua vẫn chưa quen được gương mặt chính mình.

Ông Nhàn vẫn nghĩ, đứa con gái đảm đang, tháo vát, nhanh nhẹn của ông thuở nào rồi sẽ được chữa khỏi. Nhưng, bốn lần phẫu thuật, chịu bao đau đớn, tiền hết, mà Hanh mới chỉ được như thế kia.

“Bác sĩ nói ít nhất phải 3 đến 5 lần phẫu thuật nữa con tôi mới nhúc nhắc cử động được. Giờ cháu chỉ ngồi một chỗ. Sinh hoạt cá nhân cũng phải trông chờ vào người khác”.

Hàng ngày, đến bữa, Hanh phải nằm mới ăn được. Đêm đến, muỗi chui vào màn đốt sưng người, Hanh muốn gọi em cũng chỉ ú ớ không thành tiếng.

“Đêm nào nghe thấy những tiếng ú ớ của con, không ra gọi, không ra khóc, không ra cười, đêm ấy tôi không tài nào ngủ được. Những tiếng kêu không giống tiếng người, cái hình hài không còn là của con người của nó chắc sẽ hành hạ tôi đến cuối đời”, ông Nhàn chua xót.

Người thương binh Nguyễn Đức Nhàn sau những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt, trở về quê với hai bàn tay trắng. Nhờ chân chỉ hạt bột, siêng năng làm ăn, ông dần dần gây nhà dựng cửa, dựng vợ gả chồng cho các con. Đến lúc ông tưởng có thể vui hưởng tuổi già thì tai hoạ ập xuống.

Cứ vào dịp 30/4, ông lại thấy tủi thân, nhớ đồng đội, nhớ chiến trường xưa. Những ngày này năm trước, ông và những người đồng đội còn may mắn trở về mừng tủi ôn lại kỷ niệm thời chiến đấu. Nay thì tiền chả còn mà đi. Ông cũng chẳng có tâm trí nào đi nữa.

Người lính già bỗng ngẩn ngơ sợ cả tiếng ô tô, xe máy chạy ngoài cửa. Hai vợ chồng ông giờ chỉ biết trông vào vài sào ruộng, một tủ kính bám bụi bán quà nhì nhằng cho lũ học sinh để lo phần nào gánh nặng nay thuốc men, mai phẫu thuật.

Cả làng Đại Bái hiện chỉ còn hai trường hợp nặng nhất còn sống sau thảm hoạ nổ xe khách là bà Nguyễn Thị Hảo và chị Nguyễn Thị Hanh. Kinh tế cả hai gia đình đều “thụt lùi” từ dạo ấy. Ở tuổi lục tuần, Bà Hảo chấp nhận mang hình hài “mới” và chỉ mong được phẫu thuật một lần cuối để không còn phải chịu những cơn ngứa khủng khiếp.

Nhưng với người phụ nữ mới ngoài 20 như chị Hanh, tàn phế cả về sức lao động và nhan sắc quả là đau đớn. Ngày ngày, chị ngồi như pho tượng trên giường, đếm thời gian trôi. Sáng ra lỡ nhìn thấy bóng mình trong chậu nước lại giật mình thảng thốt! Nói với chồng một câu âu yếm, xoa đầu con, đơn giản thế thôi, Hanh cũng không còn làm được nữa.

Chính quyền địa phương, dân làng cũng chỉ có thể hỗ trợ thời gian đầu. Chị Hanh có bảo hiểm y tế cũng như không. Để được miễn giảm viện phí, ông phải lấy được giấy chuyển tuyến của bệnh viện huyện, sau đó,  lấy giấy chuyển tuyến của bệnh viện tỉnh, Viện quân y 110, trước khi lên được đến Viện quân y 103.

Mỗi lần đưa con đi phẫu thuật, ông phải làm lại các thủ tục đó từ đầu. Tiền thuê ô tô, tiền nhà trọ, v.v…, chịu không thấu. Ông đành bỏ cái thẻ bảo hiểm y tế.

Ông Nhàn cho tôi xem trích lục bản án vụ nổ xe khách do thẩm phán Nguyễn Hữu Lô, Toà án Nhân dân TP Hà Nội, ký. Bản án nêu rõ gia đình ông được đền bù 50 triệu đồng nhưng không nói ai có trách nhiệm đền bù. Từ đó đến nay, ông mới chỉ nhận được hơn một triệu đồng!

Bà Hảo, chị Hanh vẫn sống lặng lẽ với gương mặt và thân thể cháy xém, trong cái làng giàu có, ồn ào tiếng đúc gang, đúc đồng.

MỚI - NÓNG