Những người vớt rác sông Tô

Những người vớt rác sông Tô
TP - Từ ngày Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long và trải qua các triều Lý - Trần - Lê, sông Tô Lịch có một sức sống mạnh mẽ, phong phú. Thế nhưng, ngày nay con sông đó nằm dài tê liệt, thoi thóp những hơi thở nặng nhọc vì sức đè của vô cùng các loại rác thải.

Theo chân những người đi vớt rác, tôi mới phần nào hiểu được sự cống hiến thầm lặng để góp phần mang lại sự trong lành cho dòng sông.  

Sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một ngày dòng sông phải nhận chở hơn 300.000 – 400.000 m3 nước thải, gồm chủ yếu là nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nước thải bệnh viện hầu như không qua xử lý mà thải trực tiếp vào hệ thống tiêu thoát nước đô thị, làm ô nhiễm nguồn nước mặt đất và nước ngầm thành phố.

Còn nhớ, những ngày đầu đi qua sông Tô tôi vẫn y nguyên cái cảm giác ngai ngái buồn nôn đến kinh sợ. Tôi không phải người Hà thành nhưng con sông Tô ngày càng đi vào lòng tôi như một lẽ tự nhiên. Nó khiến tôi phải hoài niệm và không thôi suy tư về số phận của một dòng sông thịnh vượng một thời.

Nhưng, phải đến khi được lướt thuyền trên nước sông Tô, được gần gũi về mặt địa lý, khoảng cách tôi mới có dịp cảm nhận hết được cái mùi đậm đặc của sông Tô đến mức độ nào.

Mỗi khi cánh quạt động cơ xuồng quay, lại sục lên mùi hôi thối ngập ngụa, hắc nồng đến nôn nao ruột gan. Không chỉ dừng lại cảm giác nơi cánh mũi, nó xộc vào mắt tôi khiến mỏi và cay xè. Đầu óc tôi choáng váng như sắp lả đi vì kiệt sức.

Rác rưởi con người tống xuống sông Tô là tất cả những gì con người đã sử dụng. Từ bình gas, hộp xốp, hộp giấy đến bàn thờ gia tiên, thánh thần, những bao tải tú hụ rác, những cành cây, khúc gỗ lớn rồi chăn màn, quần áo, giẻ rách, cả xác động vật, thậm chí cả phân tươi. Nhất là túi nilông thì nhiều vô kể. 

Công việc “dã tràng xe cát”?

Những người vớt rác sông Tô ảnh 1
Anh Cương gỡ búi giẻ mắc kẹt trong cánh quạt chân vịt

Hàng ngày lượng rác vẫn cứ tấp xuống con sông Tô một cách vô tội vạ. Lượng rác ngày một nhiều hơn tỷ lệ thuận với sự phát triển của kinh tế đô thị. Con sông kêu cứu. Nức nở! Tắc nghẹn! Tê liệt. Đáp lại lời khẩn cầu, một số người đã giúp sông Tô nặn đi một phần đang “bưng mủ” trong bụng nó. Đó là những anh chị công nhân vớt rác trên sông Tô.

Công việc của những người sục vớt rác trên sông Tô cũng thật đặc biệt.

7giờ30 sáng, kiốt nằm trên cầu Trung Hòa - đường Láng, đội công nhân  tổ 1 đã sẵn sàng cho một ngày vớt rác trên sông Tô Lịch. Con sông Tô được chia cho hai tổ đảm nhận. Mỗi tổ 20 người.

Tổ 1 đảm nhận công việc từ đoạn sông Ngã Tư Sở đến Hoàng Quốc Việt; tổ 2 từ Ngã Tư Sở đến cuối nhà máy sơn Văn Điển. Còn nhiều nhánh sông khác do một xí nghiệp khác quản lý.

Tôi theo chân những người vớt rác tổ 1 lềnh dềnh trên sông Tô suốt buổi sáng hôm ấy. Mặc dù trời không nắng nhưng chị Dự và chị Hà đã trang bị kỹ lưỡng cho mình những găng tay, khăn bịt mặt, bịt đầu dày cộm cùng với mũ nón chu đáo. Tất nhiên không thể thiếu bộ đồ màu xanh kẻ vàng rất đặc trưng của công nhân vệ sinh môi trường. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chị Dự cười giải thích “nước sông Tô còn hại da, hại sức gấp mấy lần cái nắng nỏ ngoài trời đấy em ơi!”.

Ba chiếc xuồng đã sẵn sàng. Mỗi thuyền 3 người, riêng thuyền tôi có 4 nguời vì to hơn hai cái kia. Tiếng động cơ nổ xoành xoạch rồi rẽ đi các hướng. Thuyền chúng tôi ngược dòng hướng Hoàng Quốc Việt.

Đứng trên thuyền mới thấy hết được lượng rác thải mà sông Tô đã phải gánh chịu. Rác ngập ngụa phủ kín mặt nước, con sông sủi bọt khí như một vũng nước tù màu xanh đen thăm thẳm đến rợn người. Rác ứ đọng làm dòng chảy ngắc ngứ.

Cái sự vớt rác dưới nước thật là khó khăn. Rác vừa tung xuống sông ngay lập tức ngấm nước đen ngòm như đã ngâm dưới nước từ thuở nào nên trông rất nhơ nhớp. Hơn nữa rác đã vứt xuống nước thì trọng lượng của nó tăng lên gấp nhiều lần so với ban đầu.

Anh Cương điều khiển chiếc xuồng  thô sơ rẽ dòng nước đi đến chỗ nhiều rác nhất, chị Dự cầm chiếc gậy ba răng cào bằng sắt vươn người ra dập cào vào những vị trí nhiều rác rồi khom người kéo về thuyền. Chị Hà nhanh tay vung tấm lưới sắt ra vớt lấy tất thảy những rác thải có thể và đắp lên thuyền. Mới trục vớt được khoảng 6m sông thôi mà chiếc thuyền vốn bé so với 4 người nay càng bé hơn bởi lượng rác thải cứ chất cao dần.

Chân nhúng trong rác và nước sông Tô đen quánh, người ngồi lẫn với những thứ bẩn thỉu nhất trần đời. Mặc dù tôi không tham gia vào công việc vớt rác nhưng phút chốc từ đầu đến chân đã ngấm màu, ngấm mùi sông Tô. Ở đây không có ranh giới giữa người và rác. Mỗi lần chị Hà lia gậy rác đắp lên thuyền là tôi và anh Cương lãnh đủ nước và bùn sông Tô vấy lên quần áo, đầu tóc.

“Đô đốc sông” và cuộc chiến với rác

Những người vớt rác sông Tô ảnh 2
Ăm ắp  rác

Mặc dù ngày nào cũng vớt rác cật lực nhưng rác vẫn cứ nhiều như chưa được vớt bao giờ. Anh Cương ngao ngán phân bua: “Chỉ một đoạn ngày hôm qua không vớt thì ngày hôm sau ngập, ngộn như một biển rác”.

“7 cây số”. Tiếng anh Tiến hò hét trên bờ. Anh là đội trưởng quản lý tổ 1. “Giám sát viên đấy”. Anh Cương kể về người đội trưởng với niềm mến yêu không giấu giếm trên khuôn mặt. Chỗ nào cần làm ngay thì anh Tiến gọi điện đến để vớt.

Anh Tiến được anh chị em trong đội gọi bằng một cái tên thân thương là “đô đốc sông”. Lời nói của anh có thể khuyên giải được những hành động vứt rác bừa bãi hàng ngày vẫn diễn ra xung quanh con sông Tô này.

Anh Cương giới thiệu “đó là con người đa năng trên sông vừa vớt rác vừa chèo thuyền lại có thể cắt cỏ”. Anh Tiến còn xin thêm công việc giúp anh chị em trong đội kiếm thêm thu nhập ngoài đồng lương công nhân vệ sinh môi trường vốn ít ỏi. Chị Dự nãy giờ vẫn hì hụi xoài người ra chiến đấu với giặc rác giờ mới lên tiếng: “Thế nên hơn 30 tuổi rồi mà anh Cương vẫn phòng không đơn chiếc”.

Giọng anh Cương chùng xuống “thì làm được đồng nào ăn đồng đấy, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Thế nhưng mình không làm thì ai làm!”.

Điện thoại lại réo vang “Lại lên Cầu Giấy à, em làm chỗ này xong đã. Thượng hay hạ, bờ phải bờ trái. Ở dưới này như biển. Không xuống đấy được đâu. Ăn trọn đống này đã”.

Thuyền dừng lại giữa dòng nghỉ một lát. Chị Dự và chị Hà kéo nhẹ tấm khăn xuống lộ ra nụ cười tươi rói. Giờ mới có dịp nhìn rõ, ai cũng có một nước da như nhau xanh xanh và xám xạm. Và tôi không thể không ám ảnh bởi những bàn tay nhăn nheo, đỏ lên rừng rực của các chị.

Sức nặng của rác thải ngấm trĩu nước khiến các chị phải oằn người, ghì tay để trục và vớt rác. Trung bình một ngày vớt 8 thuyền rác đầy ụ. Công việc buổi sáng bắt đầu lúc 7 giờ 30 đến 12 giờ; buổi chiều từ 2 giờ đến 5 giờ. Làm việc cả thứ 7 và Chủ nhật.

Chưa kể những ngày nước cạn công việc vớt rác còn khó nhọc hơn nữa. Những ngày như thế buộc phải dùng thuyền thô chống bùn đi vớt rác.

Công việc điều khiển thuyền trên sông Tô cũng không hề đơn giản. Cứ đi được vài mét sông thuyền lại phải dừng lại vì rác và giẻ rách dưới lòng sông quấn chặt lấy cánh quạt động cơ. Mỗi lần nghe tiếng “phựt” của máy, nhanh như một phản xạ anh Cương dùng bàn tay trần lật cổ máy lên và lần giở các loại rác ra khỏi cánh quạt một cách khó nhọc. Những ngón tay lem luốc nước và bùn sông Tô cứ thoăn thoắt vật lộn với bọn giặc rác cứng đầu nhất, cứ như nước sông Tô là bầu bạn riêng của anh và nó vô hại đối với anh!

Nhìn anh hì hục “chiến đấu” với lũ rác khiến nơi sống mũi tôi cay cay, cảm phục những người như anh Cương, chị Dự, chị Hà. Hàng ngày sống với con sông Tô này nên họ cũng như quên mất những hiểm họa từ nó mà chỉ chăm lo dọn dẹp cho nó sạch hơn như lo cho một cô gái yếu đuối, bạc phận. Hình ảnh bàn tay trần nhúng nước sông Tô như nhúng vào một chậu nước sạch khiến lòng tôi day dứt mãi.

Một buổi đi theo thuyền vớt rác khiến tôi ốm liệt giường hơn tuần, trong người như có luồng khí độc bủa vây, càng khiến tôi cảm động hơn vì sự hy sinh, chịu khó của những người vớt rác trên sông Tô Lịch. Trong khi điều kiện lao động của các anh chị còn chưa được coi trọng, công cụ thô sơ, người lẫn vào rác.

Ban ngày con người vẫn ném rác xuống lòng sông. Nhưng phải đến nhập nhoạng tối mới là giờ cao điểm. Lũ lượt nhà nhà xách từng bịch rác ung dung quẳng thẳng xuống sông, xa hơn thì sắm xe chở từng đống rác đổ trực tiếp xuống sông Tô. Ngay cả những vật liệu xây dựng, khúc gỗ to, bao tải đầy ứ cũng trở thành rác của con sông Tô tội nghiệp.

Anh Cương vẫn gọi vui rác là giặc là quân thù. “Phải chiến thắng lũ giặc rác để thế giới không chỉ nhắc đến sông Seine (Pháp), Thames (Anh) - những con sông nổi tiếng chảy qua các thủ đô - mà còn nhắc về sông Tô Lịch - Hà Nội như một cảnh quan mang đậm dấu ấn dân tộc Việt”.      

MỚI - NÓNG