Kỷ niệm 30 năm giải phóng Tây Nguyên (3/1975 - 3/2005)

Những người vẽ bản đồ cho trận thắng Buôn Ma Thuột

Những người vẽ bản đồ cho trận thắng Buôn Ma Thuột
Đóng góp vào chiến thắng mở đầu mùa xuân đại thắng 1975 có bố con người điệp báo đã vẽ tấm bản đồ Buôn Ma Thuột với những thông tin quan trọng.
Những người vẽ bản đồ cho trận thắng Buôn Ma Thuột ảnh 1
Ông Phạm Văn Tập cùng tác giả

Trong cuốn “Lịch sử Công an Nhân dân Việt Nam” (LSCANDVN) - (Nhà xuất bản CAND 2000, t 530) nói về gia đình ông Phan Kim Ngọc, người của lực lượng an ninh đã cung cấp bản đồ thị xã Buôn Ma Thuột phục vụ cho trận đánh then chốt này.

Nhờ sự giúp đỡ của Công an tỉnh Đắc Lắc và phòng nghiên cứu sử, đặc biệt là đồng chí Hoàng Lâm- Đại tá, nguyên Phó phòng Điệp báo An ninh khu V, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắc Lắc, chúng tôi đã gặp lại gia đình ông Phan Kim Ngọc. Ông Ngọc đã mất từ năm 1980, con gái và con rể ông giờ đây cũng đã ngoài 70 tuổi hiện ở 57 - Điện Biên Phủ - TP Buôn Ma Thuột.

Con rể ông Phan Kim Ngọc là ông Phạm Văn Tập, người đã cung cấp dữ liệu cho ông Ngọc vẽ bản đồ thị xã Buôn Ma Thuột. Ông Tập nồng hậu tiếp đón chúng tôi khi chân tay ông vẫn còn lấm lem đất đỏ. Ông nói ông vừa ở ngoài rẫy cà phê về. Ông rất gắn bó với cây cà phê. Ông bà Tập còn nhớ, gia đình ông đã hiến cho cách mạng 2 căn nhà, lương thực và nhiều thứ khác chỉ giữ lại vài rẫy cà phê... cả nhà làm nhà trên rẫy và đây cũng chính là nơi liên lạc của lực lượng an ninh. 

Ông Tập lại ngồi trước một tấm giấy lớn, một chiếc bút bi, thước kẻ, y như ông và cha ông đã từng làm cách đây vừa tròn 30 năm. Dù đây là tấm bản đồ phục hồi trong trí nhớ thì cũng là một việc làm hết sức ý nghĩa. Ông cần mẫn làm việc như để tưởng nhớ đến người cha vợ quá cố của mình, dù nét vẽ tay đã có phần run.

Ông kể cho chúng tôi nghe về ông Ngọc. Ông Phan Kim Ngọc hoạt động từ năm 67 ở Lào, bên đó ông lập nghiệp đoàn thợ mộc sau đó bị bắt và bị đưa về nước, khi được thả ông tiếp tục hoạt động cho tới khi giải phóng. Sau giải phóng ông công tác ở Hội đồng nhân dẫn tỉnh Đắc Lắc cho tới năm 1980 thì qua đời.

Những người vẽ bản đồ cho trận thắng Buôn Ma Thuột ảnh 2
Ông Phan Kim Ngọc

Trong cuốn LSCANDVN viết “Gia đình ông Phan Kim Ngọc (Tám Ngọc) đã cung cấp cho ta bản đồ thị xã Buôn Ma Thuột giúp ta xác định được hệ thống bố phòng, cũng như những mục tiêu quan trọng của địch trong thị xã như: Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, các đồn cảnh sát... giúp cho Bộ chỉ huy mặt trận bổ sung phương án tiến công địch”.

Ông Tập kể: “Tôi phải mất tới cả năm trời đi tìm hiểu tình hình hoạt động và nơi đóng quân của ngụy, cũng may không hề bị lộ... Tôi đi miết, đi tối ngày, đi từ sáng sớm đến trưa về ăn cơm, ăn xong lại đi, cứ như thế cho tới khi tôi thấy mọi việc tương đối ổn thì cha con chúng tôi mới bắt đầu tính toán để vẽ bản đồ.

Bản đồ được vẽ trong vòng 3 tuần, trước đó cha con tôi cũng ngồi tính toán kỹ càng với nhau... bàn bạc xem Tổng kho Mai Hắc Đế đến Sân bay L9... Sư đoàn 23 nằm ở chỗ nào, rồi đường Nguyễn Tất Thành đi từ đâu tới đâu, vị trí các với đường Phan Bội Châu, đường Hoàng Diệu, đường Nguyễn Văn Trỗi, đường Ea Súp; chỗ pháo binh thiết giáp... sân bay Buôn Ma Thuột...

Vì ông cụ giỏi nghề thợ mộc cho nên việc vẽ bản đồ thuận lợi, cụ trực tiếp vẽ còn chúng tôi chỉ cùng tham gia”. Chúng tôi hỏi một bản sao của tấm bản đồ. Ông Tập có vẻ tiếc nuối nói: “Cha con tôi chỉ vẽ được một bản, hồi đó không có máy phôtô tôi đi mua một tấm giấy to cũng rất khó, vì vậy chỉ có 1 bản nộp cho an ninh ta mà thôi”.

Để có chiến thắng Buôn Ma Thuột lẫy lừng, bản đồ mà gia đình ông Ngọc cung cấp là rất quan trọng và có ý nghĩa.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.