Những người sống dưới đáy sông

Những người sống dưới đáy sông
TP - Mỗi dịp có khách quý trong Nam ngoài Bắc ghé lại Đồng Hới, tôi lại có cơ hội  quảng bá món cháo hàu đặc sản nơi đây. Có biết bao người đã từng được thưởng thức hương vị hàu, nhưng đã mấy ai sống dưới đáy sông cùng hàu vật lộn trong cuộc mưu sinh?
Những người sống dưới đáy sông ảnh 1
Anh Đáng vừa lặn xuống độ sâu 4,5 m để bắt hàu

Tự nhủ lòng làm một chuyến đến với những người bao đời nay chìm nổi cùng hàu tìm kế sinh nhai, để thêm một lần thấm cái vị đậm đà mà hàu mang lại...

Chỉ là một tô cháo thôi, nhưng khi nuốt đến thìa cháo cuối cùng thì hầu như thực khách nào cũng có quán tính đưa thìa vào múc thêm lần nữa. Đưa thìa cháo vào miệng, răng khẽ chạm vào thân hàu và cảm nhận  một tiếng vỡ bục thật khẽ, vị thơm ngậy cứ lẩn quất mãi trong vòm miệng, để rồi khi đã trót ăn một lần thì cứ vấn vương mãi không dứt hương vị ấy...

Và, đến một ngày, nông dân Quảng Bình mang hàu ra tham gia Lễ hội ẩm thực toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, món hàu xào và cháo hàu đã giật được chiếc huy chương vàng lấp lánh. Cháo hàu chính thức ghi danh mình vào danh mục các món ăn ngon của Việt Nam.

Sống dưới đáy sông

Địa danh Quán Hàu có từ ngày xửa ngày xưa, nhưng là tự bao giờ thì không ai còn nhớ. Chỉ biết cái cù lao giữa sông kia người ta gọi nó là Cồn Hàu. Xưa, đây là nơi giao thương của những người buôn bán tấp nập đến từ Đồng Hới và các vùng lân cận. Quán sá mọc lên san sát và món cháo hàu phục vụ thương nhân có từ ngày đó.

Trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An (thế kỷ 16) ở quyển 2 viết về sản vật đã có nói đến đặc sản hàu. Ngót 500 năm, người dân vùng này đã nương tựa vào hàu để tồn tại và sống. Cứ thế, cha truyền con nối, nghề lặn hàu còn giữ mãi cho đến tận bây giờ...

Ngồi trên chiếc thuyền máy nhỏ của nhóm thợ lặn hàu có thâm niên trong nghề ở thôn Phú Bình (thị trấn Quán Hàu) tôi không khỏi ngạc nhiên bởi đồ nghề của họ mang theo lại đơn giản thế. Một chiếc kính lặn đeo mắt giản đơn, giá thị trường chừng 20.000 đồng.

Mỗi người có 2  đôi tất tay và chân có giá chỉ mươi ngàn. Vài chiếc săm ô tô cũ làm phao và ở giữa lọt gọn một chiếc thúng thưa để đựng hàu. Vật dụng không thể thiếu của thợ lặn hàu là một thanh sắt chừng 50 phân. Một đầu uốn cong và đánh bẹt mũi. Đó là dụng cụ dùng để cạy hàu và móc neo người để nghỉ lấy sức bên mạn thuyền hoặc bên mố trụ cầu.

Anh Lê Văn Đáng, trưởng nhóm lặn hàu, nói như thét vào tai tôi trong tiếng rền rền của máy nổ: “Lặn bắt hàu phải tránh lúc thủy triều lên, nhưng cũng đừng để thủy triều xuống hẳn. Nếu thủy triều lên thì nước sẽ rất xiết, lặn sẽ nguy hiểm. Còn để thủy triều xuống kiệt thì chỉ có về tay không...”.

Chiếc thuyền cứ ngược dòng chạy chừng 3 km, khi đến dưới mố chân cầu Quán Hàu cũ, anh Đáng ra hiệu tắt máy và dừng thuyền. Anh lệnh: “Chuẩn bị đi!”. Bốn người cùng đi thuần thục ném phao, dây buộc, đeo tất và kính vào sẵn sàng chờ lệnh.

Thấy tôi cứ ngơ ngác nhìn các thứ dụng cụ bảo hộ kia, anh Đáng giải thích rằng, thân hàu xù xì và sắc lạnh như dao lam. Nếu không có tất bảo hộ thì thợ lặn chỉ cần chạm khẽ vào nó thôi là máu túa ra ngay. Những người lặn chưa có kinh nghiệm thì phải đeo “đúp” 2-3 đôi cho an toàn...

Mọi người đã thả mình xuống dưới làn nước trong xanh ngăn ngắt và bắt đầu cuộc mưu sinh. Căng mắt nhìn theo bóng họ khuất dần dưới làn nước kia và chờ đợi. Hơn 1 phút đã trôi qua và đã có người trong nhóm lặn trồi lên mặt nước. Hai tay họ nắm chặt những con hàu to xù xì và ném vội vào thúng giữa phao.

Người thứ 2, rồi người thứ 3 đã ngoi lên mặt nước. Anh Đáng là người cuối cùng với một khum hàu to. Phì phì nước ra khỏi miệng, anh bảo, hàu ở đây nhiều nhưng mùa này thì “óp” (gầy) lắm.

Những người sống dưới đáy sông ảnh 2
Chị Chương (vợ anh Đáng) tách hàu

Anh Đáng cho biết, phải lặn ở độ sâu khoảng 3 sải (mỗi sải là 1,5m) mới bắt được hàu. Cứ 1-2 phút tìm hàu, họ lại ngoi lên thở và neo người bên mố trụ cầu nghỉ chừng dăm phút. Cứ thế, họ ngâm mình trong làn nước trong đến lạ lùng chừng 2-3 tiếng đồng hồ thì rổ hàu ở giữa phao đã lùm lùm đầy.

Đưa rổ hàu về thuyền. Lên thuyền nghỉ ngơi một lúc, nếu có thể thì ăn dặm một chút gì đó rồi lại thả mình xuống đáy sông. Một chuyến đi như thế, người nhiều thì được 50-70 kg, người ít thì 30-40 kg hàu vỏ...

Nắng lên chênh chếch đỉnh đầu. Con thuyền hướng mũi quay về. Anh Đáng lại nói như  hét vào tai: Thôn Phú Bình có đến hơn 30 hộ sống nhờ nghề lặn hàu. Hàu chỉ có quanh vùng Cồn Hàu này thôi. Mỗi ngày cả thôn lặn được chừng trên 1 tấn hàu vỏ.

Cứ 15-20 kg hàu vỏ mới tách được 1kg hàu nhân. Mỗi kg hàu nhân bán cho thương lái 25-30 ngàn đồng. Lạ là, ngày nào cũng bắt hàu như thế, nhưng hàu cứ nằm la liệt như trấu dưới đáy sông...

Một chiếc thuyền con đang rẽ sóng chạy song song. Trên thuyền, 3 chàng thanh niên tuổi chừng 17 vẫy tay chào, miệng cười lóa nắng. Anh Đáng giới thiệu: “Ba thằng “rái cá” đó là Bệu, Nhật và Sỹ cùng người trong thôn cả. Chúng nó lặn giỏi lắm. Cứ ném chúng xuống nước là có 50 ngàn đồng...”.

Lại mươi chiếc thuyền con nữa quay mũi rẽ sóng nhằm thôn nghèo Phú Bình trở về. Anh Đáng chỉ tay về phía các thuyền kế bên nói: Thuyền kia là của anh Đống, chị Lợi. Còn hai chiếc kia là của anh Bảy, anh Trung, anh Thường, anh Cát...

Găm một tiếng thở dài sâu vào lồng ngực, anh Đáng sẻ chia: Nghề lặn hàu ở đây quanh năm chỉ trừ 3 tháng mưa bão. Nhưng nhiều khi bí tiền cũng liều ra sông làm một ngụm nước mắm cho ấm người rồi trầm mình xuống lặn. Anh thấy đấy, mỗi ngày có thể kiếm được dăm chục ngàn nhưng Phú Bình từ xưa đến nay chưa bao giờ được “phú”...

Vẫn những mái nhà cấp 4 có thâm niên khép mình dọc mé sông. Nhà nào cho con cái theo học thì nghề lặn hàu khó có thể trang trải nổi. Nhiều nhà, thấy con theo nghiệp lặn hàu kiếm được tiền, lười học thế là cho nghỉ luôn.

Chị Chương vợ anh Đáng đã đứng chờ chồng ở ngay mé nước. Những rổ hàu đã được chuyển lên bờ. Chị Chương nói: “Lặn hàu đã cực, nhưng tách được hàu ra khỏi vỏ còn khổ hơn. Chỉ một chút sơ suất thôi thì có thể đứt lìa cả ngón tay...”.

Chị cầm con dao dài sắc lẹm như ngọn mác, thoăn thoắt lách mũi dao vào khe hàu tách từng con hàu ra khỏi vỏ và bỏ chúng vào chậu nước bên cạnh. Lấy nhân hàu không hề đơn giản như ngao, hến, chắt chắt... là chỉ cần luộc lên và đãi lấy nhân.

Hàu nhân được lấy nguyên khi còn tươi sống. Những nhân hàu trắng đục, căng tròn đang dần đầy trong chậu. Người mua hàu đã tìm đến, chẳng cần mặc cả, họ đổ vội chậu hàu vào xô rồi vội vàng tìm đến nhà khác.

Hy vọng đổi đời

Hàu là họ động vật thân mềm (Ostrei dae). Chúng ăn bằng cách lọc nước lấy thức ăn (động thực vật trôi nổi). Trong 1 giờ mỗi, con hàu lọc sạch 1 - 3 lít nước. (Thế nên, những vùng có hàu sinh sống nước trong xanh đến lạ lùng).

Mỗi lần hàu đẻ hàng triệu trứng. Ấu trùng trôi nổi 10 - 15 ngày và gặp được vật cứng nào là chúng bám vào sinh sống.

Hàu sống chủ yếu ở vùng triều cửa sông nước mặn và nước lợ. Người ta gặp hàu cả ở những nơi sâu 60 m. Hàu có giá trị kinh tế, được làm dược phẩm. Ở Việt Nam có 10 loài hàu như hàu sông, hàu sú, hàu đá, hàu ống...

Mỗi ngày lặn hàu, gia đình anh Đáng với 4 nhân khẩu có thể thu nhập được chừng 50-75 ngàn đồng. Hai đứa con đang đi học.

Gia đình anh phải tằn tiện lắm mới đắp đổi qua ngày. Ngôi nhà cấp 4 nhỏ, nghèo bên mé sông và nỗi niềm của anh Đáng khi nói về tương lai phía trước:

Rồi đến một lúc không đủ sức, không đủ hơi để trầm mình dưới đáy sông tìm hàu nữa. Lúc đó, không biết mình sẽ sinh nhai bằng nghề gì?

Trăn trở của anh Đáng và bao người sống nhờ nghề lặn hàu nơi đây đã có hướng mở đầy lạc quan. Đầu năm 2007, UBND thị trấn Quán Hàu đã có hẳn một dự án khoanh nuôi hàu tự nhiên.

Anh Nguyễn Văn Tòng và anh Lê Hoàng Sơn đã tiên phong vay 10 triệu đồng để đầu tư thử nghiệm. 4 ha mặt nước trước bến sông được các anh chăng dây đóng cọc mua đá và gom lốp cũ ô tô, xe máy thả xuống. Chỉ sau một thời gian ngắn, kết quả mang lại thật bất ngờ. Hàu bám dày đặc vào đá và vào lốp, chỉ cần kéo đá và lốp lên là thu hoạch được hàu.

Ông Lê Bá Trung, Phó chủ tịch thị trấn lấy làm tâm đắc cho hướng đi này của hàu. Ông Trung bảo, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô dự án này và trong tương lai gần thôi, 30 hộ lặn hàu của Phú Bình không còn sống dưới đáy sông. Phú Bình rồi sẽ “phú”.

MỚI - NÓNG