Những người ở một thời đến với mọi thời

Những người ở một thời đến với mọi thời
TP - “Khi cái riêng đạt tới sự chân thành dâng hiến hết mình cho nghĩa lớn như Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc thì con người ở một thời mà đến được với mọi thời” (Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải)
Những người ở một thời đến với mọi thời ảnh 1
Nguyễn Văn Thạc

Trước và sau đêm giao lưu: “Ngã Ba Đồng Lộc khúc tráng ca bất tử” do T.Ư Đoàn và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức; nơi đây mỗi ngày đón tiếp hàng ngàn lượt khách về dâng hương tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Sáng 15/7, tại vị trí đặt tấm bia khắc dòng lưu bút của tác giả “Mãi mãi tuổi hai mươi”:

“Kính chào hậu phương, chào gia đình và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi. Nhất định có ngày trở về Thủ đô yêu dấu của lòng tôi.

Ngã Ba Đồng Lộc - 3/6/1972 

Nguyễn Văn Thạc”.

Một người phụ nữ trung niên, vóc dáng sang trọng, gương mặt đượm buồn, đôi mắt sáng ngấn lệ, trên tay cầm đóa hoa mua tím, chăm chú nhìn vào những dòng trên tấm bia.

Chị khóc, đôi vai tròn đầy rung lên theo tiếng nấc nghẹn ngào giữa vòng vây của mọi người lặng lẽ. Người phụ nữ ấy là Phạm Thị Như Anh, người yêu của anh Nguyễn Văn Thạc mà nhiều bạn đọc đã được biết đến qua cuốn nhật ký: “Mãi mãi tuổi hai mươi”.

Ngày ấy cách đây 35 năm, Nguyễn Văn Thạc lên đường hành quân vào chiến trường, đứng ở Ngã Ba Đồng Lộc đã ghi lại những lời nói trên. Nơi ấy, giờ đây đã trở thành Khu tưởng niệm những tấm gương nghĩa liệt của thế hệ trẻ Việt Nam hy sinh vì Tổ quốc.

Chị Như Anh còn đi vào Quảng Trị thăm lại mảnh đất tại thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong nơi anh Nguyễn Văn Thạc đã chiến đấu và hy sinh ngày 30/7/1972.

Ở Quảng Trị ra, chị đã ghé vào Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh gặp mặt và giao lưu với tuổi trẻ quê hương Lý Tự Trọng. Từ cuộc gặp mặt này, chúng tôi biết thêm bao điều kỳ lạ về đôi trai gái tài - sắc...

Những người ở một thời đến với mọi thời ảnh 2
Phạm Thị Như Anh

Một quyết định khó khăn

Gần 800 trang sách nhật ký Thư và Thơ của hai người viết trong vòng hơn 2 năm thời ấy, mà Như Anh còn lưu giữ, nay in thành sách với tên gọi: “Hạnh phúc là gì?” cộng với gần 300 trang “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc. Tất cả trên ngàn trang viết của đôi bạn trẻ chứa đựng bao điều kỳ lạ.

Trước khi quyết định công bố hơn nghìn trang thư này, chị Như Anh rất băn khoăn. Người anh trai của chị đã viết thư động viên: “Quyển sách này theo anh nó chẳng phải nhu cầu của em, của Thạc, chẳng phải là ảo ảnh hư vinh.

Nó là nhu cầu của lớp người tuổi hai mươi ngày ấy, cha, chú, mẹ, cô, chúng mình, của cả những lớp người tuổi 20 hiện tại trên đất nước Việt Nam này. Hãy gạt bỏ những suy tư quanh dự định ra đời cuốn sách này. Hãy dũng cảm lên em, dũng cảm như Thạc đã từng dũng cảm…”.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng có lời động viên: “Thạc sẽ rất hài lòng vì những gì Thạc viết đều có ý nghĩa cho tuổi trẻ, em hãy hy sinh phần riêng của mình để công bố tập thư ấy cho cả dân tộc được biết và tự hào về những thanh niên của mình họ đã sống, đã yêu, đã học tập, chiến đấu và hy sinh như thế đấy”.

Và còn bao lời động viên khác của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Chu Huy Mân, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp .v.v...

Chúng tôi là lớp người cùng thời, đọc cả ngàn trang Thư và Thơ của Thạc và Như Anh, trang nào cũng cảm động rơi nước mắt.

Khi cái riêng đã đạt đến sự chân thành dâng hiến cho nghĩa lớn

Hồi ấy hàng vạn đôi lứa yêu nhau. Người con trai cầm súng ra trận, người con gái ở lại hậu phương hoặc lên đường xa Tổ quốc sang nước bạn học tập để sau này về xây dựng đất nước.

Mấy ai ghi và để lại được cả ngàn trang sách nói chuyện riêng tư và cũng chính là những khát vọng chung cho một lớp người, của một thế hệ: “Khi cái riêng đạt tới sự chân thành dâng hiến hết mình cho nghĩa lớn như Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc thì con người ở một thời mà đến được với mọi thời” (lời của Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải).

Trong thư ngày 3/3/1971 Nguyễn Văn Thạc viết khi Như Anh chuẩn bị bước vào kỳ thi học sinh giỏi miền Bắc: “Điều quan trọng nhất là Tổ quốc- Thật thế. Mình không chính trị tí nào. Tổ quốc gọi chúng mình và nhiệm vụ của Như Anh là phải vượt lên, vượt xa những kết quả sáng tạo mà bọn mình đã làm nên”.

Thư ngày 14/3/1971, Như Anh đáp lại: “Thạc có biết không, có dịp...… chút nữa thì Như Anh đã trở thành nghệ sỹ chuyên nghiệp Pianô...… nhưng không, mình biết khả năng và Tổ quốc đòi hỏi mình nhiều hơn thế”.

Thư ngày 1/4 Thạc bộc bạch: “Thạc yêu văn học đến mức như máu thịt… nhưng niềm vui đích thực của Thạc là thế giới khoa học tự nhiên. Thạc không muốn con người Việt Nam cứ phải tiếp thu kiến thức của 100 năm trước mà muốn mình làm được những điều lớn lao hơn rất nhiều.

Thạc nói Như Anh giỏi, giỏi lắm là đúng. Đó là sự thật hiển nhiên nhưng bạn chẳng chịu nhận đâu. Như Anh là thế. Thạc đã gặp các em lớp Toán đặc biệt. Trần Ngọc Duyệt - một bạn nữ nhanh nhẹn và thông minh đã được giải 3 Toán  miền Bắc. Nguyễn Lê Anh giải nhất Toán miền Bắc 1970. Duyệt  và Lê Anh chỉ giỏi Toán còn Như Anh thì có thể học bất cứ ngành nào khi Tổ quốc cần...”

Thư ngày 14/4 của Như Anh gửi Thạc: “Gặp Thạc, Như Anh sung sướng vô ngần và nghĩ rằng có lẽ mình đã gặp được một con người toàn vẹn như mơ ước,  nể phục và kính yêu...…còn ước mơ... thì… Thạc hiểu quá rồi... Thạc là của báu vô ngần, niềm tự hào sâu kín nhất, nguồn động viên an ủi tuyệt vời nhất và nỗi nhớ da diết của Như Anh”.

Trong thư viết ngày 30/4/1971 dài ngót 3.000 chữ, Thạc đã linh cảm được những gì của ngày 30/4/1975 lịch sử: “4 năm nữa biết bao sự kiện đã xảy ra thì Như Anh và Thạc đang ở trong tình trạng nào? Như Anh ơi, hứa với Thạc đi, 30/4/1975 dù chúng ta có thể giận, ghét nhau đến đâu đi nữa, dù thế nào cũng sẽ viết cho nhau dòng chữ “Hạnh phúc là thế nào nhé”.

Những người ở một thời đến với mọi thời ảnh 3
Lá thư bị thất lạc 33 năm của Nguyễn Văn Thạc

Tháng 7 là tháng đặc biệt trong cuộc đời Thạc và Như Anh. Họ cũng đã viết cho nhau hàng trăm trang thư.

“Thạc đang sống với những ngày cháy cả ruột gan...… dù làm gì ở đâu Thạc và Như Anh cũng phải vươn lên đứng ở hàng đầu, Như Anh luôn là người xuất sắc rồi. Còn Thạc thú thật có những con chim Ưng có cánh khỏe và mạnh, Thạc phải vã mồ hôi mới bám kịp đuôi... Chỉ còn mấy hôm nữa là Thạc sẽ đi xa...”. (Thư Thạc ngày 4/7).

Đáp lại lời Thạc: “Như Anh muốn chạy đến với Thạc, muốn gục đầu vào vai Thạc mà khóc. Nhớ Thạc, nhớ Thạc vô cùng. Cả trái đất này, Như Anh chỉ có mình Thạc, mình Thạc thôi. Nhưng liệu có còn mãi mãi” (thư 20/7/1971).

Ngày 26/7 lần cuối cùng đôi trai gái ấy gặp và chia tay nhau ở con đường nhỏ bên Văn Miếu gốc cây thứ 3. Khoảnh khắc thứ năm của hai con đom đóm gặp nhau.

Nụ hôn đầu đời và duy nhất. Như Anh lên tàu sang Liên Xô rạng ngày 28/7, Thạc đi tiễn, tìm Như Anh trong biển người nhưng không gặp. Ra về Thạc viết: “Phạm Như Anh - số 72 Nguyễn Du - C3 Hoàn Kiếm - Hà Nội. Lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô. Rời Hà Nội chuyến tàu 1 giờ 5 phút sáng 28/7/1971”.

Thư ngày 2/8/1971 của Thạc:

“Thế là không gặp được Như Anh... không gặp được Như Anh nữa rồi. Tạm biệt Như Anh, Thạc rã rời bàng hoàng, tạm biệt những tháng ngày đẹp nhất hồn nhiên và trong trẻo nhất, tạm biệt vầng trăng non, hương cỏ mật bông hoa của ánh sáng, con đẻ của bình minh...

Như Anh đang ở đâu? Như Anh có biết Thạc như vỡ ra từng mảnh, tan ra khi nghĩ rằng không bao giờ còn gặp Như Anh nữa...…Như Anh đã ở “Trong lồng kính” (từ dùng của Như Anh)  còn Thạc sinh ra và lớn lên bên cái ao nhỏ, dưới gốc dừa này và có bao giờ được hưởng thụ tí gì đáng nói là hưởng thụ...

Thạc lại được đưa vào cuộc sống đầy máu lửa, đầy gian khổ hy sinh. Chỉ còn ít ngày nữa Thạc sẽ bước vào cuộc đời mới, cuộc đời bộ đội, nỗi chua xót phải từ bỏ trang sách, từ bỏ ngôi trường Đại học đầu tiên của cuộc đời đang giày vò và cấu xé Thạc biết chừng nào. Rồi đây Thạc bước vào trường Đại học lớn hơn và vĩ đại hơn mọi trường Đại học.

Ở đó để hiểu được những điều vô cùng giản dị mà chúng ta thường nói về Tổ quốc, Thạc và đồng đội của mình phải trả bằng máu, thịt, bằng sự hy sinh... Rồi mai đây 6 năm, 7 năm Như Anh về, không gặp Thạc thì sao? Thạc đi vô hồi vô hạn, đi xa, xa lắm và có thể là xa Như Anh vĩnh viễn”.

Những người ở một thời đến với mọi thời ảnh 4
Chị Phạm Thị Như Anh (thứ 2 từ trái sang) tặng sách Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh

Cuối thư Thạc đã chép lại một đoạn trong bài thơ: “Nấm mộ và cây trầm” của Nguyễn Đức Mậu.

“...Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị

Thân hy sinh thơm đất thơm trời”.

Bức thư Thạc viết ở xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch - Quảng Bình vào giờ nghỉ trưa ngày 30/5/1972 dài 4 trang giấy, chữ đẹp rõ ràng (xem ảnh) gửi cho Như Anh qua địa chỉ của một người em gái, rồi thất lạc vào cuốn sách của bác sỹ Nguyễn Thị Kim Ngọc, sau 33 năm, đến mùa hè 2005 Như Anh mới nhận được.

Thạc nói một cách hóm hỉnh: “Hạnh phúc là 10 phút giải lao sau một giờ hành quân. 10 phút ấy là của Thạc và của Như Anh. Giờ đây Như Anh đang ở xa Tổ quốc, đang ngồi trên ghế Trường Đại học Tổng hợp nước bạn, còn Thạc cũng ở Trường Đại học Tổng hợp nhưng là “Tổng hợp nện nhau với địch”. Kẻ thù không nhỏ, không yếu nhưng Thạc của Như Anh còn khỏe hơn chúng nó nhiều...”.

Thư cuối cùng mà Thạc viết cho Như Anh ghi ngày 11/7/1972. Ngoài những lời tha thiết yêu thương nhớ nhung, chất giọng có cái gì hơi khác lạ:

“Thạc muốn Như Anh quên Thạc đi, quên thật sự và học cho giỏi… chiến tranh đã và sẽ lấy đi nhiều hơn của Thạc. Chả có gì là bi kịch đâu. Trong cuộc sống, cái đổ vỡ, cái bi thảm thường thẳm sâu hơn những niềm vui nông nổi bình thường. Thạc không muốn Như Anh phải buồn hơn nữa. Thạc mong Như Anh tha thứ cho Thạc... Rồi đây Thạc còn làm Như Anh khóc nữa, khóc rất nhiều... Thạc khổ tâm vô cùng…”.

Kèm theo thư là bài thơ “Đêm trắng” gần 30 câu, mở đầu:

“Đêm trắng trong là đêm của em.

Đèn thành phố và sao trời lẫn lộn

Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn

Pháo sáng chập chờn trộn trạo

 với sao sa...”

Và hai câu kết:

“...Đêm thao thức đón chờ ánh sáng

Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời...”

Đây là thư và bài thơ cuối cùng mà Nguyễn Văn Thạc gửi cho Phạm Thị Như Anh. Mười chín ngày sau, anh hy sinh.

Điều bí ẩn từ chiếc áo màu xanh da trời

Trong nửa ngày giao lưu, gặp gỡ, chị Như Anh nói nhiều về Nguyễn Văn Thạc. Chuyện nào cũng đầy ắp kỷ niệm thiêng liêng làm người nghe rưng rưng xúc động.

- Tôi thương anh ấy chưa được mấy bữa no. Quần áo cũ sờn. Năm cuối cùng học cấp III Thạc có được chiếc áo sơ mi mới màu xanh da trời, mỗi lần anh mặc áo này, Như Anh rất thích. Biết thế, Thạc đã gửi lại chiếc áo cho Như Anh làm kỷ niệm.

Sau này đọc một bức thư của Thạc bị thất lạc Như Anh mới biết Thạc cũng thích một cái áo màu tím Như Anh thường mặc, muốn xin làm kỷ niệm nhưng không nói ra nên Như Anh đâu có hay. Không ngờ cái áo màu xanh da trời ấy suốt hơn 35 năm đi cùng Như Anh, đã giúp Như Anh làm nên nhiều điều hệ trọng.

Trong khi bôn ba khắp nhiều nước ở châu Âu, hơn 50 lần chuyển nhà ở, chiếc túi đựng những kỷ vật của Thạc vẫn luôn được Như Anh mang theo bên mình. Có một lần ở Đà Nẵng, hai mẹ con Như Anh gọi taxi chở ra phố.

Khi khách và lái xe vào quán uống nước, do sơ suất quên khóa cửa xe, đồ đạc của con gái Như Anh đã bị trộm “khoắng” hết, nhưng cái túi to đùng để ở trong xe vẫn còn nguyên. Có lẽ anh Thạc đã khóa mù mắt thằng kẻ trộm, không cho nó nhìn thấy cái túi này chăng?

Chị Như Anh kể tiếp:

- Cách đây mấy năm, Như Anh vào Bà Rịa - Vũng Tàu đến nhà một người phụ nữ rất đẹp làm nghề thầy bói, bà ta bảo: Chị đang cất giữ một kỷ vật bằng vải… chiếc áo màu xanh da trời, nó rất thiêng. Người ấy mấy chục năm nay luôn đi theo chị, phù hộ cho chị làm ăn thành đạt...

Lời xét đoán vu vơ thế, nhưng Như Anh nghiệm lại thấy hoàn toàn đúng. Chị tin là anh Thạc luôn đi theo mình giúp chị vượt qua những khó khăn và thử thách của cuộc đời.

Chị đã bỏ ra hàng triệu USD xây dựng một Trung tâm văn hoá mang tên “Chín con rồng” tại TP Hannover của CHLB Đức. Trung tâm của chị luôn treo cờ đỏ sao vàng. Thấy chị làm ăn kinh doanh thành đạt, một số phần tử quá khích người Việt đến quậy phá.

Năm 2005 khi cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” và “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc sau 30 năm lưu lạc ở Mỹ và Đức quay trở về Việt Nam và ra đời nhân kỷ niệm 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Thấy Như Anh xuất hiện trong bộ phim tư liệu “Hành trình về địa chỉ đỏ” Quảng Trị, bọn người quá khích đã đốt cháy một góc Trung tâm của chị. Khi chị nộp đơn khởi kiện, nhiều người lo cho chị sẽ thua cuộc vì không đủ tiền cạnh tranh với bọn chúng.

Ngờ đâu vụ kiện vẫn được thụ lý và đem ra phân xử đúng vào ngày 14/10. Nhận được tin, chị vui mừng báo với mọi người là chị sẽ thắng tuyệt đối, bởi vì ngày 14/10 là ngày sinh của anh Nguyễn Văn Thạc. Chị tin anh Thạc sẽ phù hộ cho chị. Đúng như thế, chị đã thắng kiện và được đền bù khoản tiền lớn.

Về nước lần này nhân 35 năm ngày mất của anh Thạc với tư cách là một thành viên quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi”, Như Anh dường như mãn nguyện. Ngày còn đi học Thạc và Như Anh thích hai cây phong của Đuysen và Altưnai (trong truyện Người thầy giáo đầu tiên của Aimatốp) luôn đứng bên nhau, muốn “chúng mình cũng có được đôi bạch đàn sóng bên nhau như đôi cây phong ấy”.

Nay Thạc đã mất, ông Nguyễn Quốc Triệu - Chủ tịch UBND TP Hà Nội là bạn nhập ngũ cùng một ngày với Thạc đã trồng đôi bạch đàn bên mộ Thạc trong nghĩa trang ở Cổ Nhuế - Từ Liêm để hoàn thành tâm nguyện cho anh.

Khi vào Hà Tĩnh, chị Như Anh hứa sẽ chuyển 1.000 bộ sách (hai tập) “Hạnh phúc là gì?” tặng các thư viện và phát hành rộng rãi với giá bìa mỗi bộ 90.000 đồng. Số tiền thu được khoảng 60 -70 triệu ấy sẽ góp phần xây dựng các thư viện, phòng đọc và giúp đỡ những học sinh nghèo có ý chí vươn lên học giỏi.

Chị Như Anh đã thắp hương sớm cho anh Nguyễn Văn Thạc trước một tuần rồi phải sang Đức lo công việc. Chị hẹn nhân ngày sinh thứ 55 của anh Nguyễn Văn Thạc (14/10/1952 - 14/10/2007) sẽ về lại Việt Nam.

Nguyện vọng của chị là muốn đất học Hà Tĩnh, quê hương của người thanh niên cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng, nơi có Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, xây dựng được nhiều tủ sách để mọi người cùng đọc, hiểu thêm về một thời oanh liệt, có những con người như thế, góp thêm tri thức vào hành trang tuổi trẻ trên mọi nẻo đường hôm nay.

Tháng 7/2007

Ghi ghép của Võ Minh Châu

MỚI - NÓNG