Những người nằm trong Phủ Tổng thống Sài Gòn - Kỳ cuối

Những người nằm trong Phủ Tổng thống Sài Gòn - Kỳ cuối
TP - Ba mươi năm sau giải phóng Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ - nguyên cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và ông Vũ Hữu Duật -  nguyên Phó Chủ tịch thường trực Đảng Liên minh Dân chủ, đảng cầm quyền của Nguyễn Văn Thiệu, hai người còn lại duy nhất của lưới tình báo H10 - A22 đưa vợ vào thăm Dinh Độc Lập.

Kỳ 4: Bọc mình đục phá trong lòng địch

Những người nằm trong Phủ Tổng thống Sài Gòn - Kỳ cuối ảnh 1
Ông Vũ Hữu Duật - nguyên  Thị ủy viên Thị ủy Thái Bình, hoạt động tình báo  thuộc lưới A22  Ảnh: M.T

Hiểu và cùng chia sẻ với các ông chính là những người vợ. Lưới A22 được tuyên dương đơn vị anh hùng, có người nói đóng góp một nửa là công những bà vợ của anh em trong lưới.

Ông Lê Hữu Thúy, một mắt xích cực kỳ quan trọng của lưới tình báo A22, khi được tuyên dương là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tâm sự: “Người được tuyên dương anh hùng lẽ ra phải là vợ tôi chứ không phải tôi. Không có bà ấy, tôi làm sao làm nổi những việc đã làm”.

Vợ ông, bà Ngô Thị Như, người đàn bà xuất hiện trong cuộc đời của ông như một thiên tình đời lãng mạn hiếm có. Năm 1955, khi Lê Hữu Thúy được ta cài vào làm phụ tá cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn là Ngô Văn Nhậm, ông Bộ trưởng có cô con gái rất xinh đẹp tên là Bạch Tuyết.

Rồi Tuyết si mê say đắm Thúy và yêu anh hết mực. Bố cô, ông Bộ trưởng Ngô Văn Nhậm cũng muốn gả con gái của mình cho Lê Hữu Thúy. Lúc đầu Thúy cũng rất thích Bạch Tuyết vừa xinh, vừa tình tứ. Lê Hữu Thúy từ chối khéo, nói là mình đã có gia đình.

Khi Ngô Thị Như chấp nhận làm vợ Lê Hữu Thúy, bà biết con đường ông đang đi là rất nguy hiểm. Bà hiểu công việc của ông và sẵn sàng chia sẻ cùng ông.

Tháng 2 năm 1960, Ngô Thị Như bồng bế ba đứa con nhỏ ra Huế để nuôi chồng trong tù. Cuộc sống những năm tháng ở tù thật cơ cực. Nhà lao chỉ chia hai suất cơm cho người lớn, ông bà phải xẻ ra cho ba đứa con, nên cả nhà thường bị đói. Đói khổ, nhưng có ông ở bên, bà vẫn cảm thấy hạnh phúc. Bà sinh cho ông thêm một đứa con ở trong tù.

Tôi có nguy hiểm cũng không bằng ông Nhạ bị bắt

Ông Vũ Hữu Duật, nguyên thị ủy viên Thái Bình, một đường dây quan trọng của Vũ Ngọc Nhạ trong Phủ Tổng thống, nói: “Khi tôi lên làm Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ, đảng của ông Thiệu, mọi người cứ tưởng gia đình tôi giàu có lắm”.

Bà Phạm Thị Kim Chi, vợ ông Duật kể: “tháng 8/1954, bà cùng gia đình ông Vũ Ngọc Nhạ trên chuyến tàu di cư vào Nam. Ông Nhạ do tổ chức bố trí đóng vai một trung úy ngụy. Trước lúc tàu chạy, bọn mật vụ đi kiểm tra, lục soát và ngó mặt từng người. Bà Chi đổi chiếc túi cho ông Nhạ, rồi ôm chiếc túi có lá cờ và bế thằng con áp vào để che mắt địch. Lá cờ được mang vào miền Nam an toàn.

“Bà cũng không sợ khi nhận chiếc túi có lá cờ”, chúng tôi hỏi. Bà Chi nói: “Tôi có nguy hiểm cũng không bằng ông Nhạ bị bắt. Vì ông đang đi làm nhiệm vụ đặc biệt cùng chồng tôi”.

Bà Nguyễn Thị Nhẫn, vợ ông Vũ Ngọc Nhạ, cho biết, hơn 20 năm ông Nhạ sống bên cạnh kẻ thù là 20 năm bà phấp phỏng không yên.

Vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người rất tôn kính và sùng bái Vũ Ngọc Nhạ. Biết hoàn cảnh gia đình ông khó khăn, nhiều lần bà ta cho tiền, ông cũng đều từ chối. Có lần bà Thiệu nhờ người tin cẩn đem năm cây vàng và một số tiền đến nhà Nguyễn Thị Nhẫn (vợ ông Nhạ) ở xóm Chợ Thị Nghè, bà Nhẫn cũng một mực không nhận.

Bà Nhẫn bảo: “Mình nhận tiền của họ thì phải làm theo họ. Làm theo họ có nghĩa là mình đã phản bội rồi. Biết nhà tôi không ai lay chuyển nổi, tôi càng yên tâm và xác định dẫu phải chạy chợ suốt đời nuôi chồng, nuôi con, tôi cũng không quản ngại”.

Diệu kỳ

Một tai họa lớn ập xuống đầu những người vợ của anh em trong lưới A22 vào đúng ngày 16/7/1969. Bọn địch đưa tin, đã phát hiện ra một nhóm cộng sản nằm trong Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Bà Nguyễn Thị Nhẫn nói: “Sau khi nhà tôi bị bắt, bọn mật vụ kéo đến bao vây lục soát, rồi nằm lì trong nhà tôi hàng tháng trời. Chúng dọa nạt không lúc nào yên, mẹ con tôi nhiều đêm không ngủ được. Chúng đưa ông Nhạ về nhà đối chất và lục soát. Chúng đánh ông ấy bầm tím chân tay, mặt mày sưng húp. Mang bầu mới hơn bảy tháng, tôi đã sinh con”.

Trên con tàu SG - 17 chao đảo trên sóng, có ba người đàn bà vẻ mặt trầm ngâm hướng ra phía đảo xa. Đó là các bà Nguyễn Thị Nhẫn - vợ Vũ Ngọc Nhạ, Ngô Thị Như - vợ Lê Hữu Thúy, Phạm Thị Kim Chi - vợ Vũ Hữu Duật đang nằm trong chuồng cọp ngoài Côn Đảo. Các bà ra thăm chồng.

Bà Phạm Thị Kim Chi kể, những ngày các bà  ra nuôi chồng ngoài Côn Đảo, nhà tù không có phòng riêng dành cho vợ chồng tù nhân. Phải đợi màn đêm buông xuống, từng đôi mới dắt díu nhau ra hàng dương ngoài bãi đảo tâm sự.

Biển ầm ào suốt ngày đêm. Mấy ai ngờ bên những hàng dương nghiêng ngả trên bờ đảo lại có một sự sống kỳ diệu. Những cặp tù nhân yêu nhau nồng cháy, tha thiết. Hình như họ bù đắp cho nhau những ngày nhớ nhung xa cách.

Lần ra đảo đầu tiên thăm chồng, bà Chi vừa thẹn vừa lo. Nhưng khi nghe chồng kể lại câu chuyện 200 tù cộng sản đóng năm con thuyền lớn dưới hầm suốt cả năm trời chuẩn bị cho chuyến vượt ngục năm 1952 mà bọn chúa đảo  vẫn không hay biết thì bà mới yên tâm.

Sau lần ra đảo nuôi tù trở về, cả ba bà đều mang thai. Riêng bà Kim Chi, hai lần ra thăm chồng ngoài Côn Đảo về sinh được hai con, một trai một gái.

Cuộc hội ngộ cảm động

Bà Ngô Thị Như, người ngồi đốt tài liệu mật của địch ở nhà lao tòa Khâm Huế, mười năm sau khi ra nuôi chồng ở nhà tù Côn Đảo, lại làm một việc mạo hiểm đầy ý nghĩa.

Ông Lê Hữu Thúy lấy được bản báo cáo mật của chúa đảo gửi cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về con số tù chính trị tại Côn Đảo. Bà mang tài liệu này về chuyển cho cơ sở cách mạng.

Bản tài liệu là chứng cớ buộc địch phải trao trả hết 12.000 tù chính trị ở Côn Đảo cho ta năm 1973.

Hai mươi năm sống trong lòng địch, vừa nuôi chồng trong tù, vừa nuôi dạy chín con ăn học. Bà Như bảo, những năm tù đầy gian khổ ác liệt, bà không sợ, nhưng sau ngày hòa bình bà lại hoang mang.

Mãi đến năm 1990, tức 15 năm sau, ông mới được phục hồi đảng  tịch, được thăng cấp từ thượng úy lên đại tá và đặc biệt, được Đảng và Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hôm đi dự lễ đón nhận danh hiệu anh hùng, ông đưa bà cùng đi. Ông bà cười mà nước mắt cứ dàn ra.

Bà Nguyễn Thị Nhẫn, bà Phạm Thị Kim Chi cũng trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Năm 1975 sau ngày miền Nam giải phóng, bà Nhẫn cùng chồng (ông Vũ Ngọc Nhạ) về thăm làng Cọi Khê, nơi chôn nhau cắt rốn của ông bà.

Thấy đoàn xe về làng, dân trong thôn xóm kéo ra rất đông. Khi ông bà Nhạ từ trên xe bước xuống, cả làng ngớ ra. Họ không ngờ một gia đình đi theo giặc mà họ từng căm thù nguyền rủa, nay lại được Đảng, quân đội trịnh trọng đưa về làng thăm quê hương. Trong cuộc hội ngộ hôm ấy nhiều người không cầm được nước mắt.

Cuộc đời những người làm tình báo nghiệt ngã là thế. Những người vợ, người thân của họ cũng chung hoàn cảnh như vậy. Vinh quang, cay đắng, luôn song hành tồn tại trong họ. Vượt qua nó không thể ngày một, ngày hai, mà có khi phải đánh đổi bằng cả đời người.

Minh Chuyên (VTV)

MỚI - NÓNG